Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bài học nhãn tiền

Hà Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo báo cáo của Tổng cục Hải quan tại cuộc họp với các bộ, ngành ngày 28/10 về vụ việc Asanzo, một loạt các sai phạm liên quan đến việc giả mạo xuất xứ, vi phạm bảo hộ nhãn hiệu công nghiệp, cáo buộc "lừa dối người tiêu dùng", sử dụng danh xưng "hàng Việt Nam chất lượng cao"... của DN này đã được cơ quan hải quan bước đầu đưa ra. Việc hé lộ kết quả điều tra về sai phạm của Asanzo lại gợi mở những bài học nhãn tiền cho rất nhiều DN khác.

Tham gia cuộc họp này, có đầy đủ các bộ, ngành liên quan gồm Bộ Công Thương, VCCI, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, cơ quan thuế… Đa số các cơ quan này đồng ý với kết quả điều tra của Tổng cục Hải quan. Tuy nhiên, vẫn còn một số tranh cãi do chưa có quy định cụ thể.
 Ảnh mang tính chất minh họa. Nguồn: Internet.
Liên quan đến xuất xứ hàng hóa, việc tự lắp ráp thủ công các sản phẩm trong nước của Asanzo tạo ra hàm lượng giá trị gia tăng không cao, chỉ khoảng 1 - 2%, do đó, nếu căn cứ vào quy định thì các sản phẩm này không thể gọi là "made in Vietnam". Vì thế, Tổng cục Hải quan kết luận, Asanzo có dấu hiệu vi phạm về xuất xứ hàng hóa.
Phía Bộ Công Thương cơ bản đồng ý với báo cáo tổng quan của Tổng cục Hải quan. Đối với hàng hóa xuất khẩu của Asanzo, Bộ Công Thương nhận định với kết quả kiểm tra đạt được, tập đoàn này đã vi phạm những quy định tại Nghị định 31 của Chính phủ về quản lý ngoại thương.
Tuy nhiên, với hàng hóa lắp ráp, tiêu thụ, lưu thông trong nước, Bộ Công Thương cho biết, hiện, chưa có quy định cụ thể nên rất khó để kết luận. Bộ này cho biết đang xây dựng thông tư về ghi nhãn hàng hóa “made in Vietnam”.
Có thể thấy, Asanzo và câu chuyện liên quan đến xuất xứ hàng hóa, đến việc “thổi” quảng cáo để bán hàng “lừa dối người tiêu dùng”… đã làm nóng dư luận thời gian qua. Và đó không chỉ là câu chuyện riêng của DN này mà còn là bài học chung cho nhiều DN.
Trong bối cảnh nền kinh tế ngày càng hội nhập sâu rộng và hệ thống pháp luật đang còn nhiều sự bất cập, chồng chéo, phức tạp và thay đổi nhanh chóng, vấn đề rủi ro pháp lý luôn được các DN quan tâm nhiều hơn. Vì thế, các chuyên gia khuyến cáo, DN cần đề cao tính tuân thủ cả về chính sách Nhà nước, quy định pháp luật cũng như các chính sách, hệ thống tiêu chuẩn…
Nếu không đảm bảo tuân thủ, rủi ro pháp lý có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Việc tuân thủ này là sự đảm bảo cho hoạt động của DN được diễn ra trên một nền tảng an toàn và hợp pháp.
Ngoài ra, trong quá trình hợp tác làm ăn, nhiều DN chỉ quan tâm tới việc khách hàng có mua hàng hay không, số lượng hàng hoá, thời gian giao hàng… mà không chú trọng tới việc lập hợp đồng. Nhiều DN giao phó toàn bộ việc soạn thảo hợp đồng cho đối tác. Chính việc trao quyền quyết định luật chơi vào tay đối tác và khi xảy ra tranh chấp thì thiệt hại sẽ rất lớn.
Qua câu chuyện Asanzo cũng cho thấy, hệ thống các quy định pháp luật cần chặt chẽ và theo kịp với thực tế thị trường hơn nữa. Nếu các quy định pháp luật chặt chẽ và dự báo được sự phát triển của thị trường, của DN thì cơ quan quản lý cũng như chính bản thân người trong cuộc là các DN cũng sẽ không phải “bối rối” khi phát sinh các vấn đề tranh cãi.