Cùng chủ trì hội nghị có Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Trần Sỹ Thanh; Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Ngọc Tuấn; Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong.
Dự hội nghị có đại diện các cơ quan của Trung ương Đảng; các Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy; Thành ủy viên; lãnh đạo các ban Đảng, Văn phòng Thành ủy; Thủ trưởng các sở, ban, ngành, tổ chức, cơ quan đơn vị; Bí thư các quận, huyện, thị ủy và Đảng ủy trực thuộc Thành ủy…
Tại hội nghị, Ban Chấp hành Đảng bộ TP khóa XVII sẽ họp bàn, cho ý kiến 6 nội dung gồm: Tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TW ngày 26/5/2014 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tiếp dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo; Sơ kết 5 năm thực hiện Quy định số 11-QĐi/TW ngày 18/02/2019 của Bộ Chính trị về trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân; Đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 31/5/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ TP về tập trung xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025 và những năm tiếp theo; Dự thảo Chương trình hành động của Thành ủy thực hiện Nghị quyết số 44-NQ/TW ngày 24/11/2023 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về "Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới"; Dự thảo Đề cương tổng quát Báo cáo chính trị và chủ đề, phương châm Đại hội lần thứ XVIII Đảng bộ TP; công tác cán bộ.
Trình 4 phương án chủ đề, 4 phương án phương châm Đại hội lần thứ XVIII Đảng bộ TP
Phát biểu khai mạc hội nghị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho biết, để chuẩn bị cho hội nghị quan trọng của Ban Chấp hành Đảng bộ TP Hà Nội hôm nay, trong thời gian qua, Thường trực, Ban Thường vụ Thành ủy đã chỉ đạo các Ban xây dựng Đảng, Văn phòng Thành ủy và các cơ quan, đơn vị liên quan chuẩn bị các Báo cáo, Tờ trình; đã trình xin ý kiến chỉ đạo của Thường trực, Ban Thường vụ Thành ủy và đã được tiếp thu, hoàn thiện để trình ra hội nghị.
Về dự thảo Đề cương tổng quát Báo cáo chính trị và chủ đề, phương châm Đại hội lần thứ XVIII Đảng bộ TP, Bí thư Thành ủy cho biết, Đại hội đại biểu lần thứ XVIII Đảng bộ TP là một sự kiện chính trị rất quan trọng. Để chuẩn bị cho Đại hội, Thành ủy đã quyết định thành lập 3 Tiểu ban để tổ chức, phục vụ Đại hội.
Ngay khi được thành lập, các Tiểu ban đã tích cực triển khai các nhiệm vụ được phân công, trong đó có Tiểu ban Văn kiện Đại hội XVIII Đảng bộ TP. Tiểu ban Văn kiện đã tiến hành họp, thông qua Quy chế làm việc, thông báo phân công và Kế hoạch hoạt động của Tiểu ban. Đồng thời thành lập Ban Biên tập, 4 Tổ Biên tập theo các lĩnh vực công tác do các đồng chí Thường trực Thành ủy làm Tổ trưởng. Hoạt động của các Tổ Biên tập, Ban Biên tập và Tiểu ban Văn kiện được tổ chức thực hiện đồng bộ, thống nhất và bảo đảm tiến độ theo Kế hoạch đề ra.
Theo Kế hoạch của Tiểu ban Văn kiện, dự thảo Đề cương Báo cáo chính trị, chủ đề và phương châm Đại hội XVIII Đảng bộ TP sẽ trình xin ý kiến vào Hội nghị lần thứ 18 Ban Chấp hành Đảng bộ TP. Tuy nhiên, căn cứ yêu cầu thực tiễn và để chủ động một bước trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức Đại hội, Tiểu ban Văn kiện đã quyết định chỉ đạo bộ phận tham mưu khẩn trương xây dựng, xin ý kiến, tiếp thu và hoàn thiện để có sản phẩm là Đề cương tổng quát Báo cáo chính trị, chủ đề và phương châm Đại hội trình tại Hội nghị lần thứ 17 Ban Chấp hành Đảng bộ TP hôm nay (sớm hơn 2 tháng so với kế hoạch).
