Giải pháp giúp người trẻ tham gia giao thông đúng luật:

Bài cuối: Giáo dục toàn diện, nghiêm khắc, bền bỉ

Ngọc Hải - Phạm Công
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tình trạng thanh thiếu niên vi phạm giao thông không chỉ gây ra những hệ lụy về ùn tắc, tai nạn mà đã gióng lên hồi chuông báo động về sự hình thành một thế hệ tương lai thiếu ý thức, lệch chuẩn.

Thanh thiếu niên tham gia giao thông vi phạm Luật Giao thông đường bộ bị lực lượng chức năng xử lý. Ảnh: Phạm Công
Thanh thiếu niên tham gia giao thông vi phạm Luật Giao thông đường bộ bị lực lượng chức năng xử lý. Ảnh: Phạm Công

Chung tay xây dựng văn hóa giao thông trong giới trẻ chính là góp phần vun đắp nhân cách cho các em, đặt nền móng cho một xã hội an toàn, văn minh.

>>> Bài 1: Nạn nhân cũng là “tội đồ”

>>> Bài 2: Hậu quả từ sự lơi là của người lớn

Bắt đầu từ gia đình

Thạc sĩ tâm lý xã hội Nguyễn Anh Minh nhận định, việc hình thành nhân cách, hành vi ứng xử của mỗi thanh thiếu niên luôn bắt đầu từ chính gia đình, phụ huynh của các em: “Muốn các em có ý thức tôn trọng luật pháp, tham gia giao thông văn minh, trước hết phụ huynh phải nêu gương tốt, kiên quyết không vi phạm. Không có sự giáo dục nào trực quan, hiệu quả bằng chính sự nêu gương, làm mẫu của cha mẹ, anh chị trước con em mình”.

Ông Tạ Đức Giang - Phó chánh Văn phòng Ban ATGT TP Hà Nội cũng cho rằng, gia đình đóng vai trò tối quan trọng trong việc xây dựng văn hóa giao thông cho lứa tuổi thanh thiếu niên. “Để giảm thiểu tình trạng thanh thiếu niên vi phạm Luật Giao thông đường bộ, gia đình cần kiên quyết hơn, không giao xe cho con em mình khi chưa đủ điều kiện sử dụng. Khi trẻ vi phạm, gia đình phải đồng hành, cùng các em chịu trách nhiệm cho hành vi ấy, chứ không phải bao che, dung túng hay nhắc nhở qua loa rồi bỏ đó” - ông Tạ Đức Giang nói.

Bên cạnh đó, lãnh đạo Văn phòng Ban ATGT TP Hà Nội cũng nhấn mạnh đến vai trò của ngành giáo dục, chính quyền các địa phương trong việc xử lý vi phạm giao thông trong thanh thiếu niên. Kiên trì tuyên truyền, vận động để các em và mỗi gia đình nêu cao ý thức tôn trọng luật giao thông vì chính sự an toàn của bản thân và cả cộng đồng. Ông Tạ Đức Giang chia sẻ: “Đặc biệt là cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa lực lượng chức năng với nhà trường và gia đình trong việc tiếp nhận học sinh, thanh thiếu niên vi phạm trật tự, ATGT để có hình thức giáo dục phù hợp. Mỗi gia đình, lớp học, khu dân cư cần được biết khi bất kỳ thanh thiếu niên nào vi phạm giao thông để cùng giáo dục, giám sát mới cho hiệu quả rõ rệt”.

Thạc sĩ xã hội học Trần Đức Dương nhìn nhận, cách ứng xử của phụ huynh khi thanh thiếu niên vi phạm giao thông rất quan trọng. Việc phụ huynh sẵn sàng đóng phạt, bảo lãnh để xin xe cho con em khi bị lực lượng chức năng xử lý là một sai lầm chết người, tạo nên tâm lý coi thường pháp luật của các em ngay từ khi còn nhỏ. Đừng chỉ thấy đó là chuyện vi phạm giao thông. Mỗi cá nhân khi đã hình thành ý thức, thói quen coi thường pháp luật sẽ là một nhân tố bất ổn đối với cả cộng đồng xã hội. Và hơn hết, tiềm ẩn nhân cách lệch chuẩn, chống đối xã hội trong chính các em.

“Vì vậy, phụ huynh cần có động thái rõ ràng, nghiêm khắc hơn với con em mình như không giao xe khi chưa đủ điều kiện sử dụng, không bênh che khi vi phạm. Gia đình cần để các em nhận thức rõ hậu quả khi có hành vi sai trái, sau đó đồng hành, an ủi, động viên và nhắc nhở để các em không tái phạm. Đó mới là giải pháp căn cơ để giáo dục, vun đắp nhân cách cũng như văn hóa giao thông trong mỗi thanh thiếu niên” - thạc sĩ Trần Đức Dương nói.

Phối hợp nhiều biện pháp

Cần nhìn nhận một thực tế rằng, bên cạnh nguyên nhân chủ quan, cũng có một số nguyên nhân khách quan dẫn đến tình trạng vi phạm giao thông trong thanh thiếu niên còn diễn ra phổ biến. Chị Nguyễn Thúy Hà (phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy) chia sẻ, do điều kiện thực tế gia đình quá bận, khó đưa đón con hàng ngày mà nhà trường lại không có xe chuyên chở tập trung, nên buộc lòng phải mua xe cho con đi lại. “Chúng tôi rất mong mỗi trường học đều có đội xe đưa đón tập trung, vừa an toàn cho các cháu, vừa tiện cho gia đình. Cá nhân tôi khẳng định, nếu trường có xe đưa đón không bao giờ tôi cho phép cháu đi xe riêng đến lớp” - chị Nguyễn Thuý Hà nói.

Đấy là thực tế khó khăn đối với các bậc phụ huynh tại các đô thị lớn như Hà Nội. Việc đưa đón học sinh tập trung đối với các trường học, nhất là trường công lập còn khá hiếm. Việc quản lý, giám sát thanh thiếu niên mới chỉ được thực hiện ở nhà - đến trường, còn “ra đường” gần như bị bỏ ngỏ. Thạc sĩ Trần Đức Dương cho rằng: “Những đô thị lớn như Hà Nội cần sớm hình thành hệ thống xe buýt trường học để vừa giảm thiểu ùn tắc, tai nạn vừa góp phần hạn chế vi phạm giao thông của thanh thiếu niên, đem lại sự yên tâm cho gia đình và cả cộng đồng”.

Ông Trịnh Xuân Tình - Hiệu trưởng trường THPT Tân Dân, huyện Phú Xuyên cho biết: “Về phía nhà trường, chúng tôi vẫn tuyên truyền về Luật Giao thông đường bộ trên loa phát thanh hàng ngày; đồng thời thành lập một tổ quản lý, giám sát các vấn đề khi tham gia giao thông của học sinh”. Bên cạnh đó, nhà trường thường xuyên phối hợp với cơ quan chức năng, phụ huynh tổ chức các chương trình tuyên truyền về ATGT cho các em.

Thiếu tá Đào Việt Long - Phó trưởng Phòng CSGT, Công an TP Hà Nội chia sẻ, việc tổ chức những cuộc thi tìm hiểu về luật giao thông đang ngày càng thu hút đối tượng thanh thiếu niên tham gia. “Những cuộc thi sẽ giúp các em nắm được luật giao thông để nâng cao ý thức khi tham gia giao thông. Thời gian tới, Phòng CSGT, Công an TP Hà Nội cũng có những kế hoạch để tuyên truyền tích cực hơn nữa luật giao thông cho lớp thanh thiếu niên Thủ đô” - thiếu tá Đào Việt Long cho hay.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, việc giáo dục về ATGT nếu chỉ gói gọn trong các bài học lý thuyết sẽ thiếu trực quan sinh động, khó mang lại hiệu quả như mong muốn. Bởi vậy, các bài học về ATGT cần sáng tạo hơn, có các tình huống giả định, mô phỏng thực tế để các em học sinh, sinh viên nhận thức rõ hơn nguy cơ thảm khốc khi xảy ra tai nạn giao thông.

Hiện tượng thanh thiếu niên vi phạm giao thông, gây mất an ninh, trật tự, ATGT đang ngày càng diễn biến phức tạp. Do đó, mỗi gia đình, nhà trường và cả cộng đồng cần hành động ngay, quyết liệt, kiên trì vì một thế hệ tương lai, đặt nền móng cho xã hội an toàn, văn minh.

 

"Mỗi tuần hoặc mỗi tháng, các trường học nên tổ chức chương trình thăm hỏi nạn nhân bị tai nạn giao thông, để các em học sinh có điều kiện thấy tận mắt, nghe tận tai. Qua đó, các em ý thức rõ hơn nguy cơ phải đối diện nếu thiếu ý thức khi tham gia giao thông." - Thạc sĩ tâm lý xã hội Nguyễn Anh Minh

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần