Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bài học từ sự buông lỏng quản lý

Lê Quân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đúng ngày đầu tuần, đầu tháng vừa rồi, VTV1 đưa phóng sự về khu đất trồng lúa gần 20ha tại thôn Thái Bạt, xã Tòng Bạt, huyện Ba Vì, Hà Nội bị biến thành nơi đổ phế liệu, gần 3 năm qua bị bỏ hoang hóa, không canh tác được.

Trước đó, trên mạng xã hội cũng xuất hiện clip của ông Lương Văn Vinh, một công dân xã Tòng Bạt về câu chuyện này.
Thực ra câu chuyện đáng buồn này không phải là mới. Năm 2016 người dân ở đây đã có đơn gửi UBND huyện Ba Vì kiến nghị xem xét về vấn đề này. Ngày 16/11/2016 mục Nhịp sống Hà Nội của Hànộimới Online đã đăng tải bài viết nhan đề: Đã làm rõ việc đổ đất thải ở xã Tòng Bạt (Ba Vì). Bài viết cho biết ngày 15/11, UBND huyện Ba Vì thông báo đã chỉ đạo đoàn công tác hoàn thành giải quyết đơn của công dân về việc đổ đất thải của dự án sông Tích vào diện tích sản xuất nông nghiệp tại xã Tòng Bạt.

Theo kết quả giải quyết đơn thư, khu đất Cống Lủ, Chằm Mơ, thuộc xã Tòng Bạt, có địa hình trũng thấp, thường bị ngập úng, chỉ có một diện tích nhỏ có thể sản xuất được một vụ, đa số diện tích trên đã bỏ hoang hóa nhiều năm. Để khắc phục, theo nguyện vọng của người dân, Hợp tác xã Nông nghiệp (HTXNN) Thái Bạt đã xây dựng phương án cải tạo đất, nâng cốt nền ruộng rồi giao cho các hộ sản xuất. Phương án này đã được sự đồng thuận của người dân.

Sau khi phương án được phê duyệt, UBND xã Tòng Bạt, HTXNN Thái Bạt đã làm việc với Ban Quản lý dự án sông Tích, đơn vị thi công thỏa thuận phương án cải tạo đất bằng cách lấy đất nạo vét của dự án sông Tích để nâng cốt mặt ruộng, sau đó phủ lớp đất màu dày từ 20 - 30cm, địa phương không phải trả kinh phí. Sau khi hoàn thành việc bồi đắp đất màu, HTXNN Thái Bạt sẽ tổ chức giao ruộng cho người dân canh tác. Tuy nhiên, do tiến độ cải tạo, giao đất sản xuất bị chậm hơn thời hạn hoàn thành được đề ra vào năm 2014 khiến người dân bức xúc.

Thông tin cũng cho biết, thời điểm đó huyện Ba Vì đang chỉ đạo xã Tòng Bạt đẩy nhanh tiến độ cải tạo, trong năm 2016 phải hoàn thành, giao khu đất trên cho người dân sản xuất. Đồng thời kiểm điểm làm rõ trách nhiệm của những tập thể, cá nhân gây ra sự chậm trễ trên.

Vậy mà đến 1/10 vừa rồi, theo thông tin từ phóng sự được phát trên VTV1, người dân xã Tòng Bạt, huyện Ba Vì, Hà Nội lại tiếp tục kêu cứu vì gần 20ha đất ruộng đã bị biến thành nơi đổ phế thải.

Trong phóng sự nói trên, ông Kiều Xuân Hòa, một người dân có ruộng tại đây cho biết, việc đổ phế thải vào ruộng đã được thực hiện từ năm 2013. Mới đây, UBND xã Tòng Bạt đã cho san phẳng bãi phế thải và giao lại đất cho người dân canh tác.

Như vậy, đã 2 năm trôi qua, khi người dân xã Tòng Bạt lần đầu lên tiếng kêu cứu, từ những diện tích ban đầu bị đổ phế thải, đến nay cả một khu đồng gần 20ha tại xã Tòng Bạt bị hủy hoại hầu như không còn khả năng phục hồi. Điều đáng nói ở đây là sự việc đã được người dân phản ánh từ cách nay 2 năm, tháng 11/2016 và huyện Ba Vì đã làm rõ và đã chỉ đạo giải quyết dứt điểm, hoàn thành trong năm 2016 để giao đất đã cải tạo, nâng cốt mặt ruộng cho người dân canh tác với mục tiêu là nâng từ 1 lên 3 vụ lúa mỗi năm. Theo ông Lương Văn Vinh, một người dân xã Tòng Bạt vì quá bức xúc đã tự quay một clip về sự hủy hoại của những người có trách nhiệm với khu ruộng này, thời điểm trước tại đây vẫn có thể trồng lúa, mỗi năm 2 vụ, nay đến cỏ cũng không thể mọc được, chưa nói là lúa, bởi chỉ cần cuốc nhẹ là có thể lật lên lớp than non, phế thải được đổ rồi san phẳng. Cũng chẳng có một lớp đất màu nào được phủ lên trên, dày từ 20 - 30cm theo phương án đã được thỏa thuận! Vậy mà ông Dương Đức Lâm - Chủ tịch UBND xã Tòng Bạt vẫn bình thản nói khu đất ấy vẫn có thể canh tác, trồng cây. Vì theo ông, ngay cả trên đất đồi đầy sỏi đá vẫn có thể trồng cây ăn quả (!).

Cần nói rõ là ngay cả khi đúng như ông Lâm nói, thì việc UBND xã Tòng Bạt cho phép đổ phế thải vào gần 20ha ruộng, làm chuyển đổi mục đích sử dụng của đất lúa khi chưa có sự phê duyệt của các cơ quan chức năng có thẩm quyền, cũng là trái quy định của pháp luật. Đó là chưa nói đến việc phế thải đang từng ngày thẩm thấu xuống lòng đất. Nếu không có phương án khắc phục kịp thời thì ngay cả khi lớp phế thải được múc đi cũng khó có thể phục hồi khu đất này thành đất trồng lúa.

Sự việc chắc chắn sẽ được các cấp có thẩm quyền xem xét nghiêm túc, làm rõ trách nhiệm của các tập thể, cá nhân và có giải pháp khắc phục. Tuy nhiên, nhìn lại quá trình gần 5 năm qua, có thể khẳng định: Sự việc gần 20ha đất trồng lúa bị hủy hoại đáng ra đã có thể ngăn chặn được, nếu việc chỉ đạo, xem xét, làm rõ trách nhiệm của huyện Ba Vì thời điểm tháng 11/2016 được các cơ quan chức năng của huyện, xã Tòng Bạt… thực hiện đến nơi đến chốn, giải quyết dứt điểm, có kiểm tra, đánh giá nghiêm túc. Điều đáng suy nghĩ là hiện tượng buông lỏng quản lý, để sự việc diễn tiến theo kiểu “cái sảy nảy cái ung” như trên không phải là ít thấy ở nhiều lĩnh vực trong đời sống kinh tế - xã hội hiện nay.

Hy vọng đây sẽ là bài học đắt giá để Ba Vì cũng như các đơn vị, địa phương rút kinh nghiệm một cách nghiêm túc, chớ để tái diễn tình trạng như trong sự việc đáng buồn này!