Bài 5: Chấm dứt tình trạng “cha chung” trong quản lý sông ngòi - Ảnh 1

Ông Nguyễn Minh Khuyến – Phó Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đã có những trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị liên quan đến những bất cập trong công tác quản lý sông ngòi cũng như giải pháp để bảo vệ, giải cứu các dòng sông đang bị ô nhiễm ở nước ta.

Bài 5: Chấm dứt tình trạng “cha chung” trong quản lý sông ngòi - Ảnh 2

Thưa ông, tình trạng lấn bờ bãi sông làm cản trở dòng chảy, giảm khả năng tiêu thoát nước của sông tại nhiều địa phương trên cả nước, đặc biệt tại các dòng sông như Đáy, Nhuệ, Hồng đã và đang diễn ra trong nhiều năm qua. Theo ông, đâu là nguyên nhân cốt lõi dẫn đến thực trạng này?

 - Thời gian qua, công tác quản lý, bảo vệ lòng, bờ, bãi sông đã có nhiều biến chuyển góp phần đảm bảo an ninh nguồn nước, tuy nhiên, nhiều địa phương tình trạng sạt, lở bờ, bãi sông vẫn đang diễn ra nhiều nơi. Nguyên nhân đầu tiên cần nhắc đến hiện nay một dòng sông có nhiều cơ quan, ban ngành quản lý. Trách nhiệm quản lý nguồn nước hiện thuộc về Bộ TN&MT nhưng lại có sự liên quan tới nhiều bộ khác như Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (thủy lợi), Bộ Công Thương (thủy điện), Giao thông Vận tải (đường thủy) dẫn đến chồng chéo trong quá trình thực thi. Bên cạnh đó, việc nhiều bộ, ngành, địa phương cùng quản lý một đối tượng hoặc không rõ trách nhiệm trong quản lý công trình khai thác, sử dụng nước và quản lý tài nguyên nước nên vấn đề đối với dòng sông thì không rõ trách nhiệm chính thuộc cơ quan nào.

Bài 5: Chấm dứt tình trạng “cha chung” trong quản lý sông ngòi - Ảnh 3

Nguyên nhân thứ hai là nhận thức của cộng đồng, người dân trong việc bảo vệ các dòng sông, bảo vệ nguồn nước chưa cao. Nhiều người quan niệm, sông là nơi chứa đổ nước thải, chất thải mà chưa ý thức được dòng sông là nơi cung cấp nguồn nước, tiêu thoát lũ, duy trì hệ sinh thái, cảnh quan và sinh kế cũng như các giá trị văn hóa, lịch sử.

Áp lực phát triển kinh tế - xã hội cũng là nguyên nhân dẫn đến phạm vi hành lang bảo vệ phòng, chống sạt, lở bờ, bãi sông bị xâm phạm, lấn chiếm làm chỗ ở, chỗ tập kết vật liệu, xây dựng đô thị ven sông. Ngoài ra cũng phải thừa nhận chúng ta chưa tận dụng tối đa các cơ hội quốc tế, nhất là sự hỗ trợ của các quốc gia đã thành công trong việc phục hồi các dòng sông.

Bài 5: Chấm dứt tình trạng “cha chung” trong quản lý sông ngòi - Ảnh 4

Hiện nay, hệ thống pháp luật, bao gồm Luật Tài nguyên nước đã có những chế tài xử lý vi phạm. Vậy theo ông vì sao tình trạng ô nhiễm và xâm lấn bờ bãi sông vẫn chưa được kiểm soát triệt để? Liệu có lỗ hổng nào trong việc thực thi pháp luật hay không?

- Như đã nêu ở trên, 1 trong các nguyên nhân chính của việc chưa kiểm soát được triệt để tính trạng ô nhiễm, sạt, lở lòng, bờ, bãi sông là do một dòng sông có nhiều cơ quan quản lý, do đó, pháp luật về tài nguyên nước chỉ quản lý, điều chỉnh các hành vi của các tổ chức cá nhân nhằm phục hồi các dòng sông bị suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm nhưng phải đảm bảo yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Chế tài xử lý vi phạm chỉ là môt trong nhiều biện pháp quản lý. Để xử lý tình trạng tình trạng ô nhiễm và xâm lấn bờ bãi sông cần tập trung xử lý các nguyên nhân gây ra, trong đó cần tập trung thực hiện hoàn thiện cơ chế, chính sách quản lý tổng hợp thống nhất về dòng sông, tài nguyên nước, một đối tượng chỉ do một cơ quan quản lý.

Luật Tài nguyên nước 2023 đã bổ sung các quy định nhằm quản lý thống nhất về tài nguyên nước, hoàn thiện cơ chế ưu đãi thu hút nguồn lực trong phục hồi, bảo vệ các dòng sông. Thứ hai là cần tuyên truyền phổ biến nâng cao nhận thức cộng đồng trong việc bảo vệ dòng sông, tài nguyên nước, nhất là việc tuyên truyền trong những ngày Nước thế giới (22/3 hàng măm) và Ngày Quốc tế hành động vì các dòng sông (14/3 hàng năm). Ngoài ra, cần quản lý được hoạt động lấn chiếm lòng bờ bãi sông, xả nước thải chưa đạt quy chuẩn vào các dòng sông thông qua việc tăng cường giám sát, tổ chức thực hiện quy hoạch,…trên nền tảng công nghệ số cũng như tận dụng các nguồn lực quốc tế và xã hội hóa.

Bài 5: Chấm dứt tình trạng “cha chung” trong quản lý sông ngòi - Ảnh 5

Trong bối cảnh một số quốc gia như Hàn Quốc hay Singapore đã có mô hình cải tạo và bảo vệ sông ngòi thành công, ông đánh giá Việt Nam có thể học hỏi gì từ những kinh nghiệm quốc tế này để hồi sinh các dòng sông?

- Mục tiêu Phát triển bền vững SDG 6 và Quyết định số 136/NQ-CP ngày 25/9/2020 của Chính phủ về phát triển bền vững đã có cụ thể về quản lý tài nguyên nước bền vững và hệ thống vệ sinh. Việt Nam cũng như các quốc gia đang phát triển tiếp tục đóng góp tích cực, trách nhiệm cùng cộng đồng quốc tế trong lĩnh vực phát triển bền vững.

Bài 5: Chấm dứt tình trạng “cha chung” trong quản lý sông ngòi - Ảnh 6

Về việc học hỏi kinh nghiệm quốc tế, Việt Nam cũng đã nghiên cứu thực tế mô hình quản lý tài nguyên nước của các nước, nghiên cứu quy định, chính sách liên quan đến phục hồi dòng sông cũng đang được nước ta thực hiện trong thời gian qua.

Những điều học hỏi được từ các mô hình tiên tiến ở nước bạn đã được cụ thể hóa trong các văn bản quy phạm pháp luật về tài nguyên nước đã ban hành như Luật Tài nguyên nước năm 2023; Nghị định số 53/2024/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tài nguyên nước và Nghị định số 54/2024/NĐ-CP quy định việc hành nghề khoan nước dưới đất, kê khai, đăng ký, cấp phép, dịch vụ tài nguyên nước và tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước.

Ngoài ra còn có Thông tư số 03/2024/TT-BTNMT quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tài nguyên nước; Thông tư số 04/2024/TT-BTNMT quy định việc kiểm tra việc chấp hành pháp luật về tài nguyên nước và thẩm định, nghiệm thu kết quả hoạt động điều tra cơ bản tài nguyên nước và Thông tư số 05/2024/TTBTNMT quy định việc di chuyển, thay đổi vị trí, giải thể trạm quan trắc tài nguyên nước dưới đất của Bộ TN&MT.

Đến nay, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về tài nguyên nước mới đã được hoàn thiện đúng tiến độ, chất lượng. Đây là một trong những hệ thống pháp luật chuyên ngành được triển khai xây dựng, hoàn thiện một cách đồng bộ, bảo đảm thể chế hóa quan điểm, chủ trương, chính sách mới của Đảng.

Bài 5: Chấm dứt tình trạng “cha chung” trong quản lý sông ngòi - Ảnh 7

Ông có thể chia sẻ những định hướng, mục tiêu cụ thể của Cục Tài nguyên nước trong thời gian tới để bảo vệ các dòng sông, đặc biệt là việc xử lý tình trạng lấn bờ bãi sông làm cản trở dòng chảy, giảm khả năng tiêu thoát nước của sông tại Việt Nam?

- Từ năm 2025, lĩnh vực Tài nguyên nước cần tổ chức, triển khai rất nhiều nhiệm vụ được giao trong luật. Ngoài việc thường xuyên tập huấn, hướng dẫn các địa phương triển khai luật, Cục Tài nguyên nước còn cần tập trung một số nội dung lớn, quan trọng, trọng tâm như tổ chức xây dựng, quản lý, vận hành, duy trì Hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu tài nguyên nước quốc gia; tổ chức lập danh mục nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm cần phục hồi; xây dựng chương trình cấp quốc gia về phục hồi các nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; tổ chức xây dựng, quản lý, vận hành hệ thống công cụ hỗ trợ ra quyết định theo thời gian thực nhằm đưa ra những phương án phục vụ chỉ đạo điều hòa, phân phối tài nguyên nước thông qua việc điều tiết chế độ vận hành các đập, hồ chứa, công trình khai thác nước và điều phối hoạt động khai thác, sử dụng nguồn nước trên tất cả lưu vực sông.

Bên cạnh đó, hàng năm, Cục Tài nguyên nước cũng chủ trì, phối hợp với Bộ TN&MT, cơ quan ngang bộ, UBND cấp tỉnh, tổ chức lưu vực sông và tổ chức khác có liên quan xây dựng và công bố Kịch bản nguồn nước trên lưu vực sông thuộc danh mục lưu vực sông liên tỉnh phải lập quy hoạch tổng hợp lưu vực sông liên tỉnh; xây dựng, tổ chức thực hiện phương án điều hòa, phân phối tài nguyên nước, trong đó có tổ chức thực hiện các biện pháp phòng, chống xâm nhập mặn; hoàn thành việc lập, trình ban hành và triển khai tổ chức thực hiện tốt quy hoạch tài nguyên nước quốc gia và các quy hoạch tổng hợp lưu vực sông liên tỉnh… Đây là những nhiệm vụ trọng tâm mà Cục Tài nguyên nước sẽ tập trung triển khai trong thời gian tới để đưa luật vào cuộc sống, hướng tới mục tiêu bảo vệ các dòng sông nói riêng và bảo vệ nguồn tài nguyên nước nói chung.

Xin cảm ơn ông!

Bài 5: Chấm dứt tình trạng “cha chung” trong quản lý sông ngòi - Ảnh 8

06:00 31/12/2024