Bài học về tận dụng thời cơ để phát triển đất nước

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cách mạng Tháng Tám thành công đến nay đã tròn 70 năm, ý chí quật cường, khát vọng độc lập dân tộc đã trở thành hiện thực trên sắc thắm cờ đỏ, sao vàng của dân tộc ta.

Chủ tịch Hồ Chí Minh năm 1946.
Chủ tịch Hồ Chí Minh năm 1946.
Toàn thể Nhân dân Việt Nam đã chung sức, đồng lòng dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, sự lãnh đạo sáng suốt của Chủ tịch Hồ Chí Minh là những yếu tố quyết định tạo nên thắng lợi ấy. Nhân dịp này, phóng viên báo Kinh tế & Đô thị đã có cuộc trò chuyện với PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc - nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) để sáng rõ thêm về bài học tận dụng thời cơ 70 năm trước cũng như trong giai đoạn hiện nay.                                                                                                          

Thưa ông, nhìn lại thành công Cách mạng Tháng Tám, nhiều chuyên gia hàng đầu thế giới cũng phải “ngả mũ” thán phục trước khả năng tận dụng thời cơ của Đảng Cộng sản Việt Nam, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ông có thể phân tích rõ hơn về điều này?

- Trong khoa học lãnh đạo cách mạng, vấn đề tận dụng thời cơ là một nghệ thuật đỉnh cao. Cách mạng Tháng Mười Nga cũng chỉ có một đêm 24, ngày 25/10/1917 là thành công. Tuy nhiên, để chớp được thời cơ ấy là cả quá trình chuẩn bị kỹ lưỡng, công phu. Thành công của Cách mạng Tháng Tám cũng vậy.

Ngay từ khi về nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có những dự liệu quan trọng về xây dựng lực lượng, xác định hình thức đấu tranh cũng như đánh giá về khả năng kết thúc chiến tranh thế giới thứ 2. Trở lại với tình hình đất nước năm 1945, lúc này phong trào quần chúng với khát vọng độc lập đang lên rất cao, quan hệ giữa phát xít Nhật và thực dân Pháp rất căng thẳng. Ngày 12/3/1945, Đảng ra Chỉ thị: “Nhật  - Pháp đánh nhau và hành động của chúng ta”. Như một tia chớp, Chỉ thị truyền đi. Phong trào đấu tranh chính trị và vũ trang kể cả khởi nghĩa từng phần của Nhân dân ta diễn ra sôi nổi trên nhiều địa phương, nhất là ở Bắc Bộ.

Lúc này, nạn đói đang diễn ra nghiêm trọng, đó cũng là một trong những lý do để Đảng ta chủ trương “phá kho thóc địch, giải quyết nạn đói”, phong trào bùng lên và chính cuộc đấu tranh rộng lớn về kinh tế đã thổi bùng lên ngọn lửa đấu tranh chống Nhật, phá chính quyền của địch, đưa quần chúng Nhân dân vào cuộc khởi nghĩa từng phần, lập ra chính quyền cách mạng ở địa phương.

Tháng 5/1945, phát xít Đức đầu hàng Liên Xô vô điều kiện, ở Đông Dương, quân Nhật cũng đã bắt đầu hoảng loạn, phong trào cách mạng trong nước sôi sục. Với tầm cao trí tuệ tuyệt vời và kinh nghiệm hoạt động thực tiễn phong phú, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cùng với Đảng ta nắm chắc thời cơ cách mạng, kịp thời đề ra chủ trương, kế hoạch Tổng khởi nghĩa, động viên sự đoàn kết nhất trí của toàn dân tộc, để giành độc lập, tự do cho Tổ quốc. Bác đã khẳng định, lúc này thời cơ thuận lợi đã tới, “dù phải hy sinh tới đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập...".

Đáp ứng lời kêu gọi của Bác Hồ và Đảng ta, Nhân dân ta triệu người như một tiến hành cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám thành công. Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám là thắng lợi vĩ đại nhất của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX. Sự thành công của Cách mạng Tháng Tám đã thể hiện được sự lãnh đạo sáng suốt, đúng đắn và biết tận dụng thời cơ lịch sử có một không hai của Đảng Cộng sản Việt Nam, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại.

Có thể khẳng định, thành công lớn nhất của nghệ thuật khởi nghĩa trong Cách mạng Tháng Tám là Đảng ta đã chọn đúng thời cơ “nổ ra đúng lúc”. Đó là lúc 16.000 quân Anh chưa vào miền Nam và khi 20 vạn quân Tưởng chưa vào miền Bắc để giải giáp quân Nhật; quân Nhật bại trận mất tinh thần, hoang mang, rệu rã ngồi chờ quân Đồng minh đến tước vũ khí; còn chính quyền bù nhìn tay sai Trần Trọng Kim thì bỏ trốn hoặc đầu hàng chính quyền cách mạng. Nếu chỉ chậm một chút thôi, khó khăn sẽ bội phần khi nguy cơ sầm sập từ mọi hướng đổ về. Chúng ta đã kịp thời giành được độc lập, kịp thời khẳng định được vị thế là người chủ đất nước để tiếp đón quân đồng minh.

“Ôn cố” để “tri tân”, ông có thể phân tích những thời cơ Việt Nam có thể tận dụng để xây dựng, phát triển đất nước trong giai đoạn hiện nay?

- Trong Cách mạng Tháng Tám, Đảng ta đã thành công trong việc chỉ đạo xây dựng lực lượng, chủ động đón thời cơ khởi nghĩa giành chính quyền; giờ đây với những điều kiện chủ quan và khách quan mới đang tạo ra thời cơ mới, Đảng ta khẳng định, cách mạng nước ta đang đứng trước những thời cơ, vận hội mới thuận lợi chưa từng có, đồng thời cũng đang gặp những khó khăn, thách thức lớn.

Theo tôi, hiện Việt Nam có những cơ hội rất lớn để phát triển giàu mạnh hơn. Đó là chúng ta đang đi trên con đường đúng của sự nghiệp đổi mới với đường lối đổi mới và cương lĩnh đúng đắn. Thứ nữa là thế và lực đất nước đang rất dồi dào. Cách đây 30 năm, GDP của ta mới chỉ đạt 10 tỷ USD, hiện đã đạt 200 tỷ USD, tỷ lệ đói nghèo giảm nhanh chóng so với năm 1993 là 58%.

Đặc biệt, Việt Nam giữ được môi trường chính trị ổn định, quốc phòng – an ninh đảm bảo, là điểm đến an toàn, tin cậy cho các nhà đầu tư, du khách quốc tế. Đây là những nhân tố quan trọng giúp nâng cao vị thế đất nước trên trường quốc tế. Từ một nước không có tên trên bản đồ thế giới, sau 70 năm, Việt Nam đã có quan hệ thương mại với 230 tổ chức quốc tế, quốc gia và vùng lãnh thổ; thiết lập quan hệ ngoại giao với gần 200 nước trên thế giới. Với xu thế chủ đạo hiện nay là hòa bình, hợp tác, cùng phát triển, đây cũng chính là thời cơ lớn nếu chúng ta tích cực, chủ động, tận dụng tốt hơn.

Trong bối cảnh sự phát triển như vũ bão của khoa học, công nghệ, Việt Nam cũng cần chú trọng nguồn nhân lực chất lượng cao để đi tắt, đón đầu. Đảng ta chỉ ra rằng, ngoài quyết tâm chính trị, yếu tố con người, nguồn lực con người có tri thức là yếu tố quyết định. Do đó, nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng có hiệu quả nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, có đủ đức, tài, có khả năng nắm bắt, đón đầu, làm chủ khoa học công nghệ, chính là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, bởi đó là sức mạnh nội lực to lớn của toàn dân tộc.

Trên cơ sở phát huy nội lực, kết hợp nội lực với ngoại lực, tạo nên sức mạnh tổng hợp phát triển đất nước. Bởi vì, trong mối quan hệ biện chứng, một đất nước phát triển sẽ có tiềm lực và vị thế bảo đảm tính chủ động khi tham gia hội nhập quốc tế. Phát huy nội lực còn nhằm tránh bị lệ thuộc quá nhiều vào bên ngoài, ảnh hưởng tới sự chủ động của quốc gia trên trường quốc tế.

Những thuận lợi trên không chỉ mới xuất hiện, nhưng đất nước vẫn chưa tạo được bứt phá mạnh mẽ, theo ông, phải chăng vẫn còn những rào cản?

- Đúng là còn những rào cản, mà lớn nhất lại đến từ chính chúng ta. Năm 1994, Đảng ta đã xác định 4 nguy cơ lớn là tụt hậu, chệch hướng, tham nhũng và diễn biến hòa bình. Tôi cho rằng, đến nay, những nguy cơ ấy vẫn còn tồn tại, thậm chí có mặt còn trầm trọng hơn. Nghị quyết T.Ư 4 (khóa XI) cũng đã nói rõ điều này, nhất là sự chệch hướng về tư tưởng, đạo đức lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên.

Trong 3 năm qua, dù Đảng đã xử lý kỷ luật gần 54.000 cán bộ, đảng viên, nhưng tình hình vẫn rất phức tạp. Điều này đòi hỏi chúng ta phải làm tốt hơn nữa công tác chỉnh đốn Đảng, từ việc đổi mới phương thức lãnh đạo, đưa ra những quyết sách đúng đến việc tăng cường kỷ luật và lựa chọn đội ngũ cán bộ xứng đáng, có tầm tư duy chiến lược, có phẩm chất đạo đức tốt. Bác Hồ đã từng nói: “Cán bộ là gốc của công việc”, nên nếu chúng ta không chú trọng, hệ quả sẽ rất nặng nề.

Cùng với đó, tiếp tục thực hiện học và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh theo hướng hiệu quả, thiết thực, để mỗi cán bộ, đảng viên bằng từng việc làm cụ thể sẽ góp phần xây dựng Đảng thêm trong sạch, vững mạnh hơn.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần