Bài học chiến tranh qua những thước phim từ phía bên kia
Tuy chưa phản ánh đầy đủ sự khốc liệt của chiến tranh nhưng với cách nhìn nhận thẳng thắn, các bộ phim này đã chuyển tải một thông điệp quan trọng: Thế giới không cần phải có thêm bất kỳ một cuộc chiến vô nghĩa và phi nghĩa giống như những gì đã diễn ra tại Việt Nam.
Sau sự sụp đổ của chính quyền Sài Gòn, chiến tranh Việt Nam nói chung và Đại thắng mùa Xuân 1975 nói riêng đã trở thành đề tài nhạy cảm trong lĩnh vực nghệ thuật của Mỹ như là một trong những thất bại cay đắng nhất mà không phải ai cũng muốn nhìn thẳng vào. Tuy nhiên, chưa đầy một năm sau đó, sự cô đơn đến cùng cực của Travis Bickle (do diễn viên tài danh Robert de Niro thủ vai) sau khi trở về từ chiến trường Việt Nam đã đưa "Taxi driver" (Quái xế) trở thành bộ phim đầu tiên của điện ảnh Mỹ đề cập trực diện đến vấn đề hậu chiến. Kể từ đó, "Coming home" (Về nhà) với sự xuất hiện của nữ diễn viên phản chiến Jane Fonda - Jane Hanoi trình chiếu năm 1978, "Apocalypse Now" (Ngày tận thế) của đạo diễn Francis Ford Coppola ra mắt công chúng năm 1979 đã thu hút được sự quan tâm của mọi tầng lớp nhân dân Mỹ. Trong đó, "Ngày tận thế" được đánh giá là một kiệt tác của dòng phim phản chiến, đã phản ánh chân thực và sống động những nguyên nhân dẫn đến sự thất bại của quân đội Mỹ tại Việt Nam.
Từ năm 1986 - 1993, bộ ba phim về đề tài chiến tranh Việt Nam là "Platoon" (Trung đội), "Born on the Fourth of July" (Sinh ngày 4/7), "Heaven&Earth" (Trời và Đất) của đạo diễn Oliver Stone lần lượt ra mắt. Thông qua quãng đời bất hạnh của những cựu chiến binh Mỹ và số phận nhiều khổ đau vì chiến tranh của người phụ nữ Việt Nam như Lệ Lý (trong Trời và Đất)... loạt phim phản ánh cách nhìn khách quan của Oliver Stone về một cuộc chiến tàn khốc. Với quan điểm: "Những ai trong số chúng tôi đã gây ra cuộc chiến tranh tàn phá này phải có trách nhiệm xây dựng lại và phải có nghĩa vụ chỉ cho người khác về những gì mà chúng tôi biết rõ về cuộc chiến tranh", không ngạc nhiên khi Oliver Stone được tôn vinh với hai giải Oscar dành cho chỉ đạo diễn xuất trong "Trung đội" và "Sinh ngày 4/7". Duyên nợ của vị đạo diễn tài năng và đầy trách nhiệm này với Việt Nam vẫn chưa dứt khi phim "Pinkville" đề cập đến vụ Thảm sát Mỹ Sơn do Stone lên kế hoạch từ năm 2007 được dự kiến sẽ công chiếu rộng rãi vào năm 2013.
Poster phim tài liệu Khi cuộc chiến đi qua
Liên quan đến nghệ thuật thứ 7, không thể không đề cập đến những thước phim tài liệu như: "Vietnam - The Ten Thousand-Day War" (Việt Nam - Cuộc chiến tranh 10.000 ngày) của đạo diễn Michael Maclear đã "thức tỉnh" hàng triệu người về sự thật của một cuộc chiến vốn bị che đậy trong nhiều năm. Riêng tập 11 của "Vietnam - The Television War" (Việt Nam - Cuộc chiến truyền hình) đã đề cập đến những sự kiện quan trọng trong giai đoạn 1973 - 1975, dẫn đến thất bại ngày 30/4/1975 của chính quyền Sài Gòn. Đặc biệt, bộ phim tài liệu "Regret to Inform" (trình chiếu trên VTV1 năm 2010 với tựa đề "Khi cuộc chiến đi qua") được Barbara Sonneborn, một phụ nữ Mỹ mất chồng trong chiến tranh Việt Nam thực hiện ròng rã suốt 10 năm đã để lại nhiều xúc cảm cho khán giả trên toàn thế giới. Từ nỗi đau của bản thân, bà đã dễ dàng đồng cảm với những người phụ nữ Việt Nam phải chịu cảnh mất chồng, mất con. Sau khi trình chiếu năm 1998, giá trị nhân văn của bộ phim đã giúp Bacbara nhận được 2 giải thưởng lớn của điện ảnh Mỹ: Phim tài liệu hay nhất về chiến tranh Việt Nam và giải đạo diễn xuất sắc nhất.
Một cảnh trong phim “Trung đội”.
Rõ ràng, dù là phim truyện hay phim tài liệu, thông qua ngôn ngữ hình ảnh đã khắc họa phần nào cái nhìn chân thật từ phía bên kia về một thời khắc quan trọng nhất trong lịch sử dân tộc Việt Nam, mở ra giai đoạn hòa bình và phát triển của đất nước. Ngoài ra, như người Mỹ từng nói: Chiến tranh Việt Nam không giống như những cuộc chiến tranh khác, nó "không phải chỉ là chiến tranh mà còn là lịch sử". Việc nhìn nhận lại lịch sử không phải là không tốt cho Mỹ trong bối cảnh quân đội nước này đã, đang và sẽ tiếp tục tham chiến tại nhiều điểm nóng trên thế giới. Thất bại của Mỹ tại Việt Nam cũng như những vấn đề thời hậu chiến chắc chắn vẫn là bài học quý giá mà Washington nói riêng và các Chính phủ trên toàn thế giới nói chung phải ghi nhớ khi muốn phát động một cuộc chiến tranh mới.