Đối với dự thảo Đề cương tổng quát Báo cáo chính trị, Bí thư Thành ủy đề nghị các đại biểu phát huy tinh thần trách nhiệm, tập trung trí tuệ, tham gia thảo luận, đóng góp ý kiến về bố cục, kết cấu của đề cương. Đồng thời tham gia ý kiến cụ thể vào các nội dung như: việc lựa chọn 14 lĩnh vực cơ bản để đánh giá những thành tựu đã đạt được trong nhiệm kỳ qua. Các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đề ra tại dự thảo Đề cương tổng quát đã đảm bảo tính bao phủ, phù hợp với các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp tại các Nghị quyết của Trung ương và Bộ Chính trị. Việc xác định định hướng, tầm nhìn phát triển của Thủ đô trong thời gian tới…
Đối với chủ đề và phương châm Đại hội XVIII Đảng bộ TP Hà Nội, Bí thư Thành ủy cho biết, để tăng cường trách nhiệm và thuận tiện trong việc thảo luận, góp ý của các đại biểu, sau khi bàn bạc kỹ, Ban Thường vụ Thành ủy đã thống nhất trình Ban Chấp hành Đảng bộ TP khóa XVII xem xét 4 phương án về chủ đề và 4 phương án về phương châm Đại hội.
Từ đó, Bí thư Thành ủy đề nghị các đại biểu nghiên cứu, góp ý và thể hiện rõ quan điểm đối với các phương án do Ban Thường vụ Thành ủy trình để lựa chọn ra được 1 phương án về chủ đề và phương châm Đại hội nổi bật, tối ưu, đầy đủ nhất, đáp ứng được các yêu cầu đề ra.
Xây dựng đội ngũ cán bộ ngang tầm nhiệm vụ
Liên quan việc đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 31/5/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ TP về tập trung xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025 và những năm tiếp theo, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho biết, đây là Nghị quyết chuyên đề đầu tiên của Thành ủy Hà Nội về công tác cán bộ, nhằm giải quyết cho được những tồn tại, hạn chế về công tác cán bộ xây dựng đội ngũ cán bộ ngang tầm với các nhiệm vụ trong tình hình mới.
Qua đánh giá kết quả ban đầu có thể thấy các mục tiêu của Nghị quyết đã đúng và trúng với yêu cầu đang đặt ra. Công tác cán bộ bước đầu đã có sự chuyển biến rõ nét, ngày càng đổi mới, nền nếp, đạt được nhiều kết quả quan trọng, đáp ứng tốt yêu cầu xây dựng đội ngũ cán bộ trong giai đoạn mới. Ban Thường vụ Thành ủy đã kịp ban hành các quy định, kế hoạch, đề án để cụ thể hóa và triển khai thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TU. Tuy nhiên, việc thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TU của Thành ủy cũng còn một số tồn tại, hạn chế cần tiếp tục được quan tâm, khắc phục.
Vì vậy, Bí thư Thành ủy đề nghị các đại biểu thảo luận, làm rõ thêm những kết quả đã đạt được, những khó khăn, vướng mắc, hạn chế, tồn tại, những bài học kinh nghiệm trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TU của Thành ủy. Đặc biệt là đề xuất những phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp, nhất là những giải pháp khắc phục hạn chế và những vấn đề cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo trong công tác cán bộ để có thể triển khai thực hiện tốt hơn nữa Nghị quyết số 04-NQ/TU của Thành ủy.
Về Tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TW ngày 26/5/2014 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tiếp dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo và Sơ kết 5 năm thực hiện Quy định số 11-QĐi/TW ngày 18/02/2019 của Bộ Chính trị về trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân, Bí thư Thành ủy cho biết, thực hiện Chỉ thị 35-CT/TW, Quy định số 11-QĐi/TW của Bộ Chính trị nêu trên, Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy đã chỉ đạo ban hành nhiều văn bản để lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả.
Để tiếp tục hoàn thiện các dự thảo Báo cáo gửi Ban Nội chính Trung ương, căn cứ tình hình thực tiễn và với cương vị đứng đầu các địa phương, đơn vị, Bí thư Thành ủy đề nghị các đại biểu thảo luận, đóng góp ý kiến vào các dự thảo Báo cáo nêu trên. Trong đó tập trung một số nội dung như phân tích, đánh giá một cách khách quan, toàn diện về kết quả 10 năm thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TW và kết quả 5 năm thực hiện Quy định số 11-QĐi/TW của Bộ Chính trị trên cơ sở gắn với tình hình thực tiễn của cơ quan đơn vị.
Ngoài ra, phân tích, đánh giá sâu về các tồn tại, hạn chế, khó khăn vướng mắc, nguyên nhân khách quan, chủ quan và bài học kinh nghiệm rút ra. Tập trung đánh giá các nhiệm vụ, giải pháp để Ban Thường vụ Thành ủy tiếp tục chỉ đạo thực hiện trong thời gian tới để làm tốt hơn “công tác tiếp dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo” và “trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị” trên địa bàn TP, các kiến nghị, đề xuất với Trung ương.
Bảo đảm quốc phòng, an ninh là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên
Về dự thảo Chương trình hành động của Thành ủy thực hiện Nghị quyết số 44-NQ/TW ngày 24/11/2023 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng cho biết, công tác bảo đảm quốc phòng, an ninh luôn được xác định là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và là quan điểm nhất quán của Đảng ta qua các kỳ Đại hội.
Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã lãnh đạo, chỉ đạo cấp ủy các cấp, các ngành, nhất là lực lượng vũ trang trong toàn TP trên cơ sở tiếp thu những nội dung mới, cốt lõi và trọng tâm của Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, tiếp tục quán triệt, tích cực chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội XVII Đảng bộ TP; các Nghị quyết liên quan đến nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc.
Thường xuyên kiểm tra, giám sát, báo cáo kịp thời, làm cơ sở để toàn Đảng bộ và Nhân dân thực hiện tốt các chủ trương, nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước về nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Qua đó, góp phần đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn trong chiến lược “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn Thủ đô.
Nhận thức rõ vai trò và vị trí của Thủ đô Hà Nội, Ban Thường vụ Thành ủy đã chỉ đạo Đảng ủy Bộ Tư lệnh Thủ đô chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu, xây dựng Chương trình hành động của Thành ủy để triển khai thực hiện Nghị quyết số 44-NQ/TW của Trung ương. Theo đó, luôn bám sát các quan điểm, mục tiêu, phương châm chỉ đạo, nhiệm vụ và giải pháp bảo vệ Tổ quốc trong thời gian tới theo tinh thần của Nghị quyết. Đồng thời bổ sung các nhiệm vụ, giải pháp đặc thù, riêng biệt, phù hợp với địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng của Thủ đô Hà Nội.
Tại hội nghị, Bí thư Thành ủy đề nghị các đại biểu thảo luận, tham gia góp ý kiến để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Chương trình hành động của Thành ủy. Trong đó tập trung thảo luận, phân tích bối cảnh tình hình trong nước, quốc tế, nhất là đặc điểm tình hình của TP để thấy rõ những biến đổi sâu sắc, diễn biến phức tạp, khó lường. Dự báo xu hướng phát triển trong thời gian tới để kịp thời bổ sung, phát triển một số quan điểm, tư tưởng chỉ đạo và điều chỉnh.
Đề xuất những phương hướng, giải pháp cụ thể, nhằm quán triệt và tổ chức thực hiện có hiệu quả Nghị quyết và Chương trình hành động của Thành ủy sát với tình hình thực tiễn của từng địa phương, đơn vị với mục tiêu cao nhất là bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới đạt những kết quả quan trọng, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra.
“Những nội dung trình hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ TP lần này có ý nghĩa hết sức quan trọng, quyết định đến công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị, công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Thường vụ Thành ủy và công tác chuẩn bị cho việc xây dựng Văn kiện trình Đại hội đại biểu lần thứ XVIII Đảng bộ TP. Tôi đề nghị các đồng chí nêu cao tinh thần trách nhiệm, phát huy dân chủ, tập trung nghiên cứu, thảo luận, đóng góp nhiều ý kiến sâu sắc, xác đáng để hoàn thiện các Báo cáo, Dự thảo Nghị quyết, Kết luận của Ban Chấp hành và xem xét, quyết định vào cuối kỳ họp” - Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh.
Xác định rõ những khâu đột phá của Thủ đô trong giai đoạn tới
Ngay sau khi biểu quyết thông qua chương trình hội nghị, Ban Chấp hành Đảng bộ TP Hà Nội đã nghe Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong trình bày Dự thảo Đề cương tổng quát Báo cáo chính trị và chủ đề, phương châm Đại hội lần thứ XVIII Đảng bộ TP.
Trong đó, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong cho biết, Báo cáo chính trị được xây dựng dựa trên các căn cứ quan trọng, gồm: Báo cáo chính trị chính thức của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đất nước 10 năm 2021-2030; Nghị quyết số 15-NQ/TW, ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và các Nghị quyết chuyên đề của Bộ Chính trị có liên quan đến Hà Nội… Một số tiêu chuẩn, tiêu chí của các tổ chức quốc tế liên quan đến các lĩnh vực phát triển của Thủ đô.
Nội dung Đề cương tổng quát Báo cáo chính trị bảo đảm tính khoa học, phù hợp với thực tiễn, ngắn gọn, đúng, trúng vấn đề, bám sát nội dung Kế hoạch của Tiểu ban Văn kiện; đặc biệt, rút kinh nghiệm từ việc triển khai xây dựng Báo cáo tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 6/1/2012 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2011 – 2020; tạo tiền đề, cơ sở quan trọng cho việc xây dựng Đề cương chi tiết và dự thảo Báo cáo chính trị.
Theo Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong, bố cục Đề cương tổng quát gồm 2 phần lớn: Phần thứ nhất: Đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội XVII Đảng bộ thành phố (2020 - 2025); phần thứ hai: Mục tiêu tổng quát; những chỉ tiêu chính, nhiệm vụ chủ yếu, khâu đột phá và những giải pháp trọng tâm của Thủ đô giai đoạn 5 năm 2025-2030, định hướng đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065.
Về nội dung Tờ trình xin ý kiến Ban Chấp hành Đảng bộ TP về Chủ đề và Phương châm Đại hội lần thứ XVIII Đảng bộ thành phố, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong cho biết, chủ đề và phương châm Đại hội được xây dựng dựa trên những căn cứ pháp lý và chính trị quan trọng, gồm: Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa XIII) về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi)…
Đồng thời khắc ghi sự quan tâm, tình cảm đặc biệt và quán triệt sâu sắc lời căn dặn của Bác Hồ với Thủ đô Hà Nội, nhất là trong những lời phát biểu, những bài nói chuyện tại các kỳ Hội nghị Đảng bộ Hà Nội, các Đại hội đại biểu Nhân dân Hà Nội, như: "Cả nước nhìn về Thủ đô ta. Thế giới trông vào Thủ đô ta", nên “Thủ đô ta” phải phấn đấu để “thành một Thủ đô bình yên tươi đẹp, mạnh khỏe cả về vật chất và tinh thần”; trách nhiệm vị trí "đầu tàu", vai trò "gương mẫu" của Thủ đô với cả nước…
Đặc biệt, bám sát tinh thần nội dung các cuốn sách, tác phẩm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; phát biểu chỉ đạo của Tổng Bí thư tại Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XVII; tại buổi gặp mặt, thăm, chúc tết Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Thủ đô Hà Nội nhân dịp Xuân Quý Mão 2023, trong đó nhấn mạnh việc phát huy tốt hơn nữa vai trò, vị thế, tiềm năng, thế mạnh của Thủ đô trong xu thế phát triển chung của đất nước; khơi dậy ý chí vươn lên xây dựng Thủ đô văn hiến, văn minh, hiện đại; nêu cao hơn nữa lòng tự hào, tự trọng, ý chí quyết tâm, tinh thần năng động, sáng tạo… để vượt qua mọi khó khăn, thách thức, hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra.
Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong cũng cho biết, chủ đề và phương châm của Đại hội XVIII Đảng bộ TP cũng được xây dựng căn cứ vào các định hướng lớn của Trung ương, Chính phủ trên các lĩnh vực, ngành trọng yếu, mũi nhọn tập trung cho phát triển đất nước; kế thừa chủ đề Đại hội XVI; chủ đề Đại hội XVII.
Chủ đề Đại hội XVIII cũng kế thừa nhiệm vụ và mục tiêu phát triển quan trọng nhất của Thủ đô không chỉ cho nhiệm kỳ Đại hội, mà còn mang tầm nhìn dài hạn (đến giữa thế kỷ XXI). Cách xây dựng chủ đề bảo đảm nêu được những thành tố cơ bản: Sự lãnh đạo của Đảng; sức mạnh của Nhân dân và đại đoàn kết toàn dân tộc; có tính thời đại; có tính đại chúng; mang đặc trưng Thủ đô; bảo đảm tính mới trong tư duy, tầm nhìn, định hướng phát triển và mục tiêu xây dựng Thủ đô; phù hợp với yêu cầu phát triển của đất nước trong giai đoạn mới.
Trong đó, những vấn đề trọng tâm, đặc trưng cần đề cập là: gương mẫu; đoàn kết; vững mạnh toàn diện; sức mạnh đại đoàn kết; tính thời đại; văn hóa, con người Hà Nội; thích ứng, linh hoạt; đổi mới sáng tạo; nhanh, bền vững; văn hiến, văn minh, hiện đại; hạnh phúc; xanh, thông minh; ý chí, khát vọng; tình yêu Hà Nội…
Ban Thường vụ Thành ủy bước đầu đề xuất 4 phương án chủ đề và 3 phương án về phương châm Đại hội XVIII, trình Ban Chấp hành Đảng bộ TP cho ý kiến để tiếp tục hoàn thiện trong quá trình xây dựng các văn kiện Đại hội.
Thực hiện công khai minh bạch các quy trình công tác cán bộ
Tiếp đó, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Vũ Đức Bảo trình bày Tờ trình số 83 – TTr/TU về kết quả thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 31/5/2021 của Thành ủy Hà Nội về tập trung xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ các cấp, nhiệm kỳ 2020-2025 và những năm tiếp theo.
Thực hiện quyết liệt chủ trương bố trí cán bộ không phải người địa phương. Đến nay có 28/30 bí thư quận, huyện, thị ủy và 22/30 chủ tịch UBND quận, huyện, thị xã không phải người địa phương; có 68,39% bí thư cấp ủy, 61,13% chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn không phải người địa phương; 38,88% cán bộ cấp huyện, 45,9% cán bộ cấp xã là phó bí thư thường trực, phó chủ tịch UBND không phải là người địa phương.
Kết quả thực hiện các chỉ tiêu và công tác cán bộ cơ bản đạt và vượt chỉ tiêu. Cụ thể, tỷ lệ cán bộ trẻ diện Ban Thường vụ các cấp quản lý đạt 12,58%; tỷ lệ cán bộ nữ diện Ban Thường vụ các cấp quản lý đạt 33,39%; số cán bộ diện Ban cấp ủy quản lý đạt trình độ thạc sĩ, tiến sĩ đạt 42,4%. Số cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ cấp ủy quản lý có trình độ chuyên môn đại học, lý luận chính trị từ trung cấp trở lên đạt 73,84%. Số cán bộ lãnh đạo, quản lý diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý được bồi dưỡng, cập nhật kiến thức mới đạt 100%. Tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức đánh giá hàng tháng trên phần mềm đạt 99,32%.
Thành ủy đã chỉ đạo, rà soát, xây dựng và ban hành 1 Chương trình, 1 Chỉ thị, 1 Nghị quyết, 8 Đề án, 22 Quy chế, 9 Hướng dẫn, Kế hoạch về công tác cán bộ. Các cấp ủy, cơ quan, đơn vị, địa phương đã tập trung cụ thể hóa, ban hành đồng bộ hệ thống văn bản để triển khai các quy định, quy chế, kế hoạch, hướng dẫn của Thành ủy, cấp ủy cấp trên và cùng cấp trong công tác cán bộ, thực hiện công khai minh bạch các quy trình công tác cán bộ theo quy định.
Đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng, đề ra nhiều giải pháp mang tính căn cơ, đột phá, thiết thực, tập trung vào 3 trọng tâm. Một là, đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho cán bộ nguồn quy hoạch. Hai là, bồi dưỡng nâng cao năng lực, kỹ năng lãnh đạo, quản lý cho đội ngũ cán bộ chủ chốt ở cơ sở. Ba là, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ ở nước ngoài. Hoàn thành các kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng hàng năm cho các đối tượng.
Đến nay, toàn TP đã thực hiện luân chuyển, điều động đối với 2.580 lượt cán bộ; đã thực hiện chuyển đổi vị trí công tác đối với tổng số 3.274 lượt cán bộ, công chức. Thành ủy, các cấp ủy trực thuộc đã thực hiện bổ nhiệm đối với 1.872 đồng chí; giới thiệu ứng cử 2.652 đồng chí; bổ nhiệm lại 1.973 đồng chí. Đã chỉ đạo triển khai hoàn thành thi tuyển 9 chức danh lãnh đạo, quản lý cấp phòng tại 5 đơn vị khối Đảng, đoàn thể với tổng số 28 ứng viên dự thi; khối chính quyền đã hoàn thành thi tuyển 170 chức danh/289 chức danh thí điểm thi tuyển, 20 chức danh đang thi và 90 chức danh chưa thi.
Trong thời gian tới, Thành ủy tiếp tục rà soát, chỉ đạo thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ trong Nghị quyết số 04-NQ/TU đảm bảo tiến độ, chất lượng. Phát huy dân chủ, nâng cao ý thức trách nhiệm, nêu gương, tăng cường kỷ luật, kỷ cương và trách nhiệm giải quyết công việc trong công tác cán bộ theo Chỉ thị số 24-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy. Tiếp tục làm tốt hơn nữa các khâu của công tác cán bộ, trọng tâm là thực hiện có hiệu quả công tác luân chuyển, điều động, chuyển đổi vị trí công tác theo quy định, đảm bảo bố trí, sắp xếp cán bộ, công chức, viên chức có chuyên môn đào tạo theo đúng yêu cầu vị trí việc làm, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ và tình hình thực tiễn, làm tốt công tác chuẩn bị nhân sự cho đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025-2030.
Đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ gắn với quy hoạch, vị trí việc làm và yêu cầu thực tiễn về chuyên môn, nghiệp vụ, năng lực lãnh đạo quản lý, cập nhật kiến thức cho cán bộ. Quan tâm thực hiện nền nếp công tác bảo vệ chính trị nội bộ, chính sách cán bộ, nhất là chính sách đối với cán bộ không đủ tuổi tái cử nhiệm kỳ 2025-2030 và cán bộ tại các địa phương thuộc diện sắp xếp đơn vị hành chính giai đoạn 2023-2025...
Tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu trong tiếp công dân
Trưởng ban Nội chính Thành ủy Hà Nội Nguyễn Quang Đức đã trình bày báo cáo sơ kết 5 năm thực hiện Quy định số 11-QĐ/TW ngày 18/02/2019 của Bộ Chính trị "về trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân".
Theo Trưởng ban Nội chính Thành ủy Nguyễn Quang Đức, việc triển khai thực hiện Quy định 11-QĐ/TW của Bộ Chính trị đã được sự quan tâm chỉ đạo thường xuyên của Thường trực, Ban Thường vụ Thành ủy và sự vào cuộc quyết liệt của các cấp ủy, chính quyền từ TP đến cơ sở.
Do vậy, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy các cấp trong công tác tiếp công dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của người dân trên địa bàn TP đã có nhiều chuyển biến tích cực. Theo đó, công tác tiếp công dân, xử lý phản ánh, kiến nghị đã từng bước được quan tâm chỉ đạo giải quyết dứt điểm ngay từ cơ sở.
Ý thức, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy các cấp trong tiếp công dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của dân, nhất là các vụ việc phức tạp, đông người được nâng lên. Việc kiểm tra giám sát, giải quyết các vụ việc tồn đọng, phức tạp đã trở thành nhiệm vụ thường xuyên, liên tục.
Người đứng đầu cấp ủy các cấp, các ngành, đơn vị đã chủ động việc tiếp công dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý phản ánh, kiến nghị ngay từ khi phát sinh tại cơ sở, không để phát sinh thành “điểm nóng” gây mất an ninh trật tự. Tập trung thanh tra, kiểm tra trách nhiệm đối với người đứng đầu cấp ủy trong việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của dân. Qua đó kịp thời chấn chỉnh tồn tại, hạn chế trong việc thực hiện công tác này.
Bí thư Thành ủy Hà Nội đã tiến hành làm việc, đối thoại, tiếp công dân theo quy định, trong đó trực tiếp tiếp 22 vụ việc với người dân. Đây là các vụ việc được người dân khiếu kiện kéo dài, có tính chất điển hình, các gia đình chính sách thương binh liệt sỹ có hoàn cảnh khó khăn. Ngoài ra, Bí thư Thành ủy đã đối thoại 15 kỳ cuộc với đông đảo quần chúng Nhân dân tại các hội nghị đối thoại với các tổ chức chính trị xã hội, lực lượng vũ trang và các cơ quan doanh nghiệp, tầng lớp trí thức trên địa bàn TP, gặp mặt Thanh niên tiêu biểu TP, Hội Liên hiệp phụ nữ TP, công nhân lao động thủ đô, MTTQ Việt Nam TP Hà Nội.
Các ý kiến tại hội nghị đối thoại đã được Bí thư Thành ủy phúc đáp, giải quyết ngay tại các hội nghị. Một số vụ việc tiếp công dân điển hình sau rất nhiều năm mới được giải quyết đã đáp ứng cơ bản nguyện vọng của Nhân dân, góp phần lan tỏa mạnh mẽ sự quan tâm của cấp ủy đến với người dân.
Theo thống kê qua 5 năm thực hiện Quy định số 11-QĐ/TW ngày 18/02/2019 của Bộ Chính trị "về trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân", tổng số cuộc tiếp dân định kỳ, đột xuất/số lượt công dân được tiếp: cấp xã 117.232/657.986; cấp huyện 41.407/57.234; cấp TP 11.519/16.633.
Về kết quả tiếp công dân và xử lý phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của người đứng đầu, cấp ủy các cấp đã tập trung giải quyết thuộc thẩm quyền 72.317 vụ việc. Trong đó, đã giải quyết 71.526 vụ việc.
Qua theo dõi, sau các cuộc tiếp dân, các vụ việc đã được giải quyết, người dân tin tưởng và được sự đồng tình cao trong dư luận của Nhân dân. Tạo sự lan tỏa trong hệ thống chính trị về trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy về công tác tiếp công dân giải quyết khiếu nại, tố cáo, tạo sự đồng tình ủng hộ, tin tưởng của người dân đối với công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo theo quy định pháp luật.
Đối với các cấp ủy, các ngành TP, các đơn vị đã chủ động phân công và công khai lịch tiếp công dân định kỳ của lãnh đạo. Đồng thời, tổ chức đối thoại, vận động thuyết phục công dân để giải quyết, tháo gỡ bức xúc của Nhân dân, làm cơ sở cho việc chỉ đạo, xử lý, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân. Các bí thư cấp ủy đã thực hiện tốt công tác tiếp dân theo quy định. Nhiều công dân đã được các đồng chí lãnh đạo cấp ủy địa phương giải quyết kịp thời, tạo niềm tin trong Nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng.
Trong thời gian tới, TP tiếp tục tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy các cấp trong thực hiện công tác tiếp công dân, đối thoại trực tiếp với dân, xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo.Cùng với đó, tăng cường đối thoại với người dân ngay từ khi phát sinh vụ việc để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người dân, làm rõ nguyên nhân phát sinh bức xúc, giải đáp thấu đáo những vấn đề người dân còn thắc mắc. Đồng thời chỉ đạo, giải quyết kịp thời những nội dung còn vướng mắc; không để hình thành, phát sinh "điểm nóng" về an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội.
Tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền các cấp. Tiếp tục thực hiện nghiêm túc trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân với tinh thần chủ động, kịp thời, thấu đáo, sâu sát...
Chú trọng các vụ việc khiếu kiện kéo dài còn tồn đọng ảnh hưởng đến nhiều hộ gia đình, nhiều địa phương, vụ việc tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng an ninh trật tự, các vụ việc về đền bù giải phóng mặt bằng, đất dịch vụ, xây dựng, bãi xe, nghĩa trang, rác thải, tạo sự lan tỏa mạnh mẽ trong công tác này. Bên cạnh đó, tăng cường đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nâng cao năng lực về chính trị, pháp luật, kỹ năng chuyên môn cho đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác xử lý đơn, thư, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo...
Tiếp đó, Trưởng ban Nội chính Thành uỷ Nguyễn Quang Đức trình bày Dự thảo tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị 35-CT/TW, ngày 26/5/2014 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Trong đó cho biết, thời gian tới, các cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp tiếp tục tăng cường, quán triệt, triển khai nâng cao vai trò của cấp ủy, nhất là người đứng đầu trong lãnh đạo, chi đạo thực hiện Chi thị 35-CT/TW. Tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền các cầp, phát huy sức mạnh tồng hợp của cả hệ thông chính trị trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo.
Tăng cường cộng tác thanh tra, kiểm tra trách nhiệm của thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trong tiếp công dân, xử lý đơn thư và giải quyết khiếu nại tố cáo.
Tập trung kiểm tra, rà soát, giải quyết dứt điểm các vụ việc đông người, phức tạp, kéo dài; việc tổ chức thực hiện các quyết định giải quyết khiếu nại, kết luận nội dung tố cáo có hiệu lực pháp luật trên địa bàn Thành phố. Tập trung chỉ đạo giải quyết những vấn đề dân sinh bức xúc, các vụ việc phức tạp, nhạy cảm về an ninh chính trị - trật tự an toàn xã hội, tích cực giải quyết các mâu thuẫn trong nội bộ Nhân dân ngay từ cơ sở, không để nảy sinh các "điểm nóng", các vụ việc đông người, phức tạp, kéo dài, khiếu kiện vượt cấp.
Tăng cường công tác quản lý Nhà nước trong các lĩnh vực đặc biệt là các lĩnh vực phát sinh nhiều khiếu nại tố cáo như: quản lý, sử dụng đất đai; cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thu hồi đất, đền bù giải phóng mặt bằng, đầu tư xây dựng, tài chính, ngân sách, chính sách xã hội; thực hiện tốt công tác cải cách hành chính, tạo điều kiện thuận lợi để người dân tham gia vào hoạt động quản lý nhà nước và thực hiện tốt quyền, nghĩa vụ của công dân.
Tại hội nghị, Trung tướng Nguyễn Quốc Duyệt - Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thủ đô đã trình bày dự thảo Chương trình hành động của Thành ủy thực hiện Nghị quyết số 44-NQ/TW ngày 24/11/2023 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về "Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới".
Sau khi nghe các báo cáo, tờ trình, các đại biểu chia thành 4 tổ để thảo luận về các nội dung này.
