Bắn súng Việt Nam đi tìm lại “mỏ vàng” tại SEA Games 31

Hoàng Quân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Dù là bộ môn đang giữ tấm HCV lịch sử tại Olympic 2016 nhưng bắn súng Việt Nam đang đứng trước vô vàn khó khăn để cạnh tranh HCV SEA Games 31 cũng như khẳng định lại vị thế tại khu vực Đông Nam Á. Đặc biệt khi Việt Nam là nước chủ nhà của SEA Games 31 vào tháng 5/2022.

Lấy lại vị thế ở Đông Nam Á

Năm 2003, Việt Nam lần đầu tiên là chủ nhà đăng cai 1 kỳ SEA Games, bắn súng Việt Nam tham dự với sự kỳ vọng lớn khi luôn giành HCV cho đoàn thể thao Việt Nam. Đây cũng là kỳ Đại hội thành công nhất của bắng súng Việt Nam khi có được 22 HCV. Ở kỳ SEA Games gần nhất vào năm 2019, chủ nhà Philippines chỉ tổ chức đúng 4 nội dung, bắn súng Việt Nam đặt niềm hy vọng duy nhất vào nội dung 10m súng ngắn hơi khi có sự góp mặt Hoàng Xuân Vinh – chủ nhân của tấm HCV Olympic 2016. Tuy nhiên, Hoàng Xuân Vinh cũng như Trần Quốc Cường thi đấu không thành công và đánh mất tấm HCV trước xạ thủ trẻ người Thái Lan, đây là lần đầu tiên bắn súng Việt Nam tham dự SEA Games không giành được HCV.

Xạ thủ Hoàng Xuân Vinh sẽ không tham gia thi đấu tại Đại hội, thay vào đó sẽ tập trung tối đa cho công tác huấn luyện tại SEA Games 31. Ảnh: Bùi Lượng.
Xạ thủ Hoàng Xuân Vinh sẽ không tham gia thi đấu tại Đại hội, thay vào đó sẽ tập trung tối đa cho công tác huấn luyện tại SEA Games 31. Ảnh: Bùi Lượng.

Tại SEA Games 31, Việt Nam sẽ tổ chức đầy đủ 20 nội dung ở bộ môn bắn súng. Để chuẩn bị cho Đại hội, ngay từ tháng 1/2022 với 28 vận động viên (VĐV) được triệu tập. Do Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia Hà Nội đang sửa chữa, nên đội tuyển phải tập luyện ở các địa điểm khác nhau. Đáng chú ý, xạ thủ Hoàng Xuân Vinh sẽ không tham gia thi đấu tại Đại hội, thay vào đó sẽ tập trung tối đa cho công tác huấn luyện. Theo HLV trưởng ĐT bắn súng Việt Nam Nguyễn Thị Nhung, sẽ có 8 VĐV được đặt niềm tin giành HCV tại SEA Games 31 gồm: Hà Minh Thành, Phạm Quang Huy, Phan Công Minh, Nguyễn Xuân Chuyên, Nguyễn Đình Thành (súng ngắn nam), Phí Thu Thảo, Nguyễn Thu Trang (súng trường nữ), Nguyễn Thu Vinh (súng ngắn nữ). Các VĐV này đã được đưa sang Hàn Quốc tập huấn từ trước Tết Nguyên đán 2022, nhằm nâng cao bản lĩnh thi đấu.

“Trên sân nhà, bắn súng Việt Nam đặt nhiệm vụ giành thành tích cao, ở nội dung súng ngắn bắn nhanh với kỳ vọng đặt vào Hà Minh Thành, hay súng trường di động nam, nữ với niềm hy vọng như Đặng Hồng Hà - xạ thủ từng giành huy chương ASIAD. Đặc biệt, Đại hội lần này còn đặt mục tiêu giành ít nhất 1 HCV cho những nội dung chưa bao giờ là sở trường của bắn súng Việt Nam như súng trường” – HLV Nguyễn Thị Nhung chia sẻ.

Cố gắng vượt khó khăn

Được biết, với vai trò là nước chủ nhà, bắn súng Việt Nam đặt mục tiêu giành ít nhất 5 HCV. Theo Phụ trách Bộ môn bắn súng - Tổng cục TDTT Vũ Thị Anh Đào, với việc tổ chức 20 nội dung tại SEA Games 31, bắn súng Việt Nam sẽ tham dự đầy đủ, nếu các VĐV thi đấu đúng phong độ hoàn toàn có thể giành kết quả ở vị trí số 1.

Bắn súng Việt Nam đặt mục tiêu giành ít nhất 5 HCV tại SEA Games 31. Ảnh: Bùi Lượng.
Bắn súng Việt Nam đặt mục tiêu giành ít nhất 5 HCV tại SEA Games 31. Ảnh: Bùi Lượng.

Để có thể lấy lại vị trí số 1 trong khu vực là điều không hề dễ vào lúc này đối với bắn súng Việt Nam. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 trong suốt 2 năm qua, các VĐV không được thi đấu quốc tế, cùng với đó trang thiết bị tập luyện lại thiếu thốn; trường bắn chưa sửa chữa xong để VĐV làm quen với bia điện tử... Hiện tại, có 5 đội tuyển được dự báo sẽ cạnh tranh vị trí dẫn đầu là: Việt Nam, Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Singapore.

“Súng, đạn thuộc danh mục vũ khí thể thao, khi nhập khẩu về Việt Nam sẽ  có những quy định rất khắt khe. Mặc dù có nguồn lực đầu tư cho đội tuyển nhưng phải hoàn thành thủ tục pháp lý, từ đầu năm bộ môn Bắn súng sẽ trình lượng súng, đạn cần mua trong một năm, nhưng phải đến cuối năm mới nhận được trang thiết bị. Điều tôi lo lắng nhất lúc này, là việc sửa chữa trường bắn của Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia Hà Nội vẫn chưa hoàn thành để các VĐV tập làm quen với bia điện tử mới. Nhiều trang thiết bị thiếu, chưa đáp ứng yêu cầu giáo án tập luyện với cường độ cao” - bà Vũ Thị Anh Đào cho biết.

Thừa nhận những khó khăn mà bắn súng Việt Nam đã và đang phải chấp nhận nhưng HLV  Nguyễn Thị Nhung  cho biết, toàn đội tập luyện với tinh thần vượt khó để hướng tới kỳ Đại hội thành công trên sân nhà.

“Để đạt được thành tích, mỗi VĐV cần được phải tập luyện trong đó một bài tập bình thường nhất của bắn súng cần tới 20 viên đạn bắn thử và 60 viên đạn bắn thật. Khi vào tập luyện với cường độ cao, lượng đạn phải gấp từ 3 đến 4 lần. Hy vọng khoảng 30 ngày trước khi SEA Games 31 khởi tranh, toàn độ sẽ được trở về tập tại trường bắn ở Trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia Hà Nội và dụng cụ tập luyện sẽ đủ hơn. Bắn súng Việt Nam sẽ thi đấu với tất cả nội lực và ý chí sắt đá, nỗ lực tối đa để hoàn tất mục tiêu đặt ra" - HLV Nguyễn Thị Nhung nhấn mạnh.

 

“Các VĐV sẽ tham gia giải tiền SEA Games 31, dự kiến tổ chức vào cuối tháng 3/2022. Về Trường bắn quốc gia, sẽ được trang bị toàn bộ bục bắn điện tử hiện đại đạt chuẩn quốc tế đang ở những công đoạn hoàn thiện cuối cùng, chuẩn bị bàn giao cho các bộ phận chức năng” - Vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao I (Tổng cục TDTT) Hoàng Quốc Vinh.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần