Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

[Nâng cấp công viên, vườn hoa đô thị - Cải thiện diện mạo đô thị]

Bài cuối: Cần một chiến lược tổng thể

Vũ Lê
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dù đã phát triển hơn một thế kỷ nhưng thực tế cho thấy, thời gian qua, việc quản lý, bảo vệ và phát triển hệ thống công viên, vườn hoa tại Hà Nội chưa tương xứng, chưa đáp ứng được yêu cầu về môi trường và cảnh quan đô thị.

Để thực hiện mục tiêu xây dựng TP xanh, văn hiến, văn minh và hiện đại, Hà Nội cần tạo chuyển biến rõ nét trong công tác tổ chức, quản lý, duy trì và phát triển hệ thống công viên, vườn hoa.

Còn chồng chéo trong quản lý

Hiện nay, hệ thống công viên, vườn hoa của Hà Nội gồm 3 loại hình chủ yếu: Công viên văn hóa tổng hợp (19 công viên, chiếm tỷ lệ khoảng 29%); công viên chuyên đề (4 công viên, chiếm tỷ lệ khoảng 6%); vườn hoa, vườn dạo (43 vườn hoa, chiếm tỷ lệ khoảng 65%). Ở các quận nội đô lịch sử, hệ thống công viên, vườn hoa được hình thành từ lâu đời, chủ yếu là vườn hoa, vườn dạo quy mô nhỏ, phục vụ nhu cầu nghỉ ngơi, thư giãn của người dân.

Công viên Hòa Bình, Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng
Công viên Hòa Bình, Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng

Bên cạnh là những không gian công cộng có giá trị trong đô thị, nhiều công viên, vườn hoa còn có giá trị về lịch sử, văn hóa, là một phần của kiến trúc đô thị. Ví dụ, vườn hoa Con Cóc với đài phun nước - một công trình kiến trúc cổ rất đặc biệt của Hà Nội, nơi đã chứng kiến sự kiện lịch sử của Nhân dân Hà Nội đứng lên cướp chính quyền tại Bắc Bộ phủ ngày 19/8/1945.

Vườn hoa Hàng Đậu là chiến hào bảo vệ Thủ đô chống thực dân Pháp xâm lược vào mùa Đông năm 1946. Để đánh dấu sự kiện này, năm 2004, tượng đài “Cảm tử cho Tổ quốc quyết sinh” đã được xây dựng và đặt tại nơi này…

Mặc dù mang trong mình những giá trị to lớn, góp phần tạo lập bản sắc đô thị Hà Nội, phục vụ lợi ích của cộng đồng, nhưng công tác tổ chức, quy hoạch, quản lý, phát triển, duy trì, bảo vệ hệ thống công viên cây xanh, vườn hoa hiện nay theo nhiều chuyên gia đánh giá vẫn còn một số vấn đề tồn tại.

Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam Trần Ngọc Chính nêu, mặc dù UBND TP Hà Nội đã ban hành Quyết định số 19/2010/QĐ-UBND về quản lý hệ thống cây xanh đô thị, công viên, vườn hoa, vườn thú trên địa bàn, nhưng hiện vẫn cho thấy việc chồng chéo trong quản lý giữa các ban, ngành và lĩnh vực liên quan cũng như việc thiếu kiểm soát các chỉ tiêu diện tích đất cây xanh, mật độ xây dựng và mật độ cây xanh theo quy chuẩn quốc gia về quy hoạch trong nhiều dự án đầu tư xây dựng công trình.

Việc quản lý hệ thống cây xanh đô thị, công viên, vườn hoa thực hiện theo phân cấp rất rõ ràng từ năm 2016. Theo đó, TP giao Sở Xây dựng quản lý, duy tu, duy trì các công viên cấp TP (Bách Thảo, Thủ Lệ, Hòa Bình, Thống Nhất, Tuổi trẻ...), UBND các quận, huyện quản lý duy tu, khai thác công viên, vườn hoa, thảm cỏ trong khu dân cư, dải phân cách trên những tuyến đường khu vực theo địa bàn hành chính do quận, huyện được giao quản lý và chủ đầu tư các dự án đầu tư xây dựng đô thị mới quản lý quỹ đất cây xanh trong phạm vi dự án.

Thế nhưng, một thực trạng đáng buồn diện tích các công viên, mặt nước đang bị thu hẹp và bị ô nhiễm, các dịch vụ và tiện ích còn chưa phong phú, đa dạng, một số công viên còn bị bỏ hoang hoặc không được bảo dưỡng nâng cấp gây lãng phí (như Công viên Tuổi trẻ, Công viên Việt Hưng,...).

Đối với việc duy tu hệ thống vườn hoa, công viên, cây xanh trên địa bàn TP, hiện Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh Hà Nội là đơn vị chủ lực (trước đây có 21 công ty thực hiện). Việc giảm đầu mối quản lý, duy trì hệ thống cây xanh, công viên đã góp phần đồng bộ hóa công tác duy tu, cắt tỉa, trồng mới cây xanh, cũng như tạo thuận lợi trong việc nâng cấp, đầu tư chiều sâu cho các hoạt động quản lý công viên cây xanh.

