Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bàn hướng phát triển kinh tế cho đồng bào dân tộc thiểu số

Khắc Kiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Vùng Trung du và miền núi Bắc bộ vẫn là khu vực khó khăn nhất với tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo cao, thoát nghèo thiếu bền vững. Do đó, cần có chế chính sách tạo tính liên kết nhằm phát triển kinh tế - xã hội Vùng.

Đó là thông tin tại Hội thảo: “Thực trạng và giải pháp phát triển kinh tế - xã hội vùng Trung du và miền núi Bắc bộ (TD&MNBB)” do Hội Hỗ trợ phát triển kinh tế miền núi Việt Nam và Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam, Tập đoàn VRISEM tổ chức ngày 8/12, tại Hà Nội.

Toàn cảnh Hội thảo. Ảnh: Khắc Kiên
Toàn cảnh Hội thảo. Ảnh: Khắc Kiên

Kiến nghị từ thực tế

Vùng TD&MNBB bao gồm 14 tỉnh, dân số khoảng 12,5 triệu người, trong đó hơn 7 triệu là người dân tộc thiểu số (DTTS), chiếm trên 56% dân số của vùng và chiếm gần 50% số người DTTS của cả nước. Một số tỉnh có tỷ lệ người DTTS cao, chiếm trên 80% dân số như: Cao Bằng, Bắc Kạn, Hà Giang, Sơn La, Lai Châu, Lạng Sơn, Điện Biên (trong đó tỉnh Cao Bằng có tới trên 92% dân số là người DTTS). Đến nay, Vùng TD&MNBB vẫn là khu vực khó khăn nhất của cả nước chiếm tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo cao, thoát nghèo thiếu bền vững.

Tại Hội thảo, các bộ, ban, ngành, các tỉnh, thành tập trung vào một số vấn đề về liên kết phát triển trong quy hoạch phát triển vùng; kinh nghiệm quốc tế và gợi mở cho vùng; phát triển cơ sở hạ tầng giao thông thúc đẩy liên kết vùng; phát triển các hành lang kinh tế; thuận lợi, khó khăn trong thực hiện và phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội...

Đại biểu đến từ các tỉnh Lạng Sơn, Lào Cai, Bắc Giang, Lai Châu và các chuyên gia đều có những tham luận và báo cáo về thực trạng, những tiềm năng, lợi thế và thách thức của địa phương trong phát huy liên kết phát triển bền vững kinh tế Vùng. Vai trò của kinh tế số, định hướng phát triển nền công nghiệp, nông nghiệp, bản sắc văn hoá các dân tộc thiểu số TD&MNBB với những con số, chỉ tiêu và định hướng cụ thể.

Là tỉnh miền núi, biên giới, cực Bắc của Tổ quốc, tỉnh Hà Giang có tiềm năng lợi thế về phát triển nông lâm nghiệp, du lịch, công nghiệp, kinh tế cửa khẩu... Đại diện tỉnh Hà Giang đưa ra các giải pháp, đề xuất Chính phủ, ban ngành liên quan nên tập trung ưu tiên, sớm hoàn thiện và phê duyệt quy hoạch phát triển Vùng TD&MNBB giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; ban hành Quyết định thành lập và quy chế hoạt động của Hội đồng điều phối Vùng TD&MNBB nhằm tạo sự thống nhất, đồng bộ, để các địa phương tổ chức thực hiện mục tiêu, định hướng phát triển xanh, bền vững và toàn diện.

Du khách trải nghiệm tour tại Mai Châu, Hòa Bình. Ảnh: Khắc Kiên
Du khách trải nghiệm tour tại Mai Châu, Hòa Bình. Ảnh: Khắc Kiên

Bên cạnh đó, nghiên cứu, đề xuất cơ chế chính sách đặc thù phát triển tuyến hành lang kinh tế các tỉnh biên giới phía Bắc (gồm 7 tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu, Điện Biên và Sơn La) về nguồn thu hoạt động xuất – nhập khẩu để đầu tư kết cấu hạ tầng; các tỉnh biên giới được chủ động lập, đề xuất danh mục thực hiện thí điểm chính sách xuất nhập khẩu, tạm nhập tái xuất hàng nông sản qua các cửa khẩu phụ, lối mở; được thí điểm quyết định danh mục các mặt hàng xuất khẩu qua các cửa khẩu trên địa bàn.

Ngoài ra, xây dựng quy hoạch các tuyến, điểm du lịch chung của vùng. Khuyến khích liên kết hợp tác trao đổi tour, tuyến, sản phẩm du lịch với các doanh nghiệp lữ hành. Tổ chức hội thảo, xúc tiến đầu tư một số đề án, dự án liên kết du lịch giữa các địa phương. Xây dựng danh mục các dự án kêu gọi đầu tư theo hình thức hợp tác công - tư, đồng thời xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù thu hút đầu tư vào TD&MNBB.

Theo GS.TS.BS. Lê Thị Hợp - nguyên Viện Trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc Gia, Chủ tịch Hội Nữ trí thức Việt Nam, vấn đề dinh dưỡng của bà mẹ trẻ em, nâng cao thể trạng của Nhân dân cũng là một trong những yếu tố then chốt trong phát triển kinh tế - xã hội TD&MNBB.

Vì vậy, cần xây dựng và triển khai một số chương trình, dự án tổng thể, dài hạn về chăm sóc sức khoẻ và dinh dưỡng cho bà mẹ trẻ em và người dân TD&MNBB như: dự án phát triển kinh tế hộ gia đình, giảm đói nghèo đảm bảo an ninh thực phẩm; xây dựng mạng lưới cán bộ y tế, dinh dưỡng vững mạnh để triển khai các hoạt động chăm sóc sức khoẻ cộng đồng…

Tạo chuỗi liên kết

ThS Trịnh Quốc Huy (Vụ Đất đai) cho biết, các khu vực đất, hoặc các loại hình sử dụng đất cần được điều tra đánh giá ở mức chi tiết cho từng điều kiện cụ thể phục vụ cho việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Cũng như đề xuất phương thức sản xuất phù hợp đảm bảo giảm thiểu thoái hóa đất, duy trì phục hồi chất lượng đất, bảo vệ đất nhằm phát triển bền vững. Đồng thời, bộ chỉ tiêu đánh giá đất ở mức chi tiết (trên bản đồ cấp xã, cấp huyện) phải được bổ sung, phương pháp kỹ thuật cũng cần tăng cường tương ứng để có thể phát triển kinh tế Vùng.

ThS. Trịnh Quốc Huy (Vụ Đất đai Bộ TN&MT). Ảnh: Khắc Kiên
ThS. Trịnh Quốc Huy (Vụ Đất đai Bộ TN&MT). Ảnh: Khắc Kiên

Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc Chính phủ Y Thông đề nghị các bộ, ngành, địa phương Vùng TD&MNBB quan tâm thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nhất là đối với đồng bào DTTS. Đặc biệt, hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng, phấn đấu đến năm 2030 có trên 85% số xã, thôn trong Vùng có đủ cơ sở hạ tầng đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và đời sống của người dân; phát triển sản xuất, văn hóa - xã hội và xóa đói giảm nghèo.

“Cần triển khai có hiệu quả các chính sách phát triển kinh tế, tiếp tục chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng sản xuất hàng hóa, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị; chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn, khuyến khích đi làm việc tại các doanh nghiệp, khu công nghiệp, lao động ở nước ngoài để tăng thu nhập, hỗ trợ lao động tại chỗ tiếp cận việc làm phi nông nghiệp. Tham gia chuỗi liên kết, kết nối hộ gia đình với doanh nghiệp - hợp tác xã để tổ chức sản xuất” - Phó Chủ nhiệm Y Thông nói.

Bên cạnh đó, phát triển nguồn nhân lực và xây dựng đội ngũ cán bộ DTTS, cần chú trọng phát hiện, quy hoạch, bồi dưỡng, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và thực hiện tốt chính sách sử dụng, đãi ngộ cán bộ là người DTTS.