Nan giải quản lý chất thải nhựa trong cơ sở y tế

Bài cuối: Cần áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn

PGS.TS Nguyễn Huy Nga
Chia sẻ Zalo

Việc giảm thiểu chất thải nhựa đã được Bộ Y tế chỉ đạo triển khai sâu rộng tới tất cả các cơ quan, đơn vị trong ngành trên toàn quốc.

Tuy nhiên, trên thực tế, việc quản lý chất thải nhựa tại các bệnh viện còn đang lúng túng vì thiếu các tài liệu hướng dẫn, chương trình đào tạo, cũng như mô hình thích hợp để áp dụng.

Gánh nặng về chi phí

Theo tìm hiểu, nhiều nhân viên y tế hiện vẫn chưa nắm vững các nguyên tắc phân loại chất thải nhựa thành các chất thải tái chế hoặc chất thải lây nhiễm. Một số bệnh viện thiếu các quy định về mua sắm xanh, thu gom, xử lý chất thải nhựa. Ngoài ra còn có những vi phạm quy định như thu gom, vận chuyển bất hợp pháp chất thải lây nhiễm ra các làng nghề để tái chế thành các dụng cụ đựng thực phẩm gây bức xúc dư luận.

Từ đó đặt ra yêu cầu cần có sáng kiến mô hình can thiệp toàn diện, vừa giúp công tác quản lý chất thải rắn y tế được thực hiện bài bản và an toàn, vừa mang lại lợi ích kinh tế, bảo đảm thực hiện “Cơ sở y tế xanh - sạch - đẹp” theo quy định của Bộ Y tế (trong đó quản lý tốt chất thải rắn là một tiêu chí quan trọng. Qua đó, đáp ứng tiêu chí thi đua của bệnh viện, nâng cao chất lượng dịch vụ để thu hút người bệnh nhưng vẫn góp phần bảo vệ môi trường.

Hiện nay, đa số các bệnh viện thuê đơn vị môi trường bên ngoài xử lý chất thải rắn y tế bao gồm chất thải nhựa và phương pháp xử lý chính là mang đi đốt - phương pháp xử lý nhựa độc hại nhất, hoặc chôn lấp. Chi phí cho việc thuê xử lý này cũng là một gánh nặng khá lớn với các bệnh viện, thậm chí lớn hơn nhiều lần khi chất thải là chất thải lây nhiễm.

Trong khi nếu áp dụng cách tiếp cận của Bộ TN&MT, coi rác thải là nguồn tài nguyên, quản lý chất thải rắn phải đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế tuần hoàn”, coi chất thải nhựa lây nhiễm là một nguồn nguyên liệu tái chế sau khi áp dụng các biện pháp tiệt trùng, loại bỏ yếu tố lây nhiễm, thì gánh nặng này sẽ giảm đi rất nhiều, thậm chí có thể tạo nguồn thu cho bệnh viện.

Chẳng hạn, chi phí trung bình để xử lý 1kg chất thải y tế nguy hại bằng phương pháp đốt hoặc chôn lấp là 15.000 đồng. Trong khi đó, 1kg chất thải sau xử lý trở thành chất thải thông thường và thuê công ty môi trường đô thị đem tiêu hủy thì chi phí xử lý chất thải giảm 12.336 đồng. Nếu lượng chất thải trên được xử lý đạt QCVN 55 và được bán như chất thải tái chế với 5.000 đồng/kg thì lợi nhuận có thể là 17.336 đồng/kg chất thải.

Sáng kiến mô hình kinh tế tuần hoàn

Kinh tế tuần hoàn về quản lý chất thải nhựa y tế là một mô hình giảm thiểu chất thải nhựa trong hoạt động y tế bằng các biện pháp can thiệp vào toàn bộ chu trình phát sinh và thải bỏ chất thải nhựa y tế từ khâu sản xuất, mua sắm, sử dụng, thải bỏ, xử lý, tái chế. Mục đích chính của các hoạt động này là giảm thiểu tối đa các chất thải nhựa trong cơ sở y tế có nguy cơ rơi vào môi trường sống trên trái đất.

Việc thực hiện mô hình đòi hỏi cách tiếp cận tập thể của nhiều thành tố bao gồm các cơ quan quản lý Nhà nước liên quan, nhà sản xuất phân phối, công đoạn mua sắm của đơn vị tiêu dùng, bản thân những người tham gia vào quá trình sử dụng, các biện pháp xử lý và cuối cùng là đơn vị tái chế chất thải nhựa thành sản phẩm hữu ích.

Mô hình này được xem là ưu việt khi tối đa hóa được vòng đời của sản phẩm nhựa, làm tăng lợi ích kinh tế lại bảo vệ môi trường. Trên thế giới, mô hình kinh tế tuần hoàn trong quản lý chất thải nhựa y tế đã được áp dụng ở một số nước trên thế giới như Anh, Iceland, Đan Mạch, Trung Quốc và Philippines.

Tại Việt Nam, mặc dù mô hình này đã và đang được áp dụng trong việc quản lý chất thải của nhiều lĩnh vực, ngành nghề khác nhau và cho thấy những hiệu quả đáng ghi nhận, như nông - lâm - ngư nghiệp, khai khoáng, công nghiệp chế biến - chế tạo, xây dựng… nhưng tới nay vẫn chưa có mô hình kinh tế tuần hoàn được áp dụng trong y tế, đặc biệt là quản lý chất nhựa trong y tế.

Đi tiên phong lĩnh vực này ở Việt Nam là sáng kiến xây dựng Mô hình kinh tế tuần hoàn trong quản lý chất thải nhựa tại các cơ sở y tế của Trung tâm Nghiên cứu và phát triển môi trường sức khỏe CHERAD. Mô hình hướng tới xây dựng một giải pháp toàn diện trong quản lý chất thải nhựa dưới tác động tập thể của nhiều bên liên quan.

Cốt lõi của sáng kiến là dựa trên các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường và trách nhiệm của các tổ chức tham gia vào vòng kinh tế tuần hoàn. Chất thải nhựa y tế sẽ được giảm thiểu từ khâu mua sắm xanh, sử dụng, phân loại, xử lý và tái chế thành nhựa nguyên liệu hoặc các sản phẩm tái chế. Việc áp dụng, nhân rộng mô hình này hy vọng sẽ mang lại những hiệu quả cao về kinh tế, xã hội và bảo vệ môi trường.

Đáng lưu ý, một sáng kiến quan trọng của mô hình do Trung tâm CHERAD đề xuất áp dụng là việc xử lý khử trùng các chất thải nhựa lây nhiễm thành chất thải có thể tái chế được như chất thải nhựa thông thường. Hiện tại, các chất thải nhựa này chiếm từ 25 - 50% chất thải nhựa bệnh viện đang được đem đi đốt gây ô nhiễm môi trường, tạo ra các chất gây ung thư và lãng phí tài nguyên.

Căn cứ trên hướng dẫn của Thông tư 20/2021/TT-BYT của Bộ Y tế về quản lý chất thải y tế trong phạm vi khuôn viên cơ sở y tế và Điều 62 của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, các chất thải lây nhiễm được khuyến khích khử trùng để đem đi tái chế. Việc khử trùng chất thải lây nhiễm có thể được thực hiện trong khuôn viên bệnh viện hoặc tại các cơ sở của công ty môi trường đô thị như URENCO 13 (Hà Nội) theo quy định trong Quy chuẩn Việt Nam QCVN 55 năm 2013 về khử trùng chất thải y tế.

Đây là một nguồn tài nguyên nhựa có chất lượng cao, quý báu được thị trường tái chế rất ưa chuộng. Và Hà Nội có thể áp dụng mô hình này cho quản lý chất thải nhựa trong toàn hệ thống cơ sở y tế.

 

Khi chất thải nhựa y tế đã được giảm thiểu tối đa, lượng chất thải phát sinh cần được tái chế triệt để tại các cơ sở tái chế đạt tiêu chuẩn bảo vệ môi trường, do cơ quan quản lý môi trường cấp phép. Các cơ sở này sẽ được kết nối với các đơn vị khám chữa bệnh để thu gom và tái chế thành những sản phẩm có thể cung cấp trở lại cho hoạt động y tế như túi đựng rác tự hủy, các loại bô nhựa đựng nước tiểu bệnh nhân, xe đẩy dụng cụ của điều dưỡng…