Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bàn thảo thời cuộc từ câu chuyện văn hóa

Lại Tấn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cuốn sách "Thời cuộc và văn hóa" của nhà báo Hồ Quang Lợi vừa chính thức ra mắt sáng 12/6, đề cập đến những vấn đề thời sự nóng bỏng như chiến tranh vùng Vịnh, sụp đổ chế độ XHCN ở Liên Xô và Đông Âu… để chỉ ra cái lõi của văn hóa.

Trong cuốn sách, nhà báo Hồ Quang Lợi đã kết hợp thành công hai nội dung tưởng chừng không ít liên quan này một cách hài hòa, hấp dẫn. Cuốn sách được ra mắt nhân dịp kỷ niệm 94 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2019).
 Các đại biểu chúc mừng tác giả Hồ Quang Lợi. Ảnh: Thanh Hải
Người thư ký chuyên cần của thời đại
Cuốn sách “Thời cuộc và Văn hóa” gồm 54 bài báo được thể hiện qua hơn 500 trang giấy, tuyển chọn theo chủ đề, được viết trong khoảng thời gian hơn 20 năm, giúp độc giả hiểu hơn về những biến cố mang tính lịch sử, những vấn đề thời sự nóng bỏng, chấn động đời sống nhân loại, cũng như những vấn đề mang tính văn hóa, con người của thế giới và Việt Nam. Nội dung cuốn sách chia làm 5 phần: Trong lốc xoáy thế sự; Văn hóa giữ nước; Phẩm cách của những con người; Lõi làng văn hiến Việt Nam; Văn hóa và báo chí. Đây là một tài liệu quý, có giá trị cả về lý luận và thực tiễn đối với những người làm báo chí, truyền thông.
Cuốn sách “Thời cuộc và văn hóa” là một bữa tiệc sang trọng của ngôn từ. Qua cuốn sách, nhà báo Hồ Quang Lợi đã trang bị cho bạn đọc trường từ vựng phong phú. Cái tài của tác giả là đã biến những điều lớn lao như các vấn đề chính trị nóng bỏng trở nên nhẹ nhàng và dễ tiếp thu. 

Thiếu tướng, nhà văn Nguyễn Hồng Thái
Đây là cuốn sách đầu tiên nhà báo Hồ Quang Lợi đề cao văn hóa như một thực thể độc lập chính thức trong mối quan hệ biện chứng giữa thời cuộc và văn hóa. Tác giả đã chỉ ra được cái lõi văn hóa trong những vấn đề thời cuộc, đồng thời mô tả thời cuộc một cách nhân văn, lịch lãm. Các bài báo của ông đã thuyết phục và hấp dẫn bạn đọc bởi đạt cả 3 tiêu chí: Đề cập đến vấn đề nóng, đang là mối quan tâm của xã hội; chiều sâu lý lẽ trên cơ sở tổng hợp, xâu chuỗi và phân tích sự kiện để đưa ra những nhận định cùng dự báo xác đáng; cách viết uyển chuyển, linh hoạt trong một bố cục chặt chẽ, khoa học.
Chia sẻ về lý do lựa chọn văn hóa và các sự kiện thời sự để phân tích, mổ xẻ trong cùng một cuốn sách, nhà báo Hồ Quang Lợi cho biết, văn hóa là gốc của đời sống con người. Mọi sự kiện diễn ra trong đời sống chính trị của thế giới có mối liên hệ chặt chẽ với nền tảng văn hóa. Những năm tháng làm báo và làm công tác tuyên giáo đã giúp ông hiểu về văn hóa Việt Nam để soi chiếu ra thế giới. Văn hóa vừa mang tính nhân loại nhưng cũng lại rất dân tộc.
Độc giả tham khảo sách “Thời cuộc và văn hóa”. Ảnh: Thanh Hải
Thời cuộc và văn hóa tưởng chừng như không có mối liên hệ với nhau nhưng thực ra lại vô cùng gắn bó và ảnh hưởng trực tiếp qua lại lẫn nhau. Những cuộc chiến tranh có thể hủy diệt các di sản và đe dọa sự tồn vong của một dân tộc, làm thay đổi các giá trị về văn hóa. Nhưng ngược lại, văn hóa là cái còn lại, là cái gắn kết và cứu rỗi các dân tộc khỏi chiến tranh. Do vậy, ông đã lựa chọn đề tài này để cho ra đời cuốn sách “Thời cuộc và văn hóa” do NXB Hà Nội phát hành.
Thăng hoa tư duy và ngôn ngữ
Câu chuyện văn hóa là câu chuyện đầu tiên, cuối cùng, cao nhất, sâu sắc nhất. Tác giả cứ “bấu chặt” lấy văn hóa mà bàn thảo mọi chuyện. Trong chủ đề/trục chính “Lõi vàng văn hóa Việt Nam”, dù được viết ở phần nào của nội dung sách, người đọc vẫn cảm nhận được đầy đủ ý tứ của tác giả qua những căn cốt sau: Văn hóa giữ nước/Thế và lực Việt Nam ngày nay/Sinh quyển văn hóa như là môi sinh cho giáo dục, văn hóa nghệ thuật/Sự hoàn thiện nhân cách. “Lối viết của Hồ Quang Lợi tạo hấp lực cho tác phẩm không hẳn nhờ vào trí tuệ mẫn tiệp, cũng không hẳn nhờ vào vị thế, mà tựa vào cái tình đã chan hòa với cái lý” - nhà văn Bùi Việt Thắng chia sẻ.

 
Các trang viết của nhà báo Hồ Quang Lợi đều lấp lánh ánh sáng của lương tri, của tinh thần nhân ái, của lòng hướng thiện cao cả. Chất văn hóa trong con người ấy bộc lộ trong từng con chữ và làm nên vẻ đẹp sang trọng của văn hóa ngôn ngữ nơi ông mô tả sự nóng bỏng và quyết liệt của thời cuộc. Những con chữ khô khan vào tay ông lại trở nên có ma lực, sống động, có hồn để tạo nên phong cách Hồ Quang Lợi hút hồn người đọc. Tiến sĩ Phạm Quang Nghị - nguyên Bí Thư Thành ủy Hà Nội nhận xét: “Rất nhiều bài viết của anh bây giờ đọc lại, tôi có cảm nhận đó là một sự thăng hoa cả về tư duy lẫn ngôn từ. Những câu chữ và ngôn từ của anh cứ như những cánh buồm no gió lướt trên mặt sóng”.
Xuyên suốt hành trình cầm bút, chất văn hóa thấm đẫm trong con người hiển hiện giữa các dòng chữ của Hồ Quang Lợi. Bởi vậy, ngòi bút của ông hướng đến, quan tâm, dành cả trí lực và tâm huyết cho các vấn đề thời cuộc, những phong ba của chính trường thế giới, nhịp thở thời sự trong cuộc sống đương đại, để nhìn nhận, phản ánh góc độ văn hóa. Đây là cuốn sách nhà báo Hồ Quang Lợi đề cao văn hóa như một thực thể độc lập chính thức nhưng người đọc vẫn bị cuốn hút bởi trí tuệ sắc sảo, tỉnh táo, không lên gân, khiên cưỡng lại đậm chất thời sự khi viết về những nhà văn hóa, những vấn đề văn hóa, đạo đức - phẩm cách nhà báo.