Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bài học cho người giải quyết va chạm giao thông bằng “nắm đấm”

Theo Tuổi Trẻ Thủ Đô
Chia sẻ Zalo

Trong những ngày qua dư luận xã hội “dậy sóng” lên án hành vi dùng vũ lực giải quyết mâu thuẫn sau va chạm giao thông.

 

Trả giá cho hành vi côn đồ

Ngày 12/2, Cơ quan CSĐT Công an quận Tây Hồ (Hà Nội) đã ra Quyết định khởi tố vụ án, Quyết định tạm giữ hình sự đối với Tống Anh Tuấn (SN 1982), trú tại phường Phương Liệt, quận Thanh Xuân, Hà Nội để điều tra về hành vi Cố ý gây thương tích. Anh Tuấn là tài xế điểu khiển xe ô tô Lexus đã hành hung nam shipper sau va chạm giao thông.

Công an quận Tây Hồ đang tạm giữ hình sự Tống Anh Tuấn để điều tra, xử lý về hành vi cố ý gây thương tích
Công an quận Tây Hồ đang tạm giữ hình sự Tống Anh Tuấn để điều tra, xử lý về hành vi cố ý gây thương tích

Theo điều tra, khoảng 12h30 ngày 10/2, tại trước cửa nhà số 41B ngách 50/310 Nghi Tàm, phường Yên Phụ, quận Tây Hồ đã xảy ra vụ lái xe ô tô du lịch đánh 1 nam “shipper”. Hình ảnh sự việc sau đó được chia sẻ trên mạng xã hội khiến dư luận không khỏi bức xúc, phẫn nộ trước hành động côn đồ của nam thanh niên đi xe ô tô Lexus.

Ngay sau khi nhận được thông tin, chỉ huy Công an Tây Hồ đã chỉ đạo Cơ quan CSĐT Công an quận phối hợp với công an phường Yên Phụ khẩn trương vào cuộc xác minh làm rõ. Qua điều tra, Công an quận Tây Hồ xác định đối tượng điều khiển ô tô, có hành vi đánh nam "shipper" L.X.H (SN 1994) - là Tống Anh Tuấn. Cơ quan Công an đã triệu tập người này lên làm việc. Tại đây, lái xe khai nhận vi phạm của bản thân.

Qua đấu tranh, Cơ quan CSĐT xác định nguyên nhân xuất phát từ va chạm giao thông nhỏ, nhưng đã phát sinh mâu thuẫn, lời qua tiếng lại dẫn đến việc đối tượng Tống Anh Tuấn đánh anh H bằng chân, tay, mũ bảo hiểm gây thương tích cho nạn nhân.

Hiện Cơ quan CSĐT Công an quận Tây Hồ đã ra Quyết định Khởi tố vụ án, tạm giữ hình sự đối với Tống Anh Tuấn về hành vi Cố ý gây thương tích để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Không chỉ dùng tay chân, nam thanh niên còn lấy mũ bảo hiểm liên tục đậm vào đầu nạn nhân
Không chỉ dùng tay chân, nam thanh niên còn lấy mũ bảo hiểm liên tục đậm vào đầu nạn nhân

Trước đó vào ngày 5/2, Cơ quan CSĐT Công an huyện Thạch Thất (Hà Nội) cũng đã tạm giam bị can Nguyễn Huy Văn - cán bộ Trung tâm Phát triển Quỹ đất huyện Thạch Thất, để điều tra, xử lý về hành vi “Gây rối trật tự công cộng”. Các quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đã được Viện Kiểm sát Nhân dân cùng cấp phê chuẩn.

Theo hình ảnh video clip được chia sẻ trên mạng xã hội cho thấy, một người đàn ông lớn tuổi điều khiển xe ô tô 4 chỗ va vào xe ô tô bán tải từ phía sau. Không phân biệt đúng sai, người này xuống xe và hành hung nam thanh niên đi trên xe bán tải khiến nạn nhân bị thương.

Vào cuộc điều tra, cơ quan công an xác định, vụ việc xảy ra vào ngày 22/1, trên địa bàn xã Thạch Hòa (huyện Thạch Thất, Hà Nội). Người đàn ông trong vụ việc là ông Nguyễn Huy Văn, đang công tác tại Trung tâm phát triển quỹ đất huyện Thạch Thất, Hà Nội. Sau va chạm giao thông, ông Văn đã xô xát với anh T.H.Th (thường trú tại huyện Tân Sơn, Phú Thọ, là lái xe bán tải), khiến anh Th bị thương.

Lực lượng chức năng nhanh chóng tới hiện trường điều tra vụ hành hung sau va chạm giao thông tại huyện Thạch Thất
Lực lượng chức năng nhanh chóng tới hiện trường điều tra vụ hành hung sau va chạm giao thông tại huyện Thạch Thất

Các vụ việc giải quyết mâu thuẫn bằng nắm đấm sau va chạm giao thông không chỉ xảy ra ở Hà Nội mà còn xảy ra ở nhiều tỉnh thành trên cả nước gây bức xúc dư luận xã hội. Mới đây nhất, chiều 2/2, Cơ quan CSĐT Công an huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định đã ra lệnh giữ người trong trường hợp khẩn cấp đối với 2 anh em Phạm Văn Tuyên, Phạm Ngọc Tuân về hành vi "Gây rối trật tự công cộng".

Theo điều tra, khoảng 14h30 ngày 1/2, Công an huyện Giao Thủy nhận tin báo về vụ xô xát tại phà Cồn Nhất. Khi lực lượng công an có mặt, những người liên quan đã rời đi. Qua điều tra, công an xác định người bị hành hung là anh Vũ Đức T và đã liên hệ mời anh đến làm việc. Tuy nhiên, anh T cho biết bận công việc và sẽ gửi đơn trình báo qua bưu điện.

Qua xác minh, công an xác định hai người có hành vi hành hung anh T là Phạm Ngọc Tuân (SN 1980, tạm trú tại Nam Từ Liêm, Hà Nội; quê ở xã Bình Hòa, Giao Thủy) và Phạm Văn Tuyên (SN 1982, em ruột Tuân, trú tại Bình Hòa, Giao Thủy). Chiều 1/2, công an đã triệu tập hai người này. Do đã di chuyển về Hà Nội, nên sáng 2/2, Phạm Ngọc Tuân mới có mặt tại trụ sở công an để làm việc.

Kết quả điều tra ban đầu xác định, Phạm Ngọc Tuân điều khiển xe ô tô BKS 18A-018.72 chở theo vợ đi từ hướng cống Cồn Nhất (thuộc xã Hồng Thuận) về thị trấn Giao Thủy theo đường tỉnh lộ 489 để đi Hà Nội (không đi qua phà Cồn Nhất).

Anh Vũ Đức T điều khiển xe ô tô BKS 14A-901.xx đi từ hướng cống Cồn Nhất qua phà Cồn Nhất sang tỉnh Thái Bình. Khi đến gần phà Cồn Nhất, các phương tiện đang xếp hàng bên phải đường để đợi qua phà thì xảy ra mâu thuẫn giữa anh Vũ Đức T và Phạm Ngọc Tuân. Tuân đã gọi điện cho em trai là Phạm Văn Tuyên.

Tuyên và một người bạn đi xe máy đến khu vực bến phà và sau khi lời qua tiếng lại đã xảy ra xô xát. Phạm Ngọc Tuân dùng tay tát anh T, còn Phạm Văn Tuyên đã lao người qua ô cửa kính bên lái xe, dùng tay, chân tấn công anh T.

Sau đó, Phạm Văn Tuyên và bạn đi về nhà, Phạm Ngọc Tuân điều khiển xe ô tô đi Hà Nội, anh Vũ Đức T điều khiển xe ô tô qua phà Cồn Nhất sang tỉnh Thái Bình. Hiện vụ việc đang được Công an huyện Giao Thủy điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.

Công an huyện Giao Thủy (Nam Định) lấy lời khai của Phạm Ngọc Tuân
Công an huyện Giao Thủy (Nam Định) lấy lời khai của Phạm Ngọc Tuân

Đánh người là vi phạm pháp luật

Trao đổi về các vụ việc trên, các chuyên gia pháp lý cho biết, pháp luật nghiêm cấm hành vi đánh người, gây rối trật tự công cộng. Vì vậy, dù do mâu thuẫn va chạm giao thông hay bất kỳ lý do nào khác, hành vi đánh người nơi công cộng vẫn là hành vi trái pháp luật.

Người nào vi phạm thì tùy thuộc vào tính chất, mức độ vi phạm và hậu quả xảy ra, những người hành hung người khác do mẫu thuẫn khi tham gia giao thông có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trường hợp đánh người gây ra thương tích cho nạn nhân và nạn nhân có đơn đề nghị xử lý hình sự thì dù thương tích dưới 11%, cơ quan điều tra vẫn có thể khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can về tội cố ý gây thương tích theo Điều 134 Bộ luật hình sự. (Hành vi được xác định là có tính chất côn đồ, vì lý do nhỏ nhặt mà đánh người).

Trường hợp nạn nhân không có thương tích hoặc không đề nghị xử lý về tội cố ý gây thương tích thì hành vi đánh người nơi công cộng vẫn có thể bị xử lý hình sự về tội Gây rối trật tự công cộng theo quy định tại điều 318 bộ luật hình sự. Điều luật này nhằm đảm bảo mọi người được an toàn nơi công cộng, tính mạng, sức khỏe, danh dự nhân phẩm của công dân được pháp luật bảo vệ.

Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cũng sẽ điều tra, làm rõ hành vi cố ý làm hư hỏng tài sản, hoặc lấy tài sản của nạn nhân thì sẽ bị xử lý hình sự về tội cướp tài sản theo quy định tại điều 168 bộ luật hình sự.

Phạm Văn Tuyên tại cơ quan Công an
Phạm Văn Tuyên tại cơ quan Công an

Thời gian qua, những vụ việc sử dụng nắm đấm để giải quyết va chạm giao thông đã được nhiều địa phương xử lý quyết liệt. Hầu hết các hành vi đánh người nơi công cộng đều bị xử lý hình sự. Tuy nhiên, vì nhiều lý do khác nhau, nhiều người vẫn không kiểm soát được cảm xúc, thiếu kỹ năng sống và đặc biệt là có ý thức coi thường người khác, nên sẵn sàng dùng vũ lực để giải quyết mâu thuẫn.

Vì vậy các cơ quan chức năng cần xử lý nghiêm các hành vi côn đồ, tránh tác động tiêu cực đến xã hội. Đồng thời, tăng cường kiểm soát giao thông, giáo dục văn hóa ứng xử và khuyến khích người dân giữ thái độ bình tĩnh khi xảy ra va chạm. Thay vì dùng bạo lực để giải quyết mâu thuẫn, mỗi người cần có ý thức thượng tôn pháp luật, tuân thủ luật giao thông và ứng xử văn minh, hòa nhã.