Hà Nội là thành phố ngàn năm văn hiến, thủ đô của cả nước. Chính vì vậy, việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản nói chung, di sản được UNESCO ghi danh nói riêng, không chỉ có ý nghĩa đối với riêng Hà Nội, mà còn có ý nghĩa quan trọng đối với cả nước; đóng góp quan trọng vào phát triển mạnh mẽ ngành công nghiệp văn hóa. Kinh tế & Đô thị đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội và TS Nguyễn Doãn Văn – Giám đốc Ban Quản lý di tích danh thắng Hà Nội xung quanh vấn đề này.
Là chuyên gia lâu năm trong lĩnh vực văn hóa, theo các ông, việc kiểm kê, lập hồ sơ công nhận di sản văn hóa có ý nghĩa như thế nào đối với mỗi di sản?
- PGS.TS Bùi Hoài Sơn: Việc kiểm kê và lập hồ sơ công nhận di sản văn hóa là nhiệm vụ không chỉ cần thiết để bảo tồn, phát triển văn hóa, mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng cộng đồng, phát triển kinh tế, nâng cao tầm vóc, vị thế quốc gia. Quá trình kiểm kê giúp xác định, ghi nhận và bảo vệ những giá trị văn hóa đặc sắc của di sản, từ đó có các biện pháp bảo tồn hiệu quả. Lập hồ sơ công nhận giúp di sản được chính thức ghi nhận và có cơ sở pháp lý để bảo vệ, phát huy giá trị. Tất cả nhiệm vụ này giúp cộng đồng và xã hội nhận thức rõ hơn về tầm quan trọng của di sản văn hóa, khuyến khích sự tham gia và hỗ trợ từ cộng đồng trong việc bảo vệ, duy trì di sản.
Bên cạnh đó, hồ sơ di sản là nguồn tài liệu quý báu cho việc giảng dạy và nghiên cứu. Học sinh, sinh viên, nhà nghiên cứu có thể tìm hiểu sâu hơn về các yếu tố văn hóa lịch sử, từ đó phát triển các công trình nghiên cứu khoa học, giáo dục những thế hệ trẻ về truyền thống và văn hóa của dân tộc. Trong khi đó, di sản văn hóa khi được công nhận trong và ngoài nước sẽ tạo điều kiện cho quá trình giao lưu, hợp tác văn hóa giữa các nước, giúp nâng cao vị thế của quốc gia trên trường quốc tế.
- TS Nguyễn Doãn Văn: Theo quy định của Luật Di sản văn hóa, Quy chế quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn Thủ đô thì định kỳ phải thực hiện kiểm kê di tích nhằm rà soát số lượng, phê duyệt danh mục di tích thuộc địa bàn 30 quận, huyện, thị xã phục vụ công tác quản lý Nhà nước. Đồng thời bổ sung, đánh giá, lập danh mục hệ thống di tích; xây dựng cơ sở dữ liệu, lưu trữ bảo quản thông tin, hồ sơ và văn bản pháp lý phục vụ công tác quản lý Nhà nước, nghiên cứu về di sản văn hóa của Thủ đô; từng bước giới thiệu, quảng bá, bảo vệ và phát huy các giá trị di sản văn hóa trên địa bàn TP.
Không phải chỉ những di tích đã xếp hạng mới thực hiện quy định của Luật Di sản mà các di tích trong danh mục kiểm kê đã được TP Hà Nội phê duyệt cũng phải thực hiện theo Luật và các quy định của TP như: Quyết định số 48/2016/QĐ-UBND ngày 17/11/2016 về việc ban hành Quy chế quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hoá và danh lam thắng cảnh trên địa bàn TP Hà Nội; Quyết định số 31/2021/QĐ-UBND ngày 29/12/2021 về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hoá và danh lam thắng cảnh trên địa bàn TP Hà Nội; Nghị quyết số 21/2022/NQ-HĐND ngày 12/9/2022 của HĐND TP về việc quy định phân cấp quản lý Nhà nước một số lĩnh vực kinh tế - xã hội trên địa bàn TP.
Ông đánh giá như thế nào về thực trạng bảo tồn, phát huy các giá trị di sản sau khi được công nhận là di sản văn hóa của TP Hà Nội hiện nay?