Nỗ lực phấn đấu hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ của cả nhiệm kỳ
Chiều cùng ngày, sau khi nghe các báo cáo giải trình, tiếp thu góp ý vào các báo cáo, tờ trình của Ban Thường vụ Thành ủy, phát biểu kết luận hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến đánh giá, với tinh thần trách nhiệm cao, sau 1 ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc và trách nhiệm, Hội nghị lần thứ 17 Ban Chấp hành Đảng bộ TP đã hoàn thành toàn bộ nội dung chương trình đã đề ra.
Theo Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến, các Thành ủy viên và đại biểu tham dự hội nghị đã phát huy dân chủ, đóng góp nhiều ý kiến sâu sắc, trí tuệ, tâm huyết vào các Tờ trình do Ban Thường vụ Thành ủy trình Ban Chấp hành Đảng bộ TP.
Về Dự thảo Đề cương tổng quát báo cáo chính trị và chủ đề, phương châm Đại hội lần thứ XVIII Đảng bộ TP, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến cho biết, Ban Chấp hành Đảng bộ TP giao Ban Thường vụ Thành ủy chỉ đạo tiếp thu tối đa các ý kiến phát biểu tại hội nghị, hoàn thiện chủ đề, phương châm Đại hội bảo đảm tính kế thừa, tính hiệu triệu, ngắn gọn, dễ nhớ, dễ thực hiện; thuận lợi trong tuyên truyền, phổ biến, quán triệt tới cán bộ, đảng viên và Nhân dân. Đồng thời hoàn thiện Đề cương tổng quát Báo cáo chính trị.
Đối với dự thảo Báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 31/5/2021 của Thành ủy Hà Nội về tập trung xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025 và những năm tiếp theo do Ban Thường vụ Thành ủy trình, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy cho biết, trên cơ sở ý kiến góp ý của các đại biểu tại hội nghị, giao Ban Thường vụ Thành ủy tiếp thu, hoàn thiện dự thảo Báo cáo và kết luận của Ban Thường vụ Thành ủy để ban hành và chỉ đạo sớm tổ chức, triển khai thực hiện theo quy định.
Về tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TW ngày 26/5/2014 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tiếp dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo và sơ kết 5 năm thực hiện Quy định số 11-QĐi/TW ngày 18/02/2019 của Bộ Chính trị về trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy cho biết, các ý kiến cơ bản thống nhất cao với các dự thảo báo cáo do Ban Thường vụ Thành ủy trình xin ý kiến.
Để công tác tiếp công dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của dân thực sự có hiệu quả hơn nữa, thời gian tới, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy đề nghị các cấp ủy Đảng, chính quyền tiếp tục tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy các cấp trong thực hiện tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân, xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Đồng thời, Ban Chấp hành Đảng bộ TP giao Ban Thường vụ Thành ủy chỉ đạo cơ quan chủ trì tiếp thu, tiếp thu tối đa các ý kiến, hoàn thiện dự thảo các Báo cáo, báo cáo Thường trực Thành ủy ký ban hành theo quy định.
Về Dự thảo Chương trình hành động của Thành ủy thực hiện Nghị quyết số 44-NQ/TW ngày 24/11/2023 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy cho biết, các ý kiến phát biểu đánh giá cao sự chuẩn bị chu đáo của Ban Thường vụ Thành ủy, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội và các cơ quan, đơn vị liên quan trong việc xây dựng Chương trình hành động của Thành ủy.
Ban Chấp hành Đảng bộ TP giao Ban Thường vụ Thành ủy chỉ đạo cơ quan chủ trì tiếp thu tối đa các ý kiến phát biểu, tiếp tục rà soát hoàn thiện dự thảo Chương trình hành động của Thành ủy để báo cáo Thường trực Thành ủy ký ban hành; khẩn trương xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp trên cơ sở bám sát các mục tiêu và phương châm chỉ đạo.
Về nội dung công tác cán bộ, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy cho biết, Ban Chấp hành Đảng bộ TP đã tiến hành quy trình bầu bổ sung Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Thành ủy kiêm chức đối với đồng chí Trần Đức Hoạt - Thành ủy viên, Chánh Thanh tra TP. Ban Chấp hành Đảng bộ TP giao Ban Thường vụ Thành ủy chỉ đạo việc hoàn thiện các hồ sơ, thủ tục để trình cấp có thẩm quyền chuẩn y theo quy định.
“Khối lượng công việc còn rất lớn, đề nghị các đồng chí Thành ủy viên, người đứng đầu cấp ủy đảng, chính quyền các cấp cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, tập trung cao độ, phấn đấu hoàn thành ở mức cao nhất các chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2024, tạo tiền đề cho năm 2025, tiến tới tổ chức thành công Đại hội Đảng bộ TP khóa XVIII” - Phó Bí thư Thường trực Thành ủy nhấn mạnh.