Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Băn khoăn về quy chế tuyển sinh

Quý Minh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thông tư 30/TT-BGDĐT về Quy chế tuyển sinh THCS và tuyển sinh THPT mới được Bộ GD&ĐT ban hành; tuy nhiên, một số quy định tại quy chế vẫn khiến phụ huynh và học sinh thấy chưa thực sự an tâm.

Rối vì quy chế

Với tuyển sinh lớp 10, Thông tư 30/TT-BGDĐT quy định có 3 phương thức tuyển sinh (thi tuyển, xét tuyển hoặc kết hợp giữa thi tuyển và xét tuyển). Riêng thi tuyển, cả nước thống nhất kỳ thi vào lớp 10 gồm 3 môn thi (bài thi): toán, ngữ văn và 1 môn thi hoặc bài thi thứ 3 do Sở GD&ĐT lựa chọn.

Quy chế tuyển sinh THCS và THPT được xây dựng gọn nhẹ, cắt giảm tối đa các thủ tục hành chính; phù hợp với chủ trương chuyển đổi số trong lĩnh vực GD&ĐT. Ảnh: Hải Linh
Quy chế tuyển sinh THCS và THPT được xây dựng gọn nhẹ, cắt giảm tối đa các thủ tục hành chính; phù hợp với chủ trương chuyển đổi số trong lĩnh vực GD&ĐT. Ảnh: Hải Linh

Môn thi thứ 3 được lựa chọn trong số các môn học có đánh giá bằng điểm số thuộc chương trình giáo dục phổ thông cấp THCS, bảo đảm không chọn cùng một môn thi thứ 3 quá 3 năm liên tiếp. Bài thi thứ 3 là bài thi tổ hợp của một số môn học được lựa chọn trong số các môn học có đánh giá bằng điểm số trong chương trình giáo dục phổ thông cấp THCS… Môn thi thứ 3 hoặc bài thi tổ hợp của một số môn học được công bố sau khi kết thúc học kì I nhưng không muộn hơn ngày 31/3 hàng năm.

 

Trước khi chính thức được ban hành, Thông tư quy định về quy chế tuyển sinh đã được Bộ GD&ĐT đăng công khai và xin ý kiến rộng rãi của dư luận xã hội; đồng thời Bộ đã tiếp nhận, điều chỉnh theo góp ý của các Sở GD&ĐT, trường học, chuyên gia, giáo viên, học sinh, phụ huynh và toàn xã hội.

Quy chế được xây dựng trên 4 nguyên tắc: không gây áp lực, tốn kém cho cha mẹ học sinh, học sinh và xã hội; gọn nhẹ, cắt giảm tối đa các thủ tục hành chính; phù hợp với chủ trương chuyển đổi số trong lĩnh vực GD&ĐT; có tác dụng thúc đẩy hoạt động giáo dục toàn diện và bảo đảm thực hiện chức năng quản lý Nhà nước ở cấp vĩ mô.

Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ GD&ĐT) Nguyễn Xuân Thành

Với tuyển sinh lớp 6, quy chế quy định việc tuyển sinh THCS được thực hiện theo phương thức xét tuyển. Tiêu chí xét tuyển do Sở GD&ĐT hướng dẫn cụ thể, bảo đảm thực hiện việc xét tuyển công bằng, khách quan, minh bạch, phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương. Tương tự môn thi thứ 3 lớp 10, kế hoạch tuyển sinh THCS phải được công bố trước ngày 31/3 hàng năm.

Với những nội dung đáng lưu ý nêu trên, Quy chế tuyển sinh THCS - THPT nhận được nhiều ý kiến băn khoăn trong dư luận, nhất là quy định chỉ xét tuyển vào lớp 6. Đông đảo phụ huynh có con đang học lớp 5 cho rằng, các con đã có lộ trình học và ôn tập từ vài năm qua để phục vụ mục đích dự kỳ kiểm tra đánh giá năng lực vào lớp 6 các trường chất lượng cao; thậm chí có phụ huynh chi cả trăm triệu đồng cho con ôn luyện. Vậy nhưng, quy định bất ngờ tại quy chế khiến cả phụ huynh và học sinh thấy "sụp đổ" vì mất đi cơ hội thử sức.

Không chỉ vậy, hiệu trưởng nhiều trường THCS công lập và tư thục chất lượng cao cũng chia sẻ những điểm bất cập, thiếu phù hợp nếu không cho phép các nhà trường thực hiện phương thức tuyển sinh bảo đảm chất lượng đầu vào cũng như chất lượng đào tạo của nhà trường.

Trước phản ứng của dư luận, Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ GD&ĐT) Nguyễn Xuân Thành cho biết, qua thực tế triển khai Thông tư 11/2014/TT-BGDĐT, Thông tư 05/2018/TT-BGDĐT về Quy chế tuyển sinh THCS và tuyển sinh THPT vẫn có những tồn tại bất hợp lý. Cụ thể, một số trường tuyển sinh chủ yếu dựa vào tổ chức việc “kiểm tra, đánh giá năng lực học sinh” như một kỳ thi tuyển sinh dành cho 100% học sinh đăng ký vào trường. Vai trò của việc “xét tuyển” trong phương thức kết hợp với “kiểm tra, đánh giá năng lực học sinh” chưa được thực hiện thỏa đáng.

Bộ GD&ĐT nhấn mạnh: Thông tư 30/TT-BGDĐT của Bộ tiếp tục quy định phương thức tuyển sinh THCS là xét tuyển cùng quy định giao cho các Sở GD&ĐT hướng dẫn cụ thể tiêu chí xét tuyển, bảo đảm thực hiện việc xét tuyển công bằng, khách quan, minh bạch, phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương. Sở GD&ĐT các địa phương phải xây dựng bộ tiêu chí xét tuyển áp dụng cho tất cả các trường; đồng thời có hướng dẫn tiêu chí riêng đối với các trường sau khi thực hiện việc xét tuyển theo tiêu chí chung vẫn có số học sinh đáp ứng yêu cầu nhiều hơn chỉ tiêu nhà trường được giao.

“Tiêu chí riêng không chỉ là các yêu cầu trong hồ sơ xét tuyển mà còn cần đánh giá trực tiếp học sinh theo nhiều hình thức khác nhau như: hỏi - đáp, viết, thuyết trình, thực hành, thí nghiệm, hồ sơ học tập, các sản phẩm, hoạt động của học sinh (các hình thức này đã được quy định tại các Thông tư ban hành quy chế đánh giá học sinh của Bộ GD&ĐT) hoặc bài kiểm tra, đánh giá năng lực học sinh (theo tinh thần quy định tại Thông tư số 05/2018/TT-BGDĐT), bảo đảm việc tuyển sinh được thực hiện công bằng, công khai, minh bạch, phù hợp với điều kiện thực tiễn” - ông Nguyễn Xuân Thành nêu rõ.

Quy định cần rõ ràng, tường minh hơn

Chia sẻ quy định về thời điểm công bố môn thi thứ 3 tại kỳ tuyển sinh lớp 10 là sau khi kết thúc học kỳ I nhưng không muộn hơn 31/3 hàng năm, Bộ GD&ĐT cho hay, việc này nhằm cân đối cho học sinh tập trung hoàn thành tất cả các môn học theo chương trình nhưng vẫn có đủ thời gian để ôn luyện, chuẩn bị cả về kiến thức, tâm lý cho các môn dự thi, bảo đảm công bằng giữa các địa phương trên cả nước.

Bên cạnh đó, trước việc hiểu chưa đúng về việc học sinh giỏi cấp tỉnh được cộng điểm khuyến khích trong kỳ thi lớp 10 THPT công lập, Bộ GD&ĐT giải thích, thi học sinh giỏi các môn học trong chương trình giáo dục phổ thông cấp quốc gia không có đối tượng là học sinh THCS.

Vì thế, quy định về điểm khuyến khích này sẽ không bao gồm học sinh được giải thi học sinh giỏi các môn văn hóa trong chương trình giáo dục phổ thông cấp THCS. Các địa phương nếu có tổ chức thi học sinh giỏi THCS (cấp tỉnh) để khuyến khích học sinh có năng khiếu thì cũng không được lấy điểm khuyến khích vào điểm xét tuyển THPT.

Sau khi “nói lại cho rõ” nhưng dường như vẫn chưa làm dư luận yên tâm về thời hạn công bố môn thi thứ 3 và phương thức tuyển sinh lớp 6, Bộ GD&ĐT tiếp tục có công văn gửi các sở GD&ĐT về lựa chọn, công bố môn thi thứ 3 và hướng dẫn tiêu chí xét tuyển trong tuyển sinh THCS, THPT.

Để thực hiện tốt công tác tuyển sinh từ năm học 2025 - 2026, Bộ GD&ĐT đề nghị các Sở GD&ĐT khẩn trương triển khai tổ chức lựa chọn và sớm công bố môn thi hoặc bài thi thứ 3 theo quy định để tạo thuận lợi cho học sinh trong việc học tập hoàn thành chương trình và ôn tập, chuẩn bị tốt các điều kiện, tạo tâm lý sẵn sàng dự thi đạt kết quả tốt.

Đồng thời, khẩn trương xây dựng và công bố nguyên tắc, tiêu chí xét tuyển vào lớp 6 THCS phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương để học sinh, cha mẹ học sinh, giáo viên và các nhà trường hiểu rõ, chủ động trong công tác tuyển sinh.

Dư luận và phụ huynh học sinh rất phấn khởi và hoan nghênh những giải thích cũng như thông tin trao đổi của Bộ GD&ĐT vì đã giúp phụ huynh hiểu rõ, hiểu sâu nội dung thông tư, tránh tâm lý hoang mang, lo lắng không đáng có trước kỳ thi.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến đề nghị những quy định tại văn bản quy phạm pháp luật phải rõ ràng, tường minh, có nghiên cứu sâu cũng như có lộ trình thực hiện để dư luận, học sinh, phụ huynh hiểu đúng; từ đó tạo sự yên tâm và đồng thuận trong xã hội.

 

Tôi rất lo lắng thời hạn công bố môn thi thứ 3 theo quy định tại tại Thông tư số 30/2024/TT-BGDĐT. Nhiều năm qua, học sinh lớp 9 và phụ huynh tại Hà Nội vô cùng sốt ruột khi đến giữa hoặc cuối tháng 3, môn thi thứ 3 mới được công bố.

Sự vất vả để giành suất vào lớp 10 trường công lập, cân nhắc giữa các nguyện vọng cộng tâm lý sốt ruột chờ môn thứ 3 khiến áp lực kỳ thi đối với học sinh và cả gia đình học sinh thêm nặng nề. Tôi mong rằng Bộ GD&ĐT nghiên cứu, xem xét, điều chỉnh, đẩy sớm thời gian công bố môn thi thứ 3 để giảm mệt mỏi và không còn tình trạng thấp thỏm hoặc đồn đoán môn thi như hiện nay.

Nguyễn Thị Hà (quận Hà Đông)