Ban hành văn bản trái luật: Cần cụ thể hóa trách nhiệm

Phương Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thời gian qua, Cục Kiểm tra Văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL - Bộ Tư pháp) đã kiểm tra, “tuýt còi” hàng trăm văn bản trái pháp luật của các bộ, ngành, địa phương. Từ vấn đề này có thể thấy việc quy trách nhiệm trong việc ban hành văn bản trái pháp luật phải được cụ thể hóa rõ hơn.

Ảnh minh họa.
Cục trưởng Cục Kiểm tra VBQPPL Đồng Ngọc Ba cho biết, thời gian qua, việc theo dõi, xử lý đối với những văn bản trái pháp luật đã được phát hiện, kết luận từ những năm trước được thực hiện sát sao, quyết liệt, đạt hiệu quả xử lý cao và hạn chế được tác động tiêu cực đến xã hội. Điều này cũng giúp nâng cao trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước trong xây dựng, thực thi pháp luật. Tuy nhiên, vẫn còn một số bộ, ngành, địa phương chưa thực hiện đầy đủ thẩm quyền, trách nhiệm của mình trong công tác kiểm tra, xử lý văn bản. Việc phát hiện một số văn bản trái pháp luật chưa kịp thời, có trường hợp văn bản trái pháp luật đã được áp dụng, gây hậu quả trong thực tế mới được phát hiện, xử lý. Trong khi đó, việc xác định, khắc phục hậu quả do văn bản trái pháp luật gây ra và xem xét, xử lý trách nhiệm của cơ quan, người ban hành văn bản trái pháp luật còn gặp vướng mắc, khó khăn, đa phần chưa thực hiện được.
Trong năm 2020 và những năm tiếp theo, ngành tư pháp sẽ tập trung rà soát, xác định những quy định pháp luật chồng chéo, mâu thuẫn, không còn phù hợp, cản trở sự phát triển của đất nước để sửa đổi hoặc đề xuất sửa đổi kịp thời. Chú trọng công tác kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa VBQPPL, “làm sạch” hệ thống pháp luật đất nước, nhất là những văn bản có tác động lớn đến người dân và DN.
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu
Năm 2019, riêng tại Bộ Tư pháp đã kiểm tra 580 văn bản của các bộ, cơ quan ngang bộ và khoảng 4.300 văn bản của chính quyền cấp tỉnh, Cục Kiểm tra VBQPPL cũng đã phát hiện, kết luận và kiến nghị xử lý đối với 165 văn bản có quy định trái pháp luật (13 văn bản cấp bộ và 152 văn bản cấp tỉnh). Việc đôn đốc xử lý văn bản trái pháp luật năm 2019 tiếp tục được thực hiện quyết liệt, hiệu quả, đến nay cơ bản các quy định trái pháp luật đã được các cơ quan ban hành văn bản xử lý bãi bỏ hoặc sửa đổi.
Tại Hà Nội, theo Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn, thời gian qua, Hà Nội đã tích cực kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa VBQPPL nhằm sớm phát hiện quy định trái pháp luật, mâu thuẫn, chồng chéo để kịp thời xử lý. Trong năm 2020, UBND TP yêu cầu các sở, ngành nâng cao chất lượng công tác dự thảo, xây dựng VBQPPL của HĐND, UBND TP. Tiếp tục hoàn thiện, xây dựng hệ thống VBQPPL của TP để thực thi Hiến pháp 2013, Luật Thủ đô và bảo đảm sự đồng bộ với các luật, bộ luật mới ban hành, có hiệu lực năm 2020. Thường xuyên kiểm tra, rà soát các văn bản do HĐND, UBND TP ban hành nhằm phát hiện quy định trái pháp luật, mâu thuẫn, chồng chéo để kịp thời xử lý. UBND TP Hà Nội đã ban hành kế hoạch triển khai kiểm tra và rà soát VBQPPL trên địa bàn TP năm 2020; đồng thời, chỉ đạo các địa phương, đơn vị xây dựng, tổ chức thực hiện kế hoạch kiểm tra VBQPPL hàng năm.
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 209/QĐ-TTg ban hành kế hoạch thực hiện rà soát VBQPPL thuộc lĩnh vực quản lý Nhà nước của các bộ, cơ quan ngang bộ. Theo đó, phải kịp thời phát hiện, xử lý hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý các quy định mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập hoặc không phù hợp thực tiễn, gây khó khăn, kìm hãm sự phát triển, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, công khai, minh bạch và khả thi của hệ thống pháp luật; nâng cao chất lượng công tác xây dựng, áp dụng, thi hành pháp luật.