Điểm đến du lịch cộng đồng gần 100% là đồng bào người Dao
Ba Vì luôn là địa điểm du lịch được nhiều du khách trong nước và quốc tế lựa chọn do có những tiềm năng sẵn có, thuận lợi về giao thông, gần trung tâm TP Hà Nội.
Nhiều năm qua, huyện Ba Vì xác định phát triển du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn. Đặc biệt, du lịch đã đóng góp vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế địa phương theo hướng tăng tỷ trọng dịch vụ, giảm tỷ trọng nông nghiệp.
Cùng với đó, Ba Vì có một “hệ sinh thái” thiên nhiên - văn hóa độc đáo, giàu bản sắc, đây là cơ sở để huyện đưa ngành du lịch cất cánh. Trong năm 2024, điểm du lịch cộng đồng bản Miền tại thôn Hợp Sơn, xã Ba Vì được xây dựng theo mô hình du lịch cộng đồng gắn với giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số đầu tiên đưa vào hoạt động trên địa bàn TP Hà Nội.
Theo Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Ba Vì Lê Khắc Nhu, chỉ cách trung tâm Thủ đô 60 km, xã Ba Vì có gần 100% người dân là đồng bào dân tộc Dao. Đây là điều kiện rất đặc biệt để huyện Ba Vì đề xuất lựa chọn xã Ba Vì là địa bàn xây dựng sản phẩm du lịch cộng đồng trong tổng thể đề án, kế hoạch phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn của TP Hà Nội.
"Địa phương, đơn vị tư vấn và các hộ tham gia đề án lựa chọn tên “Điểm du lịch bản Miền” mang ý nghĩa sử dụng yếu tố bản sắc văn hóa dân tộc Dao để nhận diện điểm du lịch và sản phẩm du lịch văn hóa, cộng đồng tại nơi đây” - ông Lê Khắc Nhu cho biết.
Điểm du lịch bản Miền nằm trên quần thể địa hình sườn Tây núi Ba Vì. Theo ghi nhận, nơi đây có nhiều thung lũng, đồi núi, thác suối giáp ranh, cài răng lược với Vườn quốc gia Ba Vì.
Trải qua nhiều đời, người dân tại xã Ba Vì sống chủ yếu dựa vào rừng núi để trồng dong riềng, thu hái, sơ chế dược liệu thuốc nam. Thống kê có khoảng trên 80% hộ gia đình liên quan đến việc trồng, thu hái, sơ chế, chữa bệnh từ các cây dược liệu trên núi Ba Vì.
Nhiều hộ tại các thôn Hợp Sơn, Hợp Nhất và Yên Sơn duy trì thương hiệu, nâng cấp sản phẩm, giữ vững chất lượng, tạo dựng uy tín trên thị trường. Ngoài ra, địa điểm này có nhiều thảm thực vật được bảo vệ, tái sinh, phát triển sau nhiều năm trồng rừng và bảo vệ rừng của huyện.
Với những thuận lợi từ nhiều yếu tố cộng sinh, bản Miền có thể kết hợp các hoạt động trải nghiệm nhóm nhỏ và vừa, tạo nên những “tiểu sản phẩm” như leo núi, lội suối, đi vào các triền đồi, thung lũng quanh khu vực xã Minh Quang, Ba Vì, Vườn quốc gia Ba Vì khi du khách lựa chọn.
Việc ra mắt và đưa vào hoạt động góp phần tạo mô hình điểm về du lịch cộng đồng, từng bước đưa huyện Ba Vì trở thành trọng điểm về phát triển du lịch cộng đồng gắn với đồng bào dân tộc thiểu số, tăng khả năng thu hút du khách trong nước cũng như quốc tế.
Giữ gìn, bảo tồn bản sắc dân tộc
Theo các chuyên gia, điểm nhấn cốt lõi để TP Hà Nội xây dựng bản du lịch cộng đồng bản Miền là gắn với nghề làm thuốc nam, phát triển mô hình du lịch chăm sóc sức khỏe. Từ đó, góp phần giữ gìn, bảo tồn, phát huy bản sắc dân tộc.
Bên cạnh đó, du khách còn được trải nghiệm dịch vụ chăm sóc sức khỏe với các bài thuốc truyền thống từ thảo dược của người Dao quần chẹt ở Ba Vì. Đồng thời, trải nghiệm văn hóa ẩm thực, thưởng thức chương trình văn nghệ với show diễn thực cảnh, mô phỏng các lễ tục cổ của đồng bào Dao quần chẹt như Lễ cúng Bàn Vương, lễ cấp sắc, Tết nhảy, trích đoạn đám cưới người Dao…
Theo Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Đỗ Mạnh Hưng, với điểm du lịch cộng đồng bản Miền, việc đưa các công việc núi đồi đồng áng ra trình diễn sẽ tiếp cận gần hơn với du khách. Thông qua việc tổ chức các hoạt động tham quan, trải nghiệm tại làng nghề như sơ chế, sử dụng thuốc nam Ba Vì (thu hái, băm phơi, nấu cao, tắm thuốc...), khách du lịch sẽ hiểu hơn về văn hóa địa phương.
“Ngay từ khi triển khai từ tháng 11/2023, huyện đã nhận định mô hình còn gặp nhiều khó khăn như: 7 xã miền núi của huyện Ba Vì chưa có quy hoạch về các điểm đến tiềm năng để phát triển du lịch cộng đồng trên bản đồ, chưa có mô hình chuẩn để người dân tham quan học tập, loại hình du lịch khá mới và người dân chưa được tiếp cận…
Do đó, để thay đổi nhận thức, hiểu được tiềm năng đến việc khai thác để phát triển thành sản phẩm du lịch cộng đồng tại địa phương là một thách thức lớn” - ông Đỗ Mạnh Hưng nhấn mạnh.
Sau Lễ công bố, điểm đến du lịch cộng đồng bản Miền đã nhận được nhiều sự quan tâm của du khách trong nước và nước ngoài. Trong kỳ nghỉ Lễ 30/4 và 1/5, cơ sở đón lượng du khách đông và vượt quá năng lực đón tiếp, phục vụ.
Xã đã hình thành các đoàn khách tham quan, trải nghiệm cuối tuần. Phản hồi của du khách đối với mô hình du lịch cộng đồng là khá tốt. Từ đầu năm 2024, uớc tính du lịch Ba Vì đón 1.530.000 lượt khách, tăng 2,2% so với cùng kỳ và doanh thu ước đạt 207 tỷ đồng, tăng 2,4% so với cùng kỳ năm 2023. Dự kiến, năm 2024 phấn đấu đón được 2,8 triệu lượt khách, doanh thu đạt 410 tỷ đồng.
“Việc đưa vào hoạt động điểm du lịch cộng đồng bản Miền góp phần đa dạng hóa sản phẩm du lịch của Ba Vì nói riêng và Hà Nội nói chung. Huyện Ba Vì đã đề nghị các cơ quan, đơn vị lữ hành liên kết chặt chẽ với địa phương để góp phần tuyên truyền, quảng bá đưa du khách trong và ngoài nước đến khám phá, trải nghiệm…” - Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Đỗ Mạnh Hưng cho biết thêm.
Mô hình du lịch cộng đồng bản Miền đã cơ bản được hình thành trên cơ sở thống nhất và đồng thuận của người dân. Để mô hình có sức lan tỏa đến các xã, thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của Hà Nội, Sở Du lịch đề nghị chính quyền địa phương cùng cộng đồng dân cư thôn Hợp Sơn tiếp tục quan tâm đầu tư xây dựng, mở rộng quy mô đồng thời đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ cung cấp cho khách du lịch.
Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang