Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chấn hưng, xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc

Bài cuối: Văn hóa làm nên sức mạnh của đất nước

Lại Tấn – Lý Thắng thực hiện
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-Nhiều chuyên gia tin tưởng văn kiện Đại hội Đảng nhiệm kỳ 2025 - 2030 sẽ tiếp tục khẳng định vai trò, vị trí của văn hóa ngang hàng với chính trị, kinh tế, xã hội, đồng thời đưa ra những yêu cầu nội dung, nhiệm vụ phát triển văn hóa trong thời kỳ mới.

Xin chữ đầu năm. Ảnh: Hải Linh
Xin chữ đầu năm. Ảnh: Hải Linh
Bài cuối: Văn hóa làm nên sức mạnh của đất nước - Ảnh 1
PGS.TS Bùi Hoài Sơn
Bài cuối: Văn hóa làm nên sức mạnh của đất nước - Ảnh 2
TS Trần Hữu Sơn
Bài cuối: Văn hóa làm nên sức mạnh của đất nước - Ảnh 3
Chủ tịch Hiệp hội UNESCO TP Hà Nội Trương Minh Tiến


Với những thành tựu đạt được của sự nghiệp phát triển văn hóa trong nhiệm kỳ qua, cùng với quyết tâm chính trị của Đảng, Nhà nước và cả hệ thống chính trị, chia sẻ với Kinh tế & Đô thị, nhiều chuyên gia tin tưởng rằng, văn kiện Đại hội Đảng nhiệm kỳ 2025 - 2030 sẽ tiếp tục khẳng định vai trò, vị trí của văn hóa ngang hàng với chính trị, kinh tế, xã hội, đồng thời đưa ra những yêu cầu nội dung, nhiệm vụ phát triển văn hóa trong thời kỳ mới.

Niềm tin vững chắc về chấn hưng văn hóa

Vấn đề xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam thời kỳ mới được Đại hội XIII của Đảng xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Từ đó đến nay, văn hóa nhận được nhiều sự quan tâm cả về cơ chế chính sách cũng như đầu tư nguồn lực. Các chuyên gia có đánh giá thế nào về những chuyển biến về lĩnh vực văn hóa từ sau Đại hội XIII của Đảng đến nay?

PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội: Kể từ sau Đại hội XIII của Đảng đến nay, những kết quả chuyển biến hết sức tích cực, cho chúng ta một niềm tin vững chắc vào một thành công trong việc chấn hưng văn hóa đất nước. Sự chuyển biến này thể hiện đầu tiên ở nhận thức dần đầy đủ hơn về vị trí, vai trò và ý nghĩa của văn hóa đối với sự phát triển đất nước, từ đó, các nghị quyết, chiến lược, kế hoạch hành động cho văn hóa được ra đời.

 

Tôi tin rằng, với một đất nước, một dân tộc trọng văn hiến, trọng hiền tài, giàu truyền thống yêu nước và cách mạng; Nhân dân đoàn kết, cần cù, sáng tạo; đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ tâm huyết, tài năng, có trách nhiệm cao với Nhân dân, với Đảng, với Tổ quốc và tương lai của dân tộc; cùng với sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của cả hệ thống chính trị, nhất định chúng ta sẽ khắc phục được mọi khó khăn, vượt qua mọi thách thức để chấn hưng và xây dựng thành công một nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, tiếp tục làm vẻ vang thêm cho dân tộc, cho giống nòi, tạo thành sức mạnh vô song để xây dựng Tổ quốc ngày càng cường thịnh, Nhân dân ngày càng hạnh phúc, đất nước ngày càng phồn vinh, xứng đáng với truyền thống ngàn năm văn hiến và anh hùng của một dân tộc anh hùng, sánh vai với các cường quốc năm châu trên thế giới.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng ngày 24/11/2021

Nếu như Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 là tín hiệu đầu tiên cho thấy một khung chính sách với những hành động cụ thể làm tiền đề cho sự phát triển văn hóa bài bản, thì Luật Điện ảnh (sửa đổi) lại được xem như một hành động cụ thể, mang tính đột phá để đưa điện ảnh trở thành một ngành công nghiệp văn hóa, từ đó đưa hình ảnh đất nước, con người Việt Nam ra thế giới. Sau gần 10 năm ban hành Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, giờ đây là lúc chúng ta thu lại những thành quả ngọt bùi khi không chỉ các tác phẩm điện ảnh mà trong âm nhạc hay các loại hình nghệ thuật khác đều có sự bứt phá, với những kết quả đáng mong ước.

Các địa phương cũng có sự chuyển biến mạnh mẽ về phát triển văn hóa, trong đó Bắc Ninh phấn đấu nâng mức đầu tư tối thiểu lên 4% tổng chi ngân sách Nhà nước cho văn hóa, so với mức chung của cả nước là 2%. Hay như Hà Nội vẫn luôn nuôi nhiệt huyết dẫn đầu về phát triển văn hóa bằng sự tham gia vào mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO năm 2019.

Và trong năm qua, văn hóa Thủ đô cũng bùng nổ với hàng loạt sự kiện như Lễ hội thiết kế sáng tạo, Liên hoan phim quốc tế Hà Nội, các không gian sáng tạo hoạt động nhộn nhịp và sự đổi mới của nhiều di tích, bảo tàng, thiết chế văn hóa… Tất cả cho thấy một tinh thần sáng tạo của Thủ đô đã đưa giá trị văn hóa đến với từng góc phố, ngôi nhà.

Chủ tịch Hiệp hội UNESCO TP Hà Nội Trương Minh Tiến: Trên cơ sở định hướng phát triển văn hóa trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, thời gian qua, T.Ư Đảng, Quốc hội, Chính phủ cùng các cấp, ngành từ T.Ư tới địa phương đã tập trung triển khai và đạt được nhiều kết quả rất quan trọng. Đặc biệt, bài phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc ngày 24/11/2021 thể hiện quyết tâm chính trị của Đảng từng bước đưa sự nghiệp phát triển văn hóa của đất nước đi vào cuộc sống. Trên cơ sở khẳng định quan điểm xuyên suốt của Đảng là văn hóa phải được đặt ngang hàng với chính trị, kinh tế, xã hội; văn hóa soi đường cho quốc dân đi, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ rõ những nhiệm vụ cần thực hiện hiệu quả để tiếp tục xây dựng, giữ gìn, chấn hưng và phát triển nền văn hóa trong thời kỳ mới.

Sau Hội nghị Văn hóa toàn quốc 2021, nhiều hội nghị quan trọng đã được tổ chức, đi sâu vào những vấn đề cốt lõi như: Hội thảo thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội tổ chức; Hội thảo Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới do Ban Tuyên giáo T.Ư chủ trì; cùng nhiều hội nghị chuyên đề văn hóa tại các địa phương. Điều đáng mừng, mức đầu tư cho văn hóa tăng rõ rệt cả từ nguồn ngân sách và nguồn xã hội hóa.

Điển hình như Hà Nội là địa phương đầu tiên ban hành nghị quyết về phát triển công nghiệp văn hóa; dành trên 14.000 đồng để hỗ trợ tu bổ các di tích; có chính sách hỗ trợ nghệ nhân và các hoạt động trình diễn, truyền dạy di sản văn hóa phi vật thể…

TS Trần Hữu Sơn - Viện Nghiên cứu ứng dụng văn hoá và du lịch (Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam): Những năm gần đây, văn hóa ngày càng được quan tâm, đầu tư, đặc biệt là sự chuyển biến trong nhận thức về vai trò của văn hóa ở các cấp cơ sở. Từ đó đầu tư cho văn hóa tăng lên. Thực tế, vấn đề đầu tư cho văn hóa đã được đề cập trong các văn kiện ở nhiều kỳ Đại hội, trở thành nghị quyết của các Hội nghị Ban Chấp hành T.Ư. Nổi bật là Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành T.Ư Đảng khóa IX đã ban hành Kết luận 30-KL/TW ngày 20/7/2004 về "Xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc".

