Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bản quyền truyền hình bóng đá - miếng bánh không dễ chia

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sự ồn ào của cuộc chiến bản quyền giải Ngoại hạng Anh khiến dư luận hình dung đến miếng bánh béo bở mà các đội bóng Việt Nam có thể được chia khi các nhà đài đổ bộ vào V.League.

Thế nhưng, để kiếm được tiền từ các nhà đài vốn chưa hình thành thói quen mua bán bản quyền sân chơi quốc nội thật chẳng dễ chút nào.

V.League lên ngôi…

Có một thực tế là các đài truyền hình bây giờ phải gắn liền với thể thao. Họ coi thể thao là mặt trận chính nhằm giữ chân khán giả sử dụng dịch vụ của mình. Với các nhà cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền thì không có bản quyền thể thao sẽ là thảm họa. Thậm chí, với riêng kênh truyền hình K+, nếu để mất bản quyền giải Ngoại hạng Anh thì chiến lược kinh doanh sẽ bị phá sản.
Bản quyền truyền hình bóng đá - miếng bánh không dễ chia - Ảnh 1
Có một thực tế là khi K+ hoặc đài truyền hình nào đó độc quyền giải Ngoại hạng Anh thì các nhà cung cấp dịch vụ khác phải nghĩ đến chuyện kiếm món hàng khác nhằm lấp vào chỗ trống. V.League bỗng dưng sẽ có giá. Thực tế là mùa giải này, các đài truyền hình từ T.Ư đến địa phương, từ truyền hình trả tiền lẫn truyền hình không trả tiền đều tới tấp phát sóng các trận đấu V.League. Các đài phát thanh cũng gia nhập cuộc chơi giúp cho V.League ngày càng có sức lan tỏa. Có những trận đấu được vài ba đơn vị truyền hình phát sóng trực tiếp.

Trước sự biến chuyển tích cực này, nhiều người hy vọng bóng đá Việt Nam sẽ có tiền từ bản quyền truyền hình. Có thể nguồn thu ấy chưa cao bằng số tiền các đội bóng Thái Lan thu được nhưng mang lại một giai đoạn phát triển mới cho bóng đá Việt Nam. Một ngày không xa, tiền bản quyền truyền hình sẽ góp phần quan trọng trong ngân quỹ của một đội bóng.

…nhưng không dễ kiếm tiền

Ai cũng biết bóng đá phải sống bằng bản quyền. Ai cũng bảo bóng đá có sức hút đặc biệt với dư luận và đó là cơ hội để các đội bóng kiếm được rất nhiều tiền. Nhưng đến thời điểm hiện tại, nguồn thu từ bản quyền V.League vẫn còn rất xa vời, hoặc không đáng kể. Điều quan trọng là bóng đá Việt Nam phải hình thành được thói quen mới cho các đơn vị truyền hình là họ phải trả tiền nếu muốn phát sóng bóng đá. Còn hiện tại, mối quan hệ giữa bóng đá và các đài truyền hình vẫn bất bình đẳng, nặng tính xin - cho. Thậm chí, nhiều đội bóng đã phải thông qua rất nhiều kênh, thao tác kỹ thuật để được phát sóng nhiều trận đấu của mình nhằm đáp ứng yêu cầu của nhà tài trợ.

Bây giờ, muốn kiếm được tiền từ nhà đài thì bản thân các nhà quản lý bóng đá phải thay đổi tư duy. Họ phải tự tin trong mối quan hệ với đối tác. Bên cạnh đó, họ phải biết nâng giá trị gói sản phẩm mà mình đang có trong tay nhằm tạo ra nguồn thu. Đầu tiên, Ban tổ chức giải phải đa dạng được khung giờ phát sóng các trận đấu để tạo ra sự cạnh tranh giữa các đài truyền hình. Một khi các đài truyền hình phải ở thế cạnh tranh với nhau để giành quyền phát sóng thì bóng đá Việt Nam sẽ được hưởng lợi.

Bên cạnh đó, đã đến lúc bóng đá Việt Nam phải chủ động trong việc sản xuất, phát sóng các trận đấu bóng đá. Một khi họ đã chủ động được vấn đề truyền dẫn phát sóng thì các nhà đài không thể gây sức ép và buộc lòng phải tham gia cuộc chơi có lợi cho bóng đá Việt Nam. Tất nhiên, đây là một vấn đề lớn và cần sự đột phá về công tác quản lý. Bằng không, bóng đá quốc nội sẽ mãi đi theo vết xe quá khứ và chẳng thể mơ đến nguồn thu lớn từ bản quyền truyền hình.