Mở rộng đối tượng đề nghị đặc xáSo với Luật Đặc xá năm 2007, Dự án Luật Đặc xá (sửa đổi) có một số thay đổi lớn liên quan đến đối tượng được đề nghị đặc xá và điều kiện để được đề nghị đặc xá. Trung tướng, GS.TS Nguyễn Ngọc Anh - Cục trưởng Cục Pháp chế và Cải cách Hành chính - Tư pháp (Bộ Công an) cho biết, về cơ bản đối tượng, diện được đề nghị đặc xá trong Dự Luật được mở rộng hơn diện đối tượng được đề nghị đặc xá theo quy định của hiện hành.
Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Văn Luật, đây cũng là vấn đề được các đại biểu Quốc hội thảo luận nhiều tại Kỳ họp vừa qua. Có nhiều ý kiến cho rằng chỉ nên xét đặc xá với một số đối tượng đặc biệt như những người bị kết án phạt tù có thời hạn, tù chung thân được giảm xuống tù có thời hạn; những người lập công lớn trong thời gian chấp hành án, được Nhà nước khen thưởng các danh hiệu…
|
Trao quyết định cho các phạm nhân tích cực cải tạo, học tập, lao động được đặc xá, tha tù năm 2016. Ảnh: Minh Trí |
Đưa ra quan điểm, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội Quảng Nam Phan Thái Bình cho rằng, dứt khoát không nên đặc xá cho tội phạm an ninh quốc gia, chống loài người, tội phạm chiến tranh, khủng bố vì đây đều là những trường hợp đặc biệt nghiêm trọng.
Bên cạnh đó, có ý kiến cũng cho rằng nên bỏ quy định xét đặc xá cho người bị kết án phạt tù là phụ nữ đang có thai hoặc có con nhỏ dưới 36 tháng tuổi để tránh tình trạng lách luật.
Cân nhắc điều kiện bồi thường thiệt hạiMột vấn đề vẫn còn nhiều băn khoăn là điều kiện được đề nghị đặc xá có thêm một số nội dung như "đã thực hiện xong nghĩa vụ bồi thường thiệt hại hoặc nghĩa vụ dân sự khác, trừ trường hợp có thỏa thuận bằng văn bản không yêu cầu bồi thường thiệt hại hoặc đồng ý bồi thường thiệt hại sau khi được đặc xá".
Theo Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thi hành dân sự (Bộ Tư pháp) Nguyễn Thanh Thủy, nếu quy định như trên có thể dẫn đến việc hiểu sai khi áp dụng. Cụ thể, có thể hiểu rằng quy định về "đồng ý bồi thường thiệt hại sau khi được đặc xá" là người được thi hành án đồng ý, nhưng cũng có thể hiểu rằng chỉ cần người phải thi hành án có văn bản cam kết sẽ bồi thường thiệt hại sau khi được đặc xá là đã đáp ứng đủ điều kiện để được đề nghị đặc xá. Như vậy, quy định này sẽ trực tiếp ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của người được thi hành án. "Văn bản cam kết của người phải thi hành án không phải là cơ sở pháp lý vững chắc cho việc họ sẽ có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ sau khi được đặc xá, mà chỉ có ý nghĩa giúp người phải thi hành án nhanh chóng có đủ điều kiện đề nghị đặc xá trong khi chưa thi hành xong nghĩa vụ đối với người được thi hành án” - ông Nguyễn Thanh Thủy nói. Đồng thời nêu, trong trường hợp sau khi được đặc xá họ lại không thực hiện theo đúng cam kết sẽ thi hành án thì giải quyết như thế nào và ai, cơ quan nào giải quyết vấn đề này?
Đồng quan điểm, đại biểu Phan Thái Bình cũng lo ngại quy định này sẽ dẫn đến tình trạng "bản án xử bản án". Trên thực tế có nhiều thỏa thuận bồi thường nhưng lại không thực hiện được. Như vậy lại thêm gánh nặng cho đơn vị thi hành án.
Các ý kiến cho rằng, để đảm bảo tính chặt chẽ, phù hợp với các quy định khác của pháp luật, đảm bảo quyền lợi cho các chủ thể khác trong xã hội cũng như lợi ích của Nhà nước, Dự Luật cần phải làm rõ những trường hợp nào chưa chấp hành xong mới được Chủ tịch nước xem xét và quyết định đặc xá, không thể quy định chung chung. Đặc biệt, với những phạm nhân có tiền, tài sản nhưng không chịu thực hiện nghĩa vụ, cố tình chây ỳ, trốn tránh, thậm chí còn tẩu tán tài sản thì không thể được đề nghị đặc xá để đảm bảo tính công bằng đối với các phạm nhân khác.