Kinhtedothi - Hiệp định Geneva về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam được ký kết ngày 20/7/1954. Đây là một trong những thắng lợi vĩ đại của nền ngoại giao nói riêng và cách mạng Việt Nam nói chung.
Nhân dịp kỷ niệm 60 năm ngày ký Hiệp định Geneva (20/7/1954-20/7/2014), Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh đã có bài viết "Hội nghị Geneva năm 1954: Những bài học lớn cho công tác đối ngoại Việt Nam hôm nay."
Xin trân trọng giới thiệu nội dung bài viết:
Ngày 8/5/1954, một ngày sau chiến thắng Điện Biên Phủ, Hội nghị Geneva về chấm dứt chiến sự và lập lại hòa bình ở Đông Dương khai mạc. Sau 75 ngày thương lượng, qua 8 phiên họp rộng và 23 phiên họp hẹp cùng các hoạt động tiếp xúc ngoại giao dồn dập đằng sau các hoạt động công khai, ngày 20/7/1954, Hiệp định Geneva về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam, Lào và Campuchia được ký kết.
Quang cảnh Hội nghị Geneva. (Nguồn: TTXVN)
|
Ngày 21/7, Hội nghị Geneva kết thúc, thông qua Tuyên bố chung bao gồm những nội dung quan trọng như đình chỉ chiến sự, lập lại, duy trì và củng cố hòa bình; tổng tuyển cử thống nhất đất nước; và các vấn đề thi hành hiệp định cho toàn bộ Đông Dương. Sự nghiệp cách mạng của dân tộc ta bước sang một giai đoạn mới. Từ thắng lợi ở Hội nghị Geneva, dân tộc ta đã đi qua nhiều chặng đường lịch sử: 21 năm kháng chiến trường kỳ để đất nước sạch bóng quân xâm lược, giang sơn thu về một mối; 10 năm đấu tranh phá bao vây cấm vận; và gần 30 năm đổi mới, đưa đất nước vững bước trên con đường phát triển, công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
Hội nghị Geneva năm 1954 về Đông Dương diễn ra trong bối cảnh rất phức tạp. Đầu những năm 1950, Chiến tranh Lạnh từ châu Âu lan sang châu Á, các nước lớn tìm cách tránh xung đột quân sự trực tiếp và dần chuyển sang hòa hoãn với nhau. Tại Hội nghị Tứ cường ở Berlin (25/1-18/2/1954), các nước lớn đã quyết định triệu tập Hội nghị Geneva để bàn về vấn đề Triều Tiên và Đông Dương. Trước khi bàn về Đông Dương, các nước lớn ý đồ áp dụng “Cách thức Triều Tiên” - nghĩa là một giải pháp đình chiến, chia cắt đất nước và chỉ giải quyết các vấn đề quân sự. Kiên định mục tiêu cơ bản là độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam và các nước khác trên bán đảo Đông Dương, chúng ta đã kiên trì đấu tranh cho một giải pháp toàn diện bao gồm cả quân sự và chính trị. Mặt quân sự là ngừng bắn, rút quân đội nước ngoài và lập lại hòa bình ở Đông Dương. Mặt chính trị là đảm bảo hòa bình, độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, Lào và Campuchia, chấm dứt chế độ thuộc địa của thực dân Pháp ở Đông Dương.
Ngay từ ngày hội nghị bắt đầu, đoàn ta đã chủ động triển khai nhiều hoạt động ngoại giao và vận động quốc tế. Song song với đấu tranh trên bàn đàm phán, ta đã tích cực làm việc với các đoàn Liên Xô, Trung Quốc và Pháp, đã họp báo, gặp gỡ với hàng trăm đoàn thể nhân dân và chính giới Pháp để bày tỏ thiện chí và quyết tâm của ta, tố cáo hành động hiếu chiến và âm mưu phá hoại của các lực lượng thù địch. Các hoạt động này đã góp phần làm cho dư luận Pháp và quốc tế ủng hộ lập trường của Việt Nam, buộc chính phủ Pháp phải chấp nhận phương án về một giải pháp toàn bộ đối với Việt Nam và Đông Dương.
Trong “Lời kêu gọi sau khi Hội nghị Geneva thành công” ngày 22/7/1954, Hồ Chủ tịch đã viết: “Hội nghị Geneva đã kết thúc. Ngoại giao ta đã thắng lợi to.” Lần đầu tiên trong lịch sử dân tộc, các nước lớn đã phải công nhận các quyền dân tộc cơ bản của Việt Nam gồm độc lập, chủ quyền thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ. Chính phủ Pháp phải rút quân khỏi Việt Nam. Các văn kiện hội nghị cũng nêu rõ giới tuyến chia cắt hai miền Việt Nam là tạm thời và sau hai năm hai miền tổ chức tổng tuyển cử để thống nhất đất nước. Hội nghị Geneva để lại nhiều bài học quý báu còn nguyên giá trị đối với công tác đối ngoại hôm nay, đặc biệt là các bài học sau đây:
Thứ nhất là bài học coi lợi ích quốc gia, dân tộc vừa là mục tiêu vừa là nguyên tắc cao nhất trong đối ngoại. Tại Hội nghị Geneva, lần đầu tiên nền ngoại giao non trẻ Việt Nam tham gia một diễn đàn đàm phán đa phương phức tạp, chịu sự chi phối của các nước lớn. Ngoại giao Việt Nam phải đương đầu trực tiếp với mối quan hệ hợp tác-đấu tranh giữa các nước lớn, mối quan hệ giữa các nước lớn và các nước nhỏ cũng như sự cọ sát giữa các tính toán về lợi ích giữa các nước.
Trong hoàn cảnh đó, nhận thức sâu sắc về lợi ích quốc gia, dân tộc chính là điểm tựa cho công tác đấu tranh ngoại giao, chúng ta đã đấu tranh cho một giải pháp toàn diện, coi độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ là lợi ích cao nhất và là mục tiêu cơ bản phải đạt được trong Hội nghị Geneva. Từ trước khi Hội nghị Geneva được triệu tập, ngày 26/11/1953, trả lời phỏng vấn của báo Thụy Điển Expressen, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu: “Cơ sở của việc đình chiến ở Việt Nam là chính phủ Pháp thật thà tôn trọng nền độc lập thực sự của nước Việt Nam...”
Thứ hai là bài học giữ vững độc lập, tự chủ trong đối ngoại. Hội nghị Geneva được tổ chức theo sáng kiến của các nước lớn. Vì lợi ích của mình, các nước lớn tìm mọi cách áp đặt và lôi kéo Việt Nam chấp nhận một giải pháp có lợi cho họ. Việt Nam Dân chủ Cộng hòa bước vào hội nghị với tư cách của người chiến thắng trên chiến trường Điện Biên Phủ. Ta đã xác định rõ mục tiêu đàm phán. Tuy nhiên, các bước cụ thể liên quan đến phương án đàm phán, thời điểm mở đầu và kết thúc đàm phán, phân công phối hợp các lực lượng trong đàm phán.... luôn bị các nước lớn can thiệp và tác động. Trong khi đó, ngoài kinh nghiệm, đoàn ta còn thiếu nhiều phương tiện vật chất cần thiết, ngay cả việc giữ liên lạc giữa đoàn đàm phán và trong nước cũng phải dựa vào các cơ quan đại diện Liên Xô và Trung Quốc. Khi ra các quyết sách, chúng ta phải dựa vào đánh giá tình hình của bạn bè. Những điều đó ảnh hưởng rất lớn tới nỗ lực làm chủ tiến trình đàm phán, giữ vững thế chủ động tiến công trong quá trình hội nghị. Vì vậy, bài học về giữ vững độc lập, tự chủ trong đàm phán ngoại giao tại Geneva năm 1954 lại càng quý giá.
Thứ ba là bài học về tầm quan trọng của sự kết hợp giữa quân sự, chính trị và ngoại giao để tạo nên sức mạnh tổng hợp, trong đó, thực lực trên chiến trường là nhân tố quyết định thắng lợi trên bàn đàm phán. Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ là nhân tố quyết định thắng lợi của Hội nghị Geneva. Chiến thắng Điện Biên Phủ đẩy quân Pháp vào đường cùng, chấm dứt hy vọng của Pháp vào khả năng Mỹ can thiệp quân sự vào cuộc chiến và quan trọng hơn, chính chiến thắng Điện Biên Phủ là cơ sở để ta đấu tranh cho một giải pháp toàn diện cho vấn đề Việt Nam.
Thứ tư là bài học về nghệ thuật biết thắng từng bước. Hiểu rõ thực lực của ta, hiểu rõ lợi ích của các nước lớn, bao gồm cả Liên Xô và Trung Quốc, và hiểu rõ bối cảnh quốc tế, chúng ta đã quyết định ký kết Hiệp định Geneva với những điều khoản không phản ánh thỏa đáng thắng lợi của chúng ta trên chiến trường. Quyết định này là một ví dụ điển hình về bài học chiến thắng từng bước của đối ngoại Việt Nam. Thắng từng bước phải được thực hiện trên cơ sở giữ vững mục tiêu cơ bản là các nước lớn phải tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam. Thắng từng bước phải tạo nên thực lực mới, vị thế mới để hoàn thành mục tiêu cuối cùng là giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.
Thứ năm là bài học kết hợp chặt chẽ giữa đấu tranh ngoại giao với đấu tranh dư luận, tranh thủ sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế. Chúng ta đến Hội nghị Geneva với tư thế chính nghĩa. Nỗ lực phấn đấu vì hòa bình, giành lại độc lập dân tộc, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của chúng ta phù hợp với nguyện vọng chung của nhân loại tiến bộ, kể cả nhân dân tiến bộ Pháp. Tại Hội nghị Geneva, qua các hoạt động tiếp xúc với báo chí, với các hội đàm, chúng ta đã làm cho dư luận hiểu rõ thiện chí của ta, hiểu rõ âm mưu và hành động của các thế lực thù địch ép chúng ta phải chấp nhận giải pháp bất lợi cho mình. Các hoạt động này đã biến tính chính nghĩa của cuộc chiến đấu của nhân dân ta thành sức mạnh, hỗ trợ tích cực cho đấu tranh trên bàn đàm phán. Đấu tranh dư luận, tranh thủ sự ủng hộ quốc tế tại Hội nghị Geneva chính là ví dụ cụ thể của việc kết hợp sức mạnh của dân tộc với sức mạnh của thời đại, nhân sức mạnh của dân tộc ta lên bội phần.
60 năm đã qua đi. Tình hình thế giới và khu vực cũng như vị thế của Việt Nam đã rất khác. Chiến tranh Lạnh đã chấm dứt, tiến trình toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế ngày càng gia tăng tính tùy thuộc lẫn nhau giữa các nước; hòa bình, hợp tác và phát triển đã trở thành xu thế và khát vọng to lớn. Tuy nhiên, những tác động phức tạp của tình hình thế giới luôn biến động, xoay vần vẫn đặt ra những thách thức không nhỏ đến an ninh và phát triển của đất nước ta nói chung và mặt trận đối ngoại nói riêng.
Tại Hội nghị ngoại giao lần thứ 28 diễn ra vào tháng 12/2013, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ đạo ngành ngoại giao “phải tiếp tục đóng vai trò đi đầu trong việc bảo đảm môi trường hòa bình thuận lợi cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa và các nhiệm vụ chiến lược về phát triển kinh tế-xã hội để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Trong thời chiến, người lính phải đi đầu trong chiến tranh, bảo vệ đất nước. Trong thời bình, cán bộ ngoại giao phải đi đầu trong kiến tạo hòa bình, bảo vệ Tổ quốc và thu hút nguồn lực cho phát triển đất nước.” Đây là trọng trách lớn lao mà lãnh đạo Đảng và Nhà nước giao phó cho các thế hệ làm công tác đối ngoại hôm nay. Để hoàn thành trọng trách này, chúng ta rất cần nghiên cứu kỹ các bài học của Hội nghị Geneva và áp dụng một cách sáng tạo các bài học quý giá đó trong thực tiễn hôm nay.