Bài học lễ phép

Minh Tâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngay từ thuở còn thơ, khi con trẻ bắt đầu học nói, hầu hết mọi người đều dạy trẻ những câu “Con ạ mẹ nào”. Đó chính là bài học đầu tiên về lễ phép.

Nghe thật đơn giản, nhưng điều đó rất quan trọng trong hình thành cho trẻ những kỹ năng ứng xử cần thiết khi lớn lên.
 Ảnh minh họa.
Nhiều người với suy nghĩ trẻ con thường không biết gì, nên khi trẻ có thái độ không ngoan, thậm chí hỗn với người lớn thì cũng bỏ qua mà không uốn nắn trẻ ngay. Không ít người có lối sống quá hiện đại lại cho rằng, việc mời chào, thưa gửi là “mất thời gian”. Nhưng thực tế việc giáo dục để trẻ biết vâng lời, lễ phép và cư xử đúng mực là điều vô cùng cần thiết, vì một khi cách cư xử không tốt của trẻ trở thành thói quen sẽ rất khó khăn trong việc uốn nắn. Nhiều chuyên gia tâm lý khẳng định, dạy trẻ những kỹ năng giao tiếp cần thiết sẽ giúp trẻ biết cách cư xử lịch sự và cũng là hình thành đức tính tốt cho bé sau này. Bởi thế, ngay từ nhỏ, bố mẹ hãy dạy bé biết nói “dạ, thưa” mỗi khi trả lời câu hỏi của người lớn, vừa lễ phép lại vừa dễ nhớ như “dạ có, dạ không…”. Trẻ không thể tiếp thu quá nhiều bài học, bởi vậy không nên bắt trẻ phải ghi nhớ quá nhiều quy tắc. Ban đầu, nên dạy con biết khoanh tay và chào hỏi người lớn khi đưa bé đến chơi nhà ai đó. Sau đó, theo lứa tuổi và khả năng nhận thức mà cha mẹ hướng dẫn trẻ những bài học khác. Hãy nói cho trẻ biết những “lợi ích” của việc ngoan ngoãn như trẻ sẽ được nhiều người yêu quý, được khen, thậm chí có thể được quà. Và cũng cần cương quyết, nghiêm khắc khi trẻ có thái độ hỗn láo hoặc vô lễ.

Điều quan trọng hơn cả là bố mẹ cần chú ý đến thái độ của chính mình khi trò chuyện hoặc trong cách ứng xử với trẻ. Trẻ sẽ quan sát và học hỏi từ bố mẹ rất nhiều thứ như một hình mẫu để noi theo. Một người đã chia sẻ câu chuyện của mình như một bài học trong việc giáo dục lễ phép cho trẻ. Gia đình anh hiện nay sống chung có ba thế hệ, gồm ông bà nội, hai vợ chồng và một đứa con. Khi nói chuyện với bố mẹ, anh đều một điều thưa bố mẹ, hai điều dạ con đã biết. Dù là người trong nhà không phải khách sáo, nhưng anh vẫn lễ phép bưng nước bằng hai tay, mời bố mẹ uống nước hoặc khi làm điều gì cảm thấy mắc lỗi anh đều tỏ thái độ hối lỗi và xin lỗi bố mẹ. Có một lần anh vô tình làm nước đổ vào mẹ, anh vội nói “con xin lỗi mẹ”. Con trai anh đứng cạnh nghe được liền nói: “Bà ơi bố cháu ngoan nhỉ, lớn thế rồi mà cũng phải xin lỗi bà”. Anh quay sang con mỉm cười. Anh biết rằng cách ứng xử của mình sẽ là một tấm gương tốt cho con. Bởi trẻ thường rất hay để ý người lớn làm và nói, nếu như anh không có thái độ lễ phép này thì con anh nhìn vào sẽ có cái nhìn nhận không tốt về bố. Điều này cũng là cách gián tiếp để dạy con trẻ biết lễ phép với người lớn, tạo nên những kỹ năng ứng xử tốt và phù hợp trong cuộc sống.