- PGS.TS Bùi Hoài Sơn: Trong thời gian vừa qua, Hà Nội nói riêng, cả nước nói chung đã có nhiều nỗ lực trong việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản đã được ghi danh. Nhà nước đã đầu tư không ít nguồn lực để tu bổ, bảo tồn các di tích lịch sử, văn hóa. Trong đó, Hà Nội luôn đi tiên phong khi TP quyết định dành hơn 14.000 tỷ đồng đầu tư tu bổ, tôn tạo 579 di tích trong giai đoạn 2021 – 2025.
Các di tích sau khi được công nhận đã trở thành điểm đến hấp dẫn, góp phần phát triển du lịch văn hóa. Các chương trình giáo dục, quảng bá trên các phương tiện truyền thông giúp nâng cao nhận thức về giá trị và ý nghĩa của di sản văn hóa. Từ sự quan tâm đó, ngày càng nhiều người dân, đặc biệt là giới trẻ, ý thức hơn về giá trị của di sản văn hóa và tham gia nhiều hoạt động bảo tồn.
Tuy nhiên, thực trạng bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa sau khi được công nhận cũng gặp không ít khó khăn, thách thức như tốc độ đô thị hóa nhanh chóng đôi khi gây ra áp lực lớn lên các di sản, nhất là di sản ở các khu đô thị, địa điểm du lịch. Bên cạnh đó, ô nhiễm không khí, tiếng ồn và biến đổi môi trường sống làm ảnh hưởng đến các di tích. Chính sách cũng chưa thỏa đáng khi di sản thì nhiều, đa dạng, phức tạp về loại hình trong khi nguồn kinh phí từ ngân sách và các nguồn tài trợ không đủ lớn để đáp ứng nhu cầu bảo tồn dài hạn; còn chồng chéo, thiếu đồng bộ, ưu đãi trong chính sách huy động nguồn lực. Việc phân bổ nguồn lực và tài chính đôi khi còn cào bằng và thiếu hiệu quả. Ngoài ra, chúng ta thiếu các chuyên gia có đủ trình độ và kinh nghiệm trong lĩnh vực bảo tồn di sản. Công nghệ bảo tồn hiện đại chưa được ứng dụng rộng rãi, dẫn đến việc tu bổ chưa đạt chất lượng cao...
- TS Nguyễn Doãn Văn: TP Hà Nội là địa phương đi đầu cả nước trong việc phân cấp, phân quyền quản lý các di tích cho các quận, huyện, thị xã. Việc phân cấp đã góp phần tăng cường quyền hạn, trách nhiệm cho cơ sở, cũng như bảo đảm sự tập trung, thống nhất và nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về di sản văn hóa thuộc địa bàn phân cấp.
Tuy nhiên, một số địa phương vẫn còn để xảy ra tình trạng bất cập trong việc quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích. Nhận thức về sự tồn tại này, ngày 11/6/2020, Ban Quản lý di tích danh thắng Hà Nội đã tham mưu UBND TP Hà Nội ban hành Văn bản số 2352/UBND-KGVX về việc khắc phục tình trạng mất cắp di vật cổ vật và tu bổ, tôn tạo sai phép, không phép trên địa bàn toàn TP; Hướng dẫn số 132/HD-SVHTT ngày 14/7/2022 của Sở Văn hóa và Thể thao về quy trình đầu tư tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử - văn hóa và danh thắng trên địa bàn TP.
Thủ đô Hà Nội được mệnh danh là “Thành phố di sản” với những trầm tích vô cùng phong phú, đa dạng. Bên cạnh đó, Hà Nội đã sở hữu nhiều danh hiệu do UNESCO vinh danh như: Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long (Di sản văn hóa thế giới); 82 bia tiến sĩ triều Lê - Mạc tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Di sản tư liệu thế giới)… Xin các ông cho biết, giải pháp để di sản văn hoá của Hà Nội sau khi được công nhận, vinh danh có thể phát huy được các giá trị, góp phần vào phát triển công nghiệp văn hoá?
- PGS.TS Bùi Hoài Sơn: Để phát huy giá trị di sản văn hóa của Hà Nội như Hoàng thành Thăng Long và Văn Miếu - Quốc Tử Giám, từ đó góp phần vào phát triển công nghiệp văn hóa, đầu tiên chúng ta cần đầu tư vào việc bảo tồn, tu bổ các di sản để bảo đảm rằng chúng vẫn giữ được nét đẹp cũng như giá trị lịch sử. Đồng thời hạ tầng du lịch như hệ thống đèn chiếu sáng, biển hướng dẫn và các tiện ích khác cũng cần được cải thiện.
