Nhưng cho đến nay tập thơ đã được dịch ra bao nhiêu ngôn ngữ và có bao nhiêu bản dịch? Câu trả lời hiện có qua các phương tiện truyền thông không thống nhất.
Tác phẩm “Nhật ký trong tù” đã đến với nhiều quốc giaTheo Đỗ Hồng Công “cho đến nay (2015), “Nhật ký trong tù” đã được dịch ra 11 thứ tiếng trên thế giới: Nga, Mông Cổ, Ba Lan, Anh, Pháp, Hungary, Quốc tế ngữ, Đan Mạch, Tiệp, Nam Tư, Đức”. Nhưng trong sách “Sức lan tỏa của thi ca và cuộc đời Hồ Chí Minh” xuất bản năm 2017, dịch giả Thúy Toàn cho biết: “Tới thời điểm năm 2007, “Nhật ký trong tù” đã được dịch sang 25 thứ tiếng, trong đó có 21 thứ tiếng soạn giả đã được tiếp cận, còn 4 thứ tiếng nêu lên theo thông tin sách báo”. Còn trong một bài viết khác, công bố năm 2013 dịch giả Thúy Toàn viết cụ thể hơn: “Có thể mạnh dạn nói một điều là tập thơ Nhật ký trong tù của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được dịch ra hầu hết các thứ tiếng phổ biến ở châu Âu: Anh, Pháp, Nga, Đức, Italia, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Hy Lạp, Ba Lan, Séc, Slovắc, Hungari, Rumani, Khovat (Nam Tư cũ), Beloruxia… các thứ tiếng Bắc Âu: Đan Mạch, Thụy Điển…; tiếng Ả Rập ở châu Phi; đặc biệt các thứ tiếng ở châu Á: Lào, Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Miama, Mông Cổ, Sinhalese (Xirilanca), Begal, Karala, Tamil (Ấn Độ), Kazacstăng, Karabacski… và Quốc tế ngữ.
Theo các “thứ tiếng” được kể ra ở đây, “Nhật ký trong tù” đã được dịch ra 31 ngôn ngữ (không kể tiếng Việt). Cũng vào năm 2013, một bài viết của tác giả Nguyễn Văn Dương (Phòng ST - KK - TL), Khu Di tích Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch, không nói số lượng ngôn ngữ được dịch mà chỉ đề cập đến số “cuốn sách” (tức bản dịch) có ở Bảo tàng Hồ Chí Minh: “… Không kể sách tiếng Việt, Bảo tàng Hồ Chí Minh đã sưu tầm và bảo quản gần 50 cuốn sách “Nhật ký trong tù” tiếng nước ngoài”. Mới đây, tôi đọc được tin “Ngày 21/10/2015 tại trụ sở Hội Nhà văn Việt Nam đã tổ chức lễ ra mắt bản dịch “Nhật ký trong tù” của Chủ tịch Hồ Chí Minh sang tiếng Anbani.” Bản tin này còn cho biết thêm “Cho đến nay, tác phẩm “Nhật ký trong tù” của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được dịch ra 25 tiếng trên thế giới”. Không biết bản dịch tiếng Anbani này đã được đưa vào danh mục các tác phẩm Nhật ký trong tù bằng tiếng nước ngoài của Bảo tàng Hồ Chí Minh hay Khu di tích tại Phủ Chủ tịch chưa, song nó chưa thể được nhắc đến trong các bài viết cũng như cuốn sách nói trên. Với mong muốn biết được con số chính xác và cập nhật, tôi đã liên lạc với Bảo tàng Hồ Chí Minh qua và Khu Di tích Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch, song không nhận được trả lời khác với những gì có trong các bài viết mà tôi đã dẫn ở trên.Như vậy, có thể nói số liệu về “Nhật ký trong tù” được dịch ra tiếng nước ngoài vẫn ở tình trạng mà dịch giả Thúy Toàn từng viết từ năm 2013: “Kể ra con số bản dịch ra các thứ tiếng nước ngoài, “Nhật ký trong tù” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cũng như số nơi mà tác phẩm của Người được xuất bản, cho đến nay còn chưa được tìm hiểu đầy đủ, chính xác”.Có một bản “Nhật ký trong tù” bằng tiếng Phần LanNgoài tiếng Anbani, trong các nguồn dẫn ra ở trên, cũng chưa thấy nói đến một bản dịch “Nhật ký trong tù” bằng ngôn ngữ khác, đó là tiếng Phần Lan. Rất tiếc, đây là bản dịch đã ra đời lần đầu tiên cách đây hơn nửa thế kỷ (1969), đúng vào năm Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời và đã được tái bản 2 lần vào năm 1970, song chưa được biết đến. Bản dịch có tên “Hồ Chí Minh: Những bài thơ của tù nhân chính trị”, do Pentti Saarikoski (1937 - 1983) dịch và được nhà xuất bản Tammi ở Helsinki xuất bản. Bản dịch được thực hiện từ bản dịch tiếng Anh Prison Diary của Aileen Palmer, tuy nhiên không nói rõ nhà xuất bản và năm xuất bản.“Hồ Chí Minh: Những bài thơ của tù nhân chính trị” gồm 107 trang, khổ 11,5 x 19cm. Tất cả có 101 bài thơ, mỗi bài in riêng trên một trang, trong đó bài đầu tiên không có tiêu đề. Đối chiếu với bản nguồn tiếng Anh nói trên, bản dịch tiếng Phần Lan thiếu bài Word-Play (Chơi chữ), không được dịch (vì vậy cũng không có trang chữ Hán) và không có nguyên văn chữ Hán trang Fac-simile of President HO CHI MINH’s autograph như trong bản nguồn.
