Bản lĩnh vợ cảnh sát biển

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chồng đi làm nhiệm vụ ngoài Hoàng Sa, chị Tho nhiều lúc phải giả vờ là anh Minh gọi điện về nói chuyện khi con thơ hỏi cha đâu.

Chiều 23/6, tại hội trường giao lưu 20 gia đình cảnh sát biển, kiểm ngư tiêu biểu các tỉnh thành Thái Bình, Hải Phòng, Hải Dương, Hà Nội, Đà Nẵng, chị Vũ Thị Tho lặng lẽ rơi nước mắt khi nghe những bài hát về biển đảo. Người phụ nữ 38 tuổi là vợ anh Hà Văn Minh 39 tuổi, sống ở Thái Bình, kiểm ngư viên trên con tàu KN 22. 

Anh Minh nhận nhiệm vụ ngoài Hoàng Sa từ tháng 5, cũng từ đó nhiều đêm chị Tho không ngủ được. Tàu KN 22 bị tàu Trung Quốc 8 lần phun nước, 6 lần đâm va, dẫn đến hư hỏng nặng. Một số kiểm ngư viên trên tàu bị thương, anh Minh bị mảnh kính vỡ văng vào mặt, tay và lưng, máu chảy nhiều, nhưng anh vẫn quyết tâm đưa tàu Việt Nam thoát khỏi vòng vây tàu Trung Quốc.
Mẹ, vợ và các con của kiểm ngư viên Hà Văn Minh. Ảnh: Hoàng Phương.
Mẹ, vợ và các con của kiểm ngư viên Hà Văn Minh. Ảnh: Hoàng Phương.
"Cả nhà thót tim khi nghe báo về tàu bị đâm trong lúc anh ấy đang trực tiếp cầm lái. Đến ngày 7/6, tàu về Đà Nẵng sửa chữa, anh gọi điện cho gia đình. Tôi hỏi có bị thương không thì anh ấy bảo không sao cả. Đó cũng là cuộc điện thoại đầu tiên và duy nhất từ khi anh ấy nhận nhiệm vụ ngoài Hoàng Sa", chị Tho kể.

Mỗi lần về thăm nhà, anh Minh ngồi cả ngày kể chuyện ngoài khơi, chuyện thời sự với hai ông bố, nhưng tuyệt nhiên không bao giờ kể cho vợ nghe gian khó trong công việc. 

Vợ chồng chị cùng quê Tiền Hải (Thái Bình), kết hôn gần 15 năm và có với nhau 3 con. Anh Minh công tác ở Khánh Hòa, cả năm mới được về phép ít ngày. Chị Tho làm kế toán trường mầm non ở quê để tiện chăm sóc các con. Mỗi lần về phép, đi đến đầu ngõ là anh huýt sáo vang, vai đeo ba lô đầy những máy bay, tàu thủy, gấu bông làm quà cho các con. Bé Hà Vũ Minh Thảo (11 tuổi) chỉ mong bố nhanh gọi điện về để con gái còn báo tin được học sinh giỏi và giải nhì mỹ thuật của huyện.

Hai cậu con trai sinh đôi Hà Vũ Minh Tuấn, Hà Vũ Anh Tuấn (6 tuổi) vừa hết lớp mầm non. Trước khi nhận nhiệm vụ, anh Minh hứa dịp 1/6 sẽ về dẫn các con chuyển từ mẫu giáo lên lớp một. Hôm đó, đợi mãi không thấy bố về, hai anh em phụng phịu mãi mới chịu vào lớp.
Nuôi con nhỏ và đang có bầu hơn 2 tháng, chị Đặng Thị Thương, vợ cảnh sát biển Vũ Văn Kiên, luôn chăm sóc gia đình để chồng yên tâm làm nhiệm vụ. Ảnh: Hoàng Phương.
Nuôi con nhỏ và đang có bầu hơn 2 tháng, chị Đặng Thị Thương, vợ cảnh sát biển Vũ Văn Kiên, luôn chăm sóc gia đình để chồng yên tâm làm nhiệm vụ. Ảnh: Hoàng Phương.
Khi còn ở đất liền, ngày 4 lần người cha gọi điện hỏi thăm các con ăn cơm chưa, chơi có ngoan không. Hai tháng nay không thấy bố gọi, các con nhiều lần hỏi khiến chị Tho phải giấu. Có lần, chị giả vờ là anh gọi điện về, rồi nghe máy. Các con mừng quá, đòi nói chuyện nhưng chị bảo bố bận việc rồi và tắt máy khi chúng giận dỗi.

