Kinh doanh tân dược trên mạng chưa được pháp luật công nhận
Vừa qua TP Hồ Chí Minh đã tổ chức buổi họp báo về tình hình kinh tế - xã hội của TP.
Tại buổi họp báo, rất nhiều vấn đề được dư luận quan tâm, như: tình trạng quảng cáo bán tân dược trên mạng xã hội; đề án thí điểm giải quyết cho hộ gia đình có nhà ven kênh, rạch được thuê, mua nhà ở xã hội; tới đây Công an TP sẽ ra mắt App hướng dẫn cách nhận biết lừa đảo qua mạng; việc lấy phiếu tín nhiệm theo kế hoạch số 1590-KH/BCSĐ của UBND TP đối với chức danh, chức vụ lãnh đạo các cơ quan, đơn vị sự nghiệp TP và tương đương…
Bà Lê Thiện Quỳnh Như – Chánh Văn phòng Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết, hiện nay quảng cáo thuốc qua mạng xã hội là một hiện tượng xuất hiện khi các phương tiện thông tin ngày càng phổ biến, được sử dụng như một công cụ bán hàng hoặc quảng cáo sản phẩm. Tuy nhiên, việc kinh doanh tân dược theo phương thức thương mại điện tử vẫn chưa được pháp luật công nhận. Việc kinh doanh thuốc qua mạng xã hội hoặc livestream cũng là hành vi vi phạm pháp luật, do không đảm bảo các yêu cầu về điều kiện cơ sở vật chất của cơ sở kinh doanh nhằm đảm bảo chất lượng thuốc; khả năng trích xuất nguồn gốc sản phẩm nhanh chóng và minh bạch trong công tác quản lý. Tuy nhiên, hiện nay quá trình thanh, kiểm tra vẫn còn gặp một số khó khăn khi xử lý việc kinh doanh, quảng cáo thuốc qua mạng xã hội như facebook, zalo...
Về xử phạt, theo bà Quỳnh Như, trong năm 2023, Thanh tra Sở Y tế đã kiểm tra và xử phạt 2 cơ sở có vi phạm trong việc bán thuốc trên sàn thương mại điện tử và mạng xã hội, trong đó 1 vụ việc chuyển Công an TP.
Nói về những khó khăn khi xử lý việc kinh doanh, quảng cáo thuốc qua mạng xã hội, bà Lê Thiện Quỳnh Như cho biết, thứ nhất đơn vị gặp khó khăn trong việc xác định người thực hiện hành vi vi phạm liên quan đến quảng cáo. Thứ hai, địa chỉ kinh doanh là địa điểm ảo, không có thật. Hình thức giao dịch mua bán qua điện thoại, địa điểm giao nhận không cố định, không phải là cơ sở kinh doanh thuốc được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp phép.
Kế đến là ngành y tế TP chưa có đủ phương tiện, công cụ để lưu trữ chứng cứ trong việc thực hiện xử lý vi phạm quảng cáo. Khi được mời lên làm việc về việc quảng cáo sản phẩm, các cá nhân, tổ chức đã tháo gỡ sản phẩm, chặn truy cập trang thông tin điện tử trước khi lên làm việc hoặc không hợp tác, không lên làm việc theo giấy mời.
Cuối cùng là nhiều đối tượng quảng cáo dược phẩm, thực phẩm chức năng giả hoặc kém chất lượng trên các trang mạng xã hội, trang điện tử có tên miền từ nước ngoài, quảng cáo sai sự thật. Điều này gây nhầm lẫn, đánh lừa người tiêu dùng và làm cho cơ quan quản lý không xác định được chủ thể quảng cáo, không có cơ sở để xử lý vi phạm.
Sắp ra mắt App hướng dẫn cách nhận biết lừa đảo
Về việc tới đây Công an TP sẽ ra mắt App cảnh báo các chiêu thức lừa đảo cũng như hướng dẫn cách nhận biết để người dân tránh bị lừa đảo. Thượng tá Lê Mạnh Hà – Phó trưởng Phòng Tham mưu Công an TP cho biết, Ban Giám đốc Công an TP đã giao Phòng nghiệp vụ của CATP khẩn trương tham mưu và triển khai thực hiện để sớm ra mắt App này, ngay khi hoàn thiện và chuẩn bị ra mắt, Công an TP sẽ thông tin chính thức.
Thượng tá Lê Mạnh Hà cũng chia sẻ thêm về loại tội phạm lừa đảo qua mạng. Loại lừa đảo này thường hoạt động có tổ chức, có tính ẩn danh, tội phạm mang tính quốc tế cao, luôn chuẩn bị sẵn phương án để xóa dấu vết, với thủ đoạn tinh vi và luôn thay đổi thủ đoạn tiếp cận, chiêu thức lấy lòng tin để lừa đảo nạn nhân, vì vậy việc thông tin tuyên truyền, cảnh báo kịp thời là giải pháp phòng ngừa hữu hiệu nhất. Vì vậy Ban Giám đốc Công an TP đã có chỉ đạo thực hiện nhiều giải pháp để tuyên truyền nhanh nhất, thường xuyên và rộng rãi nhất đến người dân, trong đó có chỉ đạo xây dựng App cảnh báo về an ninh trật tự.
Ngoài giải pháp tuyên truyền, khuyến cáo người dân, lãnh đạo Bộ Công an và Công an TP đang triển khai nhiều giải pháp để hạn chế nguyên nhân, điều kiện và nâng cao hiệu quả công tác điều tra khám phá các vụ án về tội phạm lừa đảo qua mạng như: triển khai dự án cấp CCCD, xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và tham mưu thực hiện hiệu quả Đề án 06 của Chính phủ, trong đó tăng cường phối hợp với các bộ, ngành, ngân hàng Nhà nước, các nhà mạng viễn thông từng bước xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật nhằm kiểm soát chặt chẽ, hạn chế, xóa bỏ tình trạng sim rác; việc thuê, mượn tài khoản ngân hàng; bảo vệ thông tin bí mật cá nhân; phòng chống rửa tiền, kịp thời phong tỏa, ngăn chặn các tài khoản có dấu hiệu nghi vấn lừa đảo; tăng cường trao đổi kinh nghiệm và ký kết các văn kiện hợp tác quốc tế trong đấu tranh phòng chống tội phạm, nhất là các nước mà tội phạm lừa đảo qua mạng tại Việt Nam đóng trụ sở và ẩn náu…
Tại buổi họp báo, còn rất nhiều vấn đề được bạn đọc quan tâm, nhưng do các cơ quan hữu quan chưa thể trả lời nên Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP Hồ Chí Minh Nguyễn Ngọc Hồi đề nghị những cơ quan đã nhận câu hỏi của phóng viên báo đài, cần trả lời bằng văn bản.
Để quản lý việc kinh doanh thuốc qua mạng, bà Lê Thiện Quỳnh Như cho biết, Sở Y tế đã thành lập tổ công tác đặc biệt để theo dõi, kiểm soát việc quảng cáo trong lĩnh vực y tế trên các kênh thông tin điện tử. Ngành y tế TP sẽ tăng cường công tác truyền thông về quản lý kinh doanh thuốc, cũng như hậu quả của việc tự ý dùng thuốc và mua thuốc qua mạng. Ngoài ra, Sở Y tế cũng sẽ kiến nghị các cơ quan liên quan xây dựng cơ chế phối hợp liên ngành trong quản lý hoạt động kinh doanh thuốc qua nền tảng mạng xã hội, đặc biệt là các tổ chức, cá nhân không được cấp phép.