Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bản tin 141 ngày 28/12: đánh bạc trá hình qua hình thức xé "túi mù"

Quỳnh Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cảnh báo ứng dụng giả mạo cơ quan nhà nước để chiếm đoạt tài sản; Trò chơi xé "túi mù" trên mạng xã hội có dấu hiệu của tổ chức đánh bạc; Đánh cắp thông tin để vay tiền khiến nhiều người bỗng dưng "gánh nợ"… là nội dung an ninh trật tự đáng chú ý ngày 28/12.

Công an quận Tây Hồ phát hiện nhiều cơ cở kinh doanh hàng lậu. Ảnh: Internet.
Công an quận Tây Hồ phát hiện nhiều cơ cở kinh doanh hàng lậu. Ảnh: Internet.

Trò chơi xé "túi mù" trên mạng xã hội có dấu hiệu của tổ chức đánh bạc

Ngày 27/12, Công an TP Hà Nội cho biết, hiện nay, một số YouTuber, TikToker hoặc KOLs trên mạng xã hội lợi dụng các trò chơi xé "túi mù" đang rất được quan tâm, để tổ chức livestream quay thưởng có dấu hiệu của tổ chức đánh bạc.

Tại các phiên livestream quay thưởng, người chơi trả tiền mua các con số (tương ứng với số thứ tự của "túi mù") với giá từ 20 đến 50 nghìn đồng/số, để thử vận may có thể nhận được đồ vật có giá trị. Người chơi mua các gói sản phẩm ẩn "túi mù" với một giá tiền nhất định nhưng không biết bên trong có gì; các "túi mù" này thường được quảng cáo có chứa vật phẩm đang là trào lưu sưu tập như đồ chơi, trang sức hoặc các sản phẩm có giá trị cao đang rất được quan tâm trên mạng xã hội.

Sau đó, các đối tượng tổ chức livestream sẽ quay trực tiếp hoặc lắc xúc xắc và đổ ra bàn. Kết quả có số bao nhiêu thì người mua số đó sẽ thắng và nhận được phần quà là "túi mù" đã mua.

Bản chất đây là một hình thức đặt cược, cờ bạc trá hình dưới hình thức trò chơi may rủi lấy tiền hay một vật có giá trị ra để đánh cược. Người tổ chức sẽ có thu nhập bất chính do số tiền chênh lệch nhận được từ hoạt động trên.

Cơ quan Công an cũng khuyến cáo người dân không tham gia và cung cấp thông tin ngay với cơ quan chức năng nếu phát hiện các buổi livestream dụ dỗ, lôi kéo chơi các trò chơi đổi thưởng trá hình để xử lý theo quy định pháp luật.

Cảnh báo các ứng dụng giả mạo cơ quan nhà nước để chiếm đoạt tài sản

Đây không phải là những hình thức lừa đảo mới, song vẫn nhiều người bị "sập bẫy". Cụ thể, các đối tượng thường gọi điện giả danh cán bộ thuộc lực lượng Công an, UBND vận động người dân đi cài đặt, kích hoạt tài khoản định danh điện tử VNeID, khai báo thông tin trên Dịch vụ công… để tạo lòng tin.

Sau đó gợi ý, hướng dẫn người dân tự thực hiện trên điện thoại di động cá nhân để không cần trực tiếp đến cơ quan Công an. Khi người dân đồng ý thực hiện, các đối tượng hướng dẫn tải ứng dụng giả mạo thông qua các đường links (liên kết) được cung cấp. Ứng dụng sẽ yêu cầu người dân cấp tất cả các quyền như truy cập trên điện thoại bao gồm danh bạ, vị trí, hình ảnh, camera, ghi âm, trợ năng trên điện thoại.

Ngay sau khi ứng dụng được cấp quyền, các đối tượng có thể theo dõi và điều khiển hoàn toàn điện thoại của nạn nhân từ xa. Từ đó có thể tự thực hiện khôi phục mật khẩu tài khoản, tự đăng ký các dịch vụ Internet Banking, Smart Banking, thay đổi hạn mức giao dịch của tài khoản, sau đó truy cập vào tài khoản, chuyển tiền của nạn nhân.

Nguy hiểm hơn các đối tượng có thể hoàn toàn thu thập được những thông tin cá nhân, thông tin nội bộ như ảnh chụp, video, tin nhắn, số điện thoại lưu trữ trên thiết bị, điều này đặt ra nguy cơ lộ, mất bí mật Nhà nước (nếu có) và bí mật đời tư.

Để góp phần phòng ngừa, ngăn chặn, đấu tranh hiệu quả với loại tội phạm này, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an TP Hà Nội khuyến nghị người dân Tuyệt đối không cài đặt ứng dụng từ nguồn ngoài, từ các đường link lạ...

Kiểm tra việc thực hiện pháp luật về phòng, chống mại dâm, phòng, chống tệ nạn

UBND TP Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 386/KH-UBND ngày 27/12/2024 về việc tổ chức kiểm tra việc thực hiện pháp luật về phòng, chống mại dâm và phòng, chống tệ nạn xã hội tại cơ sở kinh doanh dịch vụ trên địa bàn Hà Nội năm 2025.

Theo đó, năm 2025, phấn đấu toàn Thành phố tổ chức kiểm tra đạt từ 60% trở lên tổng số cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ bị lợi dụng để hoạt động mại dâm trên địa bàn phải được kiểm tra ít nhất một lần.

Đối tượng kiểm tra là các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ bị lợi dụng để hoạt động mại dâm như khách sạn, nhà khách, nhà nghỉ, nhà hàng, nhà trọ, biệt thự kinh doanh du lịch, căn hộ kinh doanh du lịch, căn hộ cho thuê, vũ trường, quán bar, karaoke, massage, xoa bóp, cà phê đèn mờ... đang hoạt động kinh doanh tại các quận, huyện, thị xã trên địa bàn TP.

Đội Kiểm tra liên ngành 178 TP lập danh sách các cơ sở kinh doanh dịch vụ và xây dựng lịch kiểm tra cụ thể cho từng địa bàn, từng cơ sở theo định kỳ hoặc đột xuất phù hợp với tình hình thực tế...

Nhiều thanh, thiếu niên liều lĩnh tự chế pháo nổ để bán

Ngày 28/12, Công an huyện Phúc Thọ (Hà Nội) cho biết, vừa ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với đối tượng K.T.T (sinh năm 2006; ở xã Thọ Lộc, huyện Phúc Thọ, Hà Nội) về hành vi "Sản xuất, mua bán trái phép hàng cấm" (pháo nổ).

Trước đó, khoảng 20h20 ngày 21/12, Tổ công tác của Công an huyện Phúc Thọ phát hiện, bắt quả tang K.T.T điều khiển xe máy Honda Dream có hành vi "Tàng trữ trái phép hàng cấm" tại khu vực thôn Dum, xã Thọ Lộc. Tang vật thu giữ là một thùng bìa các tông có kích thước khoảng 35x20x29cm có chứa 103 ống hình trụ tròn bằng giấy màu trắng, dài khoảng 10cm, đường kính khoảng 3cm; 5 ống hình trụ tròn bằng giấy màu trắng, dài khoảng 30cm, đường kính khoảng 8cm có trọng lượng 8,42kg. Bước đầu làm rõ, K.T.T đã tự chế pháo nổ và mang đi bán theo giao dịch thông qua tài khoản mạng xã hội.

Ngày 22/12, Công an huyện Phú Xuyên (Hà Nội) đã phát hiện, bắt quả tang nhóm đối tượng gồm T.D.A (sinh năm 2008; trú tại xã Vạn Điểm, huyện Thường Tín, Hà Nội), T.H.L (sinh năm 2008; ở xã Minh Cường, huyện Thường Tín, Hà Nội) và D.Q.H (sinh năm 2009; ở xã Vân Từ, huyện Phú Xuyên, Hà Nội) đang có hành vi sản xuất pháo nổ tại ngôi nhà hoang gần nghĩa trang thuộc thôn Từ Thuận, xã Vân Từ, huyện Phú Xuyên. Tại hiện trường, cơ quan công an thu giữ các nguyên liệu, dụng cụ sử dụng để chế tạo pháo và hơn 800 quả pháo đã thành phẩm. Kết quả giám định, có 884 ống pháo khối lượng 15kg, 1 hộp kim loại chứa chất bột màu đen nặng 800 gram và nhiều dụng cụ sử dụng để chế tạo pháo.

Liên tiếp bắt giữ các đối tượng mua bán trái phép chất ma túy trong đợt cao điểm

Thực hiện đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm, bảo đảm an ninh, an toàn trước, trong và sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, từ 15/12 đến ngày 25/12/2024, Công an quận đã bắt giữ, xử lý 16 vụ, 23 đối tượng; thu giữ hơn 6,5 kg Cần sa, 0,14 gam Heroin, 9,8 gam ma túy tổng hợp, 112 ml MDMB-Butinaca...

Đáng chú ý, vào ngày 15/12, Tổ công tác Công an phường Thành Công bắt giữ 02 đối tượng Lương Quốc Triều (SN: 2001; HKTT: Toàn Thắng, Tiên Lãng, Hải Phòng) và Bùi Tuấn Anh (SN: 2004; HKTT: Bãi Cháy, Hạ Long, Quảng Ninh) tại 01 chung cư tại xã Đa Tốn, huyện Gia Lâm, Hà Nội. Trước đó, các đối tượng đã thuê lái xe ôm công nghệ vận chuyển ma túy, thu giữ hơn 6,5 kg Cần sa.

Đến 14h30' ngày 22/12/2024, tại đầu ngõ 172 đường Bưởi, phường Cống Vị, Đội Cảnh sát ĐTTP về Ma túy Công an quận Ba Đình tiếp tục phát hiện, bắt quả tang đối tượng Trần Thị Tâm (SN: 1971; trú tại: Cống Vị, Ba Đình, Hà Nội) khi đang mang ma tuý đi giao cho khác. Tang vật thu giữ là hơn 4 gam ma túy tổng hợp Ketamine.

Công an quận Đống Đa truy nã đối tượng mua bán trái phép chất ma túy

Cuối tháng 6/2024, đối tượng Lê Thái Hà (SN: 1975; 16A Lý Thái Tổ, phường Lý Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) có hành vi Mua bán trái phép chất ma túy tại số 26 ngõ 331 Hoàng Cầu, phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa. Căn cứ vào tài liệu điều tra, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an quận Đống Đa đã ra Quyết định khởi tố bị can đối với Lê Thái Hà về tội Mua bán trái phép chất ma túy. Tuy nhiên, đối tượng đã bỏ trốn tại nơi cư trú.

Ngày 09/12/2024, Cơ quan CSĐT Công an quận Đống Đa đã ra Quyết định truy nã bị can với Lê Thái Hà.

Công an quận Tây Hồ phát hiện nhiều cơ sở kinh doanh hàng lậu

Thời gian vừa qua, Công an và quản lý thị trường trên địa bàn quận Tây Hồ thường xuyên kiểm tra, phát hiện nhiều vụ việc kinh doanh hàng hoá nhập lậu.

Cụ thể, ngày 26/12, Tổ công tác Đội Cảnh sát Kinh tế - Công an quận Tây Hồ phối hợp với Đội Quản lý thị trường số 9 (Cục Quản lý thị trường Hà Nội) tiến hành kiểm tra trên địa bàn phường Nhật Tân, đã phát hiện số hàng hoá là mỹ phẩm do nước ngoài sản xuất, không có hóa đơn, chứng từ chứng minh tính hợp pháp và không đăng ký thành lập hộ kinh doanh trong trường hợp phải đăng ký theo quy định, tổng số tiền xử phạt hành chính 10.500.000 đồng.

Cùng ngày, Tổ công tác kiểm tra cơ sở kinh doanh trên địa bàn Phường Xuân La phát hiện tại cửa hàng 365 có nhiều mặt hàng thực phẩm do nước ngoài sản xuất không có hóa đơn, chứng từ chứng minh tính hợp pháp của hàng hóa. Tổ công tác đã lập biên bản xử phạt hành chính số tiền 3.000.000 đồng.

Trước đó, ngày 23/12, Công an phường Thụy Khuê phối hợp cùng đội Quản lý thị trường số 9 tiến hành kiểm tra cơ sở kinh doanh tạp hoá địa chỉ số 127D Thuỵ Khuê, quận Tây Hồ. Qua kiểm tra phát hiện tại cơ sở có gần 40 máy thuốc lá điện tử không rõ xuất xứ, không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp.

Các đối tượng đều khai nhận tập kết hàng hoá trôi nổi trên thị trường để bán vào dịp Tết.

Đánh cắp thông tin để vay tiền khiến nhiều người bỗng dưng phải "gánh nợ"

Ngày 27/12, Bộ Công an cho biết, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03) đã khởi tố 13 người để điều tra tội Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản.

Đây là những đối tượng tham gia đường dây đánh cắp thông tin của người có kinh tế khó khăn, mạo danh họ đứng tên hồ sơ vay để chiếm đoạt tiền của các tổ chức tín dụng.

Theo điều tra ban đầu, đường dây tội phạm này lợi dụng một số người dân có trình độ dân trí thấp, điều kiện kinh tế khó khăn để lấy thông tin cá nhân. Chúng sau đó lập hàng loạt hồ sơ vay vốn khống, thông đồng móc ngoặc với chuyên viên, tổ chức tín dụng để chiếm đoạt tiền của chính các tổ chức tín dụng.

Với thủ đoạn này của các nghi phạm, nhiều người dân không được sử dụng tiền vay nhưng vẫn phải đứng tên khoản nợ.