Bài học cho cuộc sống hôn nhân hòa hợp

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thống kê của các trung tâm tư vấn hạnh phúc gia đình gần đây cho thấy, trong số những khách hàng tâm sự về khủng hoảng sau ly hôn, có khoảng 60% tỏ ra ân hận vì quyết định của mình.

Vội vã…

Một chuyên gia của Trung tâm Tư vấn Tuổi trẻ Hạnh phúc cho biết: Đa số những cuộc ly hôn vội vã để rồi sau đó phải ân hận thường là những cặp vợ chồng trẻ. Do chưa chuẩn bị được tâm thế cho hôn nhân nên họ không ý thức được vấn đề quan trọng nhất giữa quan hệ hai người là gì. Họ không biết rằng, để duy trì hôn nhân, ngoài tình yêu ra còn là trách nhiệm.  

Thực tế cũng có nhiều trường hợp khi nhìn bề ngoài, vợ chồng rất hạnh phúc, hòa hợp, nhưng rồi cuộc hôn nhân tưởng như bình yên và êm ấm ấy lại bị tan vỡ ngay từ giai đoạn đầu chung sống. Nhiều cặp vợ chồng ngày xưa yêu nhau mãnh liệt, vậy mà chỉ sau một thời gian ngắn lại vội vàng chia tay, kể tội, lên án nhau không tiếc lời… 
 Để có một gia đình bền chặt, hạnh phúc cần có sự tin tưởng và bao dung lẫn nhau (ảnh minh họa).
Để có một gia đình bền chặt, hạnh phúc cần có sự tin tưởng và bao dung lẫn nhau (ảnh minh họa).
 
Trong một nghiên cứu, 84% số người được hỏi lại cho rằng thủ tục ly hôn bây giờ quá nhanh, đến nỗi họ chưa có thời gian để kiểm nghiệm xem quyết định của mình là đúng hay sai. Nên một khi mâu thuẫn vợ chồng đã đi đến chỗ không thể hòa giải được, có chiều hướng dẫn đến ly hôn, cả hai người đều rơi vào tình trạng tâm lý căng thẳng, rất khó đối thoại bình tĩnh và cũng rất khó tha thứ lỗi lầm của nhau. Khi một người đưa ra giải pháp ly hôn, người kia do tức giận và cảm thấy mình bị xúc phạm, đã không phản đối. Và thế là lá đơn ly hôn nhanh chóng được đưa đến tòa… 

Dung hòa cái tôi

Thực tế có những cái chỉ khi đã để mất, ta mới nhận ra giá trị đích thực, mới biết nó rất cần cho cuộc sống của mình. Trong tình yêu cũng thế, nếu sau khi đã chia tay một thời gian, vì lý do nào đó, nhiều người lại cảm thấy đó là một người tốt, khó có thể có được một người như thế trong đời, họ tìm cách quay trở lại và xu hướng này đang tăng. Một người phụ nữ chia tay chồng chỉ vì nghi anh phản bội, dù anh giải thích thế nào, nhưng lúc đó chị chỉ cảm thấy mình bị xúc phạm. Nhưng sau một thời gian, chính chị lại thấy ân hận vì cách hành xử của mình và chị muốn cho anh một cơ hội làm lành. Câu chuyện quay lại "mái nhà xưa" của chị không phải là cá biệt.

Các nhà tâm lý cho rằng: Về góc độ xã hội, các cặp vợ chồng đã có rất nhiều cái chung sau thời gian chung sống, rất khó xóa sạch hay làm mới trong một sớm một chiều. Về tâm lý, sau khi đổ vỡ, sau những phút giây bốc đồng, mỗi người sẽ tỉnh lại, ngộ ra những giá trị tình cảm lớn lao, cần thiết cho bản thân và cho những người  thân  của mình. Họ dễ quay lại cùng nhau, đây là một xu hướng tốt, nhưng cũng có nhiều điều cần suy ngẫm vì sự vội vã và coi nhẹ cuộc sống hôn nhân. Do đó, trước khi nói lời chia tay, hãy nỗ lực hết mình, suy xét cụ thể vấn đề để có những giải pháp tích cực nhất, tránh nghĩ ngay đến hai chữ "ly hôn".

Các chuyên gia tâm lý đã đúc rút ra những bài học cho cuộc sống hôn nhân hòa hợp. Thông thường, các cặp vợ chồng phải mất 3 - 5 năm mới dung hòa được cái tôi của nhau. Trong đó, điều đầu tiên chính là sự tin tưởng và gắn kết bằng những tâm sự trong cuộc sống. Việc này sẽ chia sẻ, gỡ bỏ đi những day dứt trong lòng, cả hai sẽ luôn thấy nhẹ nhõm hơn. Một điều không thể thiếu mà các cặp vợ chồng hay bỏ qua, đó là luôn hấp dẫn lẫn nhau. Người ta thường nói, vợ chồng càng sống lâu năm với nhau càng thấy chán nhau. Nhưng người ta cũng thường nói, có những cặp vợ chồng càng sống với nhau càng cảm thấy yêu và cần nhau hơn. Đó là do những cặp vợ chồng này biết giữ gìn hạnh phúc, biết hấp dẫn lẫn nhau và biết nhường nhịn lẫn nhau. Sống đến tuổi "cổ lai hy" mà vẫn hạnh phúc là do họ sống với nhau vì nghĩa nặng hơn vì tình.