Bài học vô giá cho hiện tại và tương lai

Nguyễn Vũ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong chiến thắng hào hùng của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân có vai trò to lớn của lực lượng Công an Nhân dân, một trong những lực lượng chi viện cho chiến trường miền Nam sớm nhất.

Thắng lợi của sự nhạy bén
Theo nghiên cứu của Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân 1968 diễn ra trên toàn miền Nam. Các cơ quan quân sự, chính trị của Mỹ và quân đội, chính quyền Sài Gòn ở hầu khắp các đô thị tại miền Nam đều bị tiến công. Các địa bàn tiến công trải rộng khắp miền Nam từ Bình Trị Thiên cho đến Cà Mau. Nhưng điểm đặc biệt là lần đầu tiên quân ta tiến công vào hầu khắp các đô thị, nơi tập trung lực lượng quân sự, chính trị chủ yếu của địch. Đó là bất ngờ lớn và trên thực tế đợt tiến công đầu tiên vào những ngày đầu Xuân Mậu Thân đã gây thiệt hại lớn cho địch. Tham gia Tổng tiến công bao gồm lực lượng của toàn Đảng, toàn quân và quần chúng yêu nước ở miền Nam, nòng cốt là lực lượng vũ trang giải phóng rất đa dạng, từ bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, biệt động thành, an ninh miền Nam đến tự vệ du kích.
Thắng lợi của chiến dịch này là thắng lợi của sự nhạy bén, nắm bắt thời cơ, kịp thời đề ra chủ trương chiến lược phù hợp đúng đắn, quyết tâm chiến lược táo bạo. Đề cập đến vai trò vô cùng quan trọng của lực lượng Công an Nhân dân, Thượng tướng Tô Lâm - Bộ trưởng Bộ Công an khẳng định: Công an Nhân dân là một trong những lực lượng chi viện chiến trường miền Nam sớm nhất, nhiều nhất, đúng lúc, kịp thời và toàn diện góp phần quan trọng làm chuyển biến tương quan lực lượng, phục vụ yêu cầu, nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ miền Nam. Qua 3 đợt cuộc Tổng tiến công, lực lượng Công an Nhân dân, mà trực tiếp là lực lượng An ninh miền Nam đã góp phần to lớn vào thắng lợi chung của quân và dân cả nước, đánh trúng vào hệ thần kinh T.Ư của bộ máy chính quyền Sài Gòn, làm chấn động dư luận quốc tế.
Thiếu tướng, PGS.TS Nguyễn Đình Ban - nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Công an cũng nhận định: Trong cuộc chiến đấu cam go, trực tiếp là lực lượng an ninh miền Nam đã góp phần quan trọng cùng quân và dân ta, giáng cho địch một đòn choáng váng, mất hoàn toàn thế chiến lược ngay trong các đô thị và các cơ quan đầu não chỉ đạo chiến tranh. Đồng thời đã loại khỏi vòng chiến đấu, tiêu hao, tiêu diệt hàng vạn sinh lực địch, phá hủy nhiều trang bị, phương tiện, kho tàng và cơ sở hạ tầng chiến tranh, làm tan rã vùng kiểm soát của địch ở nông thôn…
Bài học lớn
Theo Thiếu tướng, PGS.TS Vũ Quang Đạo - nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử quân sự Việt Nam: Chiến công lừng lẫy của chiến dịch Mậu Thân 1968 và cả những hy sinh to lớn của đồng bào, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang và an ninh miền Nam đã đi vào lịch sử, tạo nên một tượng đài bất tử, để lại cho thế hệ hôm nay và mai sau những bài học vô giá. Một trong những bài học ấy là lực lượng an ninh miền Nam đã sớm thiết lập cơ sở cách mạng trong các tầng lớp Nhân dân, gắn bó với Nhân dân, tạo nên căn cứ vững chắc trong lòng dân.
Nhiều nghiên cứu đã khẳng định, nếu không có Mậu Thân 1968 sẽ không có đàm phán đi đến ký Hiệp định Paris tháng 1/1973 và tiến tới kết thúc chiến tranh tháng 4/1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Sau cuộc Tổng tiến công, Mỹ nhận thấy rằng không thể thắng ta về quân sự, do đó buộc phải tuyên bố ngừng ném bom miền Bắc, công nhận Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, chấp nhận ngồi vào bàn hội nghị Paris, để rồi hơn 4 năm sau, sau thất bại của trận "Điện Biên Phủ trên không" trên bầu trời Hà Nội, Mỹ buộc phải ký Hiệp định Paris, rút quân viễn chinh về nước…
“Lực lượng vũ trang và an ninh Việt Nam luôn có một căn cứ vững chắc - căn cứ lòng dân. Đó là bức "tường đồng vách sắt" mà không một thế lực nào có thể thắng nổi” - Thiếu tướng Vũ Quang Đạo nhận định và cho thấy lấy dân làm gốc vẫn là bài học lớn, đi mãi với thời gian.