Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bài học không bao giờ cũ

Bình Giang
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Một nền bóng đá chuyên nghiệp không có chỗ cho những quyết định cảm tính. Bởi, một quyết định sai có thể khiến cả đội tuyển lụn bại, thậm chí làm chệch hướng phát triển của cả nền bóng đá.

Cách đây 15 năm, làng bóng đá Việt Nam rúng động trước quyết định chấm dứt hợp đồng với HLV người Pháp Letard chỉ sau vài tháng làm việc. Nhà cầm quân này đến Việt Nam với bản hợp đồng có thời hạn một năm và nhiệm vụ là giúp đội tuyển Việt Nam vô địch Tiger Cup. Trước khi ký vào bản hợp đồng, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) đã rất kỳ vọng vào nhà cầm quân người Pháp. Ông Letard đến Việt Nam theo sự giới thiệu của Liên đoàn Bóng đá Pháp, một đối tác thân thiết của Tổng Thư ký Phạm Ngọc Viễn.
Được một đối tác lớn bảo lãnh, VFF không ngần ngại dành cho ông Letard bản hợp đồng với 9.000 USD và chưa kể phụ phí. Thế nhưng, sau thành tích yếu kém tại LG Cup 2002, VFF quyết định sa thải nhà cầm quân này. Các nhà chuyên môn nhận ra rằng, những bài tập của ông Letard chỉ phù hợp với lứa cầu thủ trẻ U14, U15 chứ không phải đội tuyển quốc gia.
Trong quá trình tiếp xúc với các HLV ngoại, không ít lần VFF đã phải trả giá đắt vì quá tin vào đối tác. Thế nhưng, cũng có những lần, họ khiến đối tác giận đỏ mặt bởi quyết định chẳng giống ai, bởi nó không dựa vào yếu tố chuyên môn mà xuất phát từ sự yêu, ghét của một số nhân vật có quyền lực. Đó là câu chuyện liên quan đến HLV Miura, người được Liên đoàn Bóng đá Nhật Bản trả một phần thu nhập khi sang Việt Nam làm việc. Ông Miura có công đưa đội tuyển quốc gia ra khỏi cuộc khủng hoảng thành tích khi có được tấm HCĐ SEA Games, AFF Cup và lọt đến tứ kết ASIAD 2014. Thế nhưng, nhà cầm quân này đã bị sa thải trước thời gian 3 tháng vì lý do không trọng dụng lứa cầu thủ trẻ của HAGL khiến bầu Đức nổi cơn lôi đình, huy động lực lượng “đánh” cho tơi tả suốt thời gian dài khiến VFF phải thỏa hiệp là chấm dứt hợp đồng với ông Miura và chấp nhận mắc lỗi với đối tác Nhật Bản.
Khi bị sa thải, trên nguyên tắc ông Miura được bồi hoàn 3 tháng lương theo bản hợp đồng đã ký. Tính ra, nhà cầm quân này sẽ được bồi thường số tiền trên 1 tỷ đồng. VFF đã chuẩn bị sẵn số tiền cùng lời xin lỗi với ông Miura vì không thể bảo vệ được người của mình. Thế nhưng, nhà cầm quân người Nhật đã khiến cả nền bóng đá bị sốc khi từ chối khoản tiền lớn. Ông không cần bồi thường và muốn VFF dành số tiền đó cho phát triển bóng đá.
Nhưng  không phải lúc nào VFF cũng gặp may như thế. Sự cố với HLV Letard khiến VFF bị tổn hại nghiêm trọng về uy tín và tiền bạc. VFF muốn bồi thường 3 tháng lương nhưng nhà cầm quân người Pháp đòi phải trả đủ theo bản hợp đồng có thời hạn 2 năm. Có nghĩa VFF phải bồi thường gần 150.000 USD và đương nhiên, VFF không chấp nhận. Sau đó, HLV Letard kiện lên FIFA và VFF đã phải bồi thường hơn 200.000 USD khiến dư luận nổi sóng. Chưa hết, trước sức ép của dư luận, Tổng Thư ký VFF lúc đó là ông Phạm Ngọc Viễn đã phải nộp đơn từ chức.
Mới đây, làng bóng đá lại xôn xao trước phát ngôn mạnh mẽ của bầu Đức, người vừa nộp đơn từ chức Phó Chủ tịch VFF yêu cầu phải đuổi việc Giám đốc kỹ thuật Gede vì dám tiết lộ sự thật là “ở VFF đang tồn tại tình trạng mất đoàn kết. Không phải ai cũng muốn U22 và U18 Việt Nam thành công”. Điều mà ông Gede nói không mới, bởi dư luận đã biết về tình trạng đấu đá ở VFF thời gian qua.
Bây giờ, nếu một lần nữa VFF nghe lời bầu Đức sa thải một chuyên gia bóng đá đang rất thành công thì không hiểu điều gì sẽ xảy ra. Bên cạnh việc phải bồi thường, những chiến lược mà bóng đá Việt Nam đang theo đuổi sẽ phá sản. Và quan trọng hơn, phần lớn những quyết định về nhân sự của bầu Đức đều cảm tính và đều thất bại thời gian qua. Vì thế, nếu muốn thành công, điều đầu tiên VFF phải làm là học được sự dũng cảm để từ chối những đề xuất cảm tính của bầu Đức.