Trước những ý kiến trái chiều, Ban tổ chức chương trình đã có phản hồi chính thức về vấn đề này. Theo đó, Vietnam’s next top model là chương trình đã được Công ty Multimedia JSC mua bản quyền sản xuất và phát sóng từ format nổi tiếng toàn cầu America’s Next Top Model. Chương trình Người mẫu Việt Nam – Vietnam’s next top model đã được sản xuất và phát sóng trên kênh VTV3 Đài Truyền hình Việt Nam từ năm 2010.
Bất kỳ quốc gia nào khi mua bản quyền format next top model từ công ty CBS – đơn vị nắm bản quyền toàn cầu của format nổi tiếng này, thì họ đều được chuyển giao cuốn Sổ tay hướng dẫn sản xuất (Production Bible) trong đó tập hợp tất cả những chủ đề đào tạo, thử thách, chụp hình mà phiên bản next top model khắp nơi trên thế giới đã đặt ra cho các thí sinh. Đây được xem là cẩm nang sản xuất, là tài liệu mà các nhà sản xuất có thể chia sẻ ý tưởng, học hỏi lẫn nhau nhằm mục đích chung là mang đến cho khán giả mỗi nước một chương trình next top model hấp dẫn nhất. Tuy nhiên, do sự khác biệt về văn hóa từng nước nên mỗi quốc gia có quyền lựa chọn sử dụng lại hoàn toàn các ý tưởng của nước khác, hoặc biển đổi linh hoạt cho phù hợp với nền văn hóa của quốc gia mình.
Chính vì vậy, việc chương trình Vietnam’s next top model hay rất nhiều phiên bản next top model khác trên thế giới có chung một chủ đề đào tạo, chụp hình dành cho thí sinh là điều rất dễ hiểu bởi tất cả các thử thách trên đều xoay quanh những kiến thức và kỹ năng cơ bản, cần thiết của một người mẫu chuyên nghiệp như: kiến thức về trang điểm, chăm sóc cơ thể, chăm sóc da và tẩy lông trước mỗi buổi chụp hình (Philippines, Nga, Anh, Đức, Mỹ); kỹ năng catwalk; kỹ năng biểu cảm và tạo dáng trước ống kính; kỹ năng tiếp xúc với báo chí và công chúng; kỹ năng diễn xuất; kỹ năng gặp gỡ, thuyết phục các công ty đào tạo và quản lý người mẫu; kỹ năng đóng quảng cáo....
Ngoài những kỹ năng rất cơ bản nói trên của của người mẫu, tất cả thí sinh tham gia các phiên bản next top model trên thế giới còn được học các kỹ năng nâng cao để rèn luyện bản lĩnh nghề nghiệp và khả năng xử lý tình huống thông minh trong mọi trường hợp như: kỹ năng catwalk trên những địa hình phức tạp; chụp hình với động vật; chụp hình trên cao. Có thể kể ra rất nhiều phiên bản next top model có chung những chủ đề này, ví dụ như chủ đề chụp hình với rắn. Chủ đề này không những được lặp lại ít nhất trong 3 mùa của phiên bản Mỹ (mùa 1, mùa 7, và mùa 20), mà còn có thể bắt gặp ở những phiên bản khác nhau của Hi Lạp, Việt nam, và Philippines. Phiên bản Mỹ (mùa 20) và Đức cũng chung nhau ý tưởng chụp hình với hổ. Ở những nước khác, thí sinh có thể được yêu cầu chụp cùng hổ, nhện, kỳ đà, cá sấu... Ý tưởng chụp hình trên không cũng được lặp lại tại một số nước. Thậm chí tại Đức (mùa 4) và Mỹ (C11) còn có concept chụp hình gần như giống nhau 100% khi người mẫu được đu trên một chiếc thang kéo bởi khinh khí cầu.
Ý tưởng chụp hình treo người mẫu trên cao cũng được lặp lại với phiên bản Việt Nam (mùa 1, mùa 3), Canada (mùa 3), Mỹ (mùa 9). Một ý tưởng được đụng hàng nhiều nhất ở các phiên bản trên toàn cầu có lẽ là ý tưởng chụp hình dưới nước, bao gồm Mỹ (mùa 11, mùa 13), (mùa 6, mùa 7), Hàn Quốc, Anh quốc, Australia (mùa 7), Asia’s next top model (mùa 1), Việt Nam (mùa 2). Tuy nhiên, ngoài những chủ đề chung nói trên, ekip sản xuất của chương trình vẫn luôn cố gắng tạo ra sự khác biệt của phiên bản Việt với các phiên bản khác, như việc Việt hóa phần đào tạo catwalk với những thử thách mang đặc trưng của văn hóa Việt Nam như đi trên cà kheo, luyện giữ thăng bằng khi đi trên cầu khỉ, hay những chủ đề chụp hình phản ánh văn hóa Việt Nam như chụp cùng áo tứ thân (chủ đề Hồn Việt).