Tiếp theo, Hà Nội cần tăng cường chiến lược quảng bá di sản văn hóa qua các phương tiện truyền thông, mạng xã hội và các chiến dịch marketing. TP cần tổ chức các sự kiện văn hóa, lễ hội kết hợp với các yếu tố văn hóa truyền thống tạo sức hút cho du khách. Trên cơ sở đó, chúng ta thiết kế các tour du lịch văn hóa chuyên biệt, hấp dẫn và các dịch vụ trải nghiệm để du khách có thể tương tác với di sản một cách sống động. Đồng thời, phát triển các sản phẩm và dịch vụ liên quan đến di sản như đồ lưu niệm, sản phẩm thủ công mỹ nghệ và ẩm thực truyền thống, tạo điều kiện sinh kế cho người dân từ di sản. Những gì đang diễn ra ở Văn Miếu – Quốc Tử Giám, Khu di tích Nhà tù Hỏa Lò, Hoàng thành Thăng Long hay ở một số làng nghề truyền thống đang thực hiện được một phần yêu cầu này.
Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần thực hiện tốt hơn nữa hoạt động giáo dục di sản thông qua việc tạo ra các chương trình giáo dục, truyền thông hấp dẫn để người dân và du khách hiểu rõ hơn về giá trị lịch sử, văn hóa của di sản. Đưa nội dung di sản văn hóa vào chương trình giáo dục địa phương ở các cấp học phổ thông và tổ chức các buổi học thực tế tại di tích. Ngoài ra, chúng ta cũng cần tăng cường mở rộng hợp tác với các tổ chức quốc tế để trao đổi kinh nghiệm và huy động nguồn lực cho việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản. Các giải pháp này không chỉ giúp bảo tồn và phát huy giá trị di sản mà còn đóng góp xây dựng ngành công nghiệp văn hóa mạnh mẽ, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội cho Hà Nội.
- TS Nguyễn Doãn Văn: Hà Nội được người dân trong nước và du khách nước ngoài yêu mến ví như là “Thành phố di sản” của Việt Nam với hệ thống di tích, di sản đậm đặc gần 6.000 di tích đã được kiểm kê. Trong những năm qua, ngoài việc thực hiện quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa theo quy định của Luật Di sản văn hóa và các văn bản dưới Luật, TP Hà Nội đã ban hành những văn bản chỉ đạo cụ thể. Thành ủy Hà Nội đã ban hành Chương trình số 06-CTr/TU ngày 17/3/2021 về việc phát triển văn hoá, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021 - 2025, trong đó xác định chỉ tiêu bảo tồn, phát huy giá trị di tích: “Bảo đảm hài hòa mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển; tăng cường quản lý Nhà nước, phát huy giá trị các di tích; ưu tiên đầu tư tu bổ, tôn tạo các di tích quốc gia đặc biệt, các di sản văn hóa thế giới, di tích lịch sử cách mạng kháng chiến có giá trị”.
Đồng thời, Hà Nội luôn chú trọng công tác tu bổ, tôn tạo các di sản văn hóa, các dự án trùng tu, tôn tạo di tích trong danh mục Nghị quyết số 02/2022/NQ-HĐND ngày 8/4/2022 của HĐND TP Hà Nội về việc bổ sung Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021 - 2025; Kế hoạch số 139/KH-UBND ngày 6/5/2022 của UBND TP Hà Nội về việc đầu tư xây dựng, cải tạo trường học công lập để đủ điều kiện đạt chuẩn quốc gia, nâng cấp hệ thống y tế và tu bổ, tôn tạo di tích trong giai đoạn 2022 - 2025 và các năm tiếp theo; làm tiền đề để phát triển công nghiệp văn hóa.
Để làm tốt hơn nữa công tác phát huy giá trị di tích, di sản văn hóa, các địa phương phải tập trung thu hút nguồn lực trong xã hội đầu tư phát triển hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật; khai thác tài nguyên nhân văn để phát triển các ngành công nghiệp văn hóa. Đặc biệt, phải triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 22/2/2022 về phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; bảo đảm nguyên tắc hài hòa giữa bảo tồn và phát triển, phát huy tối đa những tiềm năng, thế mạnh, giá trị văn hóa truyền thống mang bản sắc của Thủ đô ngàn năm văn hiến. Đồng thời bồi đắp và phát triển hệ giá trị văn hóa Thăng Long - Hà Nội, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, quảng bá, nâng cao vị thế, hình ảnh Thủ đô ra khu vực và thế giới.
Thưa các ông, Quốc hội vừa thông qua Luật Thủ đô (sửa đổi), trong đó có nhiều quy định mang tính đột phá, tạo cú hích lớn đối với phát triển văn hóa Hà Nội. Vậy thời gian tới, Hà Nội nên có cơ chế, chính sách như thế nào để phát huy các giá trị di sản văn hóa?
- PGS.TS Bùi Hoài Sơn: Luật Thủ đô 2024 có nhiều chính sách, quy định ưu đãi cho phát triển văn hóa Thủ đô. Cùng với Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) đã được trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, chúng ta có thêm cơ sở pháp lý cho hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa. Trong thời gian tới, theo tôi, Hà Nội vẫn cần ưu tiên xây dựng các khu vực bảo tồn đặc biệt cho các di sản có giá trị lịch sử, văn hóa quan trọng, bảo đảm chúng được bảo vệ và phát huy giá trị một cách bền vững. Sau khi UNESCO đồng ý với đề xuất của Hà Nội, Ủy ban Di sản thế giới đồng thuận với định hướng, tầm nhìn bảo tồn và phát triển di sản Hoàng thành Thăng Long, chúng ta cần nhanh chóng triển khai các hạng mục liên quan đến việc phục dựng các công trình kiến trúc, không gian ở Hoàng thành Thăng Long.
Chúng ta đang sống trong bối cảnh xã hội số, vì vậy, rất cần ứng dụng công nghệ số, xây dựng cơ sở dữ liệu số về di sản văn hóa, tạo điều kiện thuận lợi cho việc quản lý, nghiên cứu, quảng bá di sản. Đồng thời sử dụng công nghệ thực tế ảo (VR), thực tế tăng cường (AR) và các công nghệ hiện đại khác để tạo ra các trải nghiệm du lịch số hấp dẫn, giúp du khách có thể khám phá các di sản văn hóa một cách sinh động, chân thực.
Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần triển khai, cụ thể hóa những chính sách liên quan đến văn hóa trong Luật Thủ đô 2024, đặc biệt là các chính sách ưu đãi trong hợp tác công tư, quản lý sử dụng tài sản công để huy động sự quan tâm của các doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân tham gia vào hoạt động bảo tồn, khai thác, phát huy giá trị di sản văn hóa.
Những quy định về cơ chế, chính sách đặc thù này sẽ giúp Hà Nội không chỉ bảo tồn và phát huy giá trị của các di sản văn hóa một cách hiệu quả mà còn thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống của người dân và tạo ra sức hút đối với du khách trong nước cũng như quốc tế, để Hà Nội xứng đáng là trung tâm văn hóa, nơi lưu giữ và tỏa sáng những giá trị, tinh hoa văn hóa của cả nước.
- TS Nguyễn Doãn Văn: Có thể nói, việc Quốc hội vừa thông qua Luật Thủ đô (sửa đổi) là một tin vui đối với những người làm công tác văn hóa, di sản. Trong thời gian tới, Hà Nội vẫn tiếp tục triển khai các nội dung cơ bản đã được Thành ủy, HĐND, UBND TP quyết liệt tại Chương trình số 06-CTr/TU ngày 17/3/2021 của Thành ủy Hà Nội; Nghị quyết số 02/2022/NQ-HĐND ngày 8/4/2022 của HĐND TP và các Nghị quyết đã được HĐND TP quyết nghị tại các kỳ họp của HĐND TP, phát huy tối đa giá trị của các di sản văn hóa Thủ đô.
Xin trân trọng cảm ơn các chuyên gia!
Huyện Quốc Oai được mệnh danh là cái nôi của văn hóa xứ Đoài, nơi lưu giữ nhiều loại hình văn hóa phi vật thể như: hát Dô, hát ví Hàm Rồng, hát tuồng Dương Cốc, hát chèo, hát ví người Mường… Hiện trên địa bàn Quốc Oai có 3 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là: Nghệ thuật trình diễn dân gian Hát Dô xã Liệp Tuyết; Lễ hội truyền thống chùa Thầy (xã Sài Sơn) và Tập quán xã hội và tín ngưỡng Mo Mường (xã Đông Xuân); 13 nghệ nhân được Nhà nước phong tặng, trong đó có 1 Nghệ nhân Nhân dân và 12 Nghệ nhân Ưu tú.
Xác định văn hóa phi vật thể là nguồn lực to lớn, nhiều tiềm năng để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là về du lịch, huyện Quốc Oai đã xây dựng đề án, thực hiện công tác đầu tư tu bổ, tôn tạo nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa. Mặt khác, huyện cũng quan tâm, tạo điều kiện cho các địa phương phục dựng và truyền dạy nhiều loại hình di sản văn hóa phi vật thể. Nhiều câu lạc bộ đã hoạt động khởi sắc trở lại, số lượng thành viên không ngừng tăng lên…
Giải pháp của huyện là gắn việc bảo tồn văn hóa với phát triển du lịch, tạo nhiều sản phẩm du lịch đặc trưng, thu hút nhiều hơn nữa khách tham quan tới các di tích lịch sử - văn hóa. Bên cạnh đó, huyện đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và phát huy tính tích cực của hệ thống thông tin đại chúng, mạng xã hội trong công tác tuyên truyền, lan tỏa các giá trị di sản văn hóa phi vật thể.
Tuy nhiên, thực tế công tác bảo tồn, phát huy giá trị của di sản văn hóa, nhất là di sản phi vật thể chưa đáp ứng với yêu cầu đặt ra, nguy cơ mai một thất truyền hiện hữu.
Để nâng cao hiệu quả công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, huyện kiến nghị TP, các sở, ngành chức năng quan tâm hỗ trợ huyện nguồn lực đầu tư tu bổ, tôn tạo di tích. Đồng thời, có cơ chế chính sách hỗ trợ phù hợp đối với các câu lạc bộ, nghệ nhân trong truyền dạy di sản; tạo sự kết nối giữa truyền thống và hiện đại trong các sản phẩm văn hóa. Mặt khác, hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực dịch vụ văn hóa du lịch cho địa phương, đồng thời đưa các chương trình xúc tiến, thu hút nguồn lực phát triển văn hóa của huyện vào các chương trình ưu tiên, thu hút đầu tư của TP.
Hội diều làng Bá Dương Nội, xã Hồng Hà gửi gắm khát vọng cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt của những nông dân vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng, một nét văn hóa rất đặc trưng của nền văn minh lúa nước. Việc Lễ hội truyền thống, tập quán xã hội và tín ngưỡng Hội diều làng Bá Dương Nội được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là niềm vui đối với chính quyền và Nhân dân địa phương.
Theo thống kê, hiện ở Bá Dương Nội có 130 hộ làm diều. Những cánh diều sáo Bá Dương Nội đã từng góp mặt tại nhiều festival diều quốc tế tổ chức tại Việt Nam cũng như các nước: Thái Lan, Trung Quốc, Pháp, Malaysia… và được bạn bè quốc tế đánh giá cao về tính chất độc đáo, đậm bản sắc dân tộc Việt Nam.
Mới đây, UBND TP Hà Nội đã có Quyết định số 2982/QĐ-UBND công nhận nghề làm diều sáo làng Bá Dương Nội, xã Hồng Hà là nghề truyền thống. Xã sẽ tiếp tục duy trì, phát huy giá trị di sản, nâng cao đời sống tinh thần trong Nhân dân; vừa quảng bá những nét văn hóa đặc thù của vùng quê châu thổ sông Hồng, vừa khai thác thế mạnh về danh thắng, thu hút du khách, phát triển kinh tế - xã hội…
Tới đây, xã Hồng Hà sẽ xây dựng kế hoạch quảng bá sản phẩm diều trên các nền tảng số, mạng xã hội, kênh thương mại điện tử. Đồng thời tổ chức các lớp dạy làm diều, nhất là dành cho thiếu nhi, qua đó giúp các em tìm hiểu về nét đẹp nghề truyền thống của địa phương. Xã cũng gắn phát triển nghề diều với nâng cao chất lượng các thiết chế văn hóa, hướng tới tạo được nguồn thu kinh tế từ nghề làm diều theo định hướng Nghị quyết số 45-NQ/HU của Huyện ủy Đan Phượng về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn huyện giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Chơi diều không chỉ là thú vui mà diều còn là sản phẩm văn hóa, mang lại nguồn thu cho địa phương.
Cùng với đó, xã Hồng Hà sẽ xây dựng, hình thành hệ sinh thái gắn nghề làm diều, lễ hội truyền thống với các di tích lịch sử văn hóa, sản phẩm OCOP… tạo thành điểm đến du lịch hấp dẫn du khách. Khách du lịch khi đến với Hồng Hà, ngoài được trải nghiệm làm diều truyền thống, còn được tìm hiểu và mua các sản phẩm về rượu, đậu phụ, các loại bánh như bánh gio, bánh gai… đây là những sản phẩm nổi tiếng của địa phương.
07:28 09/08/2024