Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bạn bè, người thân nghẹn ngào nhớ Phú Quang qua không gian âm nhạc

Linh Anh, ảnh Hòa Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-Hơn 100 nghệ sĩ cùng hơn 600 người thân – đều là những người tri kỷ, những khán giả hâm mộ nhạc sĩ Phú Quang; đã đến và tạo ra không gian âm nhạc rất… Phú Quang để tưởng nhớ ông vào đúng ngày giỗ đầu (8/12) tại Nhà hát Lớn Hà Nội.

Đêm nhạc mang tên “Phú Quang – Mới thôi mà đã một đời” trình diễn những ca khúc rất nổi tiếng của ông như: Em ơi Hà Nội phố, Im lặng đêm Hà Nội, Chiều Phú Tây Hồ, Mơ về nơi xa lắm, Mẹ… Những ca khúc sinh thời Phú Quang viết cho mẹ, vợ, con hoặc nói hộ cõi lòng nhớ về Hà Nội của ông trong quãng thời gian đang sinh sống và làm việc tại TP Hồ Chí Minh.

Mở màn đêm nhạc, “Phú Quang – Mới thôi mà đã một đời” khán giả được chìm đắm vào những tác phẩm khí nhạc từng được Đài tiếng nói Việt Nam sử dụng làm nhạc hiệu quen thuộc trên chương trình phát thanh như: Tình yêu của biển, prelude Ngày xa, trích đoạn giao hưởng thơ Ngoảnh lại, nhạc phim Bao giờ cho đến tháng 10…

Nhạc trưởng Honna Tetsuji cùng hơn 100 nhạc công của dàn nhạc giao hưởng
Nhạc trưởng Honna Tetsuji cùng hơn 100 nhạc công của dàn nhạc giao hưởng

Theo tâm sự của người thân trong gia đình, khi còn sống, nhạc sĩ Phú Quang vẫn đau đáu thực hiện một đêm nhạc Phú Quang cùng dàn nhạc giao hưởng, nhưng mong ước ấy của ông chưa kịp được thực hiện. Nên vào đúng dịp giỗ đầu gia đình đã thực hiện ước nguyện đó và cũng để phác thảo một bức tranh âm nhạc đầy đủ nhất về Phú Quang ở các mảng màu âm nhạc.

Nhạc trưởng Honna Tetsuji cùng hơn 100 nhạc công đã đem đến cho khan giả những cảm xúc khác khi nghe âm nhạc Phú Quang. Cũng tại đêm nhạc, nhạc trưởng Honna Tetsuji đã tiết lộ ông chỉ huy dàn nhạc bằng chính cây đũa chỉ huy mà 5 năm trước Phú Quang đã tặng cho ông.

NSND Đặng Nhật Minh chia sẻ về hoàn cảnh nhạc sĩ Phú Quang sáng tác ca khúc Bao giờ cho đến tháng 10
NSND Đặng Nhật Minh chia sẻ về hoàn cảnh nhạc sĩ Phú Quang sáng tác ca khúc Bao giờ cho đến tháng 10

Cũng tại không gian của Nhà hát Lớn Hà Nội đêm 8/12, NSND Đặng Nhật Minh đã kể rất chi tiết về hoàn cảnh ra đời ca khúc “Bao giờ cho đến tháng 10” được sử dụng làm nhạc phim trong bộ phim cùng tên – và cũng là 1 trong 18 bộ phim được thế giới bầu chọn là xuất sắc nhất mọi thời đại.

“Tôi mời nhạc sĩ Phú Quang viết nhạc cho phim khi anh ấy còn rất trẻ, 35 tuổi – mới tốt nghiệp trường nhạc. Tôi chiếu phim cho Phú Quang xem rồi anh nhận lời viết nhạc. Viết đến đâu anh gọi tôi đến nghe và cùng góp ý, chỉnh sửa. Tôi không nhớ biết bao lần tôi cùng Phú Quang ngồi trên căn gác chưa đầy 10m2 ở con ngõ ở phố Khâm Thiên (sau này căn nhà đó của gia đình nhạc sĩ Phú Quang bị B52 san phẳng, nhiều người thân cũng ra đi trong trận bom đó – phóng viên). Đến khi bạn nhạc thu âm xong thì tôi biết rằng phim mình đã có những giai điệu đẹp. Sáng tác của nhạc sĩ Phú Quang đã chắp cánh cho bộ phim. Đã nhiều lần tôi nghe bản nhạc trên phim, hôm nay lần đầu tiên nghe trình diễn cùng dàn nhạc giao hưởng, đứng cánh gà tự dưng thấy mình xúc động rơi nước mắt”- NSND Đặng Nhật Minh chia sẻ.

Nghệ sĩ piano Trinh Hương trình diễn tác phẩm Ngày xa
Nghệ sĩ piano Trinh Hương trình diễn tác phẩm Ngày xa

Dấu ấn trong phần âm nhạc giao hưởng của Phú Quang còn ở màn trình diễn piano cùng dàn nhạc của nghệ sĩ Trinh Hương – con gái lớn của nhạc sĩ Phú Quang. Sau khi thể hiện bài “Ngày xa”, nghệ sĩ Trinh Hương nghẹn ngào bày tỏ: “Bài hát bố viết cho mình khi chia tay gia đình sang Nga học piano cổ điển, còn hôm nay thì ngược lại: Con gái đánh để gửi lời chia xa cùng bố”.

Ngọc Anh và Tùng Dương là hai ca sĩ chính của chương trình
Ngọc Anh và Tùng Dương là hai ca sĩ chính của chương trình

Ở phần nhạc nhẹ, Ngọc Anh và Tùng Dương là 2 gương mặt được lựa chọn thể hiện các nhạc phẩm nhạc sĩ Phú Quang sáng tác về Hà Nội và những nhạc phẩm dành cho những con người mảnh đất ân tình khác của Phú Quang.

Tùng Dương đã thể hiện theo đúng chất của nhạc Phú Quang nhất
Tùng Dương đã thể hiện theo đúng chất của nhạc Phú Quang nhất

Xuất hiện trong đêm nhạc đặc biệt, Tùng Dương chia sẻ mình luôn nhớ lời dặn của nhạc sĩ trong lần đầu mời anh hát – sau khi thi Sao Mai Điểm hẹn 2005: Hát nhạc chú thì đừng có lên đồng nhiều. Và trải qua lần đầu được người nhạc sĩ thẩm định: Tùng Dương hát đúng nhạc Phú Quang rồi, thì anh được người nhạc sĩ mời tham gia nhiều đêm nhạc khác của ông. Và tại đêm diễn giỗ đầu, Tùng Dương chọn hát bài “Mẹ” (thơ Hồng Thanh Quang, nhạc Phú Quang) để nhớ về kỷ niệm người nhạc sĩ đã từng đệm đàn cho anh hát trong một show diễn. Ngoài ra, Tùng Dương còn thể hiện các ca khúc quan thuộc như Em ơi Hà Nội phố, hay bài hát mới: Mai đành xa sông Thương thật thương...

Nhà thơ Thái Thăng Long chia sẻ về tình tri kỷ của 2 người nghệ sĩ.
Nhà thơ Thái Thăng Long chia sẻ về tình tri kỷ của 2 người nghệ sĩ.

Có lẽ Phú Quang là người phổ nhạc nhiều nhất bằng thơ, và các tác phẩm của nhà thơ Thái Thăng Long (17-18 bài) cũng xuất hiện nhiều nhất trong nhạc của Phú Quang. “Phú Quang có tài hoa nhìn bài thơ ra nhạc, anh nhặt được những viên ngọc trong thơ để bài hát, lời thơ bay xa hơn. Tôi có gần 100 bài thơ được các nhạc sĩ phổ nhạc nhưng ở Phú Quang chúng tôi tìm đến nhau với sự đồng điệu nhất định” – nhà thơ Thái Thăng Long chia sẻ với khán giả đêm nhạc.

Diễn ra trong hơn 2 tiếng, chương trình đã đem lại những cảm xúc đong đầy nỗi nhớ Phú Quang cho hơn 600 khán giả có mặt tại Nhà hát Lớn đêm 8/12.
Diễn ra trong hơn 2 tiếng, chương trình đã đem lại những cảm xúc đong đầy nỗi nhớ Phú Quang cho hơn 600 khán giả có mặt tại Nhà hát Lớn đêm 8/12.

Ngọn nến là ca khúc được lựa chọn khép hơn 2 tiếng của chương trình. Gia đình đã giữ đúng ý tưởng của Phú Quang như bao lần tổ chức đêm nhạc, lấy bài ngọn nến để khép lại đêm nhạc của mình.

Đêm nhạc “Phú Quang – Mới thôi mà đã một đời” có sự hỗ trợ của Sunshine homes, Công ty CP Thanh Bình Hà Nội và Quỹ đổi mới sáng tạo Vingroup....