Nếu như trước đây khu vực đầu phố Cầu Cốc chật hẹp, nay được mở rộng hơn nhiều lần, nhà đầu tư còn xây thêm cầu vượt, mở thêm một làn đường đi vào khu đô thị...
Tuy nhiên, cũng từ khi đường được mở rộng, các phương tiện tham gia giao thông có xu hướng chạy nhanh hơn so với trước. Nếu như trước đây, các phương tiện từ phía cuối phố Cầu Cốc (hướng từ tỉnh lộ 423) ra và từ cầu vượt Miêu Nha sang (hoặc ngược lại), phải qua vòng xoay nên đều phải giảm tốc độ, vì vậy va chạm giao thông ít khi xảy ra. Nhưng từ khi có thêm cầu vượt và lối vào khu đô thị mới, đầu phố Cầu Cốc hình thành một cái ngã ba “xép”, đường thì thoáng nên nhiều người tham gia giao thông cũng chạy… mát ga hơn.
Hơn nữa đường tuy được mở rộng, nhưng hệ thống hướng dẫn giao thông lại chưa được bố trí lại, nên các phương tiện lưu thông rất dễ bị “loạn”. Người điều khiển phương tiện từ phía cầu vượt Miêu Nha có đến 2 lối để đi vào phố Cầu Cốc, ở chiều ngược lại – cũng có 2 lối để đi vào đại lộ Thăng Long hoặc rẽ sang cầu vượt Miêu Nha…
Và cũng từ khi khu đô thị mới bắt đầu thi công, lượng người và phương tiện tham gia giao thông ở khu vực này tăng một cách đột biến. Vì thế vào giờ cao điểm, hiện tượng ùn tắc cục bộ ở phố Cầu Cốc vẫn thường xuyên xảy ra. Nhưng nguy hiểm lại thường rơi vào giờ thấp điểm, khi đường thông thoáng, người điều khiển phương tiện thường chủ quan nên va chạm, thậm chí tai nạn giao thông rất hay xảy ra.
Để hạn chế những rủi ro, thiết nghĩ ngành chức năng nên sớm điều chỉnh hệ thống biển chỉ dẫn, kẻ vạch, phân làn đường một cách rõ ràng, để người tham gia giao thông tuân thủ đúng quy định.