Khi chồng đi làm nhiệm vụ trên tàu CSB 8003 được 2 tuần, chị Đặng Thị Thương biết mình có thai. Con gái lớn của chị Thương và anh Vũ Văn Kiên là bé Ngọc Anh được 20 tháng tuổi. Lần này, gia đình chị có hai người đang làm nhiệm vụ trên tàu CSB 8003 nên sự lo lắng của cả nhà tăng gấp đôi. Anh Kiên và người anh trai cả đều là cảnh sát biển.

Khi tàu về Đà Nẵng sửa chữa và nhận tiếp tế, chị Thương báo cho chồng tin vui. Anh Kiên dặn dò vợ giữ sức khỏe, hứa sẽ đưa vợ đi khám thai và nghĩ ra cái tên thật hay để đặt cho con. Bố anh Kiên bị suy tim nặng 5 năm nay, sức khỏe yếu nên cả nhà không dám cho biết, sợ ông lo lắng mà bệnh nặng thêm. "Mẹ chồng tôi động viên, cả gia đình mới bớt lo lắng. Bà bảo cảnh sát biển có trách nhiệm nặng nề, đất nước giao nhiệm vụ rồi thì phải hoàn thành. Người ở nhà cứ làm tốt việc của mình là được", chị Thương tâm sự.

Tối nào, chị Thương và con gái cũng ngồi trước tivi để xem tin tức về Hoàng Sa. Đôi lần, chị kịp nhận ra bóng dáng người chồng thân yêu trên con tàu 8003, chưa kịp chỉ cho con gái thấy thì hình ảnh lướt qua rồi. Nhiều lúc bé Ngọc Anh chỉ vào ảnh cưới của bố mẹ và gọi "Ba ơi về chơi với con" khiến chị nhớ chồng cũng khóc theo.
Chị Thu Phương, vợ đại úy Nguyễn Văn Hưng, thuyền trưởng tàu CSB 8003, cho rằng những người vợ cảnh sát biển, kiểm ngư cũng luôn bản lĩnh, vững vàng như chồng của họ. Ảnh: Hoàng Phương.
Chị Thu Phương, vợ đại úy Nguyễn Văn Hưng, thuyền trưởng tàu CSB 8003, cho rằng những người vợ cảnh sát biển, kiểm ngư cũng luôn bản lĩnh, vững vàng như chồng của họ. Ảnh: Hoàng Phương.
Chồng là thuyền trưởng trên con tàu CSB 8003, tàu chủ lực của lực lượng cảnh sát biển, chị Nguyễn Thị Thu Phương vừa tự hào, vừa lo lắng. Anh Nguyễn Văn Hưng (quê Hải Dương) nhận nhiệm vụ khi đang về thăm cha bị bệnh nặng. Thăm bố xong, anh không kịp về nhà, chỉ kịp ứng cho vợ hai tháng lương, nhờ người đưa về rồi đi ngay.

Làm việc ở Hải Phòng, cuối tuần chị Phương lại đưa các con về chơi với ông bà nội ở Hải Dương. Bản lĩnh của người công tác bên ngành luật khiến chị cứng rắn hơn để gánh vác công việc gia đình và hai con, để anh vững vàng nơi đầu sóng ngọn gió.

Bố anh Hưng, ông Nguyễn Phong Lưu, năm xưa là thủy thủ đoàn tàu không số. Dù bị bệnh nặng, ông vẫn nhắn nhủ con trai rằng thuyền trưởng là người giữ sinh mệnh cho tàu và anh em nên phải đoàn kết toàn tàu, bảo vệ tài sản quốc gia và hoàn thành tốt nhiệm vụ, giữ vững chủ quyền biển đảo thiêng liêng.
 
Chiều 23/6, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch phối hợp Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức gặp mặt 20 gia đình cảnh sát biển, kiểm ngư tiêu biểu của các tỉnh thành Thái Bình, Hải Phòng, Hải Dương, Hà Nội, Đà Nẵng. Tại buổi gặp mặt, Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh khẳng định: "Gia đình và tổ quốc gắn bó không tách rời, vận mệnh tổ quốc gắn với vận mệnh mỗi gia đình và đại gia đình 54 dân tộc Việt Nam". Đại diện Bộ và các cơ quan đã tặng quà, động viên và tri ân sâu sắc tới gia đình các cảnh sát biển, kiểm ngư viên đang làm nhiệm vụ ở Hoàng Sa, nơi Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981.