Kỷ niệm 100 năm ngày sinh đồng chí Nguyễn Phong Sắc (1902 - 2022)

Bài cuối: Thủ lĩnh báo chí xuất sắc trong cao trào Xô Viết Nghệ-Tĩnh

Giao Hưởng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Từ bỏ vị trí công chức lương cao, lộc lớn tại Sở Tài chính Đông Dương, năm 1927 Nguyễn Phong Sắc chính thức dấn thân vào con đường giải phóng dân tộc, cứu nước cứu dân.

Tại Hà Nội, anh bắt liên lạc với Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí hội (do Nguyễn Ái Quốc sáng lập tại TP Quảng Châu, Trung Quốc). Đây cũng là tổ chức cách mạng đầu tiên anh Sắc tham gia, và là một trong những hội viên đầu tiên ở Hà Nội với nhiệm vụ tuyên truyền vận động xây dựng lực lượng, thành lập các tổ chức cơ sở của Hội.

Tranh ''Phong trào Xô Viết Nghệ - Tĩnh''. Ảnh Bảo tàng lịch sử  
Tranh ''Phong trào Xô Viết Nghệ - Tĩnh''. Ảnh Bảo tàng lịch sử  

Hạt giống đỏ ươm trồng trong phong trào quần chúng

Khởi đầu hoạt động cách mạng “chuyên nghiệp”, anh Sắc biến ngôi nhà ở làng Bạch Mai (nay là nhà số 152, phố Bạch Mai, Hà Nội) của bố, mẹ thành nơi bí mật để anh và các đồng chí hội họp. Ngày 7/3/1929 anh cùng các đồng chí Ngô Gia Tự, Nguyễn Đức Cảnh và 5 đồng chí khác lập tổ chức Đảng đầu tiên ở Bắc kỳ và trong cả nước. Tám yếu nhân này chọn Nhà số 5D phố Hàm Long làm Trụ sở của Chi bộ Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí hội đầu tiên trong nước.

Với nhiệm vụ tuyên truyền vận động xây dựng lực lượng, gây dựng tổ chức cơ sở, anh Sắc đến nhiều nơi như Hồng Gai, Lạng Sơn, Ninh Bình... và sang tận Lào. Tháng 6/1929 anh dự hội nghị thành lập Đông Dương cộng sản Đảng. Ngày 21/7/1929, Ban chấp hành lâm thời Đông Dương cộng sản Đảng hội nghị tại nhà đồng chí Ngô Gia Tự (làng Tam Sơn, phủ Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh).

Tại hội nghị này tổ chức Đảng phân công hai đồng chí Nguyễn Phong Sắc, Trần Văn Cung (anh ruột cố Thượng tướng Trần Văn Quang) phụ trách phong trào đấu tranh cách mạng đang sục sôi khắp Trung kỳ. Cùng thời gian này, các đồng chí Nguyễn Phong Sắc, Trần Văn Cung, Võ Mai lập ra Xứ bộ Trung kỳ, liền đó Xứ ủy Trung kỳ đã thành lập các ban lãnh đạo trực thuộc Xứ ủy.

Đến Nghệ An - “lò lửa” của phong trào yêu nước và cách mạng, đồng chí Nguyễn Phong Sắc hoạt động giữa vòng cương tỏa của địch. Khi Bí thư Xứ ủy Trung kỳ xuất hiện trong nhà máy xí nghiệp, địch không nghi ngờ anh mặc quần áo công nhân đang cùng làm việc với anh em công nhân; Khi Bí thư Xứ ủy xuất hiện trên đường, chúng không ngờ anh cu ly chân đất đang kéo xe chở khách, người ngồi trên xe là thương gia giàu có, xe vừa đi anh cu ly vừa truyền đạt chỉ thị cho người khách. Địch càng không ngờ Bí thư Xứ ủy là một thầy đồ thất nghiệp đang hỏi tìm trường xin dạy học kiếm cơm, có lúc hóa thành một lang băm tha phương bốc thuốc cứu người, hoặc thành thầy địa lý phong thủy đi tìm huyệt mộ cho gia chủ nào đó…

Với khả năng “xuất quỷ nhập thần”, trong thời gian ngắn đồng chí Nguyễn Phong Sắc tiến hành được nhiều việc cấp thiết, quan trọng: Thành lập Chi bộ cộng sản đầu tiên tại Vinh - Bến Thủy, kết nạp được nhiều “hạt giống đỏ” gồm Lê Mao, Lê Viết Thuật, Nguyễn Tiềm, Nguyễn Lợi, Phai Thái Ất... Sau khi Chi bộ cộng sản đầu tiên được thành lập, Bí thư Xứ ủy chọn Thị xã Vinh - Bến Thủy làm địa bàn trọng điểm để tuyên truyền, vận động giác ngộ cách mạng cho đông đảo công nhân, nông dân, thợ thuyền, học sinh, thương nhân…

Từ trọng điểm Vinh - Bến Thủy, đồng chí Nguyễn Phong Sắc cùng các đồng chí cốt cán tỏa nhiều hướng có mặt tại các vùng phụ cận Nghi Lộc, Hưng Nguyên, Diễn Châu, Thanh Chương, Nam Đàn, Anh Sơn... (Nghệ An); Đức Thọ, Nghi Xuân, Can Lộc... (Hà Tĩnh) chuẩn bị cho cơn “địa chấn” sắp diễn ra.