Ngoài ra bản dịch này cũng không có lời giới thiệu và 4 chú thích của 2 bài như trong bản tiếng Anh. Về nội dung tất cả các bài đều được dịch sang thơ tiếng Phần Lan theo thể tự do và chuyển tải trung thành nội dung của bản dịch tiếng Anh. Người biết tiếng Phần Lan dù không hiểu biết nhiều về thơ Phần Lan, song từng đọc và thuộc một số bài thơ trong Nhật Ký trong tù bằng tiếng Việt đều có thể nhận ra các bài dịch thơ tiếng Phần Lan trong bản dịch này.Hồ Chí Minh và dòng sách “Huutomerkki!”“Tôi dịch những bài thơ này trong thời gian ngừng bắn khi người dân Việt Nam tiếc thương vĩnh biệt người giải phóng và vị lãnh tụ của họ.Tôi dịch chúng vì chúng là những bài thơ hay. Bởi vì tôi ngưỡng mộ cuộc đời hoạt động của Hồ Chí Minh: cuộc đấu tranh dũng cảm, kiên cường của ông cho tự do của nhân dân, một cuộc đấu tranh mà dân tộc sẽ chiến thắng. Ông đã đem đến cho người dân sự tin tưởng. Ông đã đem đến cho họ những bài học.Vào ngày tang lễ Hồ Chí Minh 10/9/1969.Pentti Saarikoski”Những lời trên đây đã nói lên sự kính trọng của nhà thơ Pentti Saarikoski đối với cuộc đời và sự nghiệp cũng như giá trị nội dung của tác phẩm “Nhật ký trong tù” và lý do khiến ông dịch nó sang tiếng Phần Lan. Ngoài ra, còn một lý do khác giải thích cho sự ra đời của bản dịch “Nhật ký trong tù” bằng tiếng Phần Lan là không khí chính trị - xã hội ở Phần Lan vào cuối thập kỷ 60 - 70 của thế kỷ trước và dòng sách Huutomerkki (Dấu chấm than!). Đây là thời gian mà phong trào chống chiến tranh, ủng hộ hòa bình trên thế giới dâng cao ở Phần Lan dẫn đến sự ra đời của loạt sách về những vấn đề chính trị, xã hội mang tính thời sự, được dư luận quan tâm gọi là Huutomerkki do nhà xuất bản Tammi (Phần Lan) xuất bản trong khoảng thời gian 1968 – 1983. Về Việt Nam, ngoài “Hồ Chí Minh: Những bài thơ của tù nhân chính trị”, trong dòng sách Huutomerkki còn có Ne..in toimivat Vietnamin sissit (Hoạt động của du kích Việt Nam) của Mauno Sissonen, xuất bản năm 1972. Đây là bản dịch cuốn Vietnam will win! (1968) của tác giả người Australia, Wilfred Burchett; Kotirintama riisivainiolla (Hậu phương trên cánh đồng lúa) của Johan von Bonsdorffin, xuất bản năm 1975.“Hồ Chí Minh: Những bài thơ của tù nhân chính trị” là một trong những bản dịch xuất hiện khá sớm trong số các bản dịch ra tiếng nước ngoài của “Nhật ký trong tù”. Đáng chú ý nó không chỉ là cuốn sách đầu tiên được dịch ra tiếng Phần Lan mà có lẽ còn là tác phẩm văn học Việt Nam được tái bản nhiều lần nhất (3 lần) ở Phần Lan cho đến nay. Như vậy, với việc có thêm “Hồ Chí Minh: Những bài thơ của tù nhân chính trị” bằng tiếng Phần Lan và Leksione ne..shah bằng tiếng Anbani, cho đến nay (2021) Nhật ký trong tù đã được dịch ra ít nhất 33 ngôn ngữ nước ngoài, không kể tiếng Việt.Viết đến đây tôi lại nghĩ đến việc rất cần có một ngân hàng dữ liệu về các tác phẩm văn học Việt Nam được dịch ra các ngôn ngữ nước ngoài, như tôi từng nêu ra cách đây không lâu trong bài viết “Truyện Kiều đã được dịch ra bao nhiêu ngôn ngữ và có bao nhiêu bản dịch?”. Việc làm này thật sự không khó với các phương tiện công nghệ thông tin hiện đại ngày nay.q