Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bài toán đã có lời giải

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trước những mâu thuẫn khó hiểu trong văn bản của Sở VHTT&DL Hà Nội, UBND TP buộc...

Kinhtedothi - Trước những mâu thuẫn khó hiểu trong văn bản của Sở VHTT&DL Hà Nội, UBND TP buộc “chữa cháy” cho đơn vị cấp dưới, ưu ái dành quyết định công việc đầu tiên của năm 2015 là phân cấp cấp giấy phép kinh doanh karaoke trở lại cho các quận, huyện. Việc “gỡ rối” cho loại hình dịch vụ văn hóa “nhạy cảm” này đang được tính bằng giờ.

Hiểu thế nào cho đúng luật?

Hiểu theo tinh thần của Công văn số 1596/SVHTTDL-QLVH thì ngành văn hóa đang “gỡ rối” cho địa phương. Thế nhưng, nếu lấy lý do theo cách TP “bỏ quên” phân cấp giấy phép kinh doanh karaoke trong Quyết định số 11/2011/QĐ-UBND thì tại sao sau 6 năm “bỏ quên” ấy, Sở VHTT&DL Hà Nội mới “lên tiếng”. Điều đặc biệt, hành động đầu tiên cho việc “lên tiếng” này là đề nghị cấp phép trên toàn TP, sau đó mới là văn bản tham mưu đề xuất cơ quan quản lý cấp trên ra quyết định cấp phép trở lại. Trong khi đó, việc phân cấp quản lý giấy phép kinh doanh karaoke đã từng được UBND TP phân định trong điều 1.3, khoản 1, mục III của Quyết định số 51/2008/QĐ-UBND. Chính vì vậy, dừng cấp hay tiếp tục phân cấp chỉ UBND TP mới đủ thẩm quyền ra văn bản. Yêu cầu trong Công văn số 1596 của Sở VHTT&DL Hà Nội được coi là thừa và ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động kinh doanh của nhiều cá nhân, DN. Hơn nữa, ngoài việc ngành văn hóa Hà Nội thấy chưa rõ việc phân cấp quản lý giấy phép karaoke trong các Quyết định 11 và 12, thì trên thực tế việc cấp phép ở các địa phương chưa thể hiện điều gì bất cập.

 
Quán karaoke trên đường Trần Đăng Ninh.	Ảnh: Chiến Công
Quán karaoke trên đường Trần Đăng Ninh. Ảnh: Chiến Công
Theo như công văn báo cáo thẩm định dự thảo Quyết định phân cấp quản lý Nhà nước và cấp giấy phép kinh doanh karaoke trên địa bàn TP Hà Nội, Sở Tư pháp và Sở KH&ĐT đều đã khẳng định việc phân cấp này là cần thiết. Tuy nhiên, kinh doanh karaoke là một trong những ngành nghề kinh doanh có điều kiện thuộc lĩnh vực văn hóa, TP có thể ban hành quyết định phân cấp cá biệt trong lĩnh vực hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng theo quy định của pháp luật chuyên ngành văn hóa. Điều này tương tự như việc UBND TP ra quyết định phân cấp quản lý khai thác khoáng sản trên địa bàn TP và quyết định phân cấp quản lý Nhà nước về môi trường đối với lĩnh vực do Sở TN&MT quản lý.

Trong công văn trả lời Sở VHTT&DL Hà Nội, Sở KH&ĐT nhấn mạnh, “Quyết định số 11 và 12 của UBND TP chỉ có thể phân cấp quản lý một số lĩnh vực kinh tế - xã hội, chứ không phải bao trùm toàn bộ các lĩnh vực phân cấp quản lý Nhà nước”. Chính vì vậy, việc UBND TP ban hành thêm một quyết định phân cấp cấp giấy phép và quản lý karaoke được hiểu là làm chặt chẽ thêm cơ sở pháp lý cho địa phương và sở chuyên ngành thực hiện, chứ không phải là việc Quyết định 11 và 12 “bỏ sót” như một số người hiểu để lấy làm “cớ” tạm dừng cấp phép kinh doanh karaoke gần 8 tháng qua, gây hoang mang cho địa phương, thiệt hại kinh tế cho nhiều cá nhân đầu tư kinh doanh karaoke. Trên thực tế, từ quy định của Quyết định 51 và Công văn số 2443/UBND-VHKG về việc điều chỉnh bổ sung quy hoạch nhà hàng karaoke, vũ trường trên địa bàn TP, các quận, huyện đã có đủ cơ sở để được phân cấp cấp phép kinh doanh karaoke trên địa bàn dựa theo quy hoạch đã được phê duyệt.

Phân cấp đã trở lại

Trước mâu thuẫn từ yêu cầu của cơ quan quản lý văn hóa và thực tế, ngày 19/1/2015, UBND TP đã ra Quyết định số 01/2015/QĐ-UBND cho phép các quận, huyện, thị xã được quyền cấp giấy phép kinh doanh karaoke trở lại. Theo thông tin từ các địa phương, hiện nay, các đơn vị đã nhận được Quyết định này của TP. Nhiều đơn vị đang chờ Quyết định có hiệu lực (sau 10 ngày kể từ ngày ký) sẽ lập tức tiến hành thông báo nhận hồ sơ tại bộ phận một cửa, sau đó thẩm định cơ sở nào có đủ kiện kinh doanh karaoke để cấp giấy phép.

Sau Quyết định số 01 của UBND TP, chúng tôi trở lại một số cơ sở từng kinh doanh “chui” tại các địa bàn, hầu hết chủ hộ kinh doanh chưa nắm được chủ trương mới này. Khi được thông báo, ai cũng mừng, sẵn sàng chuẩn bị thủ tục xin giấy phép. Một vài cơ sở nợ đọng kéo dài không kịp chờ nên đã phá sản.

Hoạt động kinh doanh karaoke luôn ẩn chứa nhiều phức tạp, làm khó cho người quản lý văn hóa, nhưng cũng tạo ra nhiều rủi ro cho người làm kinh doanh. Thế mới thấy, nếu nhà làm quản lý thiếu linh hoạt, chỉ biết vận dụng các văn bản cứng nhắc sẽ dễ đẩy đôi bên vào thế khó, chưa nói là ảnh hưởng đến sự phát triển chung của kinh tế - xã hội trên địa bàn.