Đó là chia sẻ chung của các chuyên gia, nhà quản lý, cán bộ cơ sở… khi đề cập giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động hệ thống mặt trận cơ sở.
Phó Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Nguyễn Chí Đoàn:
Thành phố đã đề xuất tăng mức phụ cấp cho người hoạt động không chuyên trách
Thực hiện Nghị định 34/2019/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố, HĐND TP đã ban hành Nghị quyết 08/2019/NQ-HĐND ngày 10/7/2019, có chia mức phụ cấp theo chức danh người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố làm 2 loại với thôn có 350 hộ trở lên và thôn thuộc xã trọng điểm, phức tạp an ninh trật tự và ở các thôn còn lại. Đồng thời quy định rõ mức phụ cấp cho từng chức danh. Tuy nhiên, hơn 4 năm qua cho thấy, các mức phụ cấp đó so với mặt bằng chung còn thấp, nhiều chức danh chưa được hưởng bằng mức lương cơ sở (hệ số 1,0), chưa khích lệ được các đối tượng công tác.
Trước tình hình đó, UBND TP vừa xây dựng dự thảo Tờ trình và sẽ sớm trình HĐND TP ban hành nghị quyết về chức danh, cơ cấu, phụ cấp, phụ cấp kiêm nhiệm đối với người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn, ở thôn, tổ dân phố; hỗ trợ hằng tháng, hỗ trợ kiêm nhiệm...
Trong đó, đề xuất với thôn có từ 350 hộ gia đình và tổ dân phố từ 500 hộ gia đình trở lên; thôn, tổ dân phố thuộc đơn vị hành chính cấp xã trọng điểm, phức tạp an ninh trật tự theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền; thôn có 350 hộ gia đình trở lên chuyển thành tổ dân phố do thành lập đơn vị hành chính đô thị cấp xã, bí thư chi bộ được hưởng hệ số 2,1 mức lương cơ sở; trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố hưởng 2,1; trưởng ban CTMT hưởng 1,8. Với thôn, tổ dân phố không thuộc quy định trên, bí thư chi bộ, trưởng thôn, tổ trưởng hưởng 1,6, trưởng ban CTMT hưởng 1,3. Như vậy, mỗi chức danh tăng 0,4 - 0,5 lần mức lương cơ sở so với mức phụ cấp tại Nghị quyết 08/2019/NQ-HĐND.
UBND TP cũng đề xuất, người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, tổ dân phố kiêm nhiệm chức danh đều được hưởng 100% mức phụ cấp của chức danh kiêm nhiệm; chi hội trưởng các chi hội cựu chiến binh, phụ nữ, nông dân, bí thư Đoàn ở thôn, tổ dân phố được tăng từ 250.000 đồng/người/tháng hiện nay lên hệ số 0,3 mức lương cơ sở, bằng 540.000 đồng.
Chủ tịch Hội đồng tư vấn Dân chủ - Pháp luật (Ủy ban MTTQ Việt Nam TP) Phạm Ngọc Thảo:
Nâng cao nhận thức người dân về đóng góp của cán bộ mặt trận
Hiện đa số Bí thư chi bộ kiêm trưởng ban CTMT đều là người có tuổi cao, mối quan hệ ở làng xóm, nhất là nông thôn lại phức tạp, trong khi đã ghép các tổ dân phố lại nên địa bàn rộng, dân đông, công việc nhiều hơn, nhưng tinh giản cán bộ nên người làm ít đi, khiến càng tăng áp lực công việc lên vai cán bộ CTMT.
Vì vậy, bên cạnh tăng chế độ phụ cấp cho Trưởng ban, các thành viên Ban CTMT để bảo đảm cuộc sống, rất cần thường xuyên động viên khen thưởng những cá nhân làm tốt và phải theo ngắn hạn (6 - 12 tháng), vì hầu hết đã cao tuổi. Đặc biệt, tăng tuyên truyền để người dân hiểu rõ hơn chức năng nhiệm vụ, vất vả của các cán bộ CTMT ở địa bàn, để họ có chia sẻ, đồng thuận với công việc của đội ngũ này, điển hình là việc thu các loại quỹ ở địa phương. Họ rất nhiệt tình với công việc chung thì mới tham gia, chứ không phải ai cũng sẵn sàng “ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng”.
Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Cổ Bi (huyện Gia Lâm) Nhữ Thị Thanh Thu:
Tăng mức hỗ trợ hoạt động cho ban và phụ cấp cho thành viên ban công tác mặt trận
Khối lượng công việc hệ thống chính trị ngày càng lớn mà tại thôn, tổ dân phố, cán bộ phải hằng ngày tiếp xúc người dân, rất vất vả, nhưng mức tiền hỗ trợ cho hoạt động mỗi Ban CTMT chỉ 7.500.000 đồng/năm, nhiều năm rồi, trong thời kinh tế khó khăn không còn đáp ứng được. Thôn tổ chức Hội nghị đại biểu Nhân dân, ngoài phục vụ nước uống thì mỗi người dự cần được hỗ trợ 10.000 - 20.000 đồng tiền xăng xe; cùng nhiều cuộc họp khác…
Vì vậy, chúng tôi kiến nghị thêm kinh phí hỗ trợ hoạt động của ban CTMT; đồng thời thêm phụ cấp cho chi hội trưởng các đoàn thể là thành viên ban CTMT, nhằm động viên họ tâm huyết hơn với công việc. Hiện các chi hội trưởng phụ nữ, cựu chiến binh, đoàn thanh niên, nông dân mới được hưởng 250.000 đồng/người/tháng, đã là quá thấp; chi hội trưởng các chi hội khuyến học, người cao tuổi, chữ thập đỏ thì chưa được hưởng gì.
Bí thư chi bộ TDP 4 phường Hàng Buồm (quận Hoàn Kiếm) Vũ Thành Vĩnh:
Sớm ban hành Nghị quyết về phụ cấp cho người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố
Địa bàn cấp thôn, tổ dân phố đang chuẩn bị đại hội MTTQ, không ít nơi hiệp thương cử người tham gia ban CTMT mà rất khó tìm người để phân công, bởi nhiều người tích cực, kiêm nhiệm nhiều chức danh nhưng tuổi cao sức yếu, muốn xin nghỉ hoặc giảm bớt việc mà chưa có người thay thế. Trong khi dân số cơ học tăng nhanh, khối lượng công việc ở địa bàn ngày càng tăng, càng khó thu hút cán bộ tuổi trung niên và thanh niên có năng lực, gắn bó công tác tại cơ sở. Tình trạng này do nhiều nguyên nhân, trong đó mức phụ cấp và hỗ trợ chưa thỏa đáng.
Vì vậy, đòi hỏi cấp bách ban hành Nghị quyết của HĐND TP về các mức phụ cấp, phụ cấp kiêm nhiệm đối với người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn, ở thôn, tổ dân phố… để thu hút người hoạt động không chuyên trách ở cấp cơ sở học tập nâng cao trình độ, yên tâm gắn bó.
Bí thư chi bộ kiêm Trưởng ban CTMT thôn Hội (xã Cổ Bi, huyện Gia Lâm) Đinh Văn Xuân:
Tùy thực tế để bố trí cán bộ kiêm nhiệm hay không
Năm 2024 diễn ra đại hội MTTQ các cấp sẽ kiện toàn cơ cấu hệ thống mặt trận nói chung và ban CTMT nói riêng, tôi đề xuất chọn người thực sự có năng lực đảm nhiệm công tác mặt trận. Theo quy định chung nhưng nên linh hoạt phù hợp thực tế từng địa phương, người nào không làm được thì không nên ép, miễn sao vừa sức họ.
Quan trọng là tìm được cán bộ tâm huyết, năng lực đáp ứng yêu cầu, chứ nếu chỉ "gán" các chức danh vào nhằm giảm kinh phí thì chỉ đạt được 1 vế: Hạn chế được chi phí tài chính nhưng không đạt hiệu quả công việc. Hơn nữa, đã sáp nhập thôn, tổ dân phố, đa số địa bàn dân cư tăng số hộ dân, cán bộ phải kiêm nhiệm, nếu không có lòng nhiệt tình và năng lực thì hiệu quả công việc không cao.
Bí thư chi bộ kiêm Trưởng ban CTMT địa bàn dân cư số 2 phường Bưởi (quận Tây Hồ) Nguyễn Mạnh Hùng:
Bố trí theo hướng đào tạo cán bộ thay thế cho Bí thư chi bộ
Tôi đề xuất đối với 3 chức danh: Bí thư chi bộ, Trưởng ban CTMT, Tổ trưởng tổ dân phố không nên để kiêm nhiệm vì đào tạo cán bộ ở địa bàn dân cư vừa làm được công tác bí thư vừa làm được CTMT đòi hỏi một quá trình. Chính vì thế chức danh Phó Bí thư chi bộ cần được bố trí kiêm làm Trưởng ban CTMT theo hướng đào tạo cán bộ để thay thế cho Bí thư. Như thế, vị trí cán bộ này sẽ có kinh nghiệm cả trong công tác lãnh đạo cả trong tổ chức CTMT.
Cán bộ cơ sở cần được bồi dưỡng đáp ứng yêu cầu cả về công tác Đảng và công tác mặt trận, khi công tác mặt trận có vai trò ngày càng quan trọng.