Ông Phạm Trọng Đạt - Cục trưởng Cục Chống tham nhũng (Thanh tra Chính phủ) cho biết, đối thoại PCTN là sự kiện định kỳ được tổ chức để thảo luận giữa Chính phủ Việt Nam và cộng đồng các nhà tài trợ quốc tế. Đến nay, đã có 12 kỳ đối thoại được tổ chức với nhiều chủ đề khác nhau và đối thoại lần thứ 13 sẽ là cơ hội để các DN, nhà tài trợ, đại diện các địa phương, bộ, ngành tham khảo, học tập, trao đổi kinh nghiệm trong công tác PCTN.
Các đại biểu tham dự đối thoại PCTN lần thứ 13.
|
Tại buổi đối thoại, các báo cáo tham luận và ý kiến phát biểu đã thẳng thắn nhìn nhận, đánh giá một cách khách quan, trung thực về công tác PCTN ở các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới trong thời gian qua liên quan đến doanh nghiệp. Bên cạnh đó, một số ý kiến cũng đã phác họa và làm rõ nhiều khía cạnh của nạn tham nhũng, hành vi đưa và nhận hối lộ, gian lận thương mại. Đồng thời, phân tích nguyên nhân dẫn đến hành vi tham nhũng và đưa ra giải pháp khắc phục nhằm đẩy lùi vấn nạn tham nhũng.
Cũng tại đối thoại, nhiều ý khẳng định, công tác PCTN ở Việt Nam đã có nhiều chuyển biến rõ nét, nhận thức của cán bộ, doanh nghiệp và người dân đã được nâng lên. Do đó, nhiều vụ án với nhiều đối tượng liên quan đến tham nhũng đã bị phanh phui đưa ra xét xử nhằm đảm bảo tính nghiêm minh thượng tôn của pháp luật được người dân đồng tình, ủng hộ cao. Tuy nhiên, hiện nay nạn tham nhũng vẫn còn xảy ra phức tạp ở nhiều lĩnh vực, đặc biệt đối với doanh nghiệp.
Bà Virginia Foote - Đồng Chủ tịch Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam cho rằng: “Mặc dù, năm 2014 các cơ quan chức năng của Việt Nam đã phát hiện, điều tra, truy tố, xét xử nhiều vụ án tham nhũng lớn được dư luận xã hội đồng tình ủng hộ. Tuy nhiên, hiện nay loại hình tội phạm mới trong các lĩnh vực công nghệ thông tin, tài chính, ngân hàng, chứng khoán…ngày càng hoạt động tinh vi để phân tán, tẩu tán tài sản sang nước ngoài gây khó khăn cho công tác điều tra, khởi tố và thu hồi tài sản tham nhũng. Do vậy, các cơ quan chức năng của Việt Nam cần nâng cao trình độ và tăng cường phối hợp trong công tác tuyên truyền để phòng ngừa tham nhũng, đồng thời cần bảo vệ những người chống tham nhũng. Có làm được như vậy mới giảm vấn nạn tham nhũng”.
Ông Nguyễn Thanh Tú - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật Quốc tế (Bộ Tư pháp) cho biết, thời gian qua, Việt Nam chú trọng đến đến công tác PCTN và đặc biệt đối với việc thu hồi tài sản tham nhũng. Bên cạnh đó, mặc dù đã có nhiều nỗ lực để cải thiện hệ thống pháp luật, thực thi pháp luật cũng như ký kết, gia nhập các điều ước quốc tế có liên quan (trong đó có UNCAC), tuy nhiên kết quả thu được còn nhiều hạn chế. “Để đảm bảo cho việc PCTN nói chung và thu hồi tài sản nói riêng đạt hiệu quả hơn nữa, đồng thời theo kịp tiêu chuẩn quốc tế, ngoài việc tiếp tục nỗ lực và quyết tâm, Việt Nam rất cần sự giúp đỡ, đồng hành của các nhà tài trợ trên thế giới” - ông Tú nói.
Ông Giles Lever - Đại sứ Vương quốc Anh tại Việt Nam khẳng định: “Việt Nam cần tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp PCTN như tăng cường trách nhiệm giải trình của các cơ quan nhà nước trong thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao. Công khai minh bạch trong mọi hoạt động của cơ quan, tổ chức và minh bạch tài sản thu nhập cá nhân. Cải cách hơn nữa thủ tục hành chính đối với các lĩnh vực thuế, hải quan, bảo hiểm xã hội. Nâng cao vai trò của người dân, tổ chức xã hội, báo chí, truyền thông và doanh nghiệp trong PCTN. Tôi đại diện cho các nhà tài chợ quốc tế cam kết sẽ tiếp tục đồng hành cùng với Việt Nam trong công tác PCTN, đặc biệt quan tâm đến việc thu hồi tài sản tham nhũng của những đối tượng tham nhũng mà có”.
Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc thẳng thắn thừa nhận, việc thu hồi tài sản tham nhũng trong thời gian qua đạt thấp, vì vậy nó đặt ra nhiều khó khăn cho các cơ quan chức năng thực thi nhiệm vụ trong công tác PCTN những năm tiếp theo.
Do đó, Phó Thủ tướng đề nghị các đại biểu tham dự đối thoại tập trung phân tích thực trạng tham nhũng và thu hồi tài sản tham nhũng. Đồng thời lãm rõ nguyên nhân yếu kém của một số doanh nghiệp trong và ngoài nước vi phạm các quy định của Nhà nước với hành vi đưa, nhận hối lộ, chuyển giá, trốn thuế.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: “Công tác PCTN đang đặt ra nhiều thách thức cho các vùng lãnh thổ, các quốc gia trên thế giới. Tuy thời gian qua, Việt Nam đã ban hành nhiều văn bản pháp luật mới, thậm chí đã bổ sung, sửa đổi Luật PCTN nhằm đáp ứng với nhu cầu thực tiễn, nhưng hành vi tham nhũng của các đối tượng ngày càng tinh vi hơn. Do vậy, các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới cần có sự đoàn kết, xích lại gần nhau hơn nữa mới đầy lùi được nạn tham nhũng”.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cho biết, thực tiễn phòng chống tham nhũng cho thấy, việc phòng ngừa là giải pháp đâu tiên, quan trọng nhất trong phòng chống tham nhũng, nó có tác dụng ngăn ngừa hành vi tham nhũng có thể hình thành; còn việc thu hồi tài sản tham nhũng là một trong các giải pháp khắc phục hậu quả của tham nhũng gây ra cho xã hội, cũng là một trong các thước đo đánh giá hiệu quả phòng chống tham nhũng. Phòng chống và thu hồi tài sản tham nhũng cũng chính là hai trụ cột của Công ước Liên Hợp Quốc về phòng chống tham nhũng. Cả về mục tiêu, cách tiếp cận của Việt Nam đều tương đồng với quốc tế. Trong đó, quan điểm triển khai PCTN thực hiện triệt để, toàn diện ở mọi cấp, mọi ngành trong xã hội, và đối với người tham nhũng gây thiệt hại cho xã hội thì phải bồi thường, bồi hoàn theo quy định.
Theo báo cáo của Thanh tra Chính phủ, năm 2014, qua thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo đã phát hiện vi phạm và chuyển cơ quan điều tra xử lý hình sự 144 vụ, trong đó có 54 vụ với 87 đối tượng có hành vi liên quan đến tham nhũng. Bên cạnh đó, Thanh tra Chính phủ đôn đốc thu hồi tài sản thất thoát, sai phạm được phát hiện qua thanh tra đạt 64% về tiền, 80,6% về đất. Riêng thu hồi tài sản của các vụ liên quan đến tham nhũng được phát hiện qua thanh tra đạt 68,5%, tăng 18,3% so với năm 2013. Cũng trong năm 2014, Kiểm toán Nhà nước đã ban hành 163 báo cáo kiểm toán, kiến nghị xử lý tài chính hơn 13,6 ngàn tỷ đồng, chuyển 5 vụ việc sang cơ quan điều tra xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật. Các cơ quan tố tụng đã phát hiện, khởi tố mới 256 vụ việc với 593 bị can phạm tội tham nhũng (tăng 23 vụ/25 bị can so với năm 2013). Đã hoàn thành xét xử sơ thẩm 287 vụ án tham nhũng ( gồm cả những vụ khởi tố năm 2014) và kết tội 673 tội phạm tham nhũng, tăng 9 vụ với 91 bị cáo so với năm 2013, cụ thể như vụ: Nguyễn Đức Kiên và đồng phạm, Dương Chí Dũng và đồng phạm, Công ty cho thuê tài chính II...đã được đưa ra xét xử nghiêm minh, có tác dụng răn đe mạnh mẽ, tạo ảnh hưởng tích cực trong xã hội và củng cố niềm tin cho nhân dân. |