Băn khoăn về quy hoạch bảo vệ môi trường

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 20/2, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (TVQH) đã khai mạc Phiên họp thứ 25.

Thay mặt Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, Chủ nhiệm Phan Xuân Dũng đã báo cáo về các vấn đề lớn còn nhiều ý kiến khác nhau của dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi).
Băn khoăn về quy hoạch bảo vệ môi trường - Ảnh 1
Góp ý về dự Luật, nhiều ý kiến tại phiên họp yêu cầu chỉnh lý quy định về phạm vi điều chỉnh của Luật “trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” để phù hợp với Hiến pháp 2013. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý nhận xét: “Hiến pháp đã bổ sung một quyền rất mới là công dân được sống trong môi trường trong lành, nhưng phần về quyền, trách nhiệm của người dân trong bảo vệ môi trường của dự thảo Luật chưa đáp ứng được yêu cầu”.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng đề nghị ban soạn thảo cần cần nghiên cứu Hiến pháp mới để thể chế hóa dự án luật này cho phù hợp, nhất là các quy định về bảo vệ môi trường. Cần xem xét các nội dung liên quan giữa quy hoạch môi trường với các quy hoạch khác, cũng như kỳ quy hoạch 10 năm hay 20 năm. Ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, chỉnh lý hoàn chỉnh trước khi trình Quốc hội xem xét thông qua.

Đáng lưu ý, nhiều ý kiến trong TVQH cho rằng, dự thảo Luật này có khá nhiều nội dung không thống nhất, “chồng lấn” sang các lĩnh vực ngân sách, tài chính. Ông Phùng Quốc Hiển, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách thẳng thắn: “Tôi không đồng tình việc luật nào cũng nói đến ngân sách, quỹ, tài chính. Dự thảo luật này cũng thế, viết vừa lỏng lẻo, vừa lấn sân Luật Ngân sách”.

Liên quan đến chính sách nhập khẩu phế liệu, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu đề nghị dự thảo quy định rõ các hàng rào kỹ thuật để một mặt bảo vệ được môi trường, mặt khác vẫn tuân thủ các cam kết quốc tế (không cấm nhập) và duy trì lợi ích kinh tế chính đáng cho các doanh nghiệp. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý bày tỏ đồng ý cho nhập phế liệu, phế thải, nhưng quan trọng là ở mức độ thế nào, quy định ra sao đi kèm với đó là quy định về hàng rào kỹ thuật, “phải làm rõ nếu không chúng ta lại đi ngược với mục đích của chính Luật Bảo vệ môi trường”. Đây cũng là quan điểm của một số thành viên khác trong TVQH.

Những nội dung như quy hoạch bảo vệ môi trường, bảo vệ môi trường biển và hải đảo, trách nhiệm quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường cũng được các đại biểu tập trung góp ý. Theo các đại biểu, quy hoạch môi trường cần xem xét tới các nội dung liên quan của các quy hoạch khác như quy hoạch vùng, quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu băn khoăn: Trong khi vòng đời của các dự án lớn thường dài hơn nhiều và các quy hoạch xây dựng, quy hoạch phát triển đô thị cũng có kỳ hạn 20 năm, tầm nhìn tới 30 năm mà quy hoạch bảo vệ môi trường - theo dự thảo Luật - lại chỉ có kỳ hạn 10 năm thì việc đánh giá tác động môi trường tính như thế nào?