Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bàn giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động đối ngoại nhân dân Hà Nội

Cẩm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 26/10, tại Hà Nội đã diễn ra Hội thảo “Đánh giá thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động đối ngoại nhân dân thành phố Hà Nội”, thuộc đề án “Nâng cao chất lượng hoạt động đối ngoại nhân dân của thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn 2030”.

Tham dự và chủ trì Hội thảo có bà Nguyễn Lan Hương, Ủy viên Ban thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội, Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị thành phố Hà Nội (Liên hiệp), đồng thời là Chủ nhiệm Đề án.  
Bà Nguyễn Lan Hương, Ủy viên Ban thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội, Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị thành phố Hà Nội (Liên hiệp)

Phát biểu mở đầu hội thảo, Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị TP Hà Nội Nguyễn Lan Hương nhấn mạnh: Công tác đối ngoại Nhân dân của nước ta là một trong những sáng tạo độc đáo của cách mạng Việt Nam. Cùng với đối ngoại Đảng và ngoại giao Nhà nước, đối ngoại Nhân dân tạo thành 3 trụ cột trong mặt trận đối ngoại chung của đất nước ta.

Đối ngoại Nhân dân có tác dụng đột phá, làm cầu nối khai thông và hỗ trợ, bổ sung cho đối ngoại Đảng và ngoại giao Nhà nước trong thiết lập quan hệ với các nước; Có vai trò kiến tạo, củng cố cơ sở xã hội và nền tảng quần chúng cho quan hệ hữu nghị với các quốc gia, góp phần xây dựng môi trường quốc tế hòa bình, ổn định; Là kênh hữu hiệu để vận động, tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của dư luận quốc tế và Nhân dân các nước đối với sự nghiệp cách mạng của Nhân dân ta…

Hoạt động đối ngoại Nhân dân có tính linh hoạt cao, có nội dung và hình thức hết sức đa dạng, không bị giới hạn, ràng buộc bởi các quy ước của ngoại giao chính thức. Đối ngoại Nhân dân có khả năng đề cập tất cả các vấn đề "chính đáng" để thể hiện ý chí, nguyện vọng và lợi ích của Nhân dân.

Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị TP Hà Nội đề nghị các đại biểu đóng góp nhiều ý kiến chuyên sâu để góp phần làm sáng tỏ các vấn đề: Bối cảnh tình hình thế giới, khu vực, trong nước thời gian qua tác động tới công tác đối ngoại Nhân dân; Kết quả triển khai, tổ chức công tác đối ngoại Nhân dân trên địa bàn TP Hà Nội, đánh giá thực trạng nhận thức trong cán bộ, đảng viên, các tầng lớp Nhân dân và đoàn viên, hội viên, các kết quả đạt được trong các lĩnh vực chủ yếu; Đồng thời, phân tích sâu về hạn chế, khó khăn, bất cập, chỉ rõ nguyên nhân một cách toàn diện, đa chiều nhất; Nêu phương hướng, đề xuất, dự báo tình hình xu thế, xác định các nhiệm vụ đặt ra, đề xuất kiến nghị cụ thể về quan điểm, phương châm, mục tiêu, nhiệm vụ, định hướng ưu tiên trong 5-10 năm tới...

Chia sẻ tại sự kiện, Phó Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam Nguyễn Văn Doanh cho biết, đối ngoại nhân dân cần phát huy thế mạnh đặc thù của mình, khẳng định được “vai trò trụ cột” thông qua những đóng góp cụ thể đối với công cuộc xây dựng và bảo vệ tổ quốc; giữ gìn môi trường hòa bình, ổn định, huy động các nguồn lực bên ngoài để phát triển và bảo vệ tổ quốc và tạo được “vị thế” xứng đáng trên trường quốc tế; đóng góp vào việc nâng cao vị thế chung của đất nước và phải củng cố, xây dựng tổ chức để đáp ứng yêu cầu của nền ngoại giao “toàn diện” và “hiện đại”..

 Quang cảnh Hội thảo
Tham luận “Giải pháp chiến lược nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động đối ngoại nhân dân phục vụ phát triển kinh tế-xã hội TP Hà Nội giai đoạn 2021-2025 và tầm nhìn 2030”, PGS.TS Hoàng Văn Nghĩa, Vụ trưởng, Vụ Hợp tác quốc tế Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng, để phát huy hiệu quả hoạt động đối ngoại nhân dân trong bối cảnh mới, TP Hà Nội cần tập trung vào 5 nhiệm vụ định hướng, chiến lược và 3 giải pháp đột phá, trong đó, Thành ủy cần tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt và sâu sát hoạt động đối ngoại nhân dân bám sát tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về xây dựng nền ngoại giao toàn diện, hiện đại với 3 trụ cột là đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước và đối ngoại nhân dân; đồng thời, đẩy mạnh tăng cường thế chủ động để chủ động, tích cực, hội nhập để thu hút, phát huy các nguồn lực quốc tế.
Ngoài ra, cần đổi mới hình thức và nội dung các hoạt động đối ngoại nhân dân trong bối cảnh thích ứng linh hoạt, phục hồi kinh tế trong thời kỳ kiểm soát Covid-19 và tình hình mới của khu vực và thế giới; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và nền tảng số, trực tuyến trong các hoạt động đối ngoại; đa dạng hóa các hình thức, nội dung của các hoạt động đối ngoại…
 Ông Nguyễn Nam Hải, Phó Giám đốc Sở Ngoại vụ TP Hà Nội phát biểu tại Hội thảo.
Đề xuất một số giải pháp đẩy mạnh hoạt động đối ngoại nhân dân giai đoạn 2021-2025, ông Nguyễn Nam Hải, Phó Giám đốc Sở Ngoại vụ TP Hà Nội nhận định, giai đoạn tới có ý nghĩa quan trọng, quan điểm đối ngoại của Đảng, Nhà nước cũng có những điểm mới, tập trung vào việc tiếp tục mở rộng và nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế, hợp tác phát triển; đổi mới sáng tạo, xác định hiệu quả đối ngoại không chỉ là nguồn lực mà còn là sức mạnh mềm, động lực cho phát triển Thủ đô.
Theo đó, cần chủ động đổi mới, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động công tác đối ngoại nhân dân theo hướng cụ thể và triển khai có hiệu quả hơn nữa trong mọi lĩnh vực, gắn với lợi ích kinh tế-xã hội của TP; đồng thời đẩy mạnh và hoàn thiện cơ chế phối hợp chặt chẽ giữa MTTQ, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị, các đoàn thể, các tổ chức nhân dân với các cơ quan, đơn vị T.Ư và TP.
Kết luận Hội thảo, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP, Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị TP Hà Nội Nguyễn Lan Hương đánh giá cao những ý kiến đóng góp tâm huyết của các đại biểu; đồng thời khẳng định các hoạt động đối ngoại đã được Liên hiệp triển khai sát chương trình của TP, các sự kiện ngoại giao lớn của T.Ư, TP. Hàng năm cụ thể hóa nhiều nội dung, chương trình, kế hoạch một cách phong phú, sinh động thông qua hoạt động của các hội, thành viên. Công tác tuyên truyền cũng được đẩy mạng trong các tầng lớp nhân dân; việc bồi dưỡng kỹ năng, năng lực, trình độ cho cán bộ làm công tác đối ngoại nhân dân được chú trọng...Qua đó, đã khẳng định công tác đối ngoại nhân dân là 1 trong 3 trụ cột của công tác đối ngoại của Đảng, Nhà nước.
Thời gian tới, bà Nguyễn Lan Hương cho rằng, cần phải làm tốt công tác tuyên truyền và đối ngoại với các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước về công tác đối ngoại nhân dân; tiếp tục quán triệt và thực hiện tốt văn bản chỉ đạo của T.Ư và TP về công tác đối ngoại nhân dân. Đồng thời, mở rộng phạm vi, quy mô và lực lượng tham gia các hoạt động đối ngoại nhân dân trong, ngoài TP và các địa phương khác…

Công bố báo cáo kết quả khảo sát Đề án “Nâng cao chất lượng hoạt động đối ngoại nhân dân của thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn 2030” tại Hội thảo, bà Trần Thị Phương – Phó Chủ tịch Thường trực liên hiệp các tổ chức hữu nghị TP Hà Nội cho biết cho biết, khảo sát được thực hiện nhằm đánh giá về các yếu tố đảm bảo chất lượng và kết quả thực hiện nhiệm vụ trong 8 công tác đối ngoại nhân dân bao gồm: Hoạt động của các tổ chức đa phương; hoạt động thông tin đối ngoại; hoạt động tham gia lễ tân ngoại giao; hoạt động xúc tiến, vận động viện trợ; hoạt động nhân đạo, từ thiện; hoạt động kỷ niệm ngày lễ lớn, phong trào, tuyên truyền;  giao lưu nhân dân, trao đổi đoàn với các nước và cuối cùng là hoạt động đào tạo bồi dưỡng. 

Qua quá trình khảo sát, chỉ số trung bình đạt mức cao với 80,77 điểm. Ngoài đánh giá kết quả hoạt động, nhóm các chuyên gia tham gia chương trình khảo sát đã tổng hợp nhiều ý kiến gợi ý, giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động đối ngoại nhân dân, dự kiến sẽ công bố vào tháng 11/2021.