Tuy nhiên, việc áp dụng khoa học công nghệ trong lĩnh vực công viên vườn hoa trên địa bàn còn chưa tương xứng. Công tác duy trì vườn hoa, công viên cây xanh, thảm cỏ nhiều năm nay, các hạng mục công việc vẫn chủ yếu thực hiện thủ công, máy móc cơ giới hóa được sử dụng rất hạn chế.

Huy động các nguồn lực xã hội

Trước những tồn tại, nhiều chuyên gia cho rằng, TP Hà Nội cần có một chiến lược tổng thể về quản lý, phát triển, công viên, vườn hoa và không gian công cộng để làm cơ sở hướng dẫn cho các quận, huyện trên toàn TP lập các kế hoạch chi tiết cho địa bàn mình quản lý.

Theo Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, TS Đào Ngọc Nghiêm, khu vực nội đô lịch sử do hạn chế về quỹ đất, không có nhiều điều kiện tăng thêm nên cần giữ số lượng và đảm bảo quy mô diện tích các công viên, vườn hoa hiện có, tránh bê tông hóa công viên, vườn hoa; đồng thời tập trung đầu tư chiều sâu để tăng tính hấp dẫn đối với người dân. Mặt khác, cần làm rõ lộ trình di dời các cơ sở công nghiệp, bệnh viện, trường đại học trong nội thành theo định hướng của Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030, trên cơ sở đó dành quỹ đất phù hợp sau khi di dời cho không gian xanh, trong đó ưu tiên chức năng cây xanh cho các quận như Thanh Xuân, Đống Đa.

Cùng quan điểm, KTS Đinh Đăng Hải - chuyên gia Dự án Thành phố sống tốt thuộc Tổ chức HealthBridge Canada tại Việt Nam cho rằng, để đạt được các mục tiêu về diện tích và phân bổ cây xanh và công viên trong khu vực nội thành, Hà Nội cần có chính sách ưu tiên sử dụng quỹ đất công để tạo ra nhiều công viên và không gian công cộng hơn. Các diện tích đất công có thể được sử dụng cho công viên như quỹ đất có được từ việc di dời những cơ sở công nghiệp, diện tích đất công còn lại nằm xen kẽ trong các khu dân cư cho việc phát triển vườn hoa, sân chơi.

Giám đốc Sở QH - KT Hà Nội Nguyễn Trúc Anh thông tin, TP đang đẩy mạnh các dự án xây dựng lại chung cư cũ, ngoài nhằm giải quyết vấn đề về nhà ở, đồng thời có thêm quỹ đất cho cây xanh. Đảm bảo các chỉ tiêu về cây xanh cấp đơn vị ở (khoảng 1m2/người; chiếm khoảng 8 - 10% quỹ đất khu cải tạo).

Đối với khu vực phát triển mới (khu vực nội đô mở rộng, phía Đông Vành đai 4 và phía Bắc sông Hồng) phát triển theo chiều rộng, nhiều chuyên gia cho rằng, TP nên tăng số lượng công viên, vườn hoa, đảm bảo diện tích các loại công viên theo tiêu chuẩn và tăng cường các loại hình công viên chuyên đề.

Trong bối cảnh nguồn lực vẫn còn hạn hẹp, đồng thời thực hiện chủ trương khuyến khích xã hội hóa công tác phát triển công viên, vườn hoa, sân chơi, TP cần có những cơ chế để khuyến khích, huy động các nguồn lực xã hội khác nhau tham gia xây dựng và quản lý công viên, vườn hoa, sân chơi. Cụ thể như huy động tham gia của cộng đồng dân cư, tổ chức đoàn thể tham gia công tác quản lý các vườn hoa, sân chơi hiện hữu. Khuyến khích các nguồn lực đa dạng đầu tư, xây dựng, duy trì vườn hoa, sân chơi và đặc biệt là sáng kiến xây dựng sân chơi sáng tạo, giá rẻ với sự tham gia của cộng đồng.

 

"Hà Nội cần thay đổi cách quản lý hệ thống công viên hiện nay theo hướng công viên mở để mọi người dân đều có quyền tiếp cận mà không phải trả tiền phí vào cổng. Đây là xu hướng nhiều nước trên thế giới đã thực hiện. Tuy nhiên, thay đổi cách quản lý không đồng nghĩa với thay đổi diện mạo, phá bỏ hàng rào. Những công viên lớn cấp TP như Công viên Thống Nhất đặt ra vấn đề xóa bỏ hàng rào là không nên, làm như thế sẽ ảnh hưởng đến giao thông, trật tự an ninh, an sinh xã hội, đặt biệt tệ nạn xã hội rất dễ phát sinh." - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, TS Đào Ngọc Nghiêm