Bài học làm gương

Minh Tâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chị vô cùng bực tức, thậm chí cảm thấy bất lực khi cậu con trai dám chành chọe, cãi nhau tay đôi với mẹ.

Chị đưa khách về nhà chơi, vừa bước vào nhà, thấy đồ chơi vứt lăn lóc khắp phòng khách, bàn ghế thì mỗi cái một hướng.
Thấy ngại vậy, chị mắng con: "Con chơi kiểu gì mà bừa bãi như vậy hả?". "Con chơi bao giờ", cậu bé cãi lại. "Thế không con thì đứa nào?" - "Mấy đứa bạn ở xóm", cậu bé tiếp tục. Chị quát: “Thằng này dám cãi mẹ, chẳng nể mặt chút nào". Cậu con trai vặn lại: "Vậy mấy hôm trước, sao mẹ không nể mặt con, cứ chửi con trước bạn bè?". Chị ngớ ra, đúng là hai ngày trước, trong lúc bạn của cậu đến chơi, tìm không thấy cái món đồ, chị quát ầm ĩ. Nghi ngay mấy đứa trẻ vứt lung tung. Cậu bé tìm kỹ từng chỗ và khi thấy liền đưa cho mẹ và nói: "Mẹ thấy chưa, tại mẹ để mà quên đấy chứ". Rõ là lỗi ở chị, thế nhưng, chị lại cố mắng át đi.
 Ảnh mang tính chất minh họa. Nguồn: Internet
Buổi tối, chồng chị về nhà, chị phàn nàn: "Con bướng bỉnh, khó dạy quá, em chịu không nổi nữa rồi". Chồng chị bảo, “anh đã nghe con kể câu chuyện của em rồi, anh nghĩ bài học đầu tiên mà mỗi bậc cha mẹ cần nhớ để dạy con cái là: Người lớn không phải lúc nào cũng đúng. Và với con trẻ bây giờ, bố mẹ sai cũng đồng nghĩa với việc bố mẹ sẽ khó có quyền kiểm soát và khuyên bảo các hành vi của con cái”. Chị cự lại, “nhưng bây giờ em nói gì nó cũng có nghe đâu, cứ cãi tay đôi lại ngay. Rồi cái gì cũng lý luận, diễn giải”. Chồng chị lại cười: "Mỗi lần con cãi tay đôi với em, anh nói thì em còn nói nó còn nhỏ biết gì. Được rồi, bây giờ anh chỉ em bài học thứ hai về dạy con: Trước hết cha mẹ phải là tấm gương...".

Qua câu chuyện ấy và từ thực tế, các chuyên gia tâm lý cũng cho rằng, người lớn luôn đòi hỏi ở trẻ phải ngoan, phải nghe lời khi người khác nói và tìm cách bổ sung kỹ năng sống cho con bằng mọi cách, nhưng chính họ lại không bao giờ “nhìn lại mình”. Do đó, điều đầu tiên, nếu muốn con trưởng thành, các bậc phụ huynh cần đối xử với con như người lớn. Thể hiện ở việc luôn coi trọng ý kiến của con, lắng nghe và trả lời con như cách bạn trả lời những người trưởng thành khác. Đồng thời, tạo điều kiện để con tự đưa ra quyết định riêng của riêng mình và chịu trách nhiệm về quyết định của chính mình. Đây là một phẩm chất giúp hình thành tính cách của trẻ. Kinh nghiệm cũng cho thấy rằng, nếu con thất bại, thay vì can thiệp, hãy để con tự rút ra những bài học và kinh nghiệm sống thông qua thất bại của bản thân và tự đứng dậy sau mỗi thất bại đó. Việc được tự mình hoàn thành một công việc được giao phó theo cách riêng của mình, chính là cách trẻ muốn cha mẹ tin tưởng và cho thấy trách nhiệm của trẻ trước cuộc sống.

Và trước trẻ, bố mẹ cũng nên tránh quát mắng mà nên nói lời nhẹ nhàng khi dạy bảo con. Bởi quát mắng nhiều khi không làm cho con nể sợ, mà trái lại chúng có thể có những thái độ phản kháng tiêu cực như lầm lì, cứng đầu hay tích cực như cãi bướng lại. Như thế chỉ làm cho mối liên hệ giữa bố mẹ và con cái rạn nứt. Cũng như người lớn, trẻ muốn được tôn trọng và muốn mọi người nhìn thấy trẻ là một cá thể riêng biệt. Các em cũng không bao giờ muốn bị so sánh hoặc bị phê bình, chỉ trích trước mặt người người khác bởi tính dễ tự ái và tổn thương. Để những đứa trẻ trưởng thành thực sự, không chỉ là việc chăm sóc về mặt thể chất, chính cách ứng xử hàng ngày sẽ giúp trẻ cứng cáp và hoàn thiện hơn. Nhưng không có nghĩa rằng “đối xử như một người bạn” là bỏ mặc trẻ làm mọi việc theo ý mình, việc bố mẹ khuyên can, chuyện trò với con, kể cho con nghe những chuyện vui buồn trong quá khứ, những lỗi lầm mình đã phạm phải và khiến mình vấp ngã trên trường đời là cần thiết. Và đặc biệt, không bao giờ nên dùng quyền làm bố mẹ để mắng át đi. Chính cách hành xử của bố mẹ chính là nơi nuôi dưỡng những kỹ năng cần có cho trẻ.