Khởi tố ổ nhóm ma túy dùng bình xịt hơi cay tấn công công an
Ngày 2/1, Công an quận Bắc Từ Liêm cho biết, đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và ra lệnh tạm giam để điều tra đối với ổ nhóm đối tượng mua bán trái phép chất ma túy.
Trước đó, vào chiều 16/12/2024, khi tổ công tác Công an phường Xuân Đỉnh trong quá trình kiểm tra trên đường Tân Xuân đã phát hiện bất thường và lại gần chiếc xe máy chở 3 thì bị xịt hơi cay xịt vào mặt.
Quá trình kiểm tra, Tổ công tác phát hiện, thu giữ trong túi áo của Hà Triệu Mỹ (1 trong 3 đối tượng) có 84 gói giấy bạc chứa chất bột màu trắng. Kết quả giám định cho thấy số ma túy này là heroin, có trọng lượng 4,830 gam. Tiếp tục kiểm tra, tổ công tác đã thu giữ thêm của Cà Văn Dạo 55 gói giấy bạc màu trắng cũng là ma túy heroin, có tổng trọng lượng 2,850 gam. Ngoài ra, còn thu giữ của Dạo 1 túi tinh thể màu trắng là ma túy Methamphetamine, có trọng lượng 0,2 gam.
Các đối tượng Hà Triệu Mỹ, Vì Văn Trường, Cà Văn Dạo khai nhận bán ma túy thuê cho Vũ Văn Mạnh. Số ma túy thu giữ trong người các đối tượng là do Mạnh giao cho từ sáng cùng ngày. Do chưa bán hết nên các đối tượng mang về nhà trọ (đường Tân Xuân) giao cho Mạnh thì bị kiểm tra, bắt giữ.
Tiếp tục kiểm tra căn nhà 3 tầng nằm trong ngõ nhà Vũ Văn Mạnh, phát hiện còn có Vì Thị Tiên, Lò Văn Thiên, Hoàng Đức Giang. Lúc này, từ vị trí tầng 2, Mạnh và Tiên cầm bình xịt hơi cay xịt vào tổ công tác nhưng cả nhóm đã nhanh chóng bị khống chế.
Tại đây, Tổ công tác phát hiện và thu giữ của Vũ Văn Mạnh 5 túi ni lông chứa chất bột màu trắng, xác định là heroin, có tổng trọng lượng 81,480 gam; 45 gói giấy bạc chứa heroin, có tổng trọng lượng 4,060 gam. Thu giữ của Lò Văn Thiên 1 gói giấy bạc bên trong chứa chất bột màu trắng.
Tên trộm với 4 tiền án tiếp tục "sa lưới"
Ngày 2/1, Công an quận Ba Đình đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và ra lệnh bắt tạm giam đối với Trương Văn Lâm (SN 1987; ở huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa) về hành vi "Trộm cắp tài sản". Trương Văn Lâm có 4 tiền án về tội "Trộm cắp tài sản" và sống lang thang ở Hà Nội từ khi ra tù tháng 10/2023 đến nay.
Trung tuần tháng 12/2024, Công an quận Ba Đình tiếp nhận thông tin từ người dân về việc nhiều gia đình mất tài sản với "mẫu số chung" đều cửa đóng, then cài chắc chắn.
Thủ đoạn của Trương Văn Lâm nhắm đến trộm cắp đều có giá trị, như: tiền, vàng, đồng hồ đắt tiền… nhưng không phá két hay các vật dụng khác nên nhiều gia đình bị trộm mà không hề hay biết. Thậm chí, ngay cả chủ nhà cũng không biết nhà mình bị trộm.
Ngày 27/12/2024, bằng các biện pháp nghiệp vụ, sau nhiều đêm mật phục, các trinh sát Đội Cảnh sát hình sự, Công an quận Ba Đình đã xác định, bắt giữ đối tượng Lâm khi tên này xuất hiện ở khu vực hồ Tây.
Qua đấu tranh, cơ quan công an làm rõ Trương Văn Lâm thực hiện tổng cộng 5 vụ trộm tại cùng địa bàn phường Vĩnh Phúc, quận Ba Đình.
Tạm giữ hàng loạt túi xách, đồng hồ "hàng hiệu" nghi giả mạo
Hàng chục chiếc túi xách hiệu CHANEL, LV, đồng hồ ROLEX… có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu nổi tiếng bị tạm giữ tại một cơ sở kinh doanh thuộc quận Hà Đông.
Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 1, Đội QLTT số11 (Cục QLTT Hà Nội) phối hợp với lực lượng chức năng kiểm tra cơ sở kinh doanh tại địa chỉ BTT6-5 Khu Him Lam, Vạn Phúc, Hà Đông, Hà Nội.
Thời điểm kiểm tra, cơ sở đang bày bán các sản phẩm túi, ví các loại và đồng hồ có dấu hiệu giả mạo các nhãn hiệu đang được bảo hộ tại Việt Nam, cụ thể: túi xách có nhãn hiệu CHANEL: 42 chiếc; túi xách có nhãn hiệu LV - LOUIS VUITTON: 16 chiếc; ví có nhãn hiệu LV - LOUIS VUITTON: 4 chiếc; Túi xách có nhãn hiệu DIOR: 22 chiếc; ví có nhãn hiệu DIOR: 3 chiếc; túi xách có nhãn hiệu GUCCI: 3 chiếc; túi xách có nhãn hiệu Hermès: 31 chiếc; túi xách có nhãn hiệu YSL: 4 chiếc; đồng hồ đeo tay có nhãn hiệu ROLEX: 7 chiếc.
Chủ cơ sở kinh doanh đã sử dụng tài khoản mạng xã hội để giới thiệu các sản phẩm có dấu hiệu giả mạo các nhãn hiệu trên.
Qua xác minh, làm rõ các hàng hóa trên đều là hàng hóa giả mạo nhãn hiệu. Đoàn kiểm tra xác định cơ sở có các hành vi vi phạm là không đăng ký thành lập hộ kinh doanh trong những trường hợp phải đăng ký theo quy định; Buôn bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu; Cung cấp thông tin hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trên môi trường internet quy định.
Công an huyện Gia Lâm thu giữ thu gần 1,3 tạ pháo
Thực hiện Kế hoạch cao điểm tấn công trấn áp tội phạm bảo đảm an ninh, trật tự trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, ngày 31/12/2024, tại địa bàn khu đô thị Đặng Xá, huyện Gia Lâm, lực lượng Công an bắt quả tang đối tượng Triệu Thành Công (quê quán TP Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình) có hành vi vận chuyển 56kg pháo nổ.
Khám xét khẩn cấp nơi ở của Triệu Thành Công, cơ quan công an phát hiện thu giữ thêm 38kg pháo nổ; tổng khối lượng tang vật thu giữ là 94kg pháo nổ. Đáng chú ý, theo tài liệu điều tra, đối tượng Công còn có hành vi sản xuất pháo nổ để bán kiếm lời.
Trước đó, ngày 23/12/2024, tại địa phận khu công nghiệp Ninh Hiệp, huyện Gia Lâm, tổ công tác Công an huyện mật phục, bắt quả tang đối tượng Nguyễn Đức Thịnh (quê quán Tiên Du - Bắc Ninh) đang điều khiển xe máy BKS: 29R5 - 6383 vận chuyển hàng cấm là pháo hoa nổ. Tang vật thu giữ là 8 hộp pháo, khối lượng 12,8kg.
Cũng tại địa phận khu công nghiệp Ninh Hiệp, ngày 16/12/2024, tổ công tác Công an huyện Gia Lâm bắt quả tang đối tượng Nguyễn Văn Đức (quê quán Tiên Du - Bắc Ninh) có hành vi vận chuyển hàng cấm là pháo nổ. Tang vật cơ quan Công an thu giữ được 8 hộp pháo có kích thước 14,5 x 14,5 x 14,5cm và 1 dây pháo nổ dài 90cm, tổng khối lượng là 12,22kg.
Lại rộ trò lừa đảo "cài đặt ứng dụng điện lực mới"
Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), tình trạng mạo danh điện lực để lừa khách hàng ngày càng diễn biến phức tạp. Kẻ xấu đã tìm cách "thao túng tâm lý" để người dân cài ứng dụng giả mạo, thậm chí đề nghị thực hiện các cuộc gọi video call trên điện thoại di động hòng chiếm đoạt tiền trong tài khoản ngân hàng của người dân.
Các trung tâm chăm sóc khách hàng của EVN gần đây tiếp nhận không ít trường hợp khách hàng phản ánh về những cuộc gọi của người lạ tự xưng là nhân viên điện lực. Nội dung cuộc gọi nhằm thông báo điện lực ngừng cung cấp các dịch vụ thanh toán hóa đơn tiền điện thông qua bên thứ ba (như ngân hàng, các ví điện tử…).
Sau đó, họ yêu cầu khách hàng cài đặt "app điện lực mới" - thực tế là app giả mạo thương hiệu EVN - để tiếp tục thanh toán. Khi khách hàng không đồng ý thực hiện liền bị dọa sẽ cắt điện và bị phạt tiền.
Tập đoàn Điện lực Việt Nam khẳng định, hiện Tập đoàn và các đơn vị điện lực thành viên vẫn đang hợp tác với ngân hàng và các tổ chức thanh toán trung gian để cung cấp dịch vụ thanh toán hóa đơn tiền điện không dùng tiền mặt.
Năm 2024, EVN và các tổng công ty điện lực cũng không ra mắt thêm bất cứ app (ứng dụng) chăm sóc khách hàng nào; không yêu cầu người dân phải cài app CSKH mới.