Chúng ta có thể học tập kinh nghiệm để áp dụng cho quản lý và thiết kế vỉa hè tại một số TP lớn, song thực tiễn cũng cần có sự linh hoạt, sáng tạo mới mang lại hiệu quả.
Quản lý bằng các chương trình, dự án cụ thể
Singapore gần đây đã được tuyên bố là TP đứng tốp đầu thế giới trong việc đa dạng hóa các ý tưởng thiết kế hè phố, xuất phát từ việc họ đã lập các chương trình, kế hoạch và tổ chức thực hiện tốt các biện pháp đồng bộ.
Chính quyền đã hiện thực hóa bằng các chương trình, kế hoạch cụ thể đối với hè phố, như “không gian chung được chia sẻ”; nơi “tạo cơ hội cho cư dân gặp gỡ”, hoặc địa điểm tổ chức “các hoạt động xã hội không thường xuyên”.
Năm 2018, họ đã hoàn thành 200km đường đi bộ có mái che do Chính phủ phát động. Họ vạch ra ranh giới di chuyển giữa làn đường giao thông và thương mại ven đường và kiểm kê các tình huống giữa người đi bộ và cây cối và xác định các giải pháp rõ ràng cho chúng, chẳng hạn như mở rộng hè phố vào đường phố, với chi phí là chỗ đậu xe.
Đối với những vị trí có cây lâu năm trên hè phố, họ vận dụng khéo léo để vừa trở thành “Điểm đỗ xe taxi” và vừa có giải pháp để “Bổ cập nguồn nước tự nhiên cho cây lâu năm” và mở rộng hè phố vào đường phố tại một số vị trí, với các chi phí (DN chi trả) chính là chỗ đậu xe taxi đó.
Cơ quan tái phát triển đô thị Singapore (URA) đã ban hành các “Chi tiết hướng dẫn” và “Hướng dẫn thực hành - Đường dành cho người đi bộ” giúp ngăn chặn các DN và người dân sử dụng hè phố cho mục đích cá nhân.
Tất cả đề xuất liên quan đến việc sử dụng hè phố, lát lại các lối đi bộ đều phải được Phòng Kiểm soát phát triển của URA phê duyệt như một phần của quy trình Đăng ký phát triển.
Tại Seoul (Hàn Quốc), trong khoảng thời gian từ 2007 đến 2011, các dự án “Thiết kế đường phố Seoul” và “Phố phục hưng” thống nhất thiết kế các công trình công cộng trên đường phố và cải thiện hè phố của các lối đi.
Tháng 4/2012, chính quyền đã công bố “Mười quy ước dành cho hè phố ở Seoul” để giảm bớt sự bất tiện cho người đi bộ. Theo các quy ước này, nhiều dự án khác nhau đã được thực hiện, bao gồm “Dự án xây dựng hè phố dưới tên thật”, bao gồm việc ghi tên nhà thầu trên hè phố, “Chính sách một lần đình chỉ”, nhằm hạn chế công ty xây dựng kém chất lượng tham gia đấu thầu và sáng kiến “Đảm bảo lối đi tạm thời cho người đi bộ” nhằm cải thiện môi trường cho người đi bộ xung quanh các công trường xây dựng.
Chúng ta có thể học tập kinh nghiệm của nhiều quốc gia để áp dụng cho quản lý và thiết kế vỉa hè tại một số TP lớn, song thực tiễn cần rút ra 4 bài học về quản lý.
Một là, không có một hình mẫu chung cho quản lý và sử dụng hè phố; thiết kế hè phố (ngầm và nổi) cần gắn với tổ chức thực hiện đồng bộ để có thể từng bước đi vào đời sống.
Hai là, quy hoạch và thiết kế hè phố phải có tính kế thừa và ổn định mục tiêu quản lý tạo thuận lợi cho người đi bộ, coi đó là sự cam kết của chính quyền đối với người dân và nhà đầu tư nhưng phương pháp thực hiện cần linh hoạt và dựa trên các dữ liệu thực chứng.
Ba là, công cụ quản lý của Nhà nước áp đặt mục tiêu cốt lõi (sử dụng cho mục đích giao thông và tạo thuận lợi cho người đi bộ) nhưng đồng thời cũng dành chỗ cho sự sáng tạo thiết kế, vượt qua giới hạn quản lý của ngành giao thông vận tải hay ngành xây dựng.
Bốn là, cần có sự phối hợp thường xuyên, chặt chẽ của nhiều cơ quan quản lý theo hướng chia sẻ, đa dạng hóa trong quản lý các nguồn lực thực hiện.
