Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Băn khoăn tuyển dụng giáo viên

Thủy Trúc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trước thực tế thừa, thiếu giáo viên (GV) cục bộ nhưng lại không điều chuyển được, đại biểu Quốc hội Phan Thái Bình đề nghị chuyển việc tuyển dụng viên chức GV từ Bộ Nội vụ sang Bộ GD&ĐT. Lại có ý kiến đề nghị nếu trường sư phạm đã trang bị đủ kiến thức và kỹ năng thì chỉ cần đánh giá GV là đủ.

Giờ học vi tính của cô và trò trường THCS Thanh Xuân. Ảnh: Hải Linh
Tránh được những bất cập
Cả nước có hàng triệu GV nhưng ngành giáo dục lại không có quyền hành trong việc tuyển dụng biên chế GV là một bất cập chưa được tháo gỡ. Đề cập đến vấn đề này, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Trần Xuân Nhĩ đồng tình với đề nghị của đại biểu Quốc hội Phan Thái Bình rằng, Bộ GD&ĐT được phép tuyển dụng viên chức GV. Nhiều năm nghiên cứu về chính sách tuyển dụng, TS Nguyễn Hữu Dũng - nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội, Bộ LĐTB&XH cho biết: GV là viên chức thực hiện cung cấp dịch vụ nên biên chế và tiêu chuẩn khác với công chức. Do đó, giao cho ngành giáo dục tuyển dụng là phù hợp, cũng bởi biên chức GV phụ thuộc vào vị trí việc làm, cơ cấu môn học và mức chuẩn giờ đứng lớp. “Chỉ có ngành giáo dục mới nắm chắc vấn đề này và có khả năng điều chuyển nội bộ GV từ nơi thừa sang nơi thiếu. Bộ Nội vụ chỉ quản lý tổng biên chế khi ngành giáo dục lập kế hoạch hàng năm và tổng hợp lên để Bộ này quyết” - TS Dũng nhấn mạnh.

Nhiều nhà giáo làm quản lý ở trường phổ thông, cao đẳng, đại học cũng đồng tình đề nghị việc tuyển dụng viên chức GV nên giao cho cơ quan chuyên ngành, cụ thể là giáo dục; cũng giống như bên quân đội tuyển quân đội, công an tuyển công an. Khi ngành giáo dục trực tiếp được tuyển viên chức sẽ khắc phục được tình trạng thừa, thiếu GV hiện nay cũng như có cơ cấu phù hợp.

Luân chuyển hợp lý

Bên cạnh những đồng tình đề nghị ngành giáo dục được tuyển biên chế GV lại có không ít ý kiến băn khoăn. Ngành giáo dục được chủ động tuyển dụng GV rất có thể xảy ra cơ chế “xin - cho”, nảy sinh tiêu cực. Để tránh tình trạng này, mọi người đề nghị cần có cơ chế tuyển minh bạch. TS Đặng Lộc Thọ cho rằng, bất kỳ cách làm nào nếu không có chế tài đi cùng đều có thể xảy ra hạn chế, tiêu cực. Vì thế, từ Bộ Nội vụ đến cấp phòng có những văn bản quy định chặt chẽ công tác tuyển dụng. Bộ Nội vụ và Bộ GD&ĐT thống nhất ngay từ đầu về tiêu chuẩn, quy trình, cách thức tuyển dụng biên chế GV. Ngành Nội vụ làm nhiệm vụ giám sát tất cả các khâu trong quá trình tuyển dụng từ lúc ra thông báo, phê duyệt kế hoạch, chỉ tiêu; ngành giáo dục đưa ra tiêu chuẩn và tiêu chí riêng có tính chất đặc thù.
Hiện nay chúng ta đang thực hiện tự chủ, tự chịu trách nhiệm thì việc tuyển biên chế GV nên giao cho ngành giáo dục, sẽ tránh được những bất cập như hiện nay.

TS Đặng Lộc Thọ - nguyên Hiệu trưởng trường Cao đẳng Sư phạm T.Ư

Thứ trưởng Trần Xuân Nhĩ cho rằng cách tuyển biên chế GV như hiện nay không còn phù hợp. “Bộ GD&ĐT phải xác định rõ, GV cần có những kiến thức và nghiệp vụ gì thì đưa các nội dung đó vào trường sư phạm để trang bị cho giáo sinh. Sinh viên sư phạm khi tốt nghiệp, được phân về trường thực hành 1 - 2 năm, trong quá trình đó, Hội đồng giáo dục nhà trường theo dõi và đánh giá, nếu đáp ứng yêu cầu sẽ tuyển dụng”.

Ngoài ra, nhiều ý kiến cũng cho rằng, việc điều động, luân chuyển GV cũng nên để cho ngành giáo dục thực hiện. Bởi thực tế, việc xảy ra tình trạng thừa, thiếu GV như hiện nay là do việc bố trí, sắp xếp chưa hợp lý. Nếu ngành GD&ĐT có quyền quản lý toàn bộ thì sẽ chủ động điều chuyển GV từ địa phương này sang địa phương khác để hạn chế thừa, thiếu cục bộ. Ngoài ra, ngành giáo dục cũng tính toán được, trong từng giai đoạn sẽ cần bao nhiêu nhà giáo để có kế hoạch đào tạo và tuyển dụng đáp ứng đủ.