Những vũ khí sắc bén trên mặt trận tuyên truyền

Trên mặt trận tuyên truyền, tháng 7/1929 đồng chí Bí thư Xứ ủy trực tiếp chỉ đạo thành lập, ra mắt tờ báo Bôn sê vích - cơ quan ấn loát của Xứ ủy Trung kỳ. Thời gian đầu báo Bôn sê vích đặt ở làng Vang, thị xã Vinh, sau đó bị địch truy lùng gắt gao tờ báo phải lần lượt chuyển đến các làng Yên Dũng, Yên Lưu, Đức Thịnh, Lộc Đa (thị xã Vinh), phải ra tận Vạn Phần (huyện Diễn Châu).

Báo Bôn sê vích in Tuyên ngôn Đông Dương cộng sản Đảng, in các bài nội dung phổ biến chủ trương, sách lược, tập hợp các tổ chức chính trị - xã hội, hướng dẫn quần chúng đoàn kết ủng hộ phong trào cách mạng. Qua những bài viết trên báo Bôn sê vích mang nội dung đưa đường chỉ lối, nhờ đó các tổ chức của Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí hội, Tân Việt cách mạng đảng hoạt động tại Thị xã Vinh - Bến Thủy và các huyện Anh Sơn, Đô Lương, Diễn Châu… đã nhanh chóng chuyển thành Chi bộ cộng sản.

Từ báo Bôn sê vích tuyên truyền định hướng có kết quả, tháng 8/1929 đồng chí Bí thư Xứ ủy trực tiếp chỉ đạo, thành lập ra mắt tờ báo “Công hội” tuyên truyền cho việc thành lập tổ chức Công hội Đỏ ở Nghệ An, đồng thời định hướng cho các cuộc đấu tranh của công nhân Vinh - Bến Thủy từ đấu tranh tự phát tiến lên đấu tranh tự giác.

Vốn là một học sinh trường Bưởi yêu nước dấn thân vào hoạt động cách mạng, anh Sắc thấu hiểu tâm tư nguyện vọng của học sinh các trường Quốc học Vinh. Xác định đúng Thiên thời, Bí thư Xứ ủy đã chọn đúng Địa lợi - Nhân hòa để thành lập Chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng tại Quốc học Vinh - nơi trước đó (năm 1928) đã có hai tổ chức Thanh niên cách mạng đồng chí hội và Tân Việt lập cơ sở bí mật, với nòng cốt là các đồng chí Nguyễn Đình Điền, Chu Văn Biên, Nguyễn Tiềm, Phan Đăng Tất (em ruột đồng chí Phan Đăng Lưu).

Để Chi bộ Sinh hội Đỏ (gọi tắt của Chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng tại Quốc học Vinh) phát triển sâu rộng. Cuối tháng 11/1929 đồng chí Nguyễn Phong Sắc cho ra mắt tờ báo “Xích Sinh” trên cơ sở của tờ “Hồng Sinh” có từ trước, chỉ điều chỉnh nội dung tuyên truyền để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Nhà báo, Bí thư Xứ ủy Nguyễn Phong Sắc viết các bài chính luận và trực tiếp biên tập bài vở của các cây bút từng được anh bồi dưỡng gồm Nguyễn Tiềm, Nguyễn Đình Điền, Chu Văn Biên, Nguyễn Văn Sơn… Nhiều gia đình ở Vinh tự nguyện che chắn bảo vệ báo “Xích Sinh”, một số nhà khá giả giúp đỡ tài chính mua vật liệu in ấn, phát hành, nuôi cơm ăn…

Tháng 10/1929 với sự chỉ đạo trực tiếp của Nhà báo - Bí thư Xứ ủy, tiếp tục cho ra mắt tờ báo Công – Nông - Binh. Nội dung bài viết mang tính định hướng chỉ lối đưa đường, kêu gọi các tầng lớp bị áp bức trong xã hội đoàn kết tạo sức mạnh đấu tranh chống đàn áp, chống bóc lột, sát cánh cùng các lực lượng cách mạng chống kẻ thù chung là thực dân cướp nước và tay sai bán nước. Cũng như tờ Bôn sê vích, tờ Công – Nông - Binh là bước chuẩn bị của Xứ ủy Trung kỳ cho sự liên minh giữa Công – Nông - Binh với các lực lượng cách mạng trong cao trào Xô viết Nghệ - Tĩnh và các giai đoạn đấu tranh tiếp đó.

Cuối tháng 10/1929 chuẩn bị kỷ niệm năm thứ 12 Cách mạng tháng Mười Nga, đồng chí Nguyễn Phong Sắc tiếp thu chỉ thị của Quốc tế cộng sản và trực tiếp cùng tổ chức, chỉ đạo thành lập Đông Dương cộng sản Đảng. Thực tiễn cách mạng minh chứng, ngay khi có mặt tại Nghệ An đồng chí Nguyễn Phong Sắc tích cực tổ chức, thành lập, cho ra mắt nhiều tờ báo, đó là sự chủ động sáng suốt mang tầm chiến lược, là đi tắt đón đầu chủ trương của Quốc tế cộng sản đến sau 2 - 3 tháng. Những kết quả do đồng chí Nguyễn Phong Sắc xác lập trên mặt trận tư tưởng đã tác động tích cực, quyết định, thúc đẩy tinh thần đấu tranh cách mạng của dân chúng hai tỉnh Nghệ Tĩnh lên cao, đồng thời là bước chuẩn bị quan trọng cho “cơn địa chấn xã hội” sẽ bùng nổ tại xứ Nghệ nay mai.

Valid: True