Một số đề xuất
Trong bối cảnh hiện nay, để công tác quản lý và sử dụng vỉa hè mang lại hiệu quả, trước hết quy định pháp luật về quản lý hè phố cần bổ sung, đề cập đầy đủ đến “người đi bộ” và “đường dành cho người đi bộ”.
Bổ sung các yếu tố về quy hoạch, thiết kế và quản lý sử dụng hè phố để bao quát đầy đủ các mối quan hệ về quản lý Nhà nước, lấy người sử dụng hè phố làm trung tâm.
Quy chuẩn, tiêu chuẩn, hướng dẫn về quy hoạch và thiết kế hè phố (ngầm, nổi) trong phạm vi giao thông đường bộ; thiết kế mẫu hè phố (tại khu vực đô thị và nông thôn) và quản lý chất lượng công trình xây dựng hè phố, chi tiết hướng dẫn và hướng dẫn thực hành - đường dành cho người đi bộ và các khía cạnh quản lý khác đối với hè phố như: thiết kế đô thị; kiến trúc cảnh quan; không gian phục vụ du lịch và phát triển kinh tế; môi trường sống và sự hài hòa; không gian công cộng và sự chia sẻ để bảo đảm gắn kết cộng đồng mọi người sử dụng hè phố,… cần gắn với trách nhiệm của các cấp ngành quản lý.
Quản lý hè phố bắt đầu bằng việc lập kế hoạch chi tiết để bảo đảm phù hợp về lưu lượng và thời gian sử dụng hợp lý (của người sử dụng hè phố) về các hoạt động, các sự kiện và lịch trình trên các con phố khác nhau. Điều này bao gồm việc xác định rõ các chức năng chính của các tuyến phố, hè phố; các hoạt động đáng chú ý, quy mô đám đông, thời gian và địa điểm; tổ chức các cuộc họp và gặp gỡ với các bên liên quan (như các cơ quan chức năng, cộng đồng địa phương và các DN) để bàn bạc, phối hợp và thống nhất trong chia sẻ, quản lý không gian hè phố.
Xây dựng và ban hành cơ chế cho phép đa dạng hóa các ý tưởng về thiết kế và sử dụng hè phố, cho phép nhiều chuyển đổi có thể được xảy ra trên hè phố theo vị trí, quy mô và thời gian thay vì những vật liệu bề mặt và công năng xơ cứng, đồng nhất đối với hè phố.
Đối với địa bàn Hà Nội, chính quyền TP cần bổ sung các hướng dẫn kịp thời về quản lý hè phố trong giai đoạn phát triển mới. Bổ sung cơ chế cho phép các thiết kế mẫu hè phố và quản lý chất lượng công trình xây dựng (hè phố) gắn với uy tín của các nhà thầu.
Ngành quy hoạch - kiến trúc cần bổ sung các văn bản hướng dẫn thực hành về đường dành cho người đi bộ và các khía cạnh quản lý khác đối với hè phố (thiết kế đô thị; kiến trúc; du lịch và phát triển kinh tế; môi trường sống và sự hài hòa; không gian công cộng và sự chia sẻ, gắn kết cộng đồng trên nền tảng minh bạch về quyền và nghĩa vụ của mọi người sử dụng hè phố).
Khuyến khích quy hoạch, thiết kế thêm nhiều hè phố xanh, thân thiện với môi trường, sử dụng vật liệu truyền thống, hạn chế tối đa bê tông hóa hè phố.
Các tuyến đường dành cho người đi bộ, hè phố nên lát gạch lỗ kích thước nhỏ, gạch vật liệu thấm để giúp tiêu thoát nước đô thị, tốt cho cây trồng và bổ cập nước ngầm tầng nông. Có giải pháp hè phố hợp lý hơn tại vị trí quanh gốc cây lâu năm và cây rễ chùm.
Bên cạnh đó, UBND các quận, huyện cần rà soát, phân loại các tuyến phố và hè phố theo các đặc thù của từng hè phố khác nhau từ nhiều yếu tố, bao gồm: địa lý, văn hóa, lịch sử, dân cư, các yếu tố khác…; xác định rõ các lợi ích trước mắt và lâu dài vì sức khỏe của cộng đồng và các tác động quản lý để bảo đảm sự công bằng đối với mọi người sử dụng hè phố.
Cần áp dụng các giải pháp quản lý, lấy người sử dụng hè phố làm trung tâm và khuyến khích sự tham gia quản lý của cộng đồng, nhất là nên triển khai thí điểm tại một số khu vực để rút kinh nghiệm trước khi nhân rộng.