Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bản tin 141 ngày 9/1: bắt "tú bà" đường dây mại dâm "Hanoi bay nhu sóc"

Quỳnh Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Lĩnh án 13 năm tù vì tông xe ô tô vào cán bộ Công an; Bắt "tú bà" điều hành đường dây mại dâm "Hanoi bay nhu sóc"; Nhóm thanh niên vô cớ đuổi đánh người trên đường bị đưa ra xét xử… là những nội dung chính trong ngày 9/1.

Lĩnh án 13 năm tù vì tông xe ô tô vào cán bộ Công an

Tòa án Nhân dân TP Hà Nội vừa mở phiên tòa xét xử bị cáo Nguyễn Việt Cường, sinh năm 2005, trú tại huyện Thường Tín, Hà Nội, về tội "Giết người".

Theo cáo trạng, Nguyễn Việt Cường là đối tượng nghiện ma túy, có tiền án về tội "Gây rối trật tự công cộng". Khoảng 12 giờ ngày 1/4/2024, Cường đến nhà bạn chơi và sử dụng ma túy cùng nhiều đối tượng khác.

Thấy có khách đến, Nguyễn Thị Liên (chủ nhà) bảo Cường ra mở cửa giúp. Cường thấy anh Nguyễn Văn Tùng, sinh năm 1992, trú tại huyện Thường Tín, Hà Nội, đứng trước cửa và đỗ ô tô Madza CX5 ngay cửa nhà. Cường bảo anh Tùng đưa chìa khóa để bị cáo đánh xe ra cho gọn.

Nhận chìa khóa xe, bị cáo lái xe ra khu vực xã Ngũ Hiệp mua đồ. Trên đường về, Cường gặp tổ công tác thuộc đội Cảnh sát giao thông trật tự CA huyện Thanh Trì đang làm nhiệm vụ.

Xác định xe ô tô Mazda CX5 đang lưu thông do Nguyễn Việt Cường điều khiển có biểu hiện nghi vấn, thành viên tổ công tác ra hiệu lệnh yêu cầu lái xe dừng lại để kiểm tra. Tuy nhiên, Cường không dừng lại mà điều khiển xe, tăng ga đâm thẳng về phía anh N. đang đứng trước đầu xe ô tô. Lực xe đâm mạnh đã hất anh N văng lên nắp capo xe.

Trên đường bỏ chạy, Cường gặp xe bus di chuyển ngược chiều nên phanh gấp, làm anh N. bị hất văng xuống đường. Cường bỏ mặc anh N. tại hiện trường và lái xe bỏ trốn về nhà Liên, trả lại xe cho anh Tùng... Đến khoảng 17 giờ cùng ngày, Cường bị cơ quan cơ quan Công an huyện Thanh Trì phát hiện, bắt giữ.

Về phía anh N., sau khi bị thương tích đã được mọi người đưa đi cấp cứu tại bệnh viện, bị tổn hại 1% sức khỏe...

Hội đồng Xét xử đã tuyên phạt bị cáo Cường 13 năm tù; cộng với bản án cũ, bị cáo phải chấp hành hình phạt 14 năm 8 tháng tù.

Bắt 'tú bà' điều hành đường dây mại dâm "Hanoi bay nhu sóc"

Dù sinh sống ở TP Hồ Chí Minh, Nguyễn Thị Huyền Thương (sinh năm 1985; nơi ở hiện tại: 176/1G, ấp Đông 1 - 2, xã Thới Tam Thôn, Hóc Môn, Hồ Chí Minh) vẫn điều hành bán dâm cho khách tại Hà Nội qua mạng xã hội…

Trưa 1/1/2025, qua kiểm tra, Tổ công tác Đội Cảnh sát hình sự - Công an quận Ba Đình phát hiện, bắt quả tang một đôi nam nữ đang có hành vi mua bán dâm. Các đối tượng khai nhận "giao dịch" với giá 2,5 triệu đồng. Lực lượng chức năng đã lập biên bản, thu giữ tang vật liên quan và đưa các đối tượng về trụ sở làm rõ.

Đấu tranh khai thác, cơ quan Công an làm rõ và tiến hành triệu tập Nguyễn Thị Huyền Thương, đối tượng môi giới mại dâm cho đôi nam nữ trên.

Thương và các đối tượng khai nhận, thông qua các mối quan hệ xã hội, Thương quen biết một số gái bán dâm và được "kéo" vào nhóm Zalo tên "Hanoi bay nhu sóc". Qua nhóm zalo này, nếu có khách mua dâm tiếp xúc thì Thương sẽ nhắn giá tiền và khu vực bán dâm rồi thu tiền môi giới trung gian.

Khoảng 10 giờ ngày 1/1/2025, Thương nhận được tin nhắn Zalo khách đặt mua dâm tại khu vực quận Ba Đình, TP Hà Nội. Thương liền nhắn lên nhóm "Hanoi bay nhu sóc" để "phân việc" cho gái bán dâm. Sau khi chốt lịch hẹn cho khách và gái bán dâm cùng địa điểm, Thương nhận chuyển khoản thu tiền của khách mua dâm.

Cơ quan Công an đã ra quyết định khởi tố vụ án, ra lệnh bắt giữ người trong trường hợp khẩn cấp đối với Nguyễn Thị Huyền Thương về hành vi Môi giới mại dâm.

Lừa đảo làm sổ đỏ, 2 đối tượng bị truy tố

Viện Kiểm sát Nhân dân TP Hà Nội vừa ban hành cáo trạng truy tố bị can Hoàng Văn Đà (sinh năm 1986) và Đào Thị Khiêm (sinh năm 1967) cùng trú ở huyện Thanh Oai, Hà Nội về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".

Cáo trạng thể hiện, với mục đích chiếm đoạt tiền để chi tiêu cá nhân, Hoàng Văn Đà nảy sinh ý định nhận tiền làm "sổ đỏ" cho những người có nhu cầu. Thực hiện hành vi phạm tội, Đà giới thiệu bản thân quen biết nhiều người ở Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội nên có khả năng làm được "sổ đỏ".

Ngoài ra, Đà còn thành lập văn phòng bất động sản H&D ở huyện Thanh Oai và thuê nhân viên đứng ra tìm người có nhu cầu làm giấy tờ đất đai… Bằng thủ đoạn này, từ tháng 12-2020 đến tháng 2/2022, Đà chiếm đoạt hơn 1,7 tỷ đồng của 18 cá nhân...

Cơ quan điều tra xác định, khi môi giới, viết, ký hợp đồng "đặt cọc", nhận tiền hộ Đà, Khiêm không bàn bạc, trao đổi với Đà về việc chiếm đoạt tiền. Khiêm không thỏa thuận việc hưởng tiền môi giới, hoa hồng từ việc giới thiệu. Sau khi nhận tiền của các bị hại, Khiêm đều đưa lại hết cho Đà nên không có căn cứ xác định Khiêm đồng phạm với Đà.

Tuy nhiên, trong vụ án này, Viện Kiểm sát cáo buộc, bị can Đào Thị Khiêm chiếm đoạt 150 triệu đồng của anh Nguyễn Minh Q. khi giới thiệu bản thân có mối quan hệ, có thể làm "sổ đỏ" cho gia đình anh này. Sau khi nhận tiền, Khiêm không thực hiện theo cam kết và không trả lại tiền. Hiện, gia đình Khiêm đã khắc phục 150 triệu đồng, gia đình nạn nhân có đơn xin giảm nhẹ hình phạt cho bị can.

Phát hiện hơn 2 tấn thực phẩm đông lạnh nghi nhập lậu

Đội Quản lý thị trường số 17, Cục Quản lý thị trường TP Hà Nội phối hợp với lực lượng chức năng vừa kiểm tra cơ sở kinh doanh thực phẩm tại địa chỉ: ngõ 21 đường Tựu Liệt, thị trấn Văn Điển, huyện Thanh Trì, TP Hà Nội.

Quá trình kiểm tra, phát hiện tại cơ sở có 478 kg thực phẩm đông lạnh do nước ngoài sản xuất, gồm: 120kg lườn ngỗng trên bao bì có chữ Hongjin, made in China; 100 kg dạ dày lợn trên bao bì có chữ Frozen Pork Stomachs, made in China; 90kg tràng lợn trên bao bì có chữ Qi Jia Kun, made in China; 168kg tràng gà trên bao bì có chữ tượng hình, made in China.

Chủ hàng không xuất trình được hóa đơn chứng từ, hợp đồng mua bán hợp pháp của số hàng hóa là hàng hoá nhập lậu.

Bên cạnh đó, cơ sở này còn có 1.670 kg thực phẩm đông lạnh không có căn cứ xác định được nguồn gốc nơi sản xuất hoặc xuất xứ của hàng hóa, gồm: 760kg trứng non; 40kg kê gà; 700kg nầm lợn; 140kg mề gà; 30kg lưỡi vịt. Toàn bộ số hàng hóa trên là thực phẩm đông lạnh chưa qua sử dụng, chủ hàng không xuất trình được hóa đơn chứng từ chứng minh tính hợp pháp của số hàng hóa nói trên.

Liên tiếp bắt giữ các đối tượng mang rùa quý hiếm đi bán

Thông tin từ Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận Cầu giấy và Tây Hồ đơn vị đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Nguyễn Việt Hoàng (sinh năm 2000, hộ khẩu thường trú tại thị trấn Thanh Sơn, huyện Thanh Sơn, Phú Thọ); H.Q.N. (sinh năm 2005, ở thị xã Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh) về hành vi vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý hiếm.

Ngày 15/12/2024, tại đường Xuân Thủy, phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy, tổ công tác phát hiện đối tượng Hoàng đang vận chuyển 1 cá thể rùa đi bán kiếm lời. Qua giám định, cá thể rùa trên là rùa hộp trán vàng thuộc nhóm rất quý hiếm trong sách đỏ Việt Nam, là loại động vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm thuộc nhóm IB, được quy định tại Nghị định 84/2021/NĐ-CP, nghiêm cấm khai thác và sử dụng.

Theo Công an quận Tây Hồ, qua công tác trinh sát, tổ công tác phát hiện H.Q.N. đang vận chuyển 30 cá thể rùa còn sống đi bán tại khu vực ngõ 15 đường An Dương Vương, phường Phú Thượng, quận Tây Hồ. Người này khai nhận là 30 cá thể rùa sao đêm, không xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc.

30 cá thể rùa này là rùa nước ngọt đốm đen, tên khoa học là Geoclemys hamiltonii, thuộc lớp Bò sát (Reptilia) thuộc Danh mục các loài động vật, thực vật hoang dã.

Nhóm thanh niên vô cớ đuổi đánh người trên đường bị đưa ra xét xử

Tòa án Nhân dân TP Hà Nội vừa đưa các bị cáo Nguyễn Đức Anh (sinh năm 2005), Lê Hoàng Phong (sinh năm 2006), Đỗ Hoàng Hải (sinh năm 2007) và Lê Việt Hùng (sinh năm 2006), đều trú ở huyện Sóc Sơn, Hà Nội ra xét xử về tội "Giết người". Trong số các bị cáo bị đưa ra xét xử, thời điểm gây án, Đỗ Hoàng Hải và Lê Việt Hùng đang là học sinh phổ thông.

Cụ thể, tháng 7/2024, nhóm Đức Anh chạy xe tốc độ 80km/h, vô cớ đuổi, đánh xe của cháu Trường và Huy (đều sinh năm 2008). Bị rượt đuổi, Trường và Huy phóng xe nhanh về phía đường Quang Minh hướng đi đường Võ Văn Kiệt, thị trấn Quang Minh, huyện Mê Linh..

Khi đến gần ngã ba giao nhau giữa đường Quang Minh với đường liên tổ dân phố 2-3, nhóm này chạy song song và áp xe máy của cháu Trường và dùng gậy tre giơ lên đánh cháu Huy đang ngồi phía sau.

Thấy vậy, Trường hoảng sợ tăng ga xe máy để vượt lên. Do đang điều khiển xe máy với tốc độ cao nên cháu Trường mất lái, lao xe máy lên vỉa hè bên phải, va chạm với bức tường và ngã xuống vỉa hè.

Cùng lúc này, chứng kiến toàn bộ sự việc, thấy cháu Trường và Huy bị ngã, nằm bất động nên cả nhóm Đức Anh sợ, điều khiển xe máy bỏ đi.

Hai nạn nhân sau đó được người dân đưa đi cấp cứu nhưng do thương tích nặng nên cháu Trường tử vong tại bệnh viện. Còn cháu Huy được chuyển đến bệnh viện Việt Đức điều trị và bị tổn hại sức khỏe 28%.

Xác định, hành vi của các bị cáo là đặc biệt nguy hiểm đối với xã hội và thể hiện rõ tính côn đồ nên Tòa án Nhân dân TP Hà Nội quyết định tuyên Nguyễn Đức Anh tù chung, Lê Việt Hùng 18 năm tù, Lê Hoàng Phong 17 năm tù và Đỗ Hoàng Hải 16 năm tù cùng về tội "Giết người".

Rộ cuộc gọi lừa đảo, dọa "cắt điện" nếu không thanh toán tiền

Thủ đoạn của các đối tượng lừa đảo là giả danh là nhân viên điện lực gọi điện đến khách hàng, thông báo rằng có vấn đề về hóa đơn tiền điện như: quá hạn, số tiền nợ lớn, hoặc lỗi kỹ thuật trong hệ thống.

Các đối tượng lừa đảo có thể giả mạo số điện thoại của nhân viên công ty điện lực, sử dụng công nghệ làm giả số điện thoại (caller ID spoofing) để số điện thoại của chúng hiện lên như là số điện thoại chính thức của công ty điện lực, nhằm làm tăng độ tin cậy của cuộc gọi và khiến nạn nhân dễ dàng tin tưởng.

Tiếp đó, chúng yêu cầu thanh toán ngay lập tức qua các kênh không chính thức như Zalo hoặc chuyển khoản qua ngân hàng. Để gây thêm áp lực, chúng có thể đe dọa sẽ cắt điện ngay nếu không thanh toán nhanh chóng, khiến người dân hoang mang và dễ dàng thực hiện theo yêu cầu.

Bên cạnh chiêu trò gọi điện trực tiếp, đối tượng lừa đảo còn gửi tin nhắn qua SMS hoặc Zalo với nội dung giả mạo từ phía công ty điện lực, yêu cầu người dân thanh toán tiền điện, đồng thời cung cấp các thông tin như số tài khoản ngân hàng hoặc đường link giả để người dân truy cập vào và thực hiện thanh toán.

Tin nhắn hoặc cuộc gọi thường có nội dung như: "Thông báo tiền điện của bạn tháng này chưa thanh toán. Vui lòng thanh toán qua tài khoản ngân hàng dưới đây để tránh bị cắt điện" hoặc "Hệ thống ghi nhận hóa đơn điện của bạn chưa thanh toán. Để tránh cắt điện, vui lòng thanh toán ngay".

Sau khi gửi tin nhắn hoặc gọi điện, kẻ lừa đảo có thể gửi đường dẫn đến website thanh toán giả mạo (hoặc ứng dụng giả mạo của công ty điện lực) để khách hàng truy cập vào.

Khi người dân nhập thông tin tài khoản ngân hàng, mã OTP, hoặc các thông tin cá nhân vào, kẻ lừa đảo sẽ chiếm đoạt được tiền và thông tin của họ. Để làm tăng độ tin cậy, đối tượng lừa đảo còn điều tra tên, địa chỉ, hoá đơn điện... của khách hàng được đánh cắp từ các nguồn khác.

Tinh vi hơn, chúng còn gửi mã QR thanh toán được thiết kế tinh vi với logo của Tổng Công ty điện lực EVN, khiến nạn nhân không chút nghi ngờ, thực hiện quét mã với số tiền được đối tượng nhập sẵn.