Do đó, khi nói về căn cứ phát sinh, phải liệt kê cả căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường khi tài sản gây thiệt hại. Tuy nhiên, dự thảo chỉ đề cập đến căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại do hành vi gây ra (Điều 607, Căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại). Đối với căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại do tài sản gây ra lại quy định riêng tại Điều 611. Việc tách bạch như vậy là không cần thiết, đồng thời nó khiến cho nội dung của Điều 607 không phù hợp với tiêu đề. Theo quan điểm của chúng tôi, nên ghép Điều 611 vào Điều 607. Cũng theo Điều luật này, chỉ khi các lợi ích của cá nhân hoặc pháp nhân bị xâm phạm thì mới làm phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Vậy nếu các lợi ích của hộ gia đình hoặc tổ hợp tác bị xâm phạm thì trách nhiệm bồi thường có đặt ra không? Rõ ràng là vẫn phát sinh trách nhiệm bồi thường nếu các lợi ích của hộ gia đình, tổ hợp tác bị xâm phạm. Chúng tôi kiến nghị thêm cụm từ “và các chủ thể khác” sau cụm từ “tài sản của pháp nhân”. Như vậy, Điều 607 dự thảo nên được thiết kế lại như sau: Người nào có hành vi trái pháp luật xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của cá nhân, xâm phạm danh dự, uy tín, tài sản của pháp nhân và các chủ thể khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường. Chủ sở hữu, người chiếm hữu tài sản có nghĩa vụ bồi thường cho người bị thiệt hại về những thiệt hại do tài sản của mình gây ra, trừ trường hợp quy định tại Điều 388 của Bộ luật này. Theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 616, chỉ những người đã thành niên không có khả năng lao động được hưởng tiền cấp dưỡng cho đến khi chết. Vấn đề cần đặt ra đó là nếu người chưa thành niên hoặc người đã thành thai là con của người chết và còn sống sau khi sinh ra nhưng bị tàn tật hoặc mắc các bệnh tâm thần bẩm sinh nên cũng không có khả năng lao động thì việc bồi thường thiệt hại vẫn áp dụng theo điểm a hay phải áp dụng theo điểm b khoản 2 này? Rõ ràng là rất vô lý nếu con đã thành niên không có khả năng lao động được hưởng tiền cấp dưỡng cho đến khi chết mà con chưa thành niên không có khả năng lao động lại chỉ được hưởng tiền cấp dưỡng cho đến khi mười tám tuổi. Do đó, cần sửa đổi điểm b khoản 2 Điều này như sau: “Người không có khả năng lao động và người đã thành thai là con của người chết và còn sống sau khi sinh ra nhưng cũng không có khả năng lao động được hưởng tiền cấp dưỡng cho đến khi chết”. Theo khoản 2 Điều 619, chỉ những người cố ý dùng rượu hoặc chất kích thích khác làm cho người khác lâm vào tình trạng mất khả năng nhận thức và làm chủ được hành vi của họ mà gây thiệt hại thì phải bồi thường cho người bị thiệt hại. Tức là nếu người đó vô ý thì người đó không phải bồi thường. Vậy, trong trường hợp này ai sẽ bồi thường? Người gây thiệt hại chăng? Hay người bị thiệt hại phải chịu rủi ro? Nếu bắt người gây thiệt hại phải bồi thường sẽ không hợp lý, bởi vì họ đâu có lỗi trong việc gây thiệt hại, hơn nữa, họ cũng không phải là người chủ động trong việc dùng rượu hoặc chất kích thích khác. Nếu bắt người bị thiệt hại phải chịu rủi ro cũng không hợp lý. Bởi, nếu đã gọi là rủi ro thì không thể có lỗi của bất kỳ chủ thể nào. Tuy nhiên, người dùng rượu hoặc chất kích thích khác làm cho người khác lâm vào tình trạng không có khả năng nhận thức và làm chủ được hành vi của mình vẫn có lỗi vô ý, tức là không thể coi là rủi ro. Hơn nữa, nếu quy định như vậy sẽ không phù hợp với các quy định khác, như khoản 2 Điều 608 dự thảo thì lỗi vô ý chỉ là căn cứ để có thể được giảm mức bồi thường chứ không thể là căn cứ để loại trừ trách nhiệm bồi thường. Do đó, chúng tôi kiến nghị sửa khoản 2 Điều 619 dự thảo như sau: Khi một người có lỗi trong việc dùng rượu hoặc chất kích thích khác làm cho người khác lâm vào tình trạng mất khả năng nhận thức và làm chủ được hành vi của họ mà gây thiệt hại thì phải bồi thường cho người bị thiệt hại”