Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bán “gà đẻ trứng vàng” FE Credit có ảnh hưởng đến kế hoạch lợi nhuận của VPBank?

Hà Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Tại Đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ) thường niên năm 2021 chiều nay (29/4) của Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), ông Nguyễn Đức Vinh- Tổng Giám đốc VPBank nhấn mạnh: "Việc bán FE Credit không phải là VPBank bỏ một con gà đẻ trứng vàng mà chúng tôi tìm đối tác chiến lược để đem lại giá trị lớn hơn".

Chủ tịch HĐQT VPBank Ngô Chí Dũng cho biết, vốn chủ sở hữu VPBank có thể đạt 90.000 tỷ cuối năm, dự kiến nâng vốn điều lệ lên tối thiếu 75.000 tỷ đồng.

Chia sẻ về các nguồn thu của VPBank trong năm 2021, theo ông Dũng, VPBank dự kiến sẽ có 3 nguồn thu đó là lợi nhuận năm 2021, thu từ bán FE Credit và ký lại hợp đồng bảo hiểm vào khoảng tháng 6/2021. 

"Với các nguồn thu này, cuối năm 2021, vốn chủ sở hữu của VPBank sẽ đạt khoảng 90.000 tỷ. Cuối năm, chúng tôi sẽ đề xuất ĐHĐCĐ nâng vốn điều lệ từ vốn chủ sở hữu lên tối thiếu khoảng 75.000 tỷ đồng", ông Dũng nói.

“Nếu IPO, định giá của FE Credit có thể cao hơn nhưng chúng tôi vẫn chọn bán vốn”
Theo ông Vinh, FE Credit sau khi bán vẫn là công ty con của VPBank, vẫn hạch toán trong bảng cân đối hợp nhất. VPBank sẽ cùng với SMBC làm sao để FE Credit phát triển mạnh mẽ hơn nữa. “Khả năng 2021 hoặc 2 năm đầu thì lợi nhuận thu được từ FE Credit có thể giảm một chút hoặc không tăng nhưng về dài hạn, FE Credit sẽ tiếp tục là mảng kinh doanh quan trọng của ngân hàng…
 
CEO VPBank cũng chia sẻ về việc bán vốn FE Credit, ông cho rằng thương vụ này sẽ hỗ trợ cho phép ngân hàng mở rộng hoạt động kinh doanh, phát triển năng lực mới tạo ra nguồn thu lớn hơn.
FE Credit là phân khúc tín dụng tiêu dùng của ngân hàng, chiếm 50% thị phần. Mặc dù năm 2020 là năm mà hầu hết các công ty tài chính tiêu dùng trên toàn thế giới chịu ảnh hưởng bởi Covid-19, nhưng mức ảnh hưởng tới FE Credit so với các đổi thủ cạnh tranh là ở mức thấp nhất. Điều này không phải chỉ là đánh giá của riêng ngân hàng mà còn là đánh giá của Fitch Ratings và nhiều tổ chức đầu tư trên thế giới.
Hiện hệ số CAR của VPBank là 11,5%. Sau khi bán FE Credit, CAR của ngân hàng sẽ vượt 20%, tất nhiên, CAR ở mức cao quá thì an toàn nhưng lại không hiệu quả, Ban lãnh đạo sẽ phải tìm hướng để tận dụng nguồn vốn, mở rộng, tìm kiếm cơ hội kinh doanh ở các mảng mới.
Ông Ngô Chí Dũng - Chủ tịch HĐQT chia sẻ khi lựa chọn phương án bán vốn, có 2 phương án được đưa ra, một là IPO sau đó niêm yết, hai là bán vốn cho cổ đông chiến lược.
"Nếu theo phương án IPO thì định giá của FE Credit có thể còn cao hơn, thậm chí lên đến 4 tỷ USD. Nhưng chúng tôi quyết định hợp tác với SMBC để tận dụng nguồn vốn rẻ và kinh nghiệm từ họ nhằm tiếp tục phát triển FE Credit lên những tầm cao mới", ông Dũng nói. SMBC là 1 trong 3 ngân hàng lớn nhất Nhật Bản. Công ty đứng ra mua là công ty tài chính tiêu dùng lâu đời nhất, thị phần tín dụng tiêu dùng lớn nhất ở Nhật Bảm.
Chứng khoán Bản Việt bất ngờ “có chân” tại FE Credit
Đáng chú ý, tại tờ trình VPBank trình cổ đông thông qua việc chuyển nhượng 49% vốn điều lệ FE Credit cho SMBC CF - Nhà đầu tư Nhật Bản và chuyển nhượng 1% vốn điều lệ FE Credit cho Công ty CP Chứng khoán Bản Việt (VCSC). Theo đó, VPBank sẽ chỉ còn sở hữu 50% tại FE Credit. Dù vậy, sau giao dịch, FE Credit vẫn là công ty con của VPBank.
Trước đó, ngày 28/4, VPBank đã tổ chức lễ ký thoả thuận bán 49% vốn FE Credit cho SMBC. Được biết, giá trị thương vụ đạt gần 1,4 tỷ USD với định giá FE Credit 2,8 tỷ USD. 
HĐQT trình cổ đông thống nhất với quyết định của HĐQT và tiếp tục giao, uỷ quyền cho HĐQT quyết định tất cả các vấn đề liên quan tới việc chuyển nhượng vốn góp của VPBank tại FE Credit.