Bạn “vá”!

Trần Thụ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-Sinh thời thày tôi rất đông bạn. Đó là những người lính chung chiến trận thời Tây Tiến, đó là những người đồng trang lứa, những người ông quen (và quen ông) trong quá trình thày bôn tẩu ngược xuôi kiếm tiền nuôi 6 anh em tôi bà vợ nay ốm - mai đau thời “củi châu gạo quế”.

Trong số bạn bè của thày, có người ông coi như anh em ruột, ngọt bùi đắng cay đều có nhau. Lúc khó khăn, miếng cơm, manh áo đều sẵn sàng chia sẻ, tình cảm anh em bạn bè của ông được duy trì và “lây” sang chúng tôi.

Có người dù lớn hơn, nhưng họ luôn gọi mẹ tôi bằng chị; con cái họ dù gấp đôi tuổi, nhưng vẫn xưng chúng tôi bằng anh. Giờ đây dù thày mẹ và bạn bè đã khuất núi, nhưng chúng tôi vẫn duy trì quan hệ như anh em trong nhà, trên nhường, dưới kính. Sinh thời, anh cả tôi được tiếng là người đông bạn.

Gia cảnh ở quê thời trước những năm 90 của thế kỷ trước, đói là chính ấy thế nhưng nhà anh không mấy khi vắng bạn. Sang thì dăm chén rượu “cỏ” với con cá khô, củ lạc luộc, “hèn” cũng ấm chè xanh, điếu thuốc lào. Ấy vậy nhưng trong căn nhà lá, không mấy khi vắng tiếng cười của anh và bầu bạn.

Cách nay hơn 10 năm anh tôi qua đời, vài giỗ đầu vẫn còn bạn đến thắp nén nhang, nhưng càng về sau, càng thưa nhặt và gần đây thì mất hẳn. Vậy nên khi còn sống, mẹ tôi thường hay đùa, anh mày bạn ít - bè thì nhiều…

Đấy là chuyện của gia đình, còn dưới đây là chuyện xã hội. Hàng xóm của tôi tên là Thập, do dốt nên sự học chỉ dừng lại ở mức… “một nửa 12” (tức là lớp 6). Sau mười mấy năm lang bạt trong Nam, ngoài Bắc giờ ông Thập thành đại gia, có trong tay một tập đoàn đa lĩnh vực, doanh số nghìn tỷ với hàng vạn công nhân. Căn biệt thự hàng trăm tỉ ven đô của ông tường cao hào rộng, luôn có bảo vệ canh cửa, trong nhà kẻ hầu, người hạ…

Xin nói thêm một chút, hồi nhỏ vốn ngỗ ngược nên ông Thập bị người trong làng ghét lắm, những gia đình có con bằng lứa đều răn phải tránh xa. Nhưng giờ ông phú quý, vậy nên đám đồng trang lứa đâm nể. Mỗi khi chiếc Rolls Royce về làng, người ta chỉ biết đứng từ xa mà “tám” chuyện, trầm trồ.

Vốn hào phóng nên khi của ăn, của để có thừa, ông Thập đối xử rất rộng rãi với người trong họ, ngoài làng. Dân gian vốn “thấy người sang, bắt quàng làm họ”; nhiều kẻ trước đây coi Thập chẳng ra gì, nay thấy ông phú quý thì lân la làm thân, bắt bạn…

Ban đầu ông Thập ứng xử rất đàng hoàng, ai thiếu tiền - cho vay, ai khó khăn trong công việc thì giúp đỡ. Thấy ông giàu nên nhiều kẻ chày bửa, vay thì thật đấy, nhưng trả thì dây dưa, mè nheo, ỉ ôi mọi nhẽ, nên tỷ phú đâm ra cảnh giác.

Tần suất về làng của ông Thập giảm dần, khách trong quê ra tổng hành dinh bị tra hỏi rất kỹ… Bữa nọ có người trong làng ghé dinh, vì đã được dặn dò từ trước nên bảo vệ hỏi vị khách nọ quan hệ với ông Thập thế nào để vào xin phép chủ tịch. Ông khách (nói với bảo vệ) là bạn học cấp 3 với ông Thập hồi xưa, nể tình tay bảo vệ mời vị khách ngồi chờ để y vào bẩm tấu.

Lát sau với sắc mặt hầm hầm, tay bảo vệ nói với vị khách: Tôi vừa vào bẩm ông Thập, ông ấy bảo đã đi học cấp 3 bao giờ đâu mà có bạn. Ê mặt quá, vị nọ đành rút lui. Từ đấy đám “bạn vá” thuở thiếu thời không dám đến làm phiền vị đại gia của làng tôi nữa!

Đọc tiếp

Kinh tế đô thị cuối tuần