Trong đó đã nêu giải pháp tăng đầu tư cho văn hóa, phấn đấu đến năm 2010 ít nhất đạt 1,8% tổng chi ngân sách của Nhà nước; tiếp tục bảo đảm kinh phí cho các chương trình mục tiêu phát triển văn hóa. Phát triển các DN văn hóa đủ khả năng đứng vững trong cơ chế thị trường, đạt được hiệu quả văn hóa - xã hội, nâng cao chất lượng phục vụ. Động viên các tầng lớp Nhân dân, nhất là người say mê hoạt động văn hóa, cả trong và ngoài nước, đầu tư và đóng góp cho sự nghiệp văn hóa, vì sự phồn vinh của văn hóa dân tộc.

Để văn hóa phát triển bền vững

Nhìn từ góc độ lịch sử, việc xác định tính chất và đặc trưng của nền văn hóa Việt Nam được Đảng quan tâm và đặt ra từ rất sớm. Trong nhiều kỳ Đại hội, lĩnh vực văn hóa được đặc biệt quan tâm, tuy nhiên, từ tầm nhìn đến thực tế vẫn còn độ trễ, nhiều nơi, văn hóa vẫn chưa được coi trọng. Để khắc phục tình trạng này, theo các chuyên gia cần giải pháp gì?

PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội: Theo tôi, để bảo đảm rằng văn hóa luôn được quan tâm và phát triển bền vững qua các kỳ Đại hội, cần có một số điều kiện và biện pháp. Thứ nhất, là cần có một chiến lược rõ ràng và cụ thể về phát triển văn hóa, được lập ra và theo dõi liên tục qua nhiều nhiệm kỳ. Điều này sẽ giúp bảo đảm rằng các chính sách và chương trình văn hóa không bị gián đoạn và có thể được thực hiện một cách nhất quán.

Thứ hai, để phát triển văn hóa, cần có sự đầu tư cả về tài chính lẫn nhân lực. Điều này bao gồm việc xây dựng các cơ sở văn hóa, hỗ trợ các nghệ sĩ và nhà sáng tạo, cũng như đẩy mạnh giáo dục văn hóa trong cộng đồng. Điều đáng mừng là sắp tới Quốc hội sẽ thông qua Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa. Đây có thể được xem là cơ hội tuyệt vời để ngành văn hóa bứt phá, đáp ứng yêu cầu của đất nước.

Thứ ba, cần triển khai tốt các chương trình đã có và có thêm các chương trình đào tạo và bồi dưỡng cho những người làm việc trong lĩnh vực văn hóa, từ cấp cơ sở đến cấp T.Ư. Đội ngũ này cần được trang bị kiến thức và kỹ năng cần thiết để triển khai các chính sách và chương trình văn hóa một cách hiệu quả.

Thứ tư, văn hóa không chỉ là trách nhiệm của Nhà nước mà còn của toàn xã hội. Do đó, cần khuyến khích sự tham gia của cộng đồng trong việc bảo tồn và phát triển văn hóa. Các hoạt động văn hóa cần được thiết kế sao cho gần gũi và thu hút được sự tham gia rộng rãi của người dân.

Thứ năm, đổi mới phương thức quản lý và triển khai các chính sách văn hóa. Nhà nước cần có những cải tiến trong cách quản lý và triển khai các chính sách văn hóa để bảo đảm tính hiệu quả, phù hợp với thực tiễn, bao gồm cả việc sử dụng công nghệ thông tin, truyền thông để lan tỏa, phát triển văn hóa.

Thứ sáu, cần có hệ thống đánh giá, theo dõi hiệu quả của các chính sách và chương trình văn hóa để điều chỉnh, hoàn thiện chính sách phù hợp với thực tiễn.

Thứ bảy, để triển khai các chính sách văn hóa một cách hiệu quả, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, ngành và địa phương, giúp bảo đảm rằng các chương trình văn hóa được thực hiện đồng bộ, hiệu quả, trong tổng thể chung của sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Chủ tịch Hiệp hội UNESCO TP Hà Nội Trương Minh Tiến: Trong các kỳ Đại hội, Đảng ta luôn quán triệt sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hóa và luôn quan tâm đến phát triển sự nghiệp văn hóa. Tuy cũng có bước thăng trầm nhưng văn hóa luôn đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng của Đảng, của Nhân dân ta.

Đặc biệt, sau Đại hội của Đảng lần thứ XIII, Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, thực hiện kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, đến nay chúng ta đã thấy trong hệ thống chính trị đang có sự chuyển động bước đầu rất phấn khởi, rõ nhất là nhận thức về vai trò, vị trí của văn hóa được đặt ngang hàng với chính trị, kinh tế, xã hội. Một số cơ chế, chính sách tạo thuận lợi cho văn hóa đã và đang được sửa đổi, bổ sung hoặc xây dựng mới.

Để ngành văn hóa tiếp tục nhận được sự quan tâm, theo tôi có nhiều yếu tố, nhưng ngoài sự quan tâm của Đảng, Nhà nước thì vai trò tham mưu của cơ quan văn hóa các cấp, nhất là phải chọn được người đứng đầu vừa có tâm, vừa có tầm lại năng động, sáng tạo, nhiệt huyết thì sự nghiệp chấn hưng, phát triển văn hóa ắt sẽ thành công.

TS Trần Hữu Sơn - Viện Nghiên cứu ứng dụng văn hoá và du lịch (Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam): Vấn đề cấp bách hiện nay là các địa phương cần đổi mới nhận thức cụ thể, đúng đắn và thiết thực về vai trò của văn hóa đối với sự phát triển như Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã xác định: "Tăng đầu tư cho phát triển sự nghiệp văn hóa. Xây dựng, phát triển, tạo môi trường và điều kiện xã hội thuận lợi nhất để khơi dậy truyền thống yêu nước, niềm tự hào dân tộc, niềm tin, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; tài năng, trí tuệ, phẩm chất của con người Việt Nam là trung tâm, mục tiêu và động lực phát triển quan trọng của đất nước".

Thứ hai, cần nhanh chóng thể chế hóa, đổi mới cơ chế, chính sách về đầu tư cho văn hóa, xóa bỏ cơ chế xin cho. Thứ ba, cần chú trọng thay đổi nhận thức cố hữu rằng văn hóa chỉ là "ngành tiêu tiền", ngành không sản xuất, nên "khi thu được thì cho", khi khó khăn thì cắt bỏ nhiều nguồn lực đầu tư cho văn hóa.

"Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi"

Hiện nay, Tiểu ban Văn kiện Đại hội XIV của Đảng đang tích cực xây dựng dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội. Các chuyên gia có những kỳ vọng gì đối với sự nghiệp phát triển văn hóa sẽ được đề cập trong văn kiện Đại hội XIV, để “văn hóa soi đường cho quốc dân đi”?

PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội: Tôi tin rằng, sự quan tâm của toàn xã hội đối với văn hóa là một lợi thế rất lớn. Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi, văn hóa là hồn cốt của dân tộc. Văn hóa còn, dân tộc còn luôn là những thông điệp quan trọng và đẹp nhất về văn hóa. Sức mạnh của văn hóa còn nằm ở hệ số lan tỏa đến các lĩnh vực khác của đời sống xã hội. Chính văn hóa làm nên sức mạnh của đất nước, không chỉ giúp cho chúng ta có một hành trang vững chắc để hội nhập quốc tế, không bị hòa tan, mà còn tạo ra sức mạnh Việt Nam trong các lĩnh vực kinh tế - chính trị - xã hội. Văn hóa hình thành nên sức mạnh tổng hợp của quốc gia, để những giá trị, phẩm giá Việt Nam tỏa sáng và giúp chúng ta có thêm niềm tin vào sự phát triển bền vững của dân tộc.

Trong Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phát biểu một cách rất tâm huyết: “Tôi tha thiết mong rằng, sau hội nghị này, công tác văn hóa của chúng ta sẽ có bước chuyển biến, tiến bộ mới, mạnh mẽ hơn nữa, hiệu quả cao hơn nữa, ghi một dấu mốc mới trên con đường chấn hưng, phát triển nền văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới”.

Chúng ta hy vọng rằng, việc cụ thể hóa những thông điệp trong Hội nghị Văn hóa toàn quốc 2021, Nghị quyết Đại hội XIII và Chiến lược phát triển văn hóa Việt Nam đến năm 2030 với mục tiêu xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến chân - thiện - mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học; văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc.

Chủ tịch Hiệp hội UNESCO TP Hà Nội Trương Minh Tiến: Với những thành tựu đạt được của sự nghiệp phát triển văn hóa trong nhiệm kỳ qua, cùng với quyết tâm chính trị của Đảng, Nhà nước và cả hệ thống chính trị, tin tưởng rằng Đại hội Đảng nhiệm kỳ 2025 - 2030 sẽ tiếp tục khẳng định vai trò, vị trí của văn hóa ngang hàng với chính trị, kinh tế, xã hội, đồng thời đưa ra những yêu cầu nội dung, nhiệm vụ phát triển văn hóa trong thời kỳ mới. Đảng, Nhà nước sẽ có nhiều quyết sách quan trọng tạo hành lang pháp lý, nguồn lực cùng cơ chế chính sách thuận lợi cho văn hóa phát triển.

Mong muốn của tôi cũng như đông đảo đội ngũ những người làm văn hóa là tiếp tục nhận được sự quan tâm toàn diện của Đảng, Nhà nước đối với sự nghiệp văn hóa. Trong đó chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa sớm được phê duyệt và triển khai thực hiện. Được như vậy sẽ tạo cú hích lớn để ngành văn hóa của cả nước phát triển lên tầm cao hơn, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng đất nước trong thời kỳ mới.

TS Trần Hữu Sơn - Viện Nghiên cứu ứng dụng văn hoá và du lịch (Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam): Chúng ta phải thực hiện định hướng như Bác Hồ đã nói: "Văn hóa soi đường cho quốc dân đi" và trong Nghị quyết các kỳ Đại hội đề cập văn hóa là mục tiêu, động lực để phát triển. Bên cạnh chính sách, chúng ta còn thiếu nhiều luật khác về văn hóa như luật về quyền văn hóa của người dân, luật về xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở, luật công nghiệp văn hoá, luật về nghệ thuật biểu diễn... Theo tôi, tất cả những điều đó cần được thể chế hoá.

Mặt khác, tôi cho rằng bản thân ngành văn hóa cần nâng cao công tác đào tạo cán bộ. Ví dụ như lĩnh vực thể thao, vận động viên Ánh Viên mới hơn 20 tuổi đã xin nghỉ là thiệt thòi cho đất nước. Tôi nghĩ, chúng ta phải thay đổi cách nhìn nhận về văn hóa, vì nếu đến giờ vẫn nhìn nhận văn hóa như thế kỷ XX thì chưa đúng. Đảng đã xác định văn hóa là động lực phát triển. Nhưng cán bộ cấp cơ sở lại chưa nhận thức được như vậy. Do đó, người quản lý văn hóa phải thể chế hóa được chính sách của ngành và đầu tư vào các bộ, ngành.

Xin trân trọng cảm ơn các chuyên gia!

 

Tại Kỳ họp thứ 7 vừa qua, Quốc hội khóa XV đã cho ý kiến lần đầu đối với chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035. Mục tiêu của Chương trình là nhằm tạo bước chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện trong phát triển văn hóa và xây dựng, hoàn thiện, chuẩn mực đạo đức, bản sắc, bản lĩnh, hệ giá trị con người, gia đình Việt Nam; nâng cao đời sống tinh thần, khả năng tiếp cận, thụ hưởng văn hóa của Nhân dân; giúp bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa đặc sắc của dân tộc; tập trung nguồn lực đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, chất lượng, hiệu quả cho phát triển văn hóa… Tổng các nguồn lực huy động để thực hiện Chương trình giai đoạn 2025 - 2030 là 122.250 tỷ đồng.