Bàn cách “bơm” tiền để hỗ trợ châu Âu

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng T.Ư nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20) đã diễn ra trong hai ngày 25 và 26/2 tại Mexico.

Đây là Hội nghị nhằm tìm cách thúc đẩy sự ổn định và phát triển kinh tế toàn cầu, đồng thời thảo luận giải pháp cho cuộc khủng hoảng nợ công của Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone).

Giải quyết khủng hoảng

Vấn đề tranh cãi chính tại hội nghị là việc huy động thêm các nguồn lực tài chính để giúp châu Âu kiểm soát khủng hoảng nợ. Châu Âu hy vọng Trung Quốc, Nhật Bản và các nước khác sẽ tăng thêm khoản đóng góp cho Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) để quỹ này có đủ năng lực hỗ trợ các nước Eurozone đang gặp khó khăn. Trong khi đó, nhiều nước G20 cho rằng trước tiên châu Âu cần tạo ra các bức tường lửa vững chắc, nhằm ngăn chặn nguy cơ lây lan của khủng hoảng nợ tới các khu vực khác, trước khi nhận được sự giúp đỡ từ bên ngoài.

Phát biểu tại hội nghị, Thống đốc Ngân hàng T.Ư Mexico Agustin Carstens nhấn mạnh mục đích của hội nghị G20 lần này là nhằm tăng cường sự hợp tác đa phương để bảo đảm sự ổn định kinh tế toàn cầu. Theo ông Carstens, trong bối cảnh cuộc khủng hoảng nợ công ở Mỹ và châu Âu đe dọa nền kinh tế toàn cầu trong năm 2011, cộng đồng quốc tế cần tăng cường hợp tác nhằm tìm ra lối thoát cho cuộc khủng hoảng hiện nay và ngăn chặn sự tái diễn cuộc khủng hoảng mới.

Ngoài việc tìm cách "bơm" thêm tiền cho IMF nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng nợ ở châu Âu, hội nghị cũng sẽ tìm ra những rủi ro và thách thức đối với nền kinh tế thế giới, các chương trình hành động bổ sung và xác định các chính sách kinh tế cần phải được áp dụng đối với từng nước. Ngoài ra, các chương trình hành động nhằm tăng cường công tác bảo vệ người sử dụng dịch vụ tài chính, giá nguyên liệu, giá lương thực, chiến lược phát triển, chiến lược khởi xướng "tăng trưởng xanh" cũng là những nội dung chính được bàn thảo.

Khó khả thi

Cũng tại hội nghị, Bộ trưởng Tài chính Mexico, Jose Antonio nói hiện vẫn còn quá sớm để bàn đến những cách thức hay con số cụ thể mà các nước G20 sẽ cam kết để tăng nguồn lực cho IMF. Trong khi đó, Thống đốc Ngân hàng T.Ư Đức, Jens Weidmann cho rằng sẽ không có quyết định nào về vấn đề này được đưa ra tại hội nghị. Ngay cả các nước G20 sẵn sàng giúp đỡ châu Âu cũng sẽ phải chờ cho đến khi các nhà lãnh đạo của khu vực chứng minh rằng họ đang nỗ lực hành động để giải quyết cuộc khủng hoảng. Rất có thể, những quyết định cụ thể sẽ phải chờ đến tháng 4, khi các quan chức tài chính G20 lại nhóm họp bên lề các hội nghị mùa Xuân của IMF và Ngân hàng Thế giới hoặc phải tới tháng 6, tại hội nghị thượng đỉnh của G20.

IMF hiện muốn huy động thêm 500 tỷ USD từ các nước thành viên để có thể bảo vệ các nước trước tác động của khủng hoảng nợ công. Tuy nhiên, điều này vấp phải sự miễn cưỡng từ một số nước, trong đó có Mỹ và Canada. Mỹ, nước có tiếng nói lớn nhất trong IMF, khẳng định sẽ không cấp thêm tiền mặt cho thiết chế này, nhất là khi cuộc bầu cử tại Mỹ trong năm nay sẽ khiến việc phê chuẩn của Quốc hội đối với một giải pháp như vậy trở nên khó khăn. Sự khước từ của Mỹ đối với ý tưởng trên đang đặt trách nhiệm lên vai các nước giàu châu Âu cũng như Trung Quốc và Nhật Bản cùng các nước khác. Nhật Bản nói có thể sẽ bơm thêm 50 tỷ USD cho IMF, song hiện vẫn chưa đưa ra cam kết chính thức.

Về  việc tăng cường quy mô các quỹ cứu trợ khu vực, Đức đã lên tiếng phản đối, cho rằng sẽ không phải là khôn ngoan nếu cứ mãi bơm tiền vào các quỹ này.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần