Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

"Chất Hà Nội" - làm giàu bản sắc văn hóa Kinh kỳ

Bài cuối: “Chất Hà Nội”, dòng mạch nguồn chảy mãi

Tùng Nguyễn (thực hiện)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - “Chất” Hà Nội tạo nên văn hóa Hà Nội, và đó chính là nền tảng vững chắc, là động lực cho sự phát triển bền vững của Thủ đô.

TS Nguyễn Viết Chức, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội, đã nhấn mạnh như trên khi trao đổi với Báo Kinh tế & Đô thị xung quanh câu chuyện xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh.

TS Nguyễn Viết Chức - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội.
TS Nguyễn Viết Chức - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội.

Nét thanh lịch “mỗi thời mỗi khác”

Không ít ý kiến cho rằng, “chất Hà Nội” hiện nay đang bị “pha loãng”. Ông nhìn nhận thế nào về nhận định này?

- Văn hóa Hà Nội là sự hội tụ tinh hoa bốn phương. Trong quá khứ, người dân tứ xứ khi đến Hà Nội phải qua một màng lọc, phải thay đổi, chỉ giữ lại những phẩm chất tốt nhất, tinh túy nhất, phù hợp nhất với văn hóa Thăng Long - Hà Nội. Tất cả hun đúc lên phẩm chất thanh lịch, văn minh của người Hà Nội.

Bản thân tôi luôn lạc quan “người Hà Nội chuẩn” vẫn giữ được phong thái thanh lịch, văn minh, chứ không hề bị phai nhạt. Tuy nhiên, như người ta thường nói, không có gì “nhất thành bất biến”. “Chất Hà Nội” hiện nay cũng bị ảnh hưởng, tác động. Nhưng nếu nói nguyên nhân đến từ sự du nhập văn hóa cùng lối sống vùng miền là chưa đầy đủ, thiếu chính xác và không công bằng.

 

Các luồng cư dân từ tỉnh ngoài vào lập nghiệp dù có cố giữ các nét văn hóa của quê hương mình nhưng muốn thành đạt, thành danh đều phải “tráng một lớp men Thăng Long - Hà Nội”, tức phải gọt giũa mình, phải học, phải tiếp thu những nét tinh tế của kinh đô, Thủ đô. Nói một cách ngắn gọn, phải biết kết hợp cái đẹp, cái hay của nơi đô thị và nơi quê mùa để nâng lên một tầm mới. Đó chính là con đường sàng lọc để hội tụ và lan tỏa của văn hóa Thăng Long - Hà Nội.

PGS.TS Bùi Xuân Đính (Viện Dân tộc học)

TP Hà Nội đặc biệt quan tâm đến vấn đề xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, mà Chỉ thị số 30-CT/TU của Thành ủy ban hành mới đây là một minh chứng?

- Tôi hoàn toàn đồng tình với nhận xét trên. Trong suốt nhiều năm qua, TP Hà Nội đã quán triệt sâu sắc chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước về xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh; cụ thể hóa bằng các chương trình công tác lớn qua từng thời kỳ, như Chương trình số 06-CTr/TU của Thành ủy khoá XVII nhiệm kỳ 2021 - 2025.

Chủ trương là đúng đắn, tuy nhiên trong bối cảnh mới cần cách làm mới, bởi thực tế cho thấy đôi khi việc triển khai Chương trình số 06-CTr/TU còn chưa rõ. Việc ban hành Chỉ thị số 30-CT/TU là sự tổng kết rất nghiêm túc và nghiêm khắc của Hà Nội, thể hiện quyết tâm cao của TP trong công cuộc xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh.

Các chuẩn mực bắt nguồn từ cuộc sống. Cuộc sống hiện nay cũng đã thay đổi rất nhiều. Vậy, ông nhìn nhận thế nào về chuẩn mực mới của người Hà Nội?

- Ngày nay, khi nói về người Hà Nội, có lẽ chỉ “thanh lịch” thôi là không đủ. Trong xã hội hiện đại, phẩm cách của người Hà Nội luôn biến đổi và điều này là cần thiết để bảo đảm sự phù hợp với lối sống hiện đại. Đây là thời đại mà không phải “đi nhẹ, nói khẽ, cười duyên” mới là thanh lịch. Việc xây dựng một chuẩn mực mới cho người Hà Nội phù hợp với đời sống đương đại là điều cần bàn.

Tháp Rùa Hồ Gươm. Ảnh: Thanh Hải
Tháp Rùa Hồ Gươm. Ảnh: Thanh Hải

Trách nhiệm với một “Hà Nội bao dung”

Trong suy nghĩ của ông, người Hà Nội ở xã hội hiện nay cần có những phẩm cách gì?

- Thanh lịch, văn minh vẫn phải là giá trị cốt lõi của “người Hà Nội mới”. Nhưng cùng với đó, người Hà Nội hơn ai hết phải khỏe về thể chất; trong sáng, lành mạnh về tâm hồn; đủ năng lực thích ứng với yêu cầu, điều kiện phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn mới, với điều kiện mở cửa và hội nhập.

Người Hà Nội cũng phải có tính tiên phong, bởi Hà Nội với vai trò là đầu não có vị trí quan trọng không chỉ về văn hóa mà còn chính trị - kinh tế. Do đó người Hà Nội phải có trình độ, hiểu biết; có tính tiên phong. Tiên phong không phải bằng mong muốn, niềm tin mà phải bằng năng lực thực sự.

Với sự phát triển nhanh chóng của xã hội hiện đại, Hà Nội hiện nay vẫn giữ được nhiều nét đẹp nhưng cũng nảy sinh nhiều cái chưa đẹp. Là người Hà Nội, cần phải đi đầu trong xây dựng và lan tỏa những giá trị tốt đẹp, nhưng cũng phải tiên phong trong bài trừ, xóa bỏ thói hư, tật xấu trong xã hội hiện nay.

 

Ngày nay, chúng ta xây dựng một đất nước văn minh, một Thủ đô văn minh thì không phải chỉ lặp lại công việc của tổ tiên. Chúng ta sẽ nâng nền văn minh ấy lên bội lần. Không phải chỉ về kinh tế, về văn hóa mà cả về phẩm chất con người, về quan hệ đối xử, về phong cách giao tiếp giữa người với người, trong đó có việc nói năng, cư xử, đi đứng, làm việc, học hành…”.

Theo cuốn “Lời ăn tiếng nói của người Hà Nội”,
PGS.TS Nguyễn Kim Thản

Xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh là quá trình lâu dài, cần thực hiện thường xuyên. Ông nhìn nhận thế nào về trách nhiệm của mỗi thành phần trong xã hội?

- Nhiều người đã đề cập đến vai trò của gia đình, nhà trường và xã hội. Cá nhân tôi hoàn toàn đồng tình với vai trò rất lớn của các thành tố trên. Tuy nhiên, tôi muốn nhấn mạnh thêm yếu tố tự thân. Hà Nội đã bao dung đón nhận thì mỗi người dân khi sống ở Thăng Long - Hà Nội nghìn năm văn hiến đều phải có trách nhiệm vun đắp, kế thừa truyền thống tốt đẹp của Hà Nội, không để văn hóa Hà Nội, phẩm cách người Hà Nội bị mai một.

Công cuộc xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh nên được xem là nhiệm vụ, trách nhiệm của toàn dân. Mỗi người dân phải cảm thấy tự hào, nhận về mình trách nhiệm gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa của Thăng Long - Hà Nội.

Cùng với yếu tố tự thân, theo ông, TP Hà Nội cần chú trọng, triển khai những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm gì, để “chất Hà Nội” thực sự là nguồn lực, động lực cho sự phát triển của Thủ đô?

- Thành ủy Hà Nội đã ban hành Chỉ thị số 30-CT/TU, đây là cơ sở rất quan trọng để việc xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh đạt được những kết quả tích cực hơn nữa. Việc cần làm hiện nay là đưa Chỉ thị thấm nhuần vào cuộc sống, mà trước hết là thông qua quán triệt, tuyên truyền.

Các cơ quan chức năng, đặc biệt là cơ quan tham mưu về văn hóa, từ TP đến cơ sở cần tiếp tục tham mưu, triển khai có hiệu quả các chương trình, kế hoạch, nhất là 2 Bộ quy tắc ứng xử; thường xuyên rà soát, kiểm tra việc thực hiện ở cơ sở, tiến tới có tổng kết đánh giá để tìm ra giải pháp mới, tránh hình thức.

Các cơ quan, đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội cần tiếp tục nêu cao tinh thần trách nhiệm, phát huy điểm mạnh trên cơ sở chức năng nhiệm vụ của mình trong triển khai Chương trình số 06-CTr/TU và Chỉ thị số 30-CT/TU của Thành ủy.

Tôi cũng nhấn mạnh việc cần thiết có nghiên cứu để đặt ra một chuẩn mực mới của người Hà Nội phù hợp với điều kiện hiện nay. Có thước đo mới có thể hướng con người Hà Nội đến với những chuẩn mực giá trị mới. Việc này không dễ nhưng không có nghĩa là không làm được.
Xin cảm ơn ông!

 

Các nhà nghiên cứu, nhà quản lý phải tiến tới xây dựng cho được một hình mẫu “người Hà Nội” trong giai đoạn mới. Bên cạnh đó, cần có hành lang pháp luật định hướng lối sống và hành vi của người Hà Nội. Có như vậy mới hy vọng xây dựng được chuẩn mực người Hà Nội thanh lịch, văn minh phù hợp với bối cảnh hiện nay…

PGS.TS Hà Đình Đức