Bản quyền World Cup 2014: Coi chừng dính bẫy!

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - World Cup 2014 (tổ chức tại Brazil) còn chưa diễn ra, nhưng ở Việt Nam, câu chuyện liên quan đến sự kiện này đã rất nóng.

Số là các đài truyền hình tại Việt Nam đã được nhà phân phối bản quyền World Cup - Công ty MP&Silva chào hàng với mức giá gây sốc, 10 triệu USD.

210 tỷ đồng cho 64 trận đấu

Theo thông tin có được, MP&Silva đã giành chiến thắng trong việc chạy đua với Dentsu để trở thành nhà phân phối bản quyền truyền hình World Cup. Công ty này đã trúng thầu với giá cao ngất là 7 triệu USD. Đã đi buôn nghĩa là phải đặt mục tiêu có lợi nhuận. Họ rao giá 10 triệu USD cho gói độc quyền 64 trận đấu tại World Cup 2014. Tính ra, để sở hữu món hàng này, đối tác tại Việt Nam phải bỏ ra số tiền lên đến 210 tỷ đồng.

Cái giá mà MP&Silva đưa ra đã khiến các nhà đài cảm thấy choáng váng. Họ biết rằng, giá bản quyền sẽ tăng theo từng năm nhưng ít ai dám nghĩ, 4 năm trước, VTV và HTV chỉ phải mua bản quyền World Cup với số tiền 3,5 triệu USD.

 
Chưa có đài truyền hình nào tại Việt Nam sở hữu được bản quyền World Cup 2014. Ảnh: Reuters
Chưa có đài truyền hình nào tại Việt Nam sở hữu được bản quyền World Cup 2014. Ảnh: Reuters

Có lẽ vì giá quá cao mà đến nay, vẫn chưa đài truyền hình nào đạt được sự thống nhất với MP&Silva. Công ty này cũng đã tiến hành gặp gỡ, thương thảo với tất cả những đối tác có máu mặt nhất ở Việt Nam nhưng đều nhận được cái lắc đầu. Ngay cả việc MP&Silva đã tung ra nhiều chiêu thức nhằm "dương Đông, kích Tây" nhưng các nhà đài vẫn một mực nói không. Theo các chuyên gia, trong bối cảnh hiện tại, rất khó có đài truyền hình nào tại Việt Nam có thể chi số tiền lớn để giành lấy gói bản quyền. Bởi lẽ, chắc chắn họ sẽ lỗ vốn trong thương vụ này vì nguồn thu từ quảng cáo sẽ không đủ để trả tiền mua bản quyền.

Nhà đài sẽ liên thủ?

Trước động thái kích giá từ nhà phân phối MP&Silva dư luận đòi hỏi cần phải có tiếng nói chung giữa các đài truyền hình nhằm tạo ra được lợi thế trong đàm phán mua bản quyền World Cup. Và như thường lệ,  người ta lại nhắc đến vai trò của Hiệp hội truyền hình trả tiền Việt Nam. Nhiều người cho rằng, đơn vị này phải trở thành đầu mối trong cuộc đàm phán với MP&Silva. Nếu không có được sự thống nhất, chắc chắn, phần thua thiệt sẽ thuộc về các đài truyền hình Việt Nam. Bài học từ việc “xé rào” đàm phán riêng rẽ gói bản quyền giải Ngoại hạng Anh đến nay vẫn còn nguyên tính thời sự.

Đến thời điểm này, các đài truyền hình một mặt từ chối mức giá mà MP&Silva đưa ra, nhưng mặt khác vẫn tiến hành các cuộc đàm phán riêng nhằm tìm ra tiếng nói chung. Tuy nhiên, người ta vẫn chưa thấy những người hữu trách tại Hiệp hội truyền hình trả tiền Việt Nam chính thức đưa ra quan điểm, cách xử lý về vấn đề vốn rất nóng này. Bên cạnh đó, VTV với tư cách là đài truyền hình quốc gia cũng chưa phát tín hiệu sẵn sàng thay mặt các đối tác trong nước tiến hành "thi đấu" với MP&Silva để đạt được mức giá tốt nhất.

Và một khi chưa có được sự "liên minh" giữa các nhà cung cấp dịch vụ truyền hình tại Việt Nam thì nguy cơ chảy máu ngoại tệ là nhãn tiền. Thế nên, dư luận đòi hỏi các đối tác tại Việt Nam phải biết cân đối giữa quyền lợi của đơn vị mình và lợi ích chung của toàn hệ thống. Bằng không, những cuộc chạy đua không khoan nhượng sẽ đẩy các nhà đài trở thành con thiêu thân trong cuộc đua bản quyền không có hồi kết.