Bài toán cứ mưa là ngập của Hà Nội: Giải pháp cần đồng bộ, dài hạn

Thương Huế
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cơn mưa chiều 29/5 vừa qua với lượng mưa được đánh giá lớn nhất trong suốt 36 năm qua, qua đo lường của cơ quan khí tượng thủy văn, một lần nữa cho thấy đã đến lúc việc chống úng ngập là vấn đề cấp thiết khi mà câu chuyện này đã được nhắc đến nhiều lần.

Tuy nhiên cũng cần thừa nhận, bên cạnh những biện pháp xử lý cục bộ cũng cần có những giải pháp tổng thể trước quá trình đô thị hóa mạnh mẽ.

Phố Thái Thịnh, quận Đống Đa ngập nặng trong trận mưa chiều 29/5. Ảnh: V.Nhi
Phố Thái Thịnh, quận Đống Đa ngập nặng trong trận mưa chiều 29/5. Ảnh: V.Nhi

Sau trận mưa lịch sử chiều 29/5, đã có không ít ý kiến đăng đàn phân tích, mổ xẻ nguyên nhân xảy ra tình trạng ngập của Hà Nội, khách quan mà nhìn nhận thì luận điểm nào cũng có lý cả. Rõ ràng trong thời gian 5 năm gần đây, tốc độ đô thị hóa diễn ra quá nhanh trong khi hạ tầng kỹ thuật, kết cấu hạ tầng khung của TP chưa hoàn chỉnh. Chính việc đầu tư không theo kịp quá trình đô thị hóa cũng như các điều kiện về kỹ thuật, hạ tầng kỹ thuật không đảm bảo đủ yêu cầu, quy hoạch tổng thể chưa đồng bộ với các biến động trong quá trình đô thị hóa dẫn đến tình trạng ngập úng khi mưa lớn.

Dù là vậy, nhưng cũng phải công bằng mà nói, công tác thoát nước khu vực nội đô - từ sông Tô Lịch trở vào của Hà Nội với việc hoàn thành dự án thoát nước giai đoạn I và II đã được cải thiện rõ nét, bằng chứng là lượng mưa lớn chiều 29/5, có nơi tới 140mm nhưng cũng chỉ trong vài giờ đồng hồ nước đã rút gần hết.

Còn nhớ, ở thập kỷ 90 của thế kỷ trước, có trận mưa gây cho không ít khu vực nội đô, như khu vực hồ Thiền Quang ngập đến nửa tháng, rồi đến trận mưa lịch sử năm 2008, dù hệ thống thoát nước đã được cải thiện, với sự vận hành trạm bơm Yên Sở nhưng cũng vẫn phải chịu trận trong vòng một tuần mới thoát hết nước.

Tuy nhiên, vấn đề xảy ra cho thấy, dự án thoát nước giai đoạn I và II của TP, thực tế mới chỉ giải quyết vấn đề ngập úng cho vùng lõi, từ lưu vực sông Tô Lịch trở vào đến sông Hồng. Trong khi đó, từ năm 2008 đến nay, Hà Nội mở rộng và phát triển mạnh ra phía Tây với nhiều tuyến đường, khu đô thị (KĐT) mới được đầu tư xây dựng. Hệ thống thoát nước vẫn chủ yếu là kênh tiêu nông nghiệp, chảy ra sông Nhuệ, sông Ðáy, nhưng lại phải gánh hai vai, vừa phải chống úng cho nông nghiệp vừa phải chống ngập cho đô thị, nên khó có thể đáp ứng được.

Cùng với đó, các KĐT mới lại chưa có chuẩn cos nền phù hợp với cos nền chung; hệ thống thoát nước riêng của khu với hệ thống chung chưa được kết nối thông suốt. Đã thế vì lo ngập, nên xảy ra tình trạng dự án sau cos nền cao hơn dự án trước dẫn đến mặt bằng tổng thể nhấp nhô, không có dòng chảy đồng bộ nên xảy ra ngập cục bộ. Thậm chí có KĐT, dù đã quy định phải có khu thu gom và xử lý nước thải trong đó bao gồm cả nước mưa ở bề mặt nhưng bị chủ đầu tư “ăn bớt” các hạng mục trong đó có thoát nước…

Vì vậy, giải bài toán chống úng ngập cho TP trong tình hình mới (đồng bộ giữa thoát nước nội đô và khu vực phía Tây, từ phía ngoái sông Tô Lịch trở ra, đặc biệt là từ Vành đai 3 trở ra; đồng bộ hệ thống thoát nước đô thị và nông nghiệp) thì đương nhiên cần phải tiếp tục hoàn thiện đồng bộ quy hoạch thoát nước tổng thể cho khu vực nói trên.

Điều này đã thể hiện rất rõ trong Quy hoạch thoát nước Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Điều này cũng đồng nghĩa với việc, chỉ khi nào dự án Cụm công trình đầu mối Liên Mạc (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) sớm được triển khai và đi vào vận hành, hệ thống kỹ thuật hạ tầng chuẩn đồng bộ thì mới mong giải được bài toán cứ mưa là ngập của Hà Nội